Một năm trước, A Tủa bỏ học vì nhà nghèo quá. Tủa rời núi xuống xuôi làm thuê. Nơi đất lạ, Tủa dần nhận ra những người có bằng cấp được trọng vọng, nhiều lương. Người không bằng cấp vừa khó tìm việc lại chịu phần lương rẻ. À. Ra thế. Cái chữ quan trọng. Bằng cấp quan trọng. Đi học mới được nhiều thứ.
A Tủa nhận ra điều này đúng lúc bố nhập viện phẫu thuật van tim. Đồng tiền chặn đứng đường về. Thương bố, A Tủa làm gấp hai người khác. Mười bốn tuổi, A Tủa cao không bằng cây cải trổ hoa, thoăn thoắt việc mà không cứu được bố. Sin Suối Hồ quê Tủa theo tiếng Mông là “suối có vàng”. Ước chi Tủa nhặt được vàng trong suối. Có vàng, biết đâu bố vẫn còn. Có vàng, Tủa sẽ trở lại trường. Tủa muốn làm bác sĩ. Bác sĩ chữa bệnh giỏi hơn thầy mo, dân bản được kịp thời điều trị. Ước mơ là liều thuốc an thần dù đôi khi không trở thành hiện thực.
Bố A Tủa mất. Căn nhà càng thêm xơ xác. Ngô nhẵn gác. Lợn nhẵn chuồng. Chỉ nỗi buồn và nước mắt là tuôn như suối. Cúng ma khô cho bố xong, mẹ A Tủa hóa dại. Mẹ lang thang dọc đường gọi bố, chợt khóc, chợt cười, rồi tự xé khăn, xé áo… A Tủa trở thành cột cái trong nhà, nhẩm tính từng việc cần làm. Khoảnh nương cuối núi không đủ ăn gối vụ. Lại còn món nợ chữa bệnh cho bố. Lại còn em A Lử, A Sang đang tuổi đến trường. Gạo, tiền không tự chạy đến. A Tủa xin làm thuê ở nhà trưởng bản.
Nhà trưởng bản nhiều ruộng, nhiều nương, nhiều bò, nhiều lợn, nhiều thảo quả… Trưởng bản giao cho A Tủa trông đàn bò hơn hai chục con. A Tủa chăn bò mòng bụng, lại còn giúp trưởng bản bẻ ngô, bổ củi, trồng khoai… Và dù làm gì thì A Tủa cũng đeo chiếc túi sờn vải bên hông. Mỗi lúc nghỉ tay, A Tủa lấy sách trong túi, đọc to. Ước mơ đến trường có thể bị đói nghèo cản lối. Nhưng không gì cản được lòng ham học của A Tủa. Cái chữ quan trọng như mèn mén. Mèn mén giúp no bụng. Chữ nghĩa giúp sáng đầu. Chăn bò mà có chữ thì biết thức ăn đa dạng từ cỏ tươi, cỏ khô, cỏ ủ, cám gạo, ngô xay, bã mía… sẽ giúp bò nhanh béo và được giá. Sách lý giải từng việc rồi. A Tủa cứ thế làm thôi.
Hôm ấy, A Tủa vừa lùa bò về chuồng. Lưng cõng lu cờ ngô. Hông lắc lư chiếc túi. Đợi A Tủa treo ngô lên gác hiên xong, trưởng bản vừa đưa gói xôi nếp nương kèm thịt hun khói vừa nói:
- Nhà ta hôm nay có việc, A Tủa cầm phần về cho mẹ, cho em.
Đây không phải lần đầu trưởng bản làm điều này. A Tủa cảm ơn, đỡ lấy rồi đặt gói phần vào lu cờ, toan ra cổng. Trưởng bản làm dấu cho A Tủa đứng lại và hỏi:
- A Tủa muốn đi học nữa không?
- Cái muốn đó không được đâu, trưởng bản ạ.
- Thích sách mà ngại học à, A Tủa?
- A Tủa thích học. Nhưng A Tủa phải nuôi mẹ, nuôi em, trả nợ. Đi học không được đâu.
- A Tủa định làm thuê đến già sao?
Câu hỏi của trưởng bản đánh thức khát khao bấy lâu trong A Tủa. Phải rồi, có bằng cấp sẽ được làm công việc mình thích. A Tủa hình dung mình trong bộ blouse trắng, thăm khám từng bệnh nhân. A Tủa sẽ chữa khỏi bệnh cho mẹ. Mẹ sẽ dịu hiền trở lại. A Tủa sẽ không phải canh chừng mẹ vượt bờ rào đá chìm bóng trong đêm đen. Nghĩ đến đó, A Tủa thấy lòng nhẹ bẫng. Tiếng chó sủa xa kéo Tủa về thực tại. Tủa chỉ là cậu choai chăn bò thuê. Đến già sao? Tủa không biết. Con đường phía trước mịt mờ như sương mù phủ núi Sơn Bạc Mây. Tủa lẽ nào phải sống một đời trong tiếng thở dài?
Ảnh minh họa: ITN |
Hôm sau. Nhiều hôm sau nữa. A Tủa vẫn chăn bò, bổ củi… Công việc nối ngày nối tháng... A Tủa không biết trưởng bản đang lặng thầm tìm đường trở lại trường cho A Tủa. Ở bản Sin Suối Hồ, có ai không biết trưởng bản rất tốt bụng? Người bản khác còn biết nữa là. Thủ tục xin học xong xuôi, trưởng bản gọi A Tủa vào nhà, hỏi:
- Nếu được đi học, A Tủa sẽ học thế nào?
- A Tủa học thật chăm, thật giỏi, như anh Khang A Tủa huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Anh ấy là chàng trai H'Mông đầu tiên được nhận học bổng toàn phần để theo học trường Đại học Fulbright. Anh ấy đã tốt nghiệp cử nhân loại ưu và lọt Top năm nhân vật truyền cảm hứng trong đêm Gala “Điều phi thường nhỏ bé” - WeChoice Awards 2019.
- Còn Vàng A Tủa bản ta là chàng trai H'Mông đầu tiên làm bác sĩ cho Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhỉ?
A Tủa cười ngượng nghịu nhưng cũng thầm mong điều đó thành sự thật. Tủa trong tiếng Mông mang nghĩa “sự thay đổi có tính bước ngoặt”. Tủa cũng có nghĩa là con đầu lòng, người đầu tiên, điều thứ nhất... Trưởng bản không bỗng nhiên kì vọng vào A Tủa. Nhìn đôi lông mày đầy đặn, nhô cao; chiếc mũi hình túi mật; nhân trung thẳng, rộng, sâu của A Tủa, trưởng bản biết đây là một người tài và đầy lòng nhân ái. A Tủa luôn nổi bật giữa đám người làm về sự thông minh, tinh thần trách nhiệm. Gian khó bẻ gãy một vài người, nhưng cũng lập dựng một vài người khác. Trưởng bản cẩn trọng đưa tập giấy phẳng phiu cho A Tủa.
- Những tờ đi học của A Tủa đây. Mai nộp cho cô giáo rồi nhận sách ở trường.
Thần linh ơi. A Tủa nhảy cẫng, vui như chim khướu được cất cánh vút lên bầu trời. Nhưng. Ngay sau đó. Lỗi lo kéo chân Tủa về mặt đất. Đoán được lòng A Tủa, trưởng bản từ từ phân giải:
- Một đoạn củi không nấu chín nồi rau, một sợi lanh không dệt nên tấm vải. Tiền học của A Tủa có các chú bộ đội biên phòng giúp theo chương trình “Nâng bước em đến trường”… Tan học, ngày nghỉ, A Tủa sang nhà ta pha chẩm chéo, múa khèn, đốt lửa trại cho khách múa xòe, tiền đó nuôi mẹ nuôi em. Bản ta từ ngày được Hiệp hội Du lịch quốc gia công nhận là một trong bốn điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất đất nước, Hội chợ Du lịch quốc tế công nhận là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN thì càng lúc càng nhiều du khách. Lửa có lúc tắt, lũ có lúc dừng. Đời người, không ai khổ mãi được. Chỉ rối chỗ nào, ta sẽ gỡ cùng A Tủa. A Tủa cứ yên tâm đi học.
Ảnh minh họa: ITN |
Lời nói của trưởng bản như những hạt mưa xuân làm tươi xanh những héo úa mùa Đông. Trên đời này, chỉ một thứ đáng để ta cúi đầu nể trọng, đó chính là lòng tốt. Lòng tốt như Mặt trời xua tối tăm, sương mù, giá lạnh. Mặt trời vực hạt giống nảy mầm…
Tối ấy, A Tủa không làm sao ngủ được. A Tủa nhớ cô chủ nhiệm hồi lớp Tám. Lần đầu tiên gặp cô, A Tủa tinh nghịch nói:
- Chao xìn giao cố.
- Cô không biết tiếng Mông đâu. – Cô giáo trả lời thành thật.
- Tiếng Kinh đó cô. Nghĩa là “Xin chào cô giáo”. - A Tủa vừa nói vừa cười vẻ đắc ý.
Chà, người ta cứ bảo học sinh vùng cao ít nói và lành như đất. Cậu choắt này khiến cô giáo mới quá đỗi ngỡ ngàng. Cô hỏi đồng nghiệp thì được biết A Tủa tuy nhỏ nhưng học và múa khèn giỏi nhất trường. Đây này, ảnh Tủa nhận giấy khen năm học trước. Đây này, video Tủa múa khèn bài “Xuân về trên bản Mông”. Cô chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại. A Tủa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi, chân này chạm gót chân kia, tay kia vỗ vào chân này… Đoạn kết, A Tủa khom lưng nhảy, hất gót chuyển động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… Rất tài hoa, nghệ sĩ. Những tiếng vỗ tay ròn rã vang lên. Bài múa khèn của A Tủa làm cho người ta như thấy cả bầu trời xuân Tây Bắc. Từng vạt hoa đào làm hồng má núi. Từng triền hoa mận làm trắng chân rừng. Và nữa, những lộc biếc chồi non căng tràn nhựa sống… Cô chủ nhiệm vẫn giữ nụ cười trên môi khi video chạy đến đoạn cuối cùng.
Một năm học đồng hành, cô và A Tủa cùng giúp nhau rất nhiều. Khi cô ốm, A Tủa thay cô quán xuyến mọi việc ở lớp. Khi A Tủa muốn hỏi bài, cô nhiệt tình giảng giải. Vậy mà A Tủa lại nghỉ học ngay những ngày đầu lớp Chín. Cô đến nhà vận động mới biết A Tủa làm dưới xuôi tuốt luốt từ dạo hè. A Tủa là thế, quyết làm gì thì không ai cản được. Cô viết một lá thư rồi nhờ A Cua chuyển giúp khi A Tủa về.
A Cua cùng bản với A Tủa. Là bạn thân nhưng trái tính, trái nết. Lần nào A Cua lên bảng cũng ngoái nhìn A Tủa cầu cứu. Một lần, A Tủa đang quay sang thằng bên cạnh nói khẽ:
- Mày vừa hỏi gì tao?
Thì A Cua liền lặp lại y chang bằng cái giọng choang choang ếch ộp:
- Mày vừa hỏi gì tao?
Éo le ở chỗ, A Tủa nói câu đó với thằng bên cạnh, còn A Cua lại nói với… cô giáo. Thế là… Thế là…
- Thia (Khiav) – A Tủa hốt hoảng nói tiếng Mông.
Cơn lôi đình của cô giáo ập gần đến đích. Ba chân bốn cẳng, A Cua phi khỏi lớp như một con ngựa khi thằng bạn mách nước “chạy”. Kịp thoát thân trong gang tấc, nó đứng ôm ngực thở ở gốc ban cuối dãy lớp học. Thật là một phen kinh hồn bạt vía.
Tan trường, nó trả ơn A Tủa bằng một cú đấm vì đã không tập trung nhắc bài cho nó. Cô giáo bảo: Chậm tiến có thể chấp nhận, vô lễ thì quyết không tha. Cái câu mà A Cua lỡ mồm ấy không vô lễ thì là cái gì? A Cua khóc lóc, bắt vạ A Tủa. A Tủa đợi bạn nguôi ngoai thì dắt lại phòng cô ở khu tập thể. Hai thằng lí nhí phân trần, xin lỗi, hứa hẹn… nhiều thật nhiều, dài thật dài… Cô giáo thương tình tha bổng. Hai thằng tung tăng về.
Giờ đây, A Cua học xong lớp Chín, A Tủa mới bắt đầu. Không cùng lớp nhưng tình bạn vẫn như cá với suối.
Kỉ niệm về cô về bạn càng khiến A Tủa mong trời chóng sáng. A Tủa vẫn chưa ngủ được. A Tủa lại mở thư của cô giáo ra đọc: “Không quan trọng việc đi chậm thế nào trên con đường học tập, miễn là Tủa đừng bao giờ dừng lại, đừng bao giờ bỏ học. Khó khăn rồi sẽ qua đi. Giống như cơn mưa ngoài cửa sổ, tầm tã cỡ nào rồi cũng mây tạnh trời quang, lấp lánh cầu vồng. Cô đợi ngày A Tủa về trường tiếp tục hành trình về đích”.
Cô chủ nhiệm luôn dành cho Tủa sự quan tâm, động viên như thế. Ngày mai, Tủa được gặp lại cô rồi. Chắc cô sẽ rất vui. Mẹ Tủa còn biết vui cơ mà. Lúc tối, từ nhà trưởng bản về, A Tủa ngồi rửa chân cho mẹ, rồi khoe:
- Mẹ, mai con đi học đấy.
Mẹ A Tủa rụt chân lại, chạy vào giường, tìm dưới gối một bọc sỏi. Với mẹ, đó là bọc bạc, bọc vàng. Mẹ không còn biết phân biệt chúng với sỏi nhưng mẹ biết đi học thì cần tiền. Mẹ trao một phần cho A Tủa, một phần để chữa bệnh cho bố. Thì ra, người mẹ ở tình cảnh nào cũng vẫn đùm bọc, che chở con. Đó là tình yêu thương cao cả và vĩ đại nhất. A Tủa cầm nắm sỏi rồi thì thầm vào tai mẹ:
- Bằng này đủ đóng học rồi, mẹ ạ.
Mẹ A Tủa cười, ngoan ngoãn nằm cạnh mấy con búp bê rơm. Bên giường kia, hai em đang say giấc. A Tủa miên man dòng kí ức, từ từ thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Gà gáy sáng lần thứ nhất, A Tủa vùng dậy…
Trong hơi sương, A Tủa đi như chạy. Trong lòng bao cảm xúc đan cài: Háo hức, hồi hộp, lo âu, vui sướng, hi vọng… Mấy nhịp trèo đèo lội suối, dù gập ghềnh, dù quanh co, dù tít tắp… cũng chẳng làm khó được bước chân A Tủa. Kìa, ngôi trường thân quen đã hiện ra trước mặt, đúng lúc núi đội Mặt trời. Bình minh lên. Ngày mới đến. A Tủa hòa vào đám học sinh giữa sân trường với nụ cười rạng rỡ.