Truyện ngắn Nước chảy về nguồn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tôi thường nhắc về Việt Nam với anh, nói rằng dù đi bất cứ nơi nào trên cõi đất này, tôi cũng mang trong tim mình một tình yêu dải đất hình chữ S...

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Sống ở đất nước xa xôi phía trời Tây, được tiếp cận nền văn minh hiện đại bậc nhất thế giới, thế nhưng lúc nào tôi cũng dõi mắt về Việt Nam. Mỗi lần đi dạ tiệc với anh, thay vì mặc dạ hội hay những trang phục khác, tôi lại khoác lên mình bộ áo dài truyền thống, tóc xõa bồng bềnh.

Anh khen tôi đẹp nhưng tôi nói “người đẹp vì lụa”. Người con gái Việt Nam xinh đẹp vì có tà áo dài thướt tha duyên dáng.

Những kỳ nghỉ dài, anh ngỏ ý đưa tôi đi du lịch.

- Em muốn đi đâu? Một vịnh biển nào đó nổi tiếng được nhắc đến trong văn chương hay hội họa nhé!” - Anh đề xuất.

Tôi trù trừ suy nghĩ. Cuối cùng, tôi chốt hạ cuộc thảo luận bằng hai tiếng: “Việt Nam”.

- Kỳ nghỉ nào chúng mình cũng về Việt Nam, biết bao nhiêu tỉnh thành mình đã đi qua cả rồi, em vẫn chưa chán sao? - Anh hỏi tiếp. Nhưng tôi biết hỏi thì hỏi vậy thôi, anh luôn chiều chuộng tôi mọi điều. Bởi thế, với anh, ngoài tình yêu thì tôi còn đối đãi bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc.

Tôi nhìn anh, mắt tôi long lanh. Bao giờ nghĩ về Việt Nam, tôi cũng thấy lòng mình lâng lâng khó tả.

- Làm gì có một ai cảm thấy phát chán khi quay trở về nơi chốn sinh thành của mình, hả anh?!

Anh ôm tôi vào lòng. Ngoài khung cửa, mùa bạch dương trút lá.

*

Chúng tôi gặp nhau vào một chiều mùa Đông lạnh. Khi tôi đến với anh, cả hai đều đã một lần đổ vỡ trong tình yêu. Vì lẽ đó mà anh luôn thấu hiểu tôi, yêu tôi bằng những kinh nghiệm rút ra từ cuộc tình trước đó.

Chúng tôi rất hợp ý nhau. Sau mấy năm vất vả học tập và trong đầu lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về các khoản phí sinh hoạt của một du học sinh, nỗi nhớ mẹ từng sớm từng chiều lam lũ trên cánh đồng dưới chân núi một tỉnh lẻ miền Trung nước Việt, cuối cùng tôi cũng đã cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc.

Với trình độ, bằng cấp như thế, tôi hoàn toàn có thể tìm được một công việc với đồng lương hậu hĩnh tại Việt Nam.

Và rồi anh ngỏ lời yêu tôi. Và rồi tôi cũng gật đầu đồng ý, vì tôi nhìn thấy sự nghiêm túc và đáng tin trong mắt anh. Mẹ ủng hộ quyết định của tôi, dù rằng mẹ rất buồn khi tôi lớn lên như cánh chim trời bay đi mải miết. Tôi kể cho mẹ nghe về anh. Mẹ luôn có niềm tin tôi sẽ được hạnh phúc trong đời và thành công trong công việc đã chọn.

“Cứ an tâm ở bên đó, mẹ tự lo được, khi nào rảnh rỗi thì về đây thăm mẹ. Bây giờ chứ có phải như hồi xưa đâu, ngồi máy bay một lúc là tới chứ gì” - Mẹ nói vậy. Tự dưng nước mắt tôi lã chã rơi. Mẹ nói vậy vì mẹ chưa đi máy bay lần nào.

Tôi với anh, hai người - hai quốc tịch khác nhau cùng sinh sống và làm việc ở thành phố hiện đại phương Tây. Những kỳ nghỉ, tôi thường đưa anh về Việt Nam và anh cũng đưa tôi về miền quê có loài hoa anh đào nở rộ mỗi mùa Xuân đến.

Bằng tất cả trí lực, chúng tôi đều tìm được cho mình những công việc phù hợp với bản thân, đúng với khao khát mà tôi từng ấp ủ trong tim một thời trẻ dại. Chúng tôi say sưa lao động và xây đắp cuộc sống, lúc nào cũng thấu hiểu, thông cảm và tử tế với nhau.

Anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ yêu một cô gái Việt Nam, và tôi cũng chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện mình đem lòng thương một chàng trai ngoại quốc, bất đồng ngôn ngữ, văn hoá, phong tục… Đời là những chuỗi ngày đầy bất ngờ khiến chúng ta không thể lường trước được.

Cũng như ngày ấy, đâu ai trong cái làng nhỏ ven chân núi nghĩ rằng một đứa trẻ mồ côi ba như tôi, suốt ngày lội đồng mò cua bắt ốc đến tay chân đầy sẹo, có khi vì nghèo quá định bỏ học giữa chừng… lại trở thành một du học sinh và còn làm việc trong môi trường tiên tiến trên đất nước xa lạ.

*

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đưa anh về Việt Nam, anh rất thích thú. Lần đó, tôi quyết định đưa mẹ tôi và anh ra thăm Hà Nội, rồi từ Hà Nội đi tàu ngược vào Sài Gòn để mẹ và anh được nhìn ngắm vẻ đẹp mỹ lệ của đất nước mình.

Trong những nơi được đến, với mẹ và anh, Hà Nội là nơi đẹp nhất. Hà Nội trở thành niềm khao khát cháy bỏng của tôi - một người con của miền nắng gió - từ thuở tôi còn bé xíu.

Mỗi lần trông thấy Hà Nội trên tivi, phim ảnh hay qua những vần thơ đẹp, một Hà Nội lãng mạn và vương tình lại hiện lên trong tâm trí của tôi. Mãi sau này lớn lên tôi mới đặt chân đến Hà Nội. Và mẹ tôi thì đến khi tóc bạc da mồi. Cảm xúc đầu tiên khi mẹ tôi giáp mặt với Thủ đô là sự xúc động tột cùng, một nỗi rưng rưng trong tâm hồn. Mẹ và tôi như được trở về với nguồn cội của chính mình, cũng là cái nôi của văn hóa dân tộc.

Đi trong lòng phố cổ, tôi lắng đọng tim mình nghe tiếng thở của thời gian, tiếng quả tim mẹ tôi đập nhẹ nhàng và đều đặn trong lồng ngực, của những rêu phong phủ trùm lên từng mái ngói thâm u, nếp tường, ngõ nhỏ. Chiều hồ Gươm sương mờ giăng lối, Tháp Rùa trầm tư nhắc chuyện một thời xa. Đêm nồng nàn hồ Tây, bóng trăng ngà soi xuống làn nước long lanh u huyền, tôi đã đứng bên bờ và hát lâm râm những bản tình ca về Hà Nội.

Phố trầm mặc pha lẫn hiện đại, đông đúc nhưng chẳng mấy vội vàng. Mấy mẹ con tôi tìm ra bờ sông Hồng trước khi hoàng hôn buông xuống, từ bãi bồi nhìn cầu Long Biên vắt ngang qua con sông đỏ ngầu phù sa mà thấy lòng bình yên, thênh thang mây gió. Tôi hiểu rằng sông Hồng chính là người mẹ từng ngày từng giờ nuôi sống Thủ đô nước Việt.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Đó là ước mơ cả đời của mẹ tôi - người đàn bà đã không chấp nhận đi thêm bước nữa vì sợ người khác sẽ ăn hiếp con mình, một mình còng lưng nuôi tôi khôn lớn.

Lúc ngồi trên tàu, nhìn biển xanh cát trắng, nhìn núi non hùng vĩ ngoài ô cửa, mẹ tôi trầm trồ, còn anh thì tấm tắc khen, bằng một giọng Việt Nam lơ lớ: “Việt Nam đẹp quá!”. Còn tôi, bấy giờ trong tim xen lẫn hai xúc cảm, xúc động lẫn tự hào. Đất nước tôi đẹp như thế, hỏi sao khi xa tôi lại nhớ đến nao lòng.

Khi tàu đi ngang qua ngôi làng nhỏ ven chân núi của tôi, mẹ tôi quýnh lên:

- Hoài ơi, làng mình kìa, ruộng mình kìa, chân núi chỗ mẹ hay ra lấy củi kìa… Hoài ơi!

Tôi nhớ lại cái thuở ban sơ mình theo mẹ lên thành phố, thấy gì lạ lạ, khác xa cái làng quê nghèo khổ của mình, tôi cũng reo lên như thế! Nước mắt tôi cuộn trào.

Những kỳ nghỉ sau đó, tôi cũng thường đưa anh về Việt Nam. Không biết anh có chán hay không, chứ trong tôi, Việt Nam chẳng bao giờ chán cả.

Nhìn cảnh sắc trù phú, lãng mạn của đất nước mình từ Bắc chí Nam, cảnh Tây Bắc nghìn trùng, Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ, biển xanh mênh mông, mũi Cà Mau lấn biển… tôi thấy trái tim tôi ngập tràn yêu thương. Mọi nỗi buồn đã qua bỗng chốc biến tan nhường chỗ cho niềm hạnh phúc đong đầy. Tâm hồn tôi như được chữa lành và năng lượng như được tái tạo trong con người của cô gái da vàng đầy khát khao, mơ ước.

Tôi chợt nhớ những ngày đầu mình đi nước ngoài du học, có lần thấy ai đó mặc áo dài, ai đó có màu da vàng, hát một bài hát tiếng Việt Nam, tôi đã đuổi theo và bắt chuyện. Chỉ cần như thế thôi tôi cũng thấy nỗi nhớ quê nhà vơi bớt phần nào.

*

- Anh này! Nếu một ngày em quyết định về Việt Nam ở luôn, anh có buồn hay không?

Tôi hỏi và rồi lại thấy câu hỏi của mình thật ngô nghê. Làm sao không buồn cho được khi chúng tôi yêu nhau bằng tình yêu nồng cháy, đã từng gắn bó với nhau, chia ngọt sẻ bùi và hiểu hết về nhau. Nhưng tôi biết rằng, một ngày nào đó, tôi cũng phải quay về Việt Nam để sống tiếp những tháng ngày sau đó. Làm sao tôi có thể ở hoài trên một đất nước xa lạ không phải nơi chôn nhau cắt rốn của mình, không có mẹ, không có mồ mả tổ tiên để tôi nhận diện cội nguồn?

Và anh cũng thế!

Anh ngồi suy nghĩ một lúc lâu. Nét buồn hiện ra trên khuôn mặt và trong lòng mắt của anh.

Rồi anh bất chợt bước đến bên tôi, ôm tôi từ phía sau. Khi đó tôi đang dõi mắt theo những đợt lá bạch dương bứt cành rơi xuống mặt đường tất tả.

- Hoài, anh sẽ về Việt Nam với em!

Tôi trố mắt nhìn anh. Lúc đó, tôi chẳng biết anh đang nói thật hay chỉ để lòng tôi dịu lại. Vì tôi hiểu rằng, không ai dễ dàng từ bỏ quê hương mình.

Nhưng anh nói tiếp:

- Anh luôn muốn chúng ta sẽ gắn bó với nhau trọn đời. Từ khi yêu em, anh đã yêu luôn đất nước của em, yêu Việt Nam mất rồi!

Tôi xúc động ôm chầm lấy anh. Không biết rằng những chuỗi ngày tiếp đó sẽ ra sao, nhưng khoảnh khắc này đây, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Tôi thầm cảm ơn sự bao dung và lòng nhân hậu của anh.

*

Một ngày mùa Hạ, chúng tôi về Việt Nam.

Ở Việt Nam lúc này đang bắt đầu những đợt mưa hè xối xả xoá tan cái nóng hầm hập từ sáng đến tối mịt tối mờ. Con bé hàng xóm đưa mẹ ra sân bay đón chúng tôi. Mẹ tôi vui lắm khi tôi về Việt Nam sinh sống, dù không phải ở hẳn cái làng nhỏ bình yên nơi từng nuôi nấng tôi cả về thể xác lẫn tâm hồn, nhưng dù sao đi nữa tôi cũng được sống trên đất nước hình chữ S xinh đẹp của mình, được tiếp xúc với những người có tâm hồn mộc mạc, chân phương xứ mình, được gần gũi mẹ tôi để bù đắp những tháng ngày xa cách.

Mẹ ôm tôi vào lòng. Cảm giác trong lòng mẹ luôn là cảm giác bình yên nhất đối với những đứa con.

Ngồi trên taxi về làng nhỏ ven chân núi, ấn nút để cửa kính tuột xuống, gió lồng lộng vào trong xe, tôi thấy hồn mình lâng lâng. Một niềm hạnh phúc dâng trào khó tả. Anh siết chặt tay tôi. Tôi choàng tay mình sang tay mẹ. Mẹ hiền từ nhìn tôi.

Tôi nhận ra mẹ tôi đã già đi rất nhiều, như một ngọn đèn leo lét trước gió. Nếu tôi không về Việt Nam sớm hơn dự tính, có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ ân hận vô cùng. Tôi tựa đầu vào vai mẹ. Giấc ngủ vội vàng ập đến, tôi bồng bềnh trong một cơn mơ lành.

*

Mãi đến bây giờ, thi thoảng tôi vẫn hỏi anh rằng:

- Anh có hối hận không khi theo em về Việt Nam, làm “người Việt Nam”?

Anh cười trìu mến:

- Đến thời điểm hiện tại, anh đã yêu một cô gái Việt Nam và đã sống trên đất nước Việt Nam, tiếp xúc với con người Việt Nam, am hiểu về văn hoá Việt Nam… thì nơi đây chính là quê hương của anh rồi!

Tôi hôn lên má anh. Bao giờ anh cũng đối đãi tốt với tôi. Tình yêu của chúng tôi chẳng cần phải lãng mạn ngôn tình, cũng không cần màu mè hoa lá. Chỉ đơn giản là sự thấu hiểu, yêu thương và niềm tin. Những điều ấy có giá trị hơn nhiều!

Tôi mở bản nhạc Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, lẩm nhẩm hát theo. Những câu hát thả vào lòng tôi niềm thương nỗi nhớ, niềm tự hào vô ngần: “Việt Nam yêu dấu xanh xanh luỹ tre/ Suối đổ về sông qua những nương chè/ Dòng suối cuốn dồn về biển cả/ Lứa thanh niên vui thoả cuộc đời/ Mùa Xuân tới nguồn sống đang sục sôi/ Đất nước tôi Việt Nam sáng ngời”…

Việt Nam trong trái tim tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.