Truyện ngắn Nắng nhuộm màu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trời nắng nhạt, cái nắng gầy guộc leo chót vót lên ngọn cây nhãn già đầu ngõ.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Vài đọn gió ngang qua, vạt nắng chấp chới rồi đổ ụp xuống mặt đất, nơi có những trái nhãn non yếu ớt không trụ được rụng theo những trận mưa cuồng dữ dội của ngày hôm qua.

Bà lão càm ràm từ ngoài ngõ khi một tay mở cánh cổng sắt đã han gỉ, lỗ chỗ vết thời gian, một tay giữ cái gậy, ngoắc quai nón đã sờn ố màu nước lòng, mắt hiêng hiếng nhìn bầu trời mờ đục sắc chì không chút thiện cảm.

“Trời đất thật không thương nổi…”. Anh con trai lưng trần rám nắng, ngồi bên đám cúc tần sửa cái cần câu quăng để ngày mai lại ra sông Hồng câu cá, ca cẩm. Căn nhà có những mảng tường nham nhở rêu phong càng trở nên ảm đạm khi cái vạt nắng cuối ngày dần lụi tắt.

Bà già xem chừng khó ở chắc bởi cái thời tiết trái chứng cứ dở nắng, dở mưa này. Chắc vậy chứ không lẽ tại chưa quên cái vụ tẽn tò sớm nay, bà chống gậy đi tìm bà bạn trầu cau nối khố từ nhỏ, nửa đường cái đầu nặng trịch mới nhớ ra bạn già đã nhập “quốc tịch âm giới” từ bữa trước, cái bữa mà trời cũng xầm xì, ảm đạm như bữa nay?

Bần thần, bà chống gậy lọc cọc quay trở lại mà nghĩ sao cái cơ sự buồn bực quá thể! Bà ngộ ra là mình đã bị cái bà bạn nối khố gàn dở kia phản bội, bỏ rơi, “đi mà không nói lấy một lời”...

Bà buồn quá nên sinh ra càm ràm không ngớt. Giờ đây, bà chỉ còn biết ngồi một mình nhai miếng trầu bỏm bẻm nhạt thếch mà xem ra quên hết mọi chuyện đau lòng từ mấy hôm trước.

Đứa con dâu duy nhất của bà đã bỏ đi theo người khác, để lại thằng con trai bé bỏng, ốm yếu như một con chim non thiếu mẹ chăm mồi. Bà đang nghĩ sao cái cuộc đời nhiều khi ngán ngẩm như cái bã trầu vậy thì anh con trai đi vào. Đôi mắt anh tối sập trên gương mặt buồn hiu, lạnh lẽo:

- Cái con vợ mày nó đi đâu rồi?

Bà già hấp háy con mắt ướt nhoẹt hướng về phía con trai. Không thấy tiếng trả lời, bà nghĩ chắc tại cái nhĩ tai bất đắc dĩ của cái tuổi bảy mươi tám nó phản trắc mình cũng nên.

Còn Trọng, anh con trai bà lại đang mải mốt nghĩ về cái hàng rào dâm bụt xanh mướt ngoài ngõ, nơi mỗi chiều cứ lảng vảng chiếc xe Toyota trắng lượn lờ… Anh thật vô tình không để ý tới những mầm mống của sự phản bội đang hiện hữu từng ngày ngay trước cửa.

Trong thoáng chốc, mặt anh đỏ bừng, hai mắt vằn lên những tia máu phồng rộp. Trọng hùng hổ chạy vào phía trong. Bỗng “choang”… “choang”... tấm ảnh cưới vỡ tan tành, tiếp đó là cái gương trang điểm… Những mảnh vỡ sắc nhọn như muôn mũi dao khứa vào ngực anh, nhói buốt.

Thằng Hoan khóc thét, tiếng rên rẩm thê lương của bà già khốn khổ. Có lẽ cũng vì mải đi làm xưởng, rồi mải thú vui câu cá sông Hồng, Trọng đã quên để ý đến cô vợ.

Ngày mới cưới Hân về, Trọng cũng đôi ba lần đưa vợ đi chơi đây đó. Nhưng vì kinh tế gia đình còn eo hẹp, nên dần dần anh cũng quên bẵng… Tính Hân lại điệu đà, thích được chiều chuộng, chơi bời. Kể cả khi đã có thằng Hoan, Hân vẫn thích đua đòi, trưng diện.

Làm công ty được đồng nào, cô chỉ thích mua sắm, trang điểm cho bản thân, bỏ bê việc nhà. Bà mẹ chồng hễ nhìn thấy cô con dâu là y như lại nói móc, nói xỉa: “Cái ngữ ấy ném cho quạ tha, voi giầy, cái đồ hư hỏng...”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đập phá xong, Trọng hầm hầm bỏ đi. Cái hon-da 67 cũ nẹt pô rú ga xả khói đen mù mịt cả một góc sân hẹp. Hoàng hôn u ám…

* * *

Bốn năm sau…

Một buổi sáng, trời tháng Bảy bức bối, nắng như đổ lửa. Trọng vừa thả câu thì bỗng nhiên gió sông thổi mạnh, bụi bay mù mịt, chỉ một thoáng, mây đen đã vần vũ. Dòng sông Hồng mờ đục như sôi réo lên.

Các cần thủ bỏ chạy tán loạn. Trọng cũng định co cẳng thì… Bỗng nhiên dập dềnh dưới kia con nước thoáng như có bóng người trôi. Anh quay hẳn đầu lại, mắt mở to nhìn theo dòng nước cuồn cuộn chảy. Rõ một hình người đàn bà chìm nổi giữa dòng nước ngầu đục trôi theo cái bè nhỏ là mấy khúc cây ghép lại.

Không ngần ngại, anh nhảy xuống, bơi theo dòng nước. Anh vốn con nhà sông nước nên bơi lội rất giỏi như một con rái cá. Đúng lúc anh tóm được cái tay của người đàn bà thì… “khục”, đùi anh bị va mạnh vào một cái cọc sắt khiến toàn thân anh tê dại, đau nhói.

Cái bè quay ngược lại dập dềnh trong giây lát. Trọng nghiến răng một tay bóp chặt chỗ đau, một tay túm lấy tay người đàn bà, ghìm cái bè chòng chành. Anh mất đà khi định níu vào bè để tấp vào bờ, anh cúi gập người xuống rồi lấy đà bật người lên trên bè.

Cái bè dập xuống rồi lại dềnh lên chới với. Thân hình người đàn bà vẫn lờ lững dập dềnh trôi theo dòng. Trọng nghiến răng lấy hết sức lực nhấc người đàn bà lên khúc gỗ to nhất. Anh thở dốc khi thấy máu ở đùi mình chảy túa, thấm đẫm cả tấm lưng người đàn bà xa lạ.

Dòng nước vẫn cứ trôi hối hả, máu ở đùi anh vẫn ngấm ngầm tuôn chảy. Một lát sau, anh thấy chóng mặt, cái bè chòng chành như ngổn ngang chao đảo giữa dòng sông…

Nếu như ai đó từng nói: “Cuộc đời là sự nối tiếp, đan xen giữa phúc và họa; giữa rủi và may” thì cũng đúng. Giữa lúc cái bè đang chới với cùng hai con người cận kề cái chết thì một chiếc thuyền chài xuất hiện. Hai người được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp!

- Bố ơi, mẹ con đâu?

Tiếng thằng Hoan hỏi cắt ngang dòng suy nghĩ của Trọng. Anh ngẩng mặt lên nhìn thằng bé vừa đi học về, mặt mày còn đỏ lựng và nhễ nhại mồ hôi. Anh chỉ tay ra phía cổng, nơi có hàng dâm bụt xanh rời rợi đang ngời lên trong nắng.

Thằng Hoan xịu mặt xuống vẻ thất vọng. Mọi khi đi học về, mẹ Thắm thường chăm chút cho nó từ miếng cơm tới manh áo. Lên 7 tuổi, Hoan cũng đã cảm nhận được tình thân. Nó là đứa trẻ bất hạnh vì bị mẹ bỏ rơi từ bé nhưng bù lại, nó rất thông minh và hiểu chuyện.

Bốn năm sau, sự xuất hiện của Thắm khiến cho cuộc đời nó hình như bước sang một trang mới.

“Hàng dâm bụt xanh quá!”. Hôm qua, Thắm đã không cầm lòng được mà thốt lên như vậy. Rồi cứ để mặc cho bà mẹ chồng xìa bĩu, ngấm nguýt, Thắm quét dọn sạch sẽ từ trong nhà ra tới ngoài ngõ, cắt tỉa từng cái lá kém xanh cho rặng dâm bụt thêm đẹp.

Rồi cô đi giặt chăn màn, quần áo cho cả nhà, phơi phóng tươm tất. Cái chuồng gà hỏng, cô mua lưới về ngồi cặm cụi vá lại cho lành để nhốt lũ gà con liếp nhiếp khỏi bới bẩn nhà và giữ cho mấy vạt rau đang lên xanh tốt...

Tháng Bảy, những ngày nắng cứ vươn vai, chồng nhòe lên nhau, bức bối, khiến Trọng không sao hiểu nổi…

Anh bỗng nhớ lại cái hôm anh và Thắm từ bệnh viện trở về. Bà mẹ anh ngó lơ rồi nói một câu buông thõng: “Ngữ này rồi lấy gì nuôi? Đồ bỏ đi…”, rồi bà già chép miệng quay gót.

“Người ta gặp nạn không lẽ con làm ngơ sao?”. Trọng nổi sung khi nghe bà mẹ dè bỉu, khinh miệt Thắm. Lúc đó, Thắm còn rất yếu, cái thai trong bụng cô đã không trụ nổi mà bỏ đi. Nỗi đau đớn tủi hận khi bị phụ bạc khiến cho cô mất hết lý trí. Thằng đàn ông làm hại đời cô đã đớn hèn phủi tay, lại còn lớn tiếng hạ nhục cô. Lúc ấy, tâm trí cô chao đảo không còn đủ sáng suốt. Cô đã gieo mình xuống dòng sông.

Con nước đỏ nặng phù sa của dòng sông Mẹ đã cuốn cô đi, níu cô lại với đời ngẫu nhiên bên cái bè ai đó bỏ quên nơi đầu nguồn. Có lẽ cũng là cái duyên ông trời sắp đặt.

Thằng Hoan lúc đó mới 6 tuổi. Người nó gày gò, tóc hoe dựng ngược. Bà nội vì ghét mẹ nó nên cũng chẳng mấy thương cháu. Sự nghi kỵ đầy ẩn ý khiến bà coi nó như một đứa trẻ bỏ rơi.

Thắm đã ôm lấy thằng Hoan vào lòng như gặp lại chính đứa con ruột của mình. Cô xót xa mỗi khi tắm cho thằng bé thấy bộ xương sườn của nó gần như đếm đủ bộ đôi 12 chiếc.

Một bữa, thằng Hoan níu tay Thắm gặng hỏi rất hồn nhiên: “Mẹ Thắm có phải là mẹ của con không?”. Đôi mắt sáng, ngây thơ của thằng bé cứ nhìn cô đăm đắm. Lúc đó Thắm chỉ biết ôm ghì nó vào lòng mà thổn thức, mặc cho dòng nước mắt tuôn rơi...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Sau cái ngày định mệnh, Trọng gặp và đưa Thắm về nhà, chân của anh bị khập khiễng. Anh phải bỏ công việc ở xưởng cơ khí, hằng ngày vẫn đi kiếm cá ở bến sông nhưng cũng chẳng được là bao. Thắm bươn chải chạy chợ lo bữa cơm, bữa cháo cho cả gia đình. Vất vả mấy, Thắm cũng không quản ngại bởi cô rất nặng lòng với Trọng.

Anh đã cứu cô, đưa cô trở lại với đời bằng cả tấm lòng mình, suýt mất cả mạng. Hơn một năm trời sống cùng nhau, anh luôn đối xử tốt với cô bằng cả tấm chân tình của mình. Chỉ ngặt một nỗi, cô chưa có được một đứa con với anh. Cô chỉ biết lăn xả vào lo thu vén lại cái gia đình vốn đã kiệt quệ, tan nát này, mong hàn gắn nó.

Bà già trước đây có thành kiến với Hân, ghét và cay nghiệt quá là một phần lý do khiến Hân bỏ đi. Và giờ đây với Thắm, cái đầu óc u mê, tăm tối của bà luôn hình dung ra đủ thứ xấu xa về cô.

Có hôm, vừa đi chợ về, trời nắng nhễ nhại, Thắm đã lao ngay vào bếp lo cơm nước. Vậy mà, bà già vừa lọc cọc về tới ngõ đã lớn tiếng: “Tưởng đi luôn cho rồi chứ lại quay lại đây làm gì? Chị đừng có mà giả bộ nhân với nghĩa…”. Thắm càng giả điếc thì bà già quái ác càng lên nước, gào lên: “Mày là yêu ma hiện hình về quấy nhiễu, gieo họa cho nhà bà phải không? Mày không sinh, không đẻ được mày muốn nhà bà tuyệt tự hả cái con cá rô đực kia?”

Những câu nói hiểm hóc độc địa vu oan giá họa cứ thế tuôn ra không ngớt từ cái khóe miệng thâm xỉn quết trầu của bà già quái đản. Nước mắt đã chảy tràn trên khuôn mặt xinh đẹp, hốc hác của Thắm. Cố nấu cho xong nồi canh, cô ôm mặt vào buồng khóc nức nở: “Trời ơi! Sao cuộc đời lại cay nghiệt với con thế này”.

Đã bao lần xảy ra những sự việc đau lòng tương tự như thế, cô thấy tủi thân nghĩ cuộc đời sao chẳng công bằng với cô chút nào. Đã có lúc cô nghĩ tới việc bỏ đi. Nhưng cứ nghĩ đến đôi mắt ngấn nước của thằng Hoan nhìn cô như cầu khẩn, nghĩ tới Trọng và đôi chân cà nhắc, Thắm lại mềm lòng mà quên đi tất cả…

Thằng Hoan vui sướng reo lên khi thấy Thắm trở về thấp thoáng từ phía cổng. Nó chạy tới, ánh mắt long lanh cười: “Mẹ ơi…”. Thắm dựng chiếc xe đạp cọc cạch vào góc sân rồi dắt tay nó vào nhà.

Lúc trước, Thắm lấy xe đạp ra chợ, gặp bà mẹ chống gậy ngược từ đằng xóm Đông về. Thắm chào mẹ chồng: “Mẹ ơi, con đi chợ một lát ạ”. Nhưng bà mẹ dường như không thèm để ý. Khi về tới cổng, nhìn cái nắng lóa mắt, máu trong người bà mới sôi lên: “Chị ta cứ đi luôn cho rồi”. Trọng nín thinh.

Anh hiểu cái ác cảm của mẹ anh với con dâu và cái đầu óc cố hữu thành kiến khó thay đổi của bà già. Nhưng anh tin ở Thắm! Hơn một năm qua, cô đã kề vai sát cánh bên anh, lo cho gia đình. Cô đã vì anh mà chấp nhận tất cả những lời cay nghiệt của mẹ anh, lời dèm pha, bóng gió đầy ác ý của người đời… Rồi sẽ có lúc mẹ anh sẽ hiểu cô ấy!

- Con mua mấy bộ quần áo để mẹ mặc, áo quần mẹ cũ rách hết cả rồi ạ!

- Vẽ chuyện, tôi còn đầy quần áo kia kìa…

Bà già cố tỏ ra bất cần bằng giọng điệu kẻ cả. Thắm vờ như không nghe thấy, cô rơm rớm nước mắt bước nhanh xuống bếp lo bữa cơm trưa.

Trọng nhìn ra bầu trời, một cơn giông đang từ từ kéo tới bỗng khiến anh bồi hồi. Nhớ cái giây phút anh nhận ra mảng lưng Thắm nhuộm đỏ máu anh và ngực cô phập phồng thở… Chính cái giây phút đó anh cảm nhận dường như duyên phận hai người đã thuộc về nhau rồi.

Anh nhớ cả cái khoảnh khắc cô tỉnh lại ở bệnh viện và khóc rất nhiều. Anh đã vỗ về cô bằng những lời chân thành, giản dị khiến cô yên lòng và theo anh trở về nhà. Kể từ đó cho đến nay thời gian đã một năm sáu tháng nhưng thực sự không một hành động, suy nghĩ nào của Thắm khiến anh phật ý. Anh đã cảm phục cô hay thực sự anh đã rất yêu cô?!

Thằng Hoan độ này xem chừng đã có da có thịt, phổng phao hẳn lên. Đi học về là quấn lấy mẹ Thắm không rời nửa bước. “Mẹ ơi, hôm nay con được cô cho điểm 10”, “Mẹ ơi, hôm nay các bạn trêu chòng, bảo con không phải con của mẹ…”, “Mẹ ơi… Mẹ ơi…”.

… Rất nhiều nỗi niềm, rất nhiều câu hỏi mỗi khi thằng Hoan đi học về nói với mẹ Thắm. Mỗi lúc như vậy, Thắm lại ngồi xuống bên nó dịu dàng giảng giải, kiên nhẫn vỗ về rồi động viên cổ vũ khiến cho Hoan rất vui và tin tưởng.

Dường như tình yêu thương của người mẹ như tia nắng nhuộm hồng cả tâm hồn con trẻ. Thằng Hoan lớn lên trông thấy cả về thể xác lẫn tinh thần. Đôi mắt sáng rỡ càng lúc càng thấy giống Trọng.

Cái nhìn của bà nội hình như cũng có phần ấm áp hơn đối với nó khi bất chợt một hôm, lúc đầu óc tự dưng rất tỉnh táo, bà đã nhận ra cái gáy thằng Hoan có cái “đuôi rùa” giống hệt Trọng ngày nhỏ. Lúc đó bà già mới ngớ ra một khắc, ngẫm nghĩ và ân hận khi trước đã nghi kỵ và đối xử tệ với Hân và cả thằng Hoan.

Sau cái hôm nắng thốc tháo như đổ lửa, bà già đi thăm bạn “cố tri trong mộng” về thì ngã bệnh. Những ngày nằm liệt không ngóc lên được, cô con dâu chăm sóc tận tình từ miếng cơm, miếng cháo đến tắm rửa, đi lại, vệ sinh… bà lại thấy đầu óc tỉnh táo đến lạ!

Rồi những cơn ho xé phổi ập đến. Bà thấy người mệt lả, thở dốc. Thắm nghỉ chợ ở nhà chăm sóc mẹ. Bác sĩ khám cho bà và kết luận: Bà bị viêm phổi nặng, phải điều trị dài dài. Hơn một năm trời tất tả chạy chợ, Thắm com cóp được ít tiền thì giờ đây chính là lúc cần đến nó.

Nhưng người già như ngọn đèn trước gió. Bệnh tình của bà ngày một nặng. Những cơn ho xé phổi khiến cho bà lả đi. Trong những cơn mê sảng của sự bất an, bà thường gọi tên Thắm, rồi bà khóc… Khóc bổi khóc dải gọi thằng Hoan…

Một buổi chiều, ánh nắng đỏ quạch cuối ngày le lói bên giậu râm bụt tỏa ánh sáng leo lét vào hiên nhà, bà cụ nằm thiêm thiếp bàn tay quờ quạng tìm kiếm, miệng lập bập gọi… “Thắm… Thắm… ơi… Hoan… Hoa…n…Hoan … ơi…”.

Thắm vội vã dắt tay thằng Hoan chạy vào. Bà cụ mở mắt hé nhìn hai mẹ con, bàn tay run rẩy quờ nắm bàn tay của thằng Hoan đặt gọn trong lòng bàn tay của Thắm. Thắm hiểu ý nắm chặt lại. Khi hai bàn tay đã nắm trọn, khăng khít, bà cụ mới từ từ nhắm mắt lại, hai dòng nước mắt chảy dài. Bà đã ra đi như thế…

Một hoàng hôn lịm tắt để chào đón một bình minh ngời rạng!

Hàng râm bụt xanh rờn đến nhức nhối như đang cháy hết mình trong cái nắng rực rỡ của trưa Hè tháng Bảy. Trong thoáng chốc sao cái nắng chói gắt mà tinh sạch như lau, óng mướt không tả nổi cứ ám ảnh tâm trí Trọng. Anh cảm thấy nắng như muốn “hóa vàng” tất cả theo cái quỹ đạo vô song của nó để cho tất cả những xám xịt, mốc thếch cũng bỗng chốc phải ngời lên, để mọi sự u ám, mọi vẻ buồn tủi cũng bị rửa trôi. Tất cả như bừng lên một vẻ tươi mới! Bỗng thằng Hoan reo lên: “A, một bông hoa, một bông hoa đỏ thắm, mẹ ơi!”.

Thắm nhìn ra ngoài cổng, trong cái màu xanh ngời ngời của lá, nắng như nhuộm hồng lên vạn vật! Quả là có một nụ hoa râm bụt đỏ thắm sắp sửa thắp lên một mùa hoa, đỏ rực rỡ ngay trước sân nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.