“Trên đường phố Nagassumi-te ở Asakua (thuộc Tokyo) có đền thờ Singedzi. Vào mùa Thu năm 1920 ở cổng đền thờ này có một cậu bé chưa đầy năm bị bỏ rơi. Không có giấy tờ ghi họ tên, cậu được bọc trong tấm lụa cũ màu vàng, đầu gối lên chiếc khăn kiểu phụ nữ.
Cha giảng đạo ở đền Singedzi thời đó là ông già có tên Tamura Nisso. Một buổi sáng, người gác cổng đền vào báo với cha là có một đứa trẻ bị bỏ rơi. Cha đang đứng trước một bức tượng Phật, không nhìn sang người gác cổng, ông trả lời:
- Thế đấy! Hãy mang nó đến đây.
Một lúc sau, khi người gác cổng dè dặt mang đứa trẻ đến, cha đạo liền bế nó trên tay và vụng về nựng nịu:
- A, chú bé con dũng cảm! Đừng khóc! Đừng khóc nhé! Từ nay, ta sẽ nuôi dạy con.
Cha đạo trước đây từng là thợ trát vữa ở Fukagawa nhưng vào năm 19 tuổi ông đã bị ngã từ giàn giáo, bất tỉnh và đột nhiên sau đó có ý muốn đi tu. Cha là một người rất kỳ lạ và có nếp sống giản dị.
Cha Nisso đặt tên cho đứa bé là Yunoske và bắt đầu chăm nom nó như đứa con đẻ. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng gì. Ông tự tay nuôi nấng và cho đứa trẻ uống sữa, mọi việc cha đều làm vào khi rỗi rãi không bận đọc kinh.
Có lần, Yunoske bị ốm hình như là sốt, không may đúng vào lúc mọi người đang làm lễ cầu siêu cho một con chiên. Cha Nisso một tay thì bế áp đứa trẻ đang nóng hầm hập vào ngực, tay kia thì cầm tràng hạt và bình thản cầu kinh như thường lệ.
Tuy vậy, cha đạo là người nhạy cảm và bản lĩnh nên đã bí mật ấp ủ ý định tìm cha mẹ đẻ cho đứa trẻ. Khi đó, ông treo trên chiếc cột gần cổng đền một tấm bảng con ghi: “Giảng đạo vào ngày 16 hàng tháng”.
Trong khi truyền đạo, cha đã đưa ra tấm gương thời xa xưa ở Nhật Bản và Trung Quốc, ông nói rằng, không quên tình yêu cha mẹ mình có nghĩa là sự đền đáp lòng từ bi đối với Đức Phật. Thế rồi hết ngày này qua ngày khác mà không thấy có một ai xuất hiện để nhận là cha hoặc mẹ của đứa trẻ bị bỏ rơi.
Tuy có một lần khi Yunoske lên ba tuổi có một người đàn bà đỏm dáng tìm đến và tuyên bố mình là mẹ của nó. Thế nhưng, rõ ràng là bà ta có ý định lợi dụng đứa trẻ vào việc xấu, bởi bà ta đã dò hỏi cặn kẽ đến mức gây nên sự nghi ngờ. Cha đạo đã mắng bà ta thậm tệ và chỉ thiếu nước dùng quả đấm để đuổi đi.
Minh họa/INT. |
Và rồi vào năm 1917 khi mùa Đông đến thì có những lời đồn về cuộc chiến Nhật - Trung. Vào ngày 16 là ngày giảng đạo như thường lệ, sau khi cha đạo trở về buồng tu sĩ của mình thì có một người phụ nữ tao nhã tầm 34 - 35 tuổi theo sau. Trong buồng có đặt lò sưởi, cậu bé Yunoske đang bóc vỏ quýt.
Nhìn thấy cậu, người phụ nữ bất giác chìa hai bàn tay về phía cha đạo và với giọng run run, chị nói quả quyết: “Con là mẹ của đứa trẻ”. Đúng là cha đã rất ngạc nhiên, thậm chí phải mất một lúc ông không đủ sức chào chị ta. Nhưng người phụ nữ không để ý đến ông, mệt mỏi đưa mắt nhìn xuống chiếc thảm dưới sàn, mặc dù sự xúc động tâm can của chị ta được thể hiện rõ trong mọi cử chỉ.
Chị ta đã thể hiện một cách trân trọng lòng biết ơn đối với cha đạo đã nuôi dưỡng đứa trẻ cho đến ngày nay. Phải mất một lúc sau đó cha mới giơ chiếc quạt đan của mình lên, ông cũng không bắt buộc chị ta phải kể vì sao đã bỏ đứa con. Song lúc đó vẫn không rời mắt khỏi chiếc thảm trên sàn, người phụ nữ đã kể lại câu chuyện đời mình như sau:
5 năm trước đây, chồng chị đã mở một quầy bán gạo trên phố Tawara-machi ở Asakusa. Thế nhưng chưa kịp thu được đồng lãi nào thì họ đã tiêu phí hết tài sản của mình và khi đó họ đã quyết định lặng lẽ bỏ đến Yokohama, nhưng đứa con trai mới sinh đã trói chân họ, thêm nữa, không may là người mẹ lại hoàn toàn bị mất sữa.
Và thế là vào một buổi chiều trước khi rời khỏi Tokyo, đôi vợ chồng đã gạt nước mắt bỏ lại đứa con nhỏ ở trước cổng đền Singedzi. Sau đó, với sự giúp đỡ của một người quen, thậm chí họ đã đến được tận Yokohama, người chồng phục vụ ở xưởng cho thuê ngựa, còn người vợ làm thuê ở một cửa hiệu và họ làm việc không ngơi tay trong suốt hai năm.
Minh họa/INT. |
Dần dần vận may đã trở lại với họ, đến mùa Hè năm thứ ba thì người chủ xưởng do quý mến người chồng thật thà cần mẫn của chị nên đã giao cho anh mở một cửa hiệu nhỏ trên đường Omoto-dori ở quận Hommokuhen. Sau đó, người vợ rời bỏ chỗ làm của mình và đến sống cùng với chồng. Công việc của họ tương đối suôn sẻ.
Thế rồi một năm sau, họ có thêm một đứa con trai. Lẽ dĩ nhiên là thời gian đó hồi ức đắng cay về đứa con đã bị bỏ rơi trước đây vẫn khuấy động tâm can họ. Nhất là người phụ nữ, mỗi khi cho đứa con bú dòng sữa ít ỏi của mình chị lại nhớ như in buổi chiều họ đã rời khỏi Tokyo. Thế nhưng công việc thật bề bộn, đứa con thì mỗi ngày một lớn.
Họ đã có tiền dành dụm gửi ngân hàng, dù sao thì hai vợ chồng lại có cơ hội để hưởng một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng rồi vận may của họ không kéo dài được lâu. Còn chưa kịp vui mừng thì đến mùa Xuân năm 1927 người chồng mắc bệnh thương hàn và phải nằm bẹp, không đầy một tuần sau anh đã qua đời.
Nếu chỉ có thế thì người vợ chắc hẳn đã cam chịu số phận. Song đến 100 ngày khi người vợ làm giỗ chồng thì đứa con từng chờ đợi từ lâu bỗng nhiên lại chết vì bệnh lỵ. Khi đó, người phụ nữ đã khóc than suốt ngày đêm và suốt gần nửa năm, sau đó chị như người mất hồn.
Khi nỗi đau đã dần lắng đi thì điều đầu tiên trỗi dậy trong lòng chị là ý muốn được nhìn lại đứa con trai đầu lòng bị bỏ rơi. “Nếu như con còn sống và khỏe mạnh thì mình sẽ đón con về và tự nuôi dạy nó, cho dù có vất vả đến mấy cũng cam lòng”, chị nghĩ vậy và vội vã ra đi.
Chị lên tàu và đã trở lại Tokyo thân thương của mình. Tại đây, chị tìm đến cổng ngôi đền Singedzi thân thiết vào đúng ngày 16 là ngày giảng đạo. Chị đã muốn đến ngay chỗ cha đạo để hỏi tin tức về đứa con, nhưng lúc đó buổi thuyết giảng chưa xong nên không thể gặp được. Vì sốt ruột chị đã ngồi lẫn vào đám đông các con chiên đang nghe giảng ở đền thờ và chờ đợi cho đến khi buổi giảng đạo kết thúc.
Sau khi hỏi kỹ mọi chi tiết, cha Nisso đã gọi cậu bé Yunoske đang ngồi bên lò sưởi và đưa cậu đến với người mẹ mà cậu chưa biết mặt qua 5 năm xa cách. Tất nhiên là cha đạo đã hiểu rằng người phụ nữ không nói dối.
Cầm tay bé Yunoske, chị cố nén tiếng khóc, còn cha đạo có tấm lòng cao cả thì mỉm cười trong nước mắt. Những gì diễn ra sau đó thì không cần nói chắc hẳn ông cũng đoán biết. Cậu bé Yunoske đã cùng với mẹ đi về Yokohama.
Sau khi chồng và đứa con trai út chết đi, theo đề nghị của vợ chồng người chủ cửa hiệu tốt bụng, người mẹ đã mở lớp dạy cắt may cho mọi người và có thể kiếm sống bằng nghề này tuy khiêm nhường nhưng không còn phải chịu nhọc nhằn.
*
* *
Sau khi kể xong câu chuyện dài, người khách thăm đền nâng chén trà lên trước mặt. Nhưng anh ta không nhấp môi vào đó mà liếc nhìn sang tôi và nói khẽ:
- Đứa trẻ bị bỏ rơi đó chính là tôi.
Tôi im lặng gật đầu và rót nước vào ấm trà. Câu chuyện bi thương về đứa trẻ bị bỏ rơi chính là chuyện về thời thơ ấu của vị khách Masubar Yunoske của tôi. Thậm chí trước đó tôi cũng đã đoán ngay ra đó là anh ta, mặc dù chỉ mới gặp lần đầu. Sau một lúc im lặng tôi hỏi vị khách:
- Người mẹ của anh vẫn còn khỏe mạnh chứ?
Và tôi nhận được câu trả lời bất ngờ:
- Không, bà đã qua đời cách đây một năm rồi. Nhưng mà… người phụ nữ mà tôi đã kể với ông không phải là mẹ tôi.
Nhìn vẻ kinh ngạc của tôi, người khách nheo mắt mỉm cười:
- Chuyện người chồng của bà có cửa hàng gạo ở Tavara-mati tại Asakusa và ông ấy đến Yokohama làm việc đều là sự thật. Nhưng sau đó tôi được biết việc họ đã bỏ rơi đứa con lại là chuyện bịa. Một năm trước khi mẹ mất, tôi đã làm việc ở cửa hiệu.
Ông biết đấy, tôi buôn sợi bông nên đã đi khắp các vùng lân cận Niigata. Có một lần tôi ngồi cùng toa tàu với một nhà buôn bao bì trước đây từng sống cạnh ngôi nhà của mẹ tôi ở phố Tavaramaati. Không cần tôi phải dò hỏi, ông ấy kể rằng bà đã sinh được một cô con gái và cô bé đã chết trước khi cửa hiệu bị đóng cửa.
Minh họa/INT. |
Sau khi từ Yokohama trở về, tôi đã lén xem cuốn hộ tịch gia đình và hóa ra đúng như lời nhà buôn kia nói, khi còn sống ở Tawara-mati mẹ có sinh được một cô con gái và cô bé đã chết khi mới được 3 tháng tuổi.
Mẹ đã tưởng tượng ra câu chuyện đó để nhận tôi về chứ tôi không phải là con trai bà - mẹ đã nghĩ ra câu chuyện về một đứa con trai bị bỏ rơi. Rồi suốt hơn 20 năm sau đó, bà đã chăm sóc tôi đến quên ăn quên ngủ. Về chuyện tôi bị bỏ lại ở đền thờ thì có lẽ bà biết được từ các con chiên đến nghe giảng đạo, hoặc chính người gác cổng đền đã kể cho bà nghe.
Vị khách của tôi lặng thinh, rồi như sực tỉnh, anh ta lại uống trà với vẻ đăm chiêu.
- Thế anh có kể với bà mẹ rằng anh không phải là con đẻ của bà, rằng anh đã biết được điều đó không? - Tôi đã không thể kìm được câu hỏi đó.
- Không, tôi đã không nói. Điều đó là quá tàn nhẫn đối với mẹ. Và cho đến tận khi qua đời mẹ cũng không nói với tôi một lời nào về điều này. Chắc hẳn mẹ cũng nghĩ rằng nói ra sẽ là tàn nhẫn đối với tôi. Và trên thực tế thì tình cảm của tôi đối với mẹ cũng có thay đổi chút ít, sau khi tôi được biết mình không phải là con đẻ của bà.
- Nghĩa là sao? - Tôi nhìn chăm chăm vào đôi mắt vị khách.
Tình cảm đó đã trở nên ấm áp hơn cả trước đây. Bởi vì cho đến khi biết được tất cả mọi chuyện thì đối với tôi, một đứa con bị bỏ rơi, bà còn hơn cả một người mẹ - vị khách nhẹ nhàng trả lời, dường như hơn hết thảy, anh chính là đứa con trai của bà vậy.
Bích Nguyễn (Dịch qua bản tiếng Nga)