(Thân tặng cô trò nhỏ)
Diệu đưa mắt ngước lên nhìn cô bắt gặp cái nhìn âu yếm vừa như thấu hiểu lại hết sức cảm thông. Nó chợt thấy một tia ấm áp trong lòng như tia nắng vàng trong mùa Đông giá lạnh. Cũng đã lâu rồi, không ai đối xử với nó như vậy cả. Nó khẽ khàng:
- Em sẽ cố cô à!
- Cô tin em nhất định sẽ làm được. Cố gắng nhé!
Cô chủ nhiệm động viên Diệu ôn tập thật tốt để thi đợt giải Toán qua mạng cấp tỉnh sắp tới ở phòng tin của nhà trường.
Hoàn cảnh nhà Diệu không có điều kiện như bao gia đình các bạn cùng khối lớp. Nhiều lúc Diệu nản muốn bỏ cuộc nhưng lại không muốn phụ lòng mong mỏi của cô nên cố gắng. Và một điều nữa, Diệu muốn mang niềm vui đến cho mẹ.
Suốt ngày mẹ lặng lẽ như một chiếc bóng câm lặng, sống tách biệt hẳn với hàng xóm, láng giềng. Sự xa lánh, kì thị của cộng đồng chung quanh khiến mẹ con Diệu sống ẩn dật như những kẻ tội phạm, mặc dù cả mẹ và em gái không làm nên nguồn cơn để có mầm bệnh thế kỉ trong người.
Mẹ và bé Linh hàng ngày vẫn phải sống trong sự đấu tranh với thái độ của mọi người, với bệnh tật. Năm học lớp Chín này, nhất định, Diệu phải cố gắng mang về giấy khen như những năm học trước để được nhìn thấy mẹ cười...
Từ ngày Linh chào đời thì cả làng, cả xã biết mẹ và Linh bị AIDS. Hôm đó là một ngày mưa rét cắt da cắt thịt trong tiết đại hàn của mùa Đông giá lạnh.
Bố mất trong một lần chích thuốc bị sốc. Nỗi đau chưa nguôi ngoai, mới gần ba mươi tuổi trở thành góa phụ thì một bất hạnh khác ập đến khi biết mẹ và Linh mang án tử, lúc mẹ sinh em bệnh viện làm xét nghiệm máu. Số phận liên tiếp đổ bất hạnh xuống ngôi nhà nhỏ ven cánh đồng của Diệu.
Quá khứ xa xăm dội về bỏng rát. Bố và mẹ chỉ làm ruộng quanh năm quen với chân lấm tay bùn. Dạo đó, bố muốn xây cất ngôi nhà tầng tử tế thay cho ngôi nhà cấp bốn đã cũ nát mà hai người đã dành dụm mua được để mỗi mùa bão nổi không phải lo lắng chống bão nữa.
Bố mang hết những đồng tiền tích góp được chung vốn đi buôn hàng lên mạn ngược. Chuyến đầu thì lãi lớn, chuyến sau bố vay mượn thêm. Ai ngờ, buôn toàn hàng trốn thuế bị công an phát hiện nên mất hết. Bố ở lại trên đó đi làm mướn với hi vọng sẽ trang trải được phần nào nợ nần.
Rồi bố bị bạn xấu rủ rê. Xa gia đình, cô đơn nơi đất khách, chán chường vì nợ nần bố theo bạn nghiện ma túy lúc nào không hay.
Biết chuyện, mẹ phải lên đó năn nỉ mãi bố mới về quê cai nghiện. Mỗi lần cai là một lần mẹ hi vọng để rồi mãi mãi thất vọng với những cơn thèm thuốc của bố nổi lên. Đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi, ngay cả chiếc quạt máy cũ rích cũng theo ống xi lanh mà bố dùng.
Bố đâu biết mình mang virus HIV nên bố mới động viên mẹ sinh thêm “cu tí” cho bố để vui thì bố sẽ quyết tâm cai nghiện. Vậy là bố vô tình truyền bệnh cho mẹ, cho Linh...
Ảnh minh họa: ITN. |
Ngày mẹ đón Linh chào đời lạ thay mẹ không khóc. Ngoại bảo, mẹ trơ cứng với nỗi đau thương rồi nên mẹ không còn cảm giác đớn đau nữa. Lúc bố mới mất, bà nội hay đến nhà mắng mẹ, đổ lỗi cho mẹ gây nên cái chết của bố. Vì mẹ muốn ở nhà đẹp nên nội mới mất đi đứa con trai vốn thương nội từ bé và rất hiếu nghĩa.
Họ hàng không một ai dám nhìn mặt thằng bé và tỏ thái độ sợ sệt khi đến gần. Mới bốn giờ sáng chưa rõ mặt người, mẹ đã có mặt trên ruộng rau muống. Rau mẹ trồng dù ngon, sạch đến thế nào đi chăng nữa nhưng người làng không ai dám mua. Họ sợ lây bệnh. Vậy nên mẹ phải đi chợ xa bán.
Còn ruộng lúa, khi gặt xong không ai dám đánh máy xuống ruộng cày thuê cho như bao nhà khác. Họ sợ lội xuống ruộng không may bị nhiễm loài virus độc ác ấy. Mẹ phải bươn bả làm tất cả những việc ấy một mình. Gần một mẫu ruộng lại mấy sào rau màu, mẹ làm như thể chưa bao giờ được làm việc. Mẹ làm như thể chẳng bao giờ được làm việc nữa.
Ba năm sau ngày bố mất, mẹ cũng trang trải được gần hết nợ nần nhưng sức khỏe mẹ suy kiệt dần. Rồi một ngày, mẹ bị ngất xỉu trên cánh đồng. Người nọ đùn đẩy người kia, không ai dám đưa mẹ ra trạm xá cấp cứu.
Mãi sau rồi mẹ cũng tỉnh. Lần ấy, mẹ phải lên viện tỉnh điều trị và bà ngoại đi theo chăm sóc. Chị em nó được gửi sang nhà nội. Mẹ òa khóc khi từ trên viện về nhà thấy Diệu đang dỗ cho em Linh ăn ở góc sân.
Nó muốn giấu mẹ không muốn mẹ buồn nhưng Linh thì vô tư khoe hết. Hàng ngày, đến bữa, nội mang cho hai chị em một tô cơm trộn lẫn thức ăn để ở cổng. Diệu thấy bà tới thì ra lấy mang vào nhà ăn. Một mình Diệu vừa tắm rửa, vừa thay mẹ ru em ngủ. Lúc ấy, nó chuẩn bị vào lớp Một nhưng mẹ đã dạy cho biết cách chăm em để tránh lây nhiễm sang mình.
- Khổ thân các con tôi. Sao sống không bằng chết thế này hả trời?
Mẹ gào lên cay đắng rồi ôm hai đứa con thơ bé vào lòng. Lúc ấy, nó đâu hiểu hết những gì chua xót ẩn giấu trong từng lời nói xót đau của mẹ. Linh đi học mẫu giáo, cô giáo không dám nhận vì phụ huynh khác phản đối dữ quá. Họ sợ con họ sẽ bị lây nhiễm AIDS vì tụi nhỏ còn quá bé chưa ý thức được để phòng tránh.
Linh quanh quẩn chơi ở sân nhà. Nếu có vào nhà ai đó chơi cũng bị họ giục về. Linh mắc bệnh sợ người. Cứ thấy người là em chạy vào góc nhà để ẩn.
Mỗi một mùa Hè đến, nó thường rủ em trèo cổng sau vào trường mầm non để chơi. Linh vô cùng thích thú với những bức tranh vẽ trên tường. Linh khao khát đi học.
Hai chị em thường chơi dưới gốc cây phượng vĩ. Nó dạy em lúc thì lấy hoa chơi đá gà, lúc thì kết hoa thành một vòng chơi công chúa hoàng tử. Linh rất thích Hè đến và nó thường chờ đợi. Một nỗi chờ đợi cháy khát mỗi khi nhìn tán phượng đơm nụ. Khi những cánh đỏ xòe ra gọi lũ ve về ca hát thì lúc ấy Linh được chơi đùa trong thế giới của mình mà hàng ngày em chỉ lặng lẽ nhìn các bạn tung tăng tới lớp.
Rồi Diệu lấy những cánh hoa rụng đỏ gốc cây dạy em ghép chữ. Tuổi thơ cứ thế trôi đi. Mãi sau này, Diệu mới hiểu, sự chờ đợi ấy là khát vọng tuổi thơ của em.
Ngày Linh nhận lớp Một, đám trẻ trong lớp ngồi dồn xo vào một chỗ ở một dãy bàn còn Linh thì một mình một dãy. Ánh mắt non nớt của đám học trò rất lạ lẫm, hình như chúng rất lo sợ điều gì đó ghê gớm lắm thì phải.
Hôm sau thì đồng loạt các bậc phụ huynh kéo tới lớp rồi gặp cô hiệu trưởng đề nghị được chuyển con họ sang lớp khác. Mặc dù cô chủ nhiệm lớp em đã giải thích cặn kẽ cho mọi người hiểu các con đường lây nhiễm HIV và hứa sẽ trông chừng các em cẩn thận. Linh nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt xanh xao níu áo cô.
Đôi mắt Diệu đầy nước khi nhìn em dúm dó như con mèo hen tội nghiệp trước bao ánh mắt sắc quánh, lạnh lùng xa lánh của người lớn. Cuối cùng, nhà trường vẫn nhận em vào lớp.
Ban giám hiệu gặp riêng những phụ huynh phản đối gay gắt nhất để thuyết phục bằng lời lẽ thấu tình đạt lí. Các thầy cô không nỡ chối từ ước mơ chính đáng của em là được học và liên hệ với Hội chữ thập đỏ của huyện hỗ trợ cho em một khoản tiền nộp học.
Ảnh minh họa: ITN. |
Những lời nói khó nghe đến tai mẹ, rằng em trước sau gì cũng chết, em sống cũng chẳng được là bao, chẳng tích sự gì... Và mẹ nhất quyết bắt em nghỉ học còn hai chị em mắt sưng đỏ cả lên. Cô giáo lại vào nhà động viên mẹ cho em đi học tiếp. Mẹ lấy vạt áo lau nước mắt:
- Làm vậy tôi cũng cực lòng lắm cô ơi. Những ngày tháng làm người của con tôi rất ngắn ngủi sao tôi lại không muốn con tôi được sống trong hạnh phúc cơ chứ?
Tấm lòng nhân ái của cô giáo đã được mọi người hiểu và sẻ chia. Cô là người chủ động mua rau của mẹ Diệu về nấu canh, mua gạo của mẹ Diệu về thổi cơm. Cô còn nhờ mẹ đến dọn nhà giúp khi cô ốm. Cô sẽ chịu trách nhiệm nếu như cô để sự lây nhiễm sang các bạn khác.
Cô ở bên Linh những lúc ở trường, giờ học, giờ chơi. Những xa lánh của người đời dần ngắn lại. Rồi những yêu thương của các bà mẹ dành cho Linh qua những món đồ họ cho cũng thấy ấm lòng. Khi thì quyển vở, cây bút hay bộ quần áo. Khi thì gói xôi đầu buổi học.
- Chị à. Tranh em vẽ có đẹp không?
Linh đưa bức tranh vừa vẽ đến trước mặt kéo nó ra khỏi dòng suy nghĩ trở về thực tại.
- Đẹp quá! – Diệu reo lên:
- Em chị giỏi quá!
Linh cười khi được chị khen. Nụ cười dù mệt mỏi nhưng tươi rói khiến nó thấy lòng mình vừa như bị ai đó châm một mũi kim. Những viên thuốc mà mẹ đưa Linh lên viện tỉnh khám mang về uống theo chỉ dẫn của bác sĩ đã dần không còn tác dụng với căn bệnh của Linh nữa.
Linh ham học vẽ và có mặt trong đội tuyển của trường mỗi dịp thi vẽ tranh. Lần này dù khá mệt nhưng em vẫn cố gắng. Những bức tranh Linh vẽ thường lấy gam màu đỏ làm chủ đạo. Cứ rực cháy một màu đỏ khát khao và cũng đầy nghị lực như chính em.
Tranh Linh vẽ phong cảnh thường rực rỡ một màu hoa phượng. Bức thì sân trường yên ắng chỉ có những cánh hoa biết nói. Hoa trên cây, hoa rơi xuống lòng đất vẫn căng mình sắc đỏ. Bức thì các bạn nhỏ đang chơi đùa cùng nhau. Diệu hiểu hình ảnh cây phượng ở sân nhà trẻ đã in đậm trong tâm trí của em.
Với em đó là khoảng trời riêng đẹp đẽ nhất mà em có được. Không ánh mắt dò xét, canh chừng. Không cả lời kì thị phải nghe khi chơi ở góc sân rực màu đỏ chói ngời đó.
Linh rất yếu không thể đến trường đi học được nên phải ở nhà. Bức tranh của Linh được giải Nhất huyện trong kì thi vẽ tranh dành cho học sinh có năng khiếu. Thầy hiệu trưởng treo ở phòng hội đồng.
Bức tranh vẽ các bạn chia tay nhau khi Hè đến. Các nét vẽ tinh tế, sắc đỏ hài hòa, màu tô mềm mại lại nói được khát vọng hòa nhập của em.
Ngày tổng kết cuối năm học, cô giáo và các bạn lại đến thăm và mang cho em phần thưởng. Em mừng lắm, nói cười vui vẻ. Cô quay đi lén lau giọt nước mắt khi nhìn em xanh xao, mệt mỏi. Khi cô ra về, Linh liền hỏi:
- Chị à! Sau này lớn lên chị sẽ làm gì?
- Chị sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho em và mọi người.
- Còn em thì muốn làm cô giáo nhưng em không thể thực hiện được điều đó rồi. Em tiếc quá!
- Em cố lên. Rồi em sẽ khỏe mà.
- Em biết bệnh của mình chị à. Chị có thể... – Linh ngập ngừng.
- Gì vậy Linh? Em nói đi.
- Chị có thể thực hiện ước nguyện làm cô giáo của em luôn yêu thương và chia sẻ với học trò của mình có được không?
Dòng nước mắt lăn dài trên má. Nó khe khẽ gật đầu. Linh cười. Nụ cười ánh niềm vui và hạnh phúc.
Đêm đó, Linh ra đi theo bố. Đám tang của em đầy hoa trắng. Nhưng trong số những vòng hoa trên mộ có một cành phượng vĩ nở đỏ thắm. Những cánh hoa như những cánh bướm đỏ rung rinh. Cô giáo đã lặng lẽ đặt lên mộ loài hoa mà em yêu thích.
Rồi mùa Hè năm sau nữa, mẹ cũng bỏ đi tiếp để lại Diệu một mình trong căn nhà tĩnh lặng và đầy nỗi buồn. Tưởng như đau thương mất mát sẽ đốn ngã nó. Những lúc buồn nhớ mẹ và em trai, Diệu thường ngắm những bức tranh Linh vẽ trên tường. Yêu thương từ một miền xa thẳm bùng cháy dữ dội và nó không cho phép mình nản chí. Nó lại mải miết ôn thi đại học.
Cầm giấy trúng tuyển đại học sư phạm trên tay, nó ào ra mộ mẹ và em thắp nhang. Diệu òa khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt đầm đìa, tay run run thắp nén nhang. Diệu tin dưới suối vàng bố mẹ và em Linh cũng sẽ rất vui.
Những mùa Hè tiếp theo Diệu không về quê mà ở lại thành phố làm thuê để kiếm tiền, lúc thì rửa bát thuê cho nhà hàng, lúc đi gia sư, lúc thì thu dọn nhà cửa. Diệu phải cố gắng nỗ lực hết sức để kiếm tiền trang trải cho việc học hành.
Số tiền mẹ dành dụm để lại Diệu không muốn dùng cho việc học mà để dành sau này sẽ xây mộ cho bố mẹ và Linh. Nhiều lúc, Diệu bật khóc khi nhìn dòng người tấp nập hối hả trên phố. Diệu thấy cô đơn bủa vây quanh mình.
Giọt nước mắt ứa ra. Diệu lao đầu vào học để lòng mình đỡ chông chênh và không còn thời gian nghĩ ngợi. Buồn quá thì lại đi dạo dưới phố. Những con phố rợp trời hoa phượng đỏ như nỗi niềm của Linh động viên nó cố gắng.
Rồi ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng tới. Diệu ra trường, xin việc đi làm cũng sẽ trở thành cô giáo. Nó nghĩ đến ngày sẽ có nhiều học trò nhỏ vây quanh mình và khẽ mỉm cười. Và đột nhiên hình ảnh gốc phượng già ở sân nhà trẻ nơi quê nhà hiện ra...