1.
Nắng như lửa đốt, dội xuống những cánh đồng đang vào mùa gặt. Năm nay được nắng nên lúa chín sớm, bát ngát một màu vàng. Những bông lúa hạt mẩy, uốn cong lưỡi liềm như còn lấp lánh phù sa.
Vẫn còn lúp xúp những vũng nước vàng khè, thỉnh thoảng lũ đỉa bị nóng nung vùng vẫy như phải vôi. Vụ chiêm năm nay hứa hẹn bội thu, màu no ấm đã hiện lên vui tươi trên ánh mắt những người nông dân.
Tiếng loa bỗng dội lên giữa trưa.
Tôi chạy ra đồng gọi mẹ:
- Mẹ ơi, về làm căn cước, nhanh lên mẹ ơi!
Nghe tiếng gọi, mẹ hớt hải chạy lên. Ánh nắng gay gắt như đuổi theo mẹ mót thêm mấy giọt mồ hôi và rám khói sau vạt áo bà ba.
Nhà không làm ruộng, nhưng mẹ gặt giúp nhà cái Lương trong xóm. Nó học lớp 9, bố mẹ nó sau mấy lần tranh cãi bất phân thắng bại đã bỏ nhau và đều “cao chạy xa bay” khỏi làng. Tội nghiệp con bé thui thủi một mình; lúa đã chín rộ, xung quanh người ta đã gặt hết, nó bận học, làm bài kiểm tra cuối năm liên tục, không có thời gian ra đồng gặt lúa.
- Mẹ định tranh thủ gặt cho xong đám ruộng này không thì trời mưa con ạ.
- Dạ con biết mà, nhưng hôm nay mẹ phải về để làm thẻ căn cước, nghe nói chiều nay họ đi rồi.
- Có chi gấp gáp mà họ làm cả trưa con nhỉ? Lỡ chiều nay mưa thì lúa hỏng hết.
Mẹ dừng lại, nhìn tôi:
- Hay con nói giùm họ, chiều về mẹ làm được không? Giọng mẹ chìm xuống như van lơn.
- Không được đâu mẹ ơi, thôi mau về đi ạ! Tôi giục.
Một làn gió mát hiếm hoi bỗng lướt qua chúng tôi rồi bị ánh nắng xua đi tan nhanh trong không gian oi bức của buổi trưa mùa Hè.
Tiếng loa vẫn ra rả khắp làng. Giọng rè rè khói thuốc lào của xóm trưởng khi thì trong veo ăng ẳng, khi thì ồm oàm nghe như tiếng ễnh ương sau lụt làm náo động cả làng. Nắng chang chang đổ lửa; các nẻo đường rộn tiếng xe máy, tiếng còi cùng với những bước chân thoăn thoắt.
- Gì mà khẩn trương thế, hơn cả thời chiến tranh chạy giặc. Tiếng một bà cụ hỏi.
- Không biết, ai chậm thì người đó chịu thiệt. Tiếng một bà cụ khác trả lời - Nghe nói đêm qua họ làm đến 10, 11 giờ kia đấy!
- Thời buổi dịch Covid mà tập trung đông như thế là không được đâu! Lỡ một người bị dịch thì cả làng bị lây à. Tôi nghe nói, Nhà nước đã có lệnh cấm tụ tập đông người rồi mà!
Mẹ hòa vào đám đông đến hội trường xóm. Tôi dặn vội mẹ mấy câu rồi về chuẩn bị bữa trưa, nhìn đồng hồ. Đã hơn 13 giờ!
- Bà già ơi, sao ăn mặc lôi thôi thế… mà mùi mồ hôi không chịu được. Anh công an khó chịu khi thấy mẹ ngồi vào bàn.
- Chú thông cảm cho bà, bà đang gặt lúa thì con gái nó gọi, bà chạy vội ra, chưa kịp thay áo.
Không nói gì, chỉ nghe tiếng mũi khịt khịt của anh ta. Chắc anh công an bực lắm. Rồi anh ta nhấn hai ngón tay cái của mẹ xuống tờ giấy in để sẵn, lăn đi lăn lại mấy vòng. Mẹ thấy tay đau, định kêu, nhưng lại thôi! Anh công an ngoảnh sang người ngồi bên:
- Vân tay gì mà khó lấy lắm, mãi không thấy nổi lên. Sáng đến giờ đây là trường hợp thứ hai mình gặp. Nếu cả làng mà như bà này thì có mà ăn cám.
Mẹ cúi xuống, như muốn thụt cổ vào vạt áo. Hổ thẹn làm sao, bà con đang nhìn mẹ!
Anh công an ghì từng ngón tay của mẹ xuống tờ giấy tiếp tục lăn. Mẹ biết anh ta đang giận, vì mỗi khi anh ta lăn ngón tay mẹ, anh ta cầm chặt như gọng kìm đang siết một vật gì vậy.
- Kiểu này thì khổ ba đời, ngón tay lăn mãi mới nổi vân, ngón lại ngắn cun củn như củ khoai sùng.
Anh công an vừa nói vừa nhìn sang đồng nghiệp như muốn chia sẻ đồng tình.
Mắt mẹ bỗng đỏ hoe, rưng rưng… may mà lệ chưa nhỏ xuống tờ giấy.
Chưa hết bàng hoàng, giọng anh công an bỗng oang oang:
- Được rồi đấy, bà ra để người khác vào làm!
Mẹ vừa đi, vừa cúi mặt; ra khỏi hội trường mẹ chạy nhanh đứng nép vào bờ rào và khóc tấm tức như trẻ nhỏ. Hơn sáu chục tuổi đầu chưa ai nặng lời với mẹ như anh công an lúc nãy.
2.
Hôm nghỉ hưu, mẹ định mở lớp dạy thêm kèm mấy cháu trong xóm nhưng ba và các con không cho.
- Thì mẹ có lấy học phí đâu, các cô chú năn nỉ nhiều hôm, nể họ quá; mà có các cháu cho nó thêm vui nhà vui cửa - mẹ bảo.
- Biết thế, nhưng con đã gặp họ thông cảm rồi - con trai mẹ nói. Giờ nghỉ hưu mẹ đừng dạy dỗ gì nữa, mẹ khỏe là chúng con mừng rồi ạ!
Mẹ vẫn nhớ lớp học với các em học sinh. Gần 35 năm gắn bó, ngày ngày chăm bẵm chúng nó, giờ không nhớ sao được! Bao nhiêu vui buồn đều trộn lẫn trong ánh mắt trong veo của lũ trẻ. Thương nhất là mấy đứa xóm bãi ngang, chữ viết cứ xiên xẹo như dây thừng kéo lưới.
Những ngón tay đen cháy, cứng đơ như que củi kéo mãi không sao viết đúng nét. Bàn tay mẹ đã cầm bao nhiêu bàn tay con trẻ uốn từng nét chữ, chữa từng lỗi viết sai, viết thiếu nét. Nghề của mẹ là phải kiên nhẫn, chịu khó, phải nâng niu từng bàn tay như nâng niu chồi non của cây xanh.
Nghỉ hưu mẹ thấy lãng phí thời gian quá. Học sinh trường mẹ dạy còn vô số em đọc chưa thông, viết chưa thạo. Dù rất trăn trở nhưng về hưu rồi, mẹ đành bất lực.
Mẹ vừa xếp chồng sách vào ngăn góc học tập của thằng cu Cún định vào phòng nghỉ thì nghe tiếng gọi:
- Cô ơi, cho em vào với!
- Ai đó, ơ chị Huệ, có việc gì mà chị đến khuya thế, mời chị vào nhà đi.
- Cô nghỉ khuya thì có, giờ nghỉ hưu thành “tỷ phú” rồi, chỉ lo giữ gìn sức khỏe để hưởng lộc con cái cô nhỉ! Tiếng Huệ trìu mến.
- Ờ, cũng có làm gì đâu, các cháu thì ở ngoài Hà Nội cả, cô chỉ dạy thằng cu Cún tập đánh vần để năm sau nó vào lớp Một. Công việc của em thế nào?
Huệ là học sinh cũ của mẹ, hiện đang làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện.
Học sinh cả làng rất quý mẹ, con cái ai mà được vào học lớp mẹ dạy thì mừng vô cùng. Hàng năm, cứ vào năm học, người ta lại đến xin ban giám hiệu cho con vào học lớp mẹ. Hồi còn là học sinh, Huệ học rất chăm chỉ, chịu khó, nhưng chữ lại rất xấu, chính tả thường mắc lỗi viết thiếu nét. Bố mẹ Huệ “xin chày xin cối” nhà trường cho Huệ vào học lớp mẹ để mẹ rèn chữ viết cho.
- Cô ơi, bố em bảo chữ em xấu là do em không có vân tay - đúng không ạ?
Một hôm cô trò ngồi tết tóc cho nhau, Huệ hỏi mẹ.
- Cũng không hẳn thế đâu. À, em đưa tay đây cô xem nào.
Huệ đưa bàn tay nhỏ nhắn, gầy đen cho mẹ. Mẹ nâng niu từng ngón tay và nắm hai bàn tay của Huệ khẽ áp vào ngực.
- Không sao, em cứ chịu khó, nhẫn nại, cô cùng em sẽ rèn luyện nhé.
Sau mỗi buổi học, hôm nào cũng vậy, mẹ cùng Huệ ở lại lớp khoảng 30 phút để rèn chữ. Dần dần, Huệ tiến bộ hẳn, chữ viết đều đặn, nét không chê vào đâu được, luôn được nhà trường biểu dương.
Hôm Huệ đi thi học sinh giỏi tỉnh “Giữ vở sạch - viết chữ đẹp” mẹ tiễn cô học sinh bé nhỏ, thân yêu ra tận cổng làng. Tháng Ba hây hẩy gió nồm, lúa đang thì con gái vươn những chiếc lá màu xanh mượt mà, phổng phao vẫy vẫy. Chốc lát, Huệ nắm bàn tay mềm mại của mẹ, mắt đỏ hoe:
- Thưa cô, em cảm ơn cô nhiều lắm, nhất định em sẽ quyết tâm đạt giải để không phụ tình yêu vô bờ của cô.
Nước mắt Huệ giàn giụa trên bàn tay cô, những giọt nước nóng hổi xoa đều trên từng ngón tay búp măng, trắng hồng của mẹ.
Năm đó, Huệ đậu học sinh giỏi tỉnh “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” nổi tiếng cả làng.
3.
Trăng rằm ngả chếch về phía Tây. Ánh trăng vằng vặc chảy tràn khắp thôn, soi rõ từng ngôi nhà lúp xúp, những vườn cây ăn quả đã bắt đầu dậy mật tỏa hương. Mùi hương lúa, mùi đồng ruộng quyện với mùi thơm ngào ngạt của trái cây cùng với vô vàn vị thơm của thôn xóm vào hè phả vào đêm thật ấm áp, nồng nàn. Lâu ngày cô trò không gặp nhau bao nhiêu là chuyện cứ nối nhau dài mãi… Huệ xòe bàn tay trước mặt mẹ:
- Quả thật em không có hoa vân tay cô ạ!
Mẹ nhìn những ngón tay ngắn, múp míp của Huệ mắt bỗng nhíu lại, những ký ức xa xôi lại hiện về. Bất giác mẹ thở dài! Như hiểu rõ tâm trạng của mẹ, Huệ cười:
- Cô có bàn tay đẹp lắm, hồi trước bọn em thường cầm bàn tay cô, ngắm hoa văn các ngón tay và đứa nào cũng thầm mơ ước.
Mẹ nhìn Huệ, mỉm cười:
- Vân tay… ờ… ờ cái vân tay…
Bỗng có tiếng gọi ngoài ngõ:
- Bà ơi, sao lâu thế? Dì trở dạ rồi ạ!
Huệ như chợt nhớ ra.
- À quên, em nhờ cô chút việc. Con dâu em chuyển sinh, giờ mà đưa đi bệnh viện thì xa quá. Cô cũng đã từng đỡ đẻ cho bao nhiêu người, em biết tay cô mát lắm mà. Hình như gió nồm bắt đầu thổi, những cành tre chuyển động rồi tất cả tấu lên một bản nhạc hoành tráng dưới ánh trăng mờ ảo.
- A, một thằng cu! Mẹ reo lên.
Hai bàn tay của mẹ nâng đứa bé nhẹ nhàng êm ru như thảm lụa vàng.
- Bố thằng cu đâu rồi, mau vào bế hoàng tử đi, mặt nó đẹp như trăng rằm ngà ngọc đêm nay đấy.
- Dạ, con đây, con vào đây, con vừa mới ở cơ quan về ạ!
Một giọng nói quen thuộc dội vào tai mẹ, người mặc quân phục công an lướt nhanh.
- Ơ… chú là… chú là…
- Dạ, vâng, dạ… vâng ạ. Bà là… bà là…
Mẹ nhẹ nhàng trao đứa bé cho bố nó, miệng tươi cười:
- Mặt cháu bé giống bố lắm, bà chúc cháu hạnh phúc nhé!
Trăng sáng vằng vặc, thôn xóm đã cuộn tròn trong giấc ngủ. Huệ cùng con trai tiễn mẹ một chặng đường dài. Mẹ ngoái lại, nhỏ nhẹ:
- Thôi, mẹ con vào nhà đi, khuya rồi. Cô chúc mừng trò ngoan của cô nhé, gia đình ta thật hạnh phúc!
Mẹ rảo bước trên con đường trải vàng ánh trăng, chưa bao giờ mẹ vui như lúc này. Một đứa bé chào đời trong vòng tay của mẹ, những ngón tay sần sùi, thon ngắn đã cắt rốn cho nó, bế nó bước vào Đời!
Tiếng gà đã gáy râm ran…