Truyện ngắn Một người đáng ghét

GD&TĐ - Tôi nghe xong câu chuyện giữa chủ nhà và khách thì lẳng lặng cua xe, tôi muốn gặp “người đáng ghét” đó ở một nơi khác, chỉ có hai đứa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1.

Bạn hỏi người đáng ghét đó là ai? Đã đắc tội gì với tui hả? Dám! Hắn dù có cả gan bán Trời mời Thiên Lôi thì cũng không dám chọc giận tui. Vậy sao lại ghét? Không biết nữa. Ghét là ghét thôi.

Đôi mắt ti hí. Mũi gãy cúp. Trai tráng chi đâu mà thảm, học lớp 10 nhưng nhìn có một mẩu. Tui là cô nàng nấm. Tui ghét con trai lùn - nhìn tẹp nhẹp lắm. Vì cái bộ dạng thấp lè tè như cây ớt xiêm nên khi ra sân xếp hàng hắn luôn đứng sau lưng tui. Bạn có hình dung được cái cảm giác mình rất ghét một người mà người đó cứ lom lom nhìn vô ót mình chưa?

Khổ thân tui mà cũng khốn nạn thân hắn. Cô giáo chủ nhiệm chia hắn ngồi kề, giao tui kèm học. Trời ơi, tui bình sinh đã ghét con trai học dốt, hắn còn thêm tội lùn. Đó là chưa nói, chỉ nhìn bản mặt thôi là tui đã ghét hắn còn hơn nhà nông ghét cỏ nên không có chút thiện chí nào để kèm với cặp.

“Oán tăng hội” là một trong những nỗi thống khổ lớn nhứt của kiếp nhân sinh. Tui tên Tình hắn tên Tính, đứng kế nhau trong danh sách lớp. Ngồi cùng bàn, xếp hàng thì lúc nào cũng tui trước hắn sau. Tui ớn tới… tóc.

Hắn thiệt là lì. Tui không ưa mà cứ theo rề rà. Khi hỏi bài, lúc thì xuống nhà mượn vở. Bị tui hét cũng cười. Càng đáng ghét hơn khi tới phiên tui trực nhật thì tày hay đi sớm quét lớp. Tự dưng tạo dư luận xấu, mấy đứa cứ ghép “Tính - Tình” như điển hình của một cặp đôi hoàn hảo. Cha mẹ ơi, cặp đôi hoàn cảnh thì có. Tới cái vụ lén nộp tiền quỹ lớp để liên hoan cuối năm thì tui đến tức nước vỡ bờ luôn. Tui hầm hầm tìm hắn tính sổ liền: Ai biểu? Ai mượn? Ai xin? Ỷ nhà giàu muốn gì muốn hả? Bị tui hét, hắn cụp tai, xịu mặt như con cún biết tội.

***

Đầu năm học 12, tôi làm một quyển lưu bút. Trang đầu tiên tôi vẽ chùm phượng đỏ rực, ghi những dòng bịn rịn lớp trường và kêu gọi mỗi bạn để lại lưu bút một tấm ảnh. Tôi đưa lưu bút cho cả lớp, trừ hắn.

- Có lưu bút không? Tui muốn ghi câu này…

- Ghi vô đầu ông í.

- Tui ghi vô tim rồi.

- Khùng!

Nàng Ngân bảo tôi có thêm hai cái càng nữa thì thành con cua chúa. Cũng tại dù hắn có mềm mỏng, nhún nhường đến đâu thì tôi vẫn giữ nguyên một ngữ, hét. Tôi không thể bắt mình nói chuyện với hắn một câu nhẹ nhàng được. Ngân bức xúc, mầy vừa phải thôi nha, làm gì mà cứ nói chuyện theo cái kiểu chổng đầu dưới đất, chỉa chân lên trời vậy? Thằng Tính nó hiền đấy, gặp thằng khác nó cốt sưng đầu rồi. Kệ! Đã bảo tui với hắn oan gia ngõ hẹp mà.

Cuối năm, lớp đập heo đất tổ chức đi chơi. Tôi đi chơi mà không thấy thoải mái, cảm giác phải chịu đựng. Sao hắn không đau bụng đau dạ gì ở nhà cho rồi. Đi chơi mà thấy cái mặt khó ưa của hắn thiệt hết vui.

Vực Phun ở Hòa Mĩ đẹp thiệt. Hoang sơ, hùng vĩ. Thác nước từ trên cao phun xuống. Nước trắng xóa, va vào những tảng đá to. Cảnh như thế mà ngồi đánh bài quẹt lọ thì hơi bị tiếc. À không, đánh bài thì vui thiệt, nhưng thấy hắn ngồi chầm dầm là hết muốn. Tôi đi xuống thác nước ngồi một mình để hắn hết có cơ hội nhìn trộm.

Tôi lò dò bước trên đá. Trượt chân. Hắn cầm tay chụp lại. Ở đâu mà lù lù xuất hiện hay thiệt. Kéo tôi lên rồi thì buông tay ra nhanh đi, còn chần chừ, phát bực. Tôi rảy mạnh một cái. Hắn mất thế, rớt bủm dưới thác nước. Mấy đứa nhao nhao chạy lại. Bi trẹo chân thôi, làm gì to chuyện dữ. Tôi vẫn không hỏi han hắn một tiếng nào.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2.

Tôi trở thành cô giáo vùng cao, làm dâu xóm núi.

Khi hôn nhân tan đàn xẻ nghé thì dắt con trai đi họp lớp. Bạn bè nửa đùa nửa trách, mầy lên núi lấy chồng cũng y như con lợn bị cọp tha về rừng vậy. Tôi cười. Nhìn qua một lượt. Những khuôn mặt bạn bè, gần như đông đủ. Không thấy Tính. Xa trường mười lăm năm. Mười lăm năm, đã có biết bao nhiêu nước từ sông đổ về biển. Trải qua tai ương biến cố, đời dạy tôi không được cao mạn. Nhưng Tính? Cái tên đó vẫn gợi trong tôi một khuôn mặt đáng ghét.

Ngân trách, mầy không hỏi thăm thằng Tính được một tiếng hả? Có gì sao? Không có gì! Con bạn trả lời bực dọc. Tôi thấy là lạ nhưng không lưu tâm.

Mẹ bị bệnh nan y. Một người bạn giới thiệu ở Nha Trang có thầy dạy cách ngồi thiền chữa bệnh. Hè, tôi đưa mẹ đi tìm hy vọng.

Căn phòng rộng thoáng, nhiều người bệnh ngồi bán kiết già. Tôi đứng bên ngoài, nhìn qua một lượt. Ơ kìa, một khuôn mặt quen, rất quen. “Mày không hỏi thăm thằng Tính được một câu hả?” – lời nàng Ngân như những viên đá nện vào ngực. Tự dưng hồi hộp lạ. Y như tên tội phạm nhìn thấy ông chủ của món đồ mà mình mới cuỗm. Run rẩy. Tôi không dám nhìn kĩ để xác nhận. Mong là ảo giác.

Hết buổi tập, mẹ được một cánh tay dìu ra chỗ tôi ngồi. Chàng trai này mắc bệnh giống mẹ nè. Nhìn thần khí tốt không? Mẹ vui vẻ giới thiệu. Tôi dạ và cười, chẳng thể cười tự nhiên được.

Nhưng chàng trai thì rất tự nhiên, lâu quá mới gặp, vẫn khỏe mạnh chứ? Tôi ừ. Bộ hai đứa quen nhau hả? Dạ, nàng là người yêu hụt... Tôi đỏ mặt. Hắn ra lệnh, đưa mẹ về nghỉ ngơi đi. Nói rồi hắn quay đi, bước chân tập tễnh. Khoan… Tôi buột miệng kêu to. Tính quay lại cười. Lần đầu tiên sau ba năm ngồi chung bàn tôi mới phát hiện hắn có nụ cười rực rỡ. Có gì không? Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu, đứng ấp úng, tui… tui… Hắn đưa tay lên trán chào rồi bảo ngày mai gặp.

Tôi đứng nhìn hắn. Không, tôi nhìn theo cái chân phải đơ đơ xỉa tới của hắn. Tự dưng thấy đau lòng, không rõ nguyên do.

Từ lúc nhìn thấy hắn, trong đầu tôi không thể nghĩ ra một thứ gì khác ngoài những bước chân tập tễnh.

Sáng sớm, tôi đứng chặn ngoài cửa.

- Nói cho tui biết, cái chân ông bị như thế từ lúc nào?

- Không nhớ!

- Nói láo!

Vừa lúc ấy mẹ tôi đi vô, hắn chào mẹ:

- Bác bảo ngày mai về rồi. Trưa nay con mời hai mẹ con đi ăn trưa nha?

Ba người đi ăn cơm, tôi không có cơ hội mở miệng. Hắn và mẹ tôi không thể kết thúc câu chuyện. Nào là bệnh tật, ngồi thiền, buông bỏ, tâm an, khí vượng… Kết thúc bữa cơm trưa đằng đẵng, hắn vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi.

- Mẹ, sao mình không ở lại thêm một thời gian nữa?

- Bệnh chưa bớt nhưng tâm tịnh nhiều. Mẹ muốn về nhà tự chữa, bỏ ba bây một mình ổng buồn.

Tâm mẹ tịnh nhưng tâm con đang gợn sóng mà! – tôi nói thầm trong bụng.

Cảm thấy không nỡ xa nhưng chẳng còn cách nào. Tôi đưa mẹ về, không chào từ biệt hắn.

3.

Còn đang nghỉ hè nhưng hiệu trưởng có lệnh tới trường gấp.

Thầy cần tôi đưa đến nhà em Hờ Nhẹn, học sinh lớp tôi chủ nhiệm. Thầy bảo có nhà hảo tâm thấy bài viết của tôi trên báo nên tìm đến, mong được giúp đỡ em. Thầy phấn khởi bảo, trước mắt là giúp gia đình em sửa sang lại ngôi nhà vẹo vọ. Nhẹn sẽ có tivi để xem, có giày để mang, có xe đạp để đi học. Người ấy còn hứa sẽ tài trợ cho em ấy học hết đại học. Thiệt là một người trẻ có tâm Phật. Ai vậy thầy? Mới nói chuyện qua điện thoại nên không biết. Ai cũng được, họ chịu giúp là mừng rồi. Dạ vâng, là ai đâu quan trọng bằng việc làm. Thật vui vì bài báo đã có ảnh hưởng tốt, tôi rớm mắt vì hạnh phúc. Tôi có cảm giác như người nhận ơn nhà hảo tâm kia là mình chứ không phải Hờ Nhẹn.

Trưa hôm ấy, tôi đưa thầy hiệu trưởng tới buôn Thô. Đứng trước cửa nhà Hờ Nhẹn, tôi thấy chàng trai với những bước chân tập tễnh đang đi thị sát xung quanh ngôi nhà sắp xập. Chân anh bị thế từ bé hả? Không! Là một lần đi picnic với bạn vô ý té, bị trẹo chân thôi nhưng chủ quan rồi bị biến chứng…

Tôi nghe xong câu chuyện giữa chủ nhà và khách thì lẳng lặng cua xe, tôi muốn gặp “người đáng ghét” đó ở một nơi khác, chỉ có hai đứa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.