Truyện ngắn: Nụ cười của Nắng

GD&TĐ - Nắng là đứa con gái nhỏ bé bỏng của tôi. Tôi đặt tên ở nhà cho con là Nắng, tôi hy vọng con bé lúc nào cũng tỏa sáng rực rỡ như tia nắng.

Truyện ngắn: Nụ cười của Nắng

Nắng là đứa con gái nhỏ bé bỏng của tôi. Tôi đặt tên ở nhà cho con là Nắng, tôi hy vọng con bé lúc nào cũng tỏa sáng rực rỡ như tia nắng.

Tuổi thơ tôi đã trải qua nhiều mưa dông và thiếu thốn, vì thế tôi muốn dành những điều tốt đẹp nhất chắp cánh cho tuổi thơ của con được hạnh phúc và trọn vẹn.

Tuổi thơ tôi thời đó tuy không bất hạnh nhưng cũng cùng cực gian nan để theo đuổi được con chữ đến nơi đến chốn. Cha má tôi ngày ngày phải đội nắng phơi sương, còng lưng trên cánh đồng ruộng cấy thuê, ngụp lặn kênh sâu bắt từng con cá mò từng con ốc.

Đi từ hừng đông cho đến tối muộn nào đâu có thời gian dạy kèm cho tôi từng con chữ. Tôi phải cố gắng tự tìm tòi, tôi ước có người cầm tay nắn nót hay dạy cho mình thêm nhiều thứ nhưng không có ai cả.

Không phải cha má tôi không muốn dạy cho tôi hay không muốn cho tôi đi học thêm. Mà đơn giản cha má tôi cũng không biết chữ để dạy, cũng không có lớp học thêm nào được mở. Lớp chính quy đã là một điều cố gắng của rất nhiều người.

Thời gian chầm chậm trôi nhanh, từng mùa phượng nở rồi lại tàn, xã hội ngày càng phát triển và tân tiến. Mỗi năm có biết bao nhiêu lớp học thêm bộ môn, học năng khiếu, học ngoại ngữ được mở. Trẻ con ngày xưa nhút nhát và yếu kém hơn trẻ con bây giờ là vậy.

Đó là lý do vừa kết thúc năm học, tôi bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm kiếm chỗ học thêm cho Nắng. Ở mảnh đất Sài Gòn hầu như không có mùa Hè đối với bọn trẻ. Tôi thương con học hành mệt nhọc nhưng cũng không muốn con thua kém bạn bè.

Năm học vừa rồi thành tích của Nắng đứng thứ ba trong lớp. Gia đình tôi vô cùng tự hào và sung sướng. Vì thế tôi muốn thành tích tốt đẹp này đi theo Nắng đến hết cuộc hành trình học tập. Tôi không thể học thay Nắng nhưng tôi có thể tạo mọi điều kiện tốt nhất để con được phát huy và được trở thành người xuất sắc.

Tôi đón Nắng từ lớp học thêm tiếng Anh, không biết hôm nay học hành thế nào tâm trạng của Nắng có vẻ không được vui. Gương mặt bí xị, uể oải đeo chiếc balo màu hồng phấn chậm chạp tiến về phía tôi. Tôi nhíu mày lo lắng sợ con không khỏe nên vội bước đến đưa tay chạm vào trán con bé kiểm tra. Trán không nóng. Tôi thở phào. Trên đường về nhà tôi thử dò hỏi.

“Nắng sao thế? Buổi học đầu tiên không vui à? Cha nhìn thấy có Ngọc Hân bạn thân của con nữa mà”.

Nắng im lặng. Buổi tối không khí Sài Gòn mát lạnh thoải mái hơn ban ngày, gió thổi làm đuôi tóc con bé thỉnh thoảng bay vào mặt tôi. Lúc chạy ngang quán trà sữa tôi lần nữa lên tiếng hỏi.

“Nắng có muốn uống trà sữa không? Cha mua cho con nhé!”

Có lẽ vì đúng sở thích nên Nắng thấp giọng trả lời ngay.

“Có ạ! Nhưng cha mua cho mẹ với nhé! Mẹ thích uống trà sữa thái”.

Tôi bật cười rồi cho xe dừng lại trước cửa quán. Nắng là cô bé rất tình cảm, biết quan tâm và chia sẻ. Khi tôi muốn mua gì cho con bé ăn, con bé luôn nhắc nhở tôi mua một phần về cho mẹ.

Lúc trước, tôi nghe mẹ con bé bảo, những lúc đi cùng mẹ, con bé cũng nhắc nhở mua phần cho tôi. Tôi mừng vì con biết suy nghĩ đến từng thành viên trong gia đình. Trong lúc chờ đợi nhân viên làm trà sữa, hai cha con tiếp tục trò chuyện. Tôi cố gắng tìm lý do vì sao con bé lại không vui.

Nắng trầm mặt rất lâu cuối cùng ấp úng trả lời:

“Các bạn trong lớp bàn luận xôn xao về kỳ nghỉ Hè, có bạn xin nghỉ ba ngày để về quê nội, có bạn xin nghỉ một tuần để đi du lịch, Ngọc Hân cũng xin nghỉ về quê ngoại ở Vĩnh Long, Ngọc Hân hỏi con có được cha mẹ dẫn đi đâu không?”.

Tôi ngơ ngác rồi dường như chết lặng. Hình như tôi đã mải mê chạy theo thành tích, chạy theo suy nghĩ của mình mà quên mất cảm giác của con.

Tôi đã từng suy nghĩ và trao đổi với vợ về một chuyến du lịch nhỏ để Nắng được thư giãn trước khi bắt đầu lịch học thêm. Tôi đã đắn đo rất nhiều không biết đi du lịch có làm chậm trễ lịch học và thua kém bạn bè hay không nhưng giờ thì tôi nhận ra, tôi đã quyết định đúng.

***

Bước vào tháng Hè, những cây phượng đỏ thắm, cánh hoa rơi rả trên khắp mặt đường. Tiếng ve kêu râm rang hoà tấu thành bản nhạc tươi vui rộn rã. Ngày xưa, đối với trẻ thơ tháng Hè là tháng bọn trẻ mong chờ nhất.

Vì không cần phải học hành, không cần phải ngày ngày đến lớp. Hè là những ngày được ngủ nướng đến hơn tám giờ cũng không cần lo lắng trễ học. Hè là những ngày được đi du lịch, được về quê thăm ông bà.

Thế mà, với nhịp sống hối hả cùng sự phát triển của xã hội. Cha mẹ ngày càng đặt mục tiêu cao hơn, ước mơ xa hơn, kỳ vọng nhiều hơn vào những đứa con bé bỏng của mình và tôi cũng là một người cha như vậy.

Tôi quên mất mùa Hè ngày xưa của tôi như thế nào và cũng quên luôn mùa Hè bọn trẻ mong muốn điều gì. Tôi đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ của mình thì bất chợt nghe được đoạn đối thoại của hai mẹ con bên cạnh.

“Mai gia đình mình về ngoại nghỉ hè Su Su có thích không?”

“Thật không mẹ? Vậy con không phải đi học thêm hả mẹ?”

“Học chứ nhưng bây giờ chưa phải lúc. Con cứ thỏa thích chơi, tháng sau mẹ sẽ là giáo viên cho con”.

Bà mẹ vừa nói vừa đặt ly trà sữa vào tay của cô bé. Cô bé mừng rỡ đôi mắt sáng to tròn long lanh nhìn ly trà sữa.

“Thích quá! Con yêu mẹ nhất”.

Tôi bàng hoàng nhìn người mẹ quần áo có chút cũ kỹ, chiếc xe đạp với phần đuôi cột bao to bao nhỏ chứa đầy ve chai nhưng ánh mắt đong đầy tình yêu thương dành cho con gái nhỏ của mình.

Trong khi tôi cũng là một người cha, cũng có một đứa con gái nhỏ nhưng tôi lại không chú ý quan tâm đến suy nghĩ cảm xúc của con. Nhớ lại buổi sáng, lúc Nắng nắm tay tôi mỉm cười hỏi ba có biết hôm nay là ngày gì không? Vì sắp muộn giờ học thêm nên tôi đã quên hôm nay là sinh nhật của Nắng.

Lúc tôi trả lời không biết, tôi nhận ra nụ cười của Nắng tắt hẳn như vệt nắng gặp trời chuyển mưa thì lặn đi. Tôi có thử hỏi lại là ngày gì nhưng Nắng ủ rũ rồi im lặng không đáp lời. Suốt dọc đường đưa Nắng đến lớp học thêm, Nắng vẫn không nói thêm lời nào với tôi nữa.

Tôi nhận ra mình đã thờ ơ và thiếu quan tâm đến Nắng. Tôi đưa Nắng về nhà trước rồi viện lý do còn có việc bận quay xe vội vàng rời đi. Tôi lang thang trên đường phố tấp nập dòng người, dạo vòng quanh vài con đường rồi cho xe tấp vào cửa hàng gấu bông mua con gấu dâu to bằng Nắng, lại đến cửa hàng bánh ngọt mua thêm một cái bánh kem có hình công chúa nhỏ tóc vàng mặc chiếc váy màu hồng xinh đẹp.

Tôi không biết mẹ Nắng có quên ngày hôm nay là ngày gì như tôi hay không nhưng cho dù mẹ Nắng có quên thì tôi cũng hy vọng món quà của mình sẽ đem lại niềm vui cho Nắng.

***

“Chúc Nắng sinh nhật vui vẻ. Nắng của mẹ phải luôn mỉm cười thì mới xinh đẹp đáng yêu”.

“Mẹ ơi! Cha không nhớ sinh nhật của con”.

Nhìn vẻ mặt ủ rũ buồn bã của Nắng, Hằng đau lòng ôm con vào lòng an ủi. Nắng từ nhỏ đã rất thân thiết và mến cha cho nên đặc biệt để ý đến lời nói và hành động của cha. Hằng đoán có lẽ Khánh bận rộn với công việc nên quên mất ngày hôm nay là ngày gì. Hằng bất chợt cảm thấy may mắn vì bản thân đã không quên, nếu ngay cả Hằng cũng không nhớ và quên tặng quà cho Nắng.

Hằng không biết lúc đó Nắng sẽ buồn tủi đến mức nào. Hôm trước, Khánh có bàn qua với Hằng, sắp xếp công việc để cả gia đình cùng đi biển vài ngày. Nắng đã mệt mỏi cả năm học, có thể cho con học hè nhưng trước hết cũng cần cho con thời gian vui chơi thư giãn. Khánh đã suy nghĩ và tính toán được như thế thì chắc chắn tình yêu thương của Khánh dành cho Nắng cũng không ít hơn Hằng.

“Nắng ngoan, cha bận rộn công việc nên nhất thời…”.

Hằng còn chưa kịp nói hết câu thì đã nhìn thấy Khánh một tay ôm gấu bông, một tay xách bánh kem bước vào nhà. Hằng mỉm cười rồi xoay người con gái lại.

Nắng trợn tròn mắt rồi cười híp mắt chạy nhanh đến chỗ Khánh.

“Nắng chậm thôi con, coi chừng vấp té”.

Tôi hốt hoảng la lên khi trông thấy Nắng cắm đầu chạy đến chỗ tôi và thật sự Nắng đã ngã, tôi lo lắng chạy đến đặt con gấu bông và bánh kem trên tay xuống rồi đỡ lấy Nắng.

“Con không sao chứ? Chạy nhanh như vậy làm gì vấp ngã rồi thấy không? Để cha xem có trầy, chảy máu ở đâu không?”

Đầu gối của Nắng đập mạnh xuống đất, xước da chảy máu, tôi đau lòng nhíu mày, vậy mà Nắng không khóc cười hì hì bảo tôi không sao, không đau. Tôi đỡ con bé đứng dậy đi vào nhà mà quên luôn chú gấu hồng cùng chiếc bánh kem nằm bên cạnh.

“Cha ơi! Gấu hồng, bánh kem của con”.

Nắng giật giật tay tôi chỉ vào gấu bông và bánh kem đang nằm lặng lẽ dưới chân. Tôi sững sờ rồi mỉm cười.

“Xin lỗi Nắng, cha quên mất”.

Tôi nhặt con gấu bông lên rồi đặt vào vòng tay Nắng.

“Chúc con sinh nhật vui vẻ”.

“Con cảm ơn cha. Con yêu cha nhất”.

Hằng mỉm cười nhìn hai cha con rồi nhẹ nhàng lên tiếng.

“Cuối tuần này cả nhà chúng ta sẽ đi biển Vũng Tàu, Nắng về phòng chuẩn bị đi nhé”.

Nụ cười của Nắng càng rộng hơn, Nắng đặt con gấu bông xuống rồi chạy đến ôm cha sau đó chạy đến ôm mẹ, vừa chạy vừa tíu tít.

“Con vui quá! Con cảm ơn cha mẹ. Con yêu hai người nhất trên đời”.

Tôi và Hằng nhìn nhau mỉm cười. Yêu thương con chính là biết suy nghĩ tôn trọng cảm xúc của con. Yêu thương con chính là quan tâm đến những điều nhỏ nhặt và bình dị nhất. Hạnh phúc của vợ chồng tôi chính là được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của Nắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.