Truyện ngắn: Những mảnh vỡ

GD&TĐ - Ông Bào nhìn theo bóng con khuất sau cây bằng lăng, lặng lẽ đóng cửa, lặng lẽ tắt đèn và lên giường, bình thản chìm vào giấc ngủ.

Truyện ngắn: Những mảnh vỡ

Đang chuẩn bị đi ngủ, chợt nghe có tiếng gõ cửa, ông Bào hỏi vọng ra:

- Ai đấy?

- Con, Minh ạ.

Ông Bào lẹt xẹt đôi dép lê ra mở cửa. Nhìn thấy con, ông buông thõng một câu:

- Có chuyện gì mà giờ này mới xuống?

Bất ngờ vì thái độ của bố, Minh im lặng. Phải một phút sau, anh mới nghĩ ra lí do:

- Con có việc ngang qua đây, tiện thể rẽ vào thăm bố.

- Thăm à? Tôi bây giờ chẳng có gì cả.

Minh thấy da mặt mình tê tê. Hơn một tháng nay, hai bố con không gặp nhau. Khi gặp lại dửng dưng như người lạ. Cố nán lại chừng mươi phút cho nhòa bớt cảm giác gượng gạo rồi Minh xin phép ra về. Ông Bào nhìn theo bóng con khuất sau cây bằng lăng, lặng lẽ đóng cửa, lặng lẽ tắt đèn và lên giường, bình thản chìm vào giấc ngủ.

* * *

Đồng hồ điểm một giờ sáng. Minh trở mình. Cơ thể mệt mỏi, đầu ong ong. Tiếng mưa đêm gõ xuống mái tôn càng khiến lòng anh bứt dứt. Cuộc gặp gỡ với bố thêm một lần nữa tác động mạnh vào thần kinh vốn căng thẳng của anh. Dư âm của mấy tháng trời làm đồ án tốt nghiệp.

Hai bố con ở hai đầu thành phố, cái thành phố bé tí tẹo, vậy nhưng chẳng mấy khi gặp nhau. Trong thâm tâm, Minh mong muốn bằng tình cảm cha con để kéo ông trở về với gia đình. Nhưng hình như ông Bào không muốn vậy. Ông từ chối sự quan tâm của anh.

Ông tỏ rõ sự khó chịu mỗi khi gặp anh. Vào ngày nghỉ, ít khi bố anh về nhà, dù quãng đường từ cơ quan về chỉ mất hơn một giờ đi xe máy. Đã lâu lắm rồi hai bố con chưa có một buổi trò chuyện thân mật. Cũng đã lâu lắm rồi, bố anh chỉ nhớ có một việc là hàng tháng gửi cho anh đủ tiền học, tiền thuê nhà, đều đặn, không thiếu một xu.

Đồng tiền vốn rất quý. Càng quý hơn khi bố anh kiếm được nó chẳng mấy dễ dàng. Nhưng sao anh vẫn thấy thiếu. Thiếu những thứ mà với bạn bè anh vốn cực kì đơn giản: Một lời hỏi thăm, một cái nhìn âu yếm, thậm chí cả câu trách mắng của cha.

Tiếng mưa đêm gõ rào rào trên mái tôn. Minh nhớ những buổi tối đi làm thêm, nhìn qua cửa kính của ngôi nhà nọ, thấy vợ chồng con cái họ quây quần bên mâm cơm, Minh đã thèm khát đến nghẹn ngào không khí đầm ấm sum họp.

Rất hiếm những bữa cơm cả năm người trong gia đình anh đoàn tụ đầy đủ. Nếu có thì câu chuyện xung quanh mâm cơm chỉ có bốn mẹ con anh tham gia, còn bố lặng lẽ uống rượu, lặng lẽ gắp đồ ăn, thỉnh thoảng hỏi đứa em út một vài câu chẳng ăn nhập gì.

Bố anh không phải là người xấu, không phải là người vô trách nhiệm với vợ con. Gia đình anh cũng đã có những tháng ngày êm ấm. Tuy nhiên, bằng sự nhạy cảm riêng, anh vẫn nhận thấy phần nào sự xa cách của bố.

Không bao giờ ông tỏ ra ồn ào thái quá hoặc thân mật đến suồng sã. Sự xa cách hình thành rõ rệt từ khi ông có những mối quan hệ riêng tư ở bên ngoài. Ông bắt đầu đi sớm về khuya, thường xuyên vắng mặt trong những bữa cơm – sự vắng mặt không được báo trước, không một lời giải thích.

Sự việc vỡ lở. Cả thị trấn đồn ầm lên chuyện ông cặp bồ với cô gái chỉ bằng tuổi con ông. Ông đáp lại phản ứng của gia đình bằng sự im lặng khó hiểu. Nguy cơ tan vỡ có thể xảy ra nếu mẹ anh không phải là người phụ nữ biết chịu đựng.

Cả hai người đều không thể chia tay, vì họ đã đi quá nửa đời người, vì những mối ràng buộc trong gần ba mươi năm chung sống. Đằng sau sự yên ấm giả tạo là một không khí nặng nề bao phủ toàn bộ căn nhà. Bố ném trả về phía mẹ cái nhìn lạnh lùng, vừa như dửng dưng vừa như thách thức. Một sự đầy ải về tinh thần. Kẻ bị hại biến thành tội nhân. Mẹ anh rạc người đi.

Ở góc độ một người đàn ông, Minh thông cảm phần nào với bố. Đã mấy năm nay, bố mẹ anh không ngủ chung giường. Mẹ hơn bố một tuổi, nếp suy nghĩ giản dị, chất phác và bị chi phối khá nhiều bởi kinh tế gia đình.

Bố là người đàn ông có vẻ ngoài lịch thiệp, nhanh nhẹn, sự trẻ trung lộ ra qua làn da hồng hào và bắp tay săn chắc của người chăm luyện tập thể thao. Minh hiểu, đôi khi ông phải kìm nén những khao khát riêng tư. Song ở góc độ một thành viên trong gia đình, anh giận ông rất nhiều.

Khi anh cần nhất sự quan tâm của người cha thì anh lại phải tự trưởng thành, già dặn hơn cái tuổi hai mươi. Minh lao vào học, không phải với niềm say mê mà vì lòng thương mẹ. Những đêm thức trắng. Những bài tập bỏ dở. Cảm giác thất bại tự lúc nào đã xâm chiếm và đeo đuổi anh.

Màn hình điện thoại sáng lên. Là tin nhắn của mẹ. “Con à, cuối tuần có về nhà không con?”.

Một lát cứa xót xa chạy qua tim. Minh nhăn mặt vì đau. Giờ này mẹ vẫn chưa ngủ. Mẹ đi ngủ muộn, hay mất ngủ vì nghĩ đến bố?

“Con…”.

Minh rụt tay lại. Mẹ nhắn cho anh, có thể bởi nỗi buồn đang trào dâng, cần tìm một nơi chia sẻ. Nhưng nếu bây giờ anh trả lời, mẹ biết anh vẫn còn thức, mẹ lại rầy la, lo anh không biết giữ sức khỏe.

Chỉ còn chút thời gian nữa là anh sẽ bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Mấy tháng nay, anh đã tập trung 200% sức lực để hoàn thiện đồ án. Buổi gặp nặng nề với bố khiến anh gần như trầm uất. Minh tắt điện thoại, xoay người, nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ đến.

Mưa vẫn gõ rào rào trên mái tôn. Sáng mai anh sẽ gọi cho mẹ.

* * *

- Bà nấu ăn như thế này mà nuốt được à?

Ông Bào dằn mạnh bát xuống mâm, liệng luôn cả đôi đũa rồi đứng bật dậy. Ông vội vã thay quần áo rồi vẫn giữ nguyên nét mặt giận dữ, ông dắt xe, nổ máy, phóng vọt ra đường.

Bà Miền chưng hửng, có phần ngượng với con. Cuối tuần, không hẹn nhưng cả hai bố con cùng về nhà. Đợi ông ngủ dậy, bà mới nấu chút mì để cả nhà ăn sáng. Ông vừa mới gắp mì đưa lên miệng, đã liệng bát đũa đứng lên. Chắc lại ra ngoài ăn phở hay cháo lòng kèm vài chén rượu đây mà.

Bà Miền gắp mì đưa lên miệng. Ừ, hình như có hơi mặn, thịt bò thì hơi dai.

- Thôi mẹ, không phải lỗi của mẹ đâu. Mẹ con mình ăn đi.

Minh chan nước vào bát mì, mời mẹ, rồi điềm tĩnh ăn.

- Chắc bố mày lại ra quán.

- Cứ để bố đi mẹ ạ. Ông ấy lấy cớ thôi mà.

Khóe mắt bà Miền ươn ướt. Sự điềm tĩnh của Minh an ủi bà, xoa bớt cảm giác xót xa đang trào dâng nơi cổ họng.

- Ừ, thôi con ăn đi. Ăn nhiều vào lấy sức mà học.

- Ồ mà cái Ngân đâu mẹ?

- Em nó còn ngủ. Đợt này nó cũng thức khuya quá.

- Mẹ bảo nó không phải lo lắng quá. Đại học kiểu gì chả đỗ.

- Ừ, mẹ cũng có yêu cầu nó phải quá sức đâu. Nó vốn cũng lẻo khoẻo từ bé. Chút nữa con nói thêm với em. Mà mẹ cũng chẳng biết… chẳng biết, rằng, có… có nuôi được nó học hết đại học không…

Ngập ngừng, kìm nén, đứt quãng, rồi bà Miền òa khóc như một đứa trẻ. Hai hàng lệ chảy dài theo dấu nếp nhăn trên gương mặt. Giọt này rơi xuống, giọt kia lại nối theo.

Minh cố nuốt cục nghẹn nơi cổ họng. Kể từ khi chuyện ngoại tình của bố anh vỡ lở, hầu như cuối tuần nào anh cũng phải thu xếp công việc để về với mẹ. Về để ăn với mẹ một bữa cơm, để được ôm lấy đôi vai gầy của mẹ, nghe mẹ kể lể, trút bỏ những uất ức trong lòng.

- Hay là… Nếu sống mà khổ tâm quá, không thay đổi được hoàn cảnh, thì bố mẹ li hôn đi.

- Li hôn? Con nói gì vậy?

- Con nói thật đấy mẹ ạ. Càng ngày bố càng nghĩ ra nhiều lý do để dằn vặt mẹ. Mẹ không thể sống mãi như thế này được.

- Nhưng còn các con?

- Con và chị Liên đã qua tuổi 18 rồi. Cái Ngân thì cũng sắp 18, có quyền lựa chọn sống cùng ai. Mẹ không phải lo là chị em con mỗi người mỗi ngả.

- Nhưng còn nhà cửa, họ hàng?

- Họ hàng có sống với chúng ta đâu. Năm gặp nhau vài lần vào dịp giỗ chạp, lễ Tết. Quý mến thì chia sẻ với nhau, không thì thôi, mẹ cũng không phải e dè, sợ lời ra tiếng vào. Hàng xóm thì đèn nhà ai nấy rạng. Tài sản thì chia đều, mỗi bên một nửa, hoặc chia làm 5, vì con cái cũng có phần…

Minh nói một hơi, liền mạch. Bà Miền ngạc nhiên nhìn con, như thể con mình đang bị nhập đồng. Từ bao giờ, con bà đã nghĩ đến những điều mà bà chưa dám nghĩ.

Minh cười nhẹ, và nốt miếng mì rồi với cốc nước tu ừng ực.

- Con nói thật đó mẹ. Con cũng đã suy nghĩ điều này nhiều rồi. Bao nhiêu năm mẹ sống với bố, niềm vui thì ít, nỗi buồn thì nhiều. Mẹ cũng cần phải giải phóng cho mình. Cuộc đời ngắn ngủi lắm mẹ à.

Bà Miền chợt bật cười thành tiếng. Con trai bà sinh viên năm cuối có khác, ra ngoài xã hội rồi nên nói năng suy nghĩ cũng chững chạc lắm. Chỉ là bà cứ coi các con còn quá nhỏ mà thôi.

Chuông điện thoại reo hối hả. Đầu dây bên kia, giọng Liên hốt hoảng:

- Mẹ à, bố bị tông xe rồi, người ta vừa đưa vào bệnh viện…

* * *

Buổi trưa bệnh viện thật yên tĩnh. Trong phòng điều trị nội trú, ông Bào nằm nghiêng quay mặt vào tường, bà Miền ngồi dưới đuôi giường nhẫn nại chườm túi ngải cứu lên những chỗ thâm tím ở chân chồng. Ông Bào chợt giơ chân, đạp thẳng vào mặt vợ.

- Đồ ngu. Ai khiến. Đã bảo cút đi cho khuất mắt mà.

Hai con mắt bà Miền nổ đom đóm. Một nỗi niềm cay đắng, giận dữ dâng đầy. Bà buông túi chườm, bước ra ngoài.

Buổi sáng cuối tuần hôm đó, Liên - con gái lớn của bà đang làm ở tiệm may hốt hoảng gọi điện về báo tin ông Bào bị tai nạn. Là do ông ấy phóng nhanh vượt ẩu, chệch tay lái ngã ra, đầu đập mạnh xuống nền đường ngất đi.

Cái mũ bảo hiểm cũng rạn vỡ. May mà còn đội mũ, chứ nếu không đội thì hậu quả còn chưa biết chừng. Một người quen của Liên đưa ông vào bệnh viện, rồi gọi cho Liên. Để các con yên tâm học hành, làm việc, bà Miền chuẩn bị tiền và đồ dùng cần thiết vào bệnh viện chăm chồng.

Đây không phải lần đầu ông Bào nằm viện. Ngay cuối năm ngoái, sau bữa nhậu quá chén cùng bạn bè, ông phóng xe máy ra đường rồi cứ thế lao thẳng xuống mương. Người đi đường xúm vào cứu giúp, đưa đi bệnh viện kịp thời. Nằm mê man bất tỉnh mấy ngày. Xe thì hỏng nặng. Cả gia đình cũng mất Tết.

Ấy vậy mà bây giờ ông ấy lại tiếp tục gây tai nạn. Như một cách để hủy hoại chính mình, và dằn vặt đầy ải bà.

Thời điểm bà gặp ông, ông chỉ là một anh lính phục viên với hai bàn tay trắng, bà là kế toán một công ty nhà nước. Chính bà đã xin lãnh đạo công ty cho ông vào làm việc. Cũng chính bà đi xin đất làm nhà. Rồi những đứa con lần lượt ra đời. Một tay bà cắt đặt, thu vén, nuôi nấng con cái, lo toan cho gia đình.

Rồi công ty làm ăn thua lỗ phải giải thể. Bà nghỉ hưu theo chế độ mất sức. Ông xin được việc làm ở công ty khác. Mấy năm nay, ông được đề bạt cất nhắc. Thu nhập của ông, theo như người bạn giám đốc tiết lộ thì cũng kha khá. Song ông chỉ đưa bà một khoản nhất định. Bà chạy chợ, kiếm đồng dưa đồng mắm, và cặm cụi chăm sóc mảnh vườn sau nhà.

Khi chuyện riêng của ông vỡ lở, ông xin chuyển công tác xuống chi nhánh công ty dưới thành phố. Đó là cách để ông kiếm cớ xa bà, không phải nhìn mặt bà hàng ngày, và tự do hẹn hò. Điều ấy càng thêm xát muối vào lòng bà.

Cú đạp của ông khi nãy làm mắt bà vẫn còn nổ đom đóm. Đó cũng không phải lần đầu tiên. Cũng không phải lần đầu tiên ông chửi bà là đồ ngu. Phải. Đúng là bà ngu thật.

Chiều dần buông. Trên nền trời, một cánh chim lạc chấp chới cô đơn. Ước gì bà được như cánh chim kia, tự do bay lượn, tự do dang đôi cánh của mình, dẫu có thể sa vào những tầng mây tối, dẫu có thể bị ánh mặt trời thiêu cháy.

Đứng từ xa nhìn mẹ, lòng Minh muốn khóc. Anh đã loay hoay tìm mẹ ở căng tin, ở nhà thuốc, ở ngoài cửa hàng, và rồi thấy mẹ ngồi như hóa đá trên chiếc ghế góc vườn hoa bệnh viện. Bao xót xa dồn tụ nơi đôi vai đã nhiều phần mệt mỏi. Anh muốn chạy lại ôm lấy bờ vai ấy, mà không thể…

* * *

Thành phố lại mưa. Cơn mưa cuối mùa Thu. Minh phóng xe trên đường, không một mảnh áo tơi. Nước mưa chảy tràn vào mặt, chảy tràn mắt cay xè. Cả đầu anh là một khối nóng bỏng. Con tim anh đang bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ, từng mảnh từng mảnh rơi xuống nền đường, rồi bị cuốn đi theo dòng nước mưa xối xả.

Chiều nay, bạn gái anh nói lời chia tay. Lý do thật đơn giản: Không hợp. Cô trả lại anh những tấm bưu thiếp, cuốn sổ tay có bông hoa hồng ép khô, chiếc đồng hồ cát, album ảnh, cùng rất nhiều đồ vật khác – kỉ niệm của hơn hai năm trời yêu nhau. Minh đã dự định sau khi cả hai bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp, anh sẽ đưa cô về giới thiệu với mẹ. Hẳn mẹ anh vui lắm, khi thấy con trai có người yêu vừa xinh xắn, ngoan hiền, lại giỏi giang.

Vậy mà cô lại đột ngột rời xa anh. Dẫu đêm trước ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp, cô vẫn là đi là lại chiếc áo sơ mi trắng cho anh. Và trước khi anh bước vào giảng đường, cô vẫn níu tay anh lại, gắn một ngôi sao nhỏ lên ngực áo.

Giả dối. Thật là giả dối. Cô đã có người khác. Vậy mà sao phải diễn với anh. Diễn đến ngày cuối cùng. Trong một bộ mặt ngây thơ.

Cô đã rời xa anh ở khoảnh khắc anh cần cô nhất. Cần cô, để bước vào đời.

Cũng chiều nay, mẹ anh gọi điện. Mẹ hỏi anh về kết quả bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Mẹ hỏi anh khi nào sẽ làm xong thủ tục ra trường, khi nào thì nhận bằng tốt nghiệp.

Và mẹ nói, mẹ muốn li hôn.

Dù đã từng chia sẻ với mẹ về chuyện này, nhưng khi được nghe từ mẹ, anh vẫn cảm thấy bất ngờ, hụt hẫng.

Anh không nghĩ rằng, sau năm năm đại học, khi đã chắc chắn được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp ra trường, anh lại đối diện với tình cảnh này. Mối tình đầu tan vỡ. Bố mẹ chia lìa. Chị Liên, anh và Ngân, mỗi người sẽ phải tự quyết định cho cuộc sống của mình.

Tấm bằng kỹ sư quý giá, phải nhọc nhằn lắm mới có được, nhưng tấm bằng ấy chẳng là gì giữa thành phố ồn ào rộng lớn này. Bờ vai anh có đủ sức để cho mẹ anh, chị gái và em gái anh dựa vào, để họ an tâm cười nói đủ chuyện trên đời, an tâm gục vào đó khóc ngon lành?

Cơn mưa chiều thêm phần nặng hạt. Chiếc xe đạp vẫn phóng vun vút vun vút trên đường.

Chớp lóa lên, làm rạn vỡ một khoảng trời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ