Tính khí ấy có từ hồi trẻ; vậy nên cho dù đã trung niên cứng tuổi, ngoài thời gian dành cho ăn ngủ và những nghĩa vụ bắt buộc, còn lại gã vẫn thích ở… ngoài đường hơn ở nhà! Mười ngày như chục, hễ đi làm chiều về tắm rửa, lùa vội vàng ba hột cơm xong gã lại dắt xe đi.
Đi đâu? Vợ nhăn nhăn. Đi… tầm phơ với mấy thằng bạn chút. Trời nóng quá… Nói đáng tội, tiết trời có hơi nóng thật, đầu hôm trong nhà cứ như cái lò! Vợ không vui cũng đành, chỉ biết dặn với theo: Nhớ về sớm á; mà đừng uống rượu… Khoản này gã đâu dạ “đáp từ” chi; cứ làm bộ không nghe, rồ ga xe máy chạy tuốt kệ vợ đứng dậm cẳng dậm chân. Rượu chè có hay không là chuyện… hên xui, ai nói trước được?
Bạn bè nổi hứng bày trận, khề khà chén chú chén anh vui ngút trời sao mình nhịn nổi. Mà giả dụ có nhịn nổi cũng sẽ không yên với lũ nặc nô. Nam vô tửu như kì vô phong, không uống sẽ bị chúng phong “thị” nọ “thị” kia; tức trào cơm; đường nào cũng phải uống…
Chuyện vãn sẻ chia, khề khà trà rượu với bầu bạn, vụ ấy quả rất thú. Gã sống quảng giao, hào phóng cởi mở nên có nhiều bạn thân; luôn cả vài mối quan hệ được xem là “tri âm tri kỉ”. Với gã, bạn bè là số một, nơi có thể trút bỏ nỗi buồn và đong đầy những niềm vui. Thằng em họ kêu: Tui từ ngày có vợ con bạn bè lần lượt “rụng” như sung.
Ông hay thiệt à… Gã nhìn nó, lạ lẫm như nhìn vật thể lạ hành tinh. Thật không thể hình dung sao người ta có thể sống không cần có bạn; nhất là những người bạn sinh ra, lớn lên cùng thế hệ, có thể hiểu và chia sẻ cùng ta tất cả mọi nỗi niềm…
Nói vậy không có nghĩa gã không yêu thương người thân; có điều thực sự gã không mấy coi trọng gia đình. Gia đình - cha mẹ, vợ con - ai mà chẳng có. Lo đương nhiên phải lo. Nghĩa vụ một ông chủ gia đình (làm chồng, làm cha, cả… làm con) được gã gánh vác chỉn chu: Cơm áo gạo tiền, ơn nghĩa hiếu hỉ và vân vân. Nhưng cũng chỉ… tới vậy.
Niềm vui, nỗi buồn và những cảm nhận, khát khao của người thân dường như gã không mấy lưu tâm. Chủ nhật ngày nghỉ hoặc lễ, Tết gã thích dành thời gian bù khú với bạn bè hơn. Nhà chỉ là nơi gã trở về để ăn uống, nghỉ ngơi sau khi đã mệt nhoài vì công việc hoặc vì những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè…
* * *
Thứ 7. Sáng đi làm vợ kêu: Bữa nay, chiều anh về sớm, đi về ngoại với em… Chuyện gì? Tới lượt gã nhăn nhăn. Trời, phải có chuyện gì mới về ngoại được sao? Lâu rồi vợ chồng mình chưa về thăm ông bà ngoại. Mẹ nhớ cu Bo, gọi điện nhắc… Thì em chở con về chơi với ông bà được rồi.
Tối nay, anh có cái hẹn weekend với mấy đứa chiến hữu… Weekend với chiến hữu quan trọng lắm ha? Ừ, quan trọng. Quan trọng hơn… cha mẹ vợ anh luôn ha??? Bao giờ cũng vậy, cái giọng tỉnh rịnh, lạnh băng kia luôn là “điềm báo chết chóc” khiến gã đứng khựng. Nhìn kĩ mặt vợ. Thiệt, mặt nàng âm u…, không, chính xác nó tối sầm vần vũ hứa hẹn một cơn dông.
Gã thở dài. Nghĩ tới viễn cảnh buổi weekend được ăn nhậu hò hát tưng bừng không phải không tiếc; nhưng… Bình thường gã luôn giành phần ngang cua chia cho vợ phần nhu thuận. Có điều khi nàng đã nổi điên (họa hoằn thôi) thì phải biết “xuống thang”. Tránh voi chẳng xấu mặt nào…
Vậy nhưng, yên tâm, chuyện ấy rất họa hoằn. Gã con trai út, vợ chồng được ở “nhà lớn” (từ đường) với cha mẹ nên anh em trong gia đình rảnh rỗi hay kéo về chơi. Nhiều hôm cả nhà đang rôm rả nhưng có điện thoại bạn gọi gã cũng kiếm cách này cách khác chuồn đi chơi riêng.
Còn nữa, thi thoảng dắt bạn về nhà rượu chè đàn hát thâu đêm. Vợ gã không nói gì. Tuổi trẻ chắc dễ thích nghi nhưng mẹ gã lại khác. Người già khó ngủ. Thêm cái, bà cụ xưa nay quen sống yên tĩnh giờ phải chịu cảnh nửa đêm nhà còn vang tai đàn địch, cười nói huyên thuyên khiến cụ nằm không yên.
Đôi lần gọi con trai ra nói chuyện thiệt hơn cụ bị gã cự lại (chẳng qua là mẹ… khó tính. Con tới nhà bạn chơi suốt đêm có thấy cha mẹ bạn than phiền gì đâu???). Lần ấy cuộc vui cao trào hưng phấn quá mức, chơi tới 1, 2 giờ sáng tiệc rượu, tiệc đàn còn chưa tan; bà cụ bực quá lồm cồm dậy ra… đuổi thẳng khách, kệ cho gã bức xúc!
Nói rõ, vụ này với gã không phải bức xúc thường. Phải nói là rất, rất, rất chi bức xúc! Gã vốn tính sĩ diện, chữ “lễ” giữ gìn như con ngươi mắt. Mẹ làm thế với khách (toàn bạn bè gã quí trọng) có khác chi… bôi tro trát trấu vào mặt gã??? Tổn thương trầm trọng. Oán giận hết biết.
Cự cãi lớn tiếng cùng mẹ gã không dám; nhưng từ hôm ấy trở đi trong giấc ngủ đêm đêm gã luôn mơ màng chuyện được… trúng số! Thiệt, nếu trời thương cho trúng số (thề đấy!) gã sẽ lập tức “ra riêng”: Kiếm nơi xây ngôi nhà nhỏ (…xa xa nhà mẹ) để thoải mái tự do mà thù tiếp bạn bè…
* * *
Gã đổ bệnh.
Ban đầu chỉ là triệu chứng đau, tê mỏi ngang hông khi đứng hoặc ngồi nhiều. Dần dần đau lan xuống mông, xuống đùi, chạy dọc xuống bụng chân sau. Mua thuốc uống đỡ đỡ vài hôm nhưng hết thuốc lại đau. Quái thật, xưa giờ gã vốn khỏe như vâm, đi chạy mang vác đùng đùng có sao đâu.
Đàn ông tuổi chưa tới bốn mươi, đang tráng khí mà bệnh hoạn nỗi gì. Vợ giục đi khám gã cứ ừ ừ, chắc không sao đâu, nhiều lần anh công việc áp lực cũng thấy đau chỗ này chỗ kia xong vài hôm xong tự hết. Hi vọng lần này cũng vậy…
Lần lữa mãi. Công việc nhiều một phần, nhưng cái chính là gã ỉ i vô sức trẻ, tin rằng nó sẽ tự qua. Còn một lí do “tế nhị” hơn: Gã vốn mê chơi. Đi bệnh viện khám, chính thức thừa nhận mình đang bệnh mà còn tà tụ ăn chơi, bạn bè bù khú đương nhiên mẹ và vợ sẽ không để yên. Mà đời không bạn thì sống sao hả trời…
Chờ mãi không qua chỉ thấy đau đớn càng ngày càng tăng. Đứng thẳng vài phút chân đã tê rần phải tìm chỗ ngồi. Ngồi lâu cũng không ổn: Chân đỡ đau thì tới lượt thắt lưng “chịu trận”. Giờ việc ngày ngày gã tới chỗ làm đi xe máy còn khó khăn.
Ráng trụ cùng công việc hết giờ xong nhúc nhắc ráng về nhà. Một bữa, dắt lùi chiếc xe máy ra khỏi nhà xe gã – theo quán tính cũ, quên mất cái lưng đang đau – đưa tay nhấc bổng đuôi xe để quay đầu.
Nghe tiếng “rắc” kèm theo cơn đau dội từ thắt lưng gã biết mình đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Bậm môi cố nén cơn đau, gắng gượng lên yên đề máy, gã chỉ đủ sức chạy về tới nhà là buông xe, kêu vợ đỡ vô giường.
Từ hôm ấy gã nằm liệt.
Bệnh viện chẩn đoán bị trượt đốt sống kèm thêm thoát vị đĩa đệm, rách bao nhân xơ và một loạt thuật ngữ chuyên môn gì gì nghe bắt rối óc. May, còn khả năng điều trị bảo tồn bằng thuốc và vật lí trị liệu chứ chưa đến nước phẫu thuật. Có điều thời gian hơi dài và sau này phải làm việc, sinh hoạt chừng mực hợp lí nếu không muốn bệnh tái phát, bác sĩ cảnh báo!
Được được, đau tới mức ấy mà còn cơ may bình phục, không phải mổ đã may mắn lắm, bảo gì mà gã chẳng nghe! Có điều nghĩ thương cho vợ: Thời gian điều trị và tĩnh dưỡng bác sĩ bảo kéo dài hàng năm (chưa kể viện phí, thuốc men, sinh hoạt phí của gia đình…); gã không đi làm không có thu nhập, mình nàng sẽ xoay xở sao đây???
Như đoán ra ý chồng, vợ lau mồ hôi trán, cầm tay: Anh yên tâm, em xoay xở được mà! Một năm chứ… mười năm em cũng xoay, miễn anh bình phục… Gã nghe, rân rấn nước mắt. Biết vợ “đại ngôn” cho mình yên tâm dưỡng bệnh mà sao vẫn cảm động!
Hôm sau, hôm sau nữa tới phiên ba mẹ vợ, anh chị em đôi bên lục tục vào thăm. Người thân ai cũng tiền bạc của ít lòng nhiều gọi là “phụ tiền thuốc men”. Vợ thay mặt gã nhận tiền, cảm ơn sắp lượt. Tới phiên mẹ ruột, bà cụ lụm cụm móc ra nguyên chỉ vàng dúi vô tay vợ gã. Bán đi, lấy tiền lo cho nó. Trời, mẹ ơi, không cần đâu, con lo được… Cầm đi, cụ nạt, mẹ cho con trai mẹ chứ đâu có cho con!
Nghe mẹ nạt lòng gã tự nhiên thấy ấm ran. Bao oán giận chuyện bị mẹ làm xấu hổ trước mấy tên “chiến hữu” phút chốc không cánh mà bay. À, nhắc ra mới nhớ; sao mấy hôm nay chưa thấy đứa nào ló vô thăm mình cà???