Truyện ngắn: Con đường tới trường

GD&TĐ - Nhà Muôn ở gần cuối bản, nơi giáp ranh với những ngọn núi cao sừng sững. Ngôi nhà ngói bé xíu, nằm chênh vênh trên sườn đồi.

Truyện ngắn: Con đường tới trường

Hằng ngày, khi con gà rừng gáy những tiếng le te đầu tiên, màn sương sớm còn giăng giăng khắp khoảng không gian trước mặt, cha mẹ đã dậy, sửa soạn đồ đạc chuẩn bị đi nương.

Muôn còn ngái ngủ, nó cố kéo cái chăn mỏng đắp lên cổ để che ánh sáng đầu tiên của ngày mới rọi vào. Chờ thêm một chút, lúc nào nghe tiếng ọ ẹ của đứa em thì Muôn mới dậy, vào bếp kiếm thức ăn cho em rồi hai chị em cùng đến trường.

Hôm nào cha mẹ đi làm trễ hơn một chút, Muôn có thêm thời gian nằm trong chiếc giường chật hẹp của gia đình, nghĩ ngợi mông lung về bài học buổi sáng, lẩm nhẩm học bài. Nghĩ xem hôm nay cô Thanh sẽ dạy cho lũ học trò vùng núi những kiến thức gì.

Nó háo hức chờ đợi những bài học mới, những buổi ra chơi được quây quần bên lũ bạn, trò chuyện rôm rả, rồi cùng chơi nhảy dây, đánh cầu. Hay vui sướng hơn là lúc cầm trên tay hộp sữa tươi nhà trường được tài trợ. Lâu lâu cải thiện, Muôn coi đó là bữa ăn sáng ngon nhất, và nó luôn mong đợi nhất.

Nhà xa trường, đường đi lại khó, nên hôm nào Muôn cũng dậy thật sớm, sửa soạn đồ đạc rồi gùi em ra đầu đường cái lớn. Ở đó cô Thanh, giáo viên chủ nhiệm của Muôn sẽ đi vòng qua, đón hai chị em Muôn đến trường.

Khi Muôn còn nha nhẩm ngắt những cọng cỏ ven đường, chơi với em thì cô đã vào sâu trong bản, đi một vòng để bán cá. Cô để hai chiếc thùng nho nhỏ phía sau xe, từ cá nhỏ đến cá to, mà hầu hết là cá khô, để được dài ngày.

Những người dân trong bản thường ít ra chợ huyện, nên gặp cô giáo bán cá là sà vào, mua một ít cất dành để ăn những ngày trong tuần. Tới cuối tháng, có con lợn, con gà, con dê hay những thứ có sẵn trong nhà, mới mang ra chợ phiên, bán được thì mua đồ ăn về cải thiện.

Cô Thanh trở thành người buôn bán hàng quen thuộc trong bản. Cũng nhờ bán hàng nên cô có thể bám trường, bám lớp được ngần ấy năm. Cũng tranh thủ thời gian đi bán cá, cô vào sâu trong bản, vận động bà con cho con em mình đến trường.

Nhìn những đứa trẻ áo xống xộc xệch, mũi lò thò, đứng nhìn ra đường mỗi khi có tiếng xe máy vù qua, cô Thanh lại không khỏi xót xa. Với gia đình Muôn, cũng là kết quả một khoảng thời gian dài cô tiếp cận, khuyên nhủ và xin cha mẹ của Muôn để cho em đến trường.

Muôn nhớ buổi sáng mùa Đông năm trước, khi hai chị em đang lụi hụi chơi với nhau ngoài cổng, thì cô Thanh tới. Cô bảo: “Con bao nhiêu tuổi rồi, sao chưa thấy đến trường?”. Muôn nhìn cô Thanh lạ lẫm, nó cũng chẳng biết là đến nay mình bao nhiêu tuổi.

Nó chỉ nhớ từ ngày nó biết kiễng chân lên cái bếp, nấu cho cha mẹ nồi cơm, quét cái sân và tẻ mấy trái bắp vàng thì cha mẹ đã giao đứa em cho nó. Cha đi từ sáng sớm, tới tối mịt mới về. Mẹ cũng vậy, những ngày em còn bú, mẹ cố nán lại nhà thêm một chút, chờ em bú no, rồi cũng đeo gùi lên nương.

Buổi trưa cha mẹ không về, anh trai của Muôn thì xuống thành phố làm thuê cho người ta, nên những buổi heo hút nơi xóm núi này, chỉ có hai chị em Muôn quấn quýt bên nhau. Muôn nấu cơm cho em, dỗ em không được khóc.

Ngày cô Thanh đến nhà, cha mẹ đã đi làm từ lâu. Ngó trước nhìn sau, thấy ngôi nhà trống huơ, trống hoác. Chỉ lác đác vài bó củi khô được chặt, bó gọn gàng để xung quanh bếp.

Cô Thanh đưa cho Muôn chiếc bánh mì ngọt và hộp sữa, bảo nó ăn đi, chắc sáng tới giờ hai chị em cũng chưa ăn gì. Muôn ngập ngừng không dám nhận, nó sợ bị lừa, bắt bán sang Trung Quốc, nên cứ đứng như trời trồng, nhìn cô Thanh, rồi lại chạy ào đến ôm em, như thể sợ mất.

Cô phải giải thích cho nó một hồi lâu. Rằng cô là giáo viên ở bản, làm việc ở trường được lâu năm rồi, nay Muôn tới tuổi đi học, nên cô vào nhà vận động cha mẹ cho em đến trường, để không bị mất cái chữ.

Nghe cô nói đến việc được đi học, được vui chơi cùng bạn bè ở trường, Muôn vui lắm. Nó hết sợ sệt, lễ phép mời cô vào nhà uống nước. Hẹn khi nào cha mẹ về, sẽ xin cha mẹ được đi học cùng bạn bè.

***

Con đường đến trường của Muôn gian nan, gian nan tất cả trong mọi nghĩa, từ việc xin cha, xin mẹ, cho đến việc băng rừng, lội suối. Khi năn nỉ, ỉ ôi đến mòn cả lưỡi, cộng thêm sự động viên, thúc giục và cả sự trìu mến mà cô giáo Thanh dành cho Muôn, em được đồng ý đến trường nhưng kèm theo một điều kiện là phải gùi em nhỏ sau lưng.

Vì hằng ngày chẳng có ai có thể trông em ngoài Muôn. Rồi những ngày gian nan, đi qua lối tắt bìa rừng để đến trường. Hai chị em như hai con sóc nhỏ, nhanh nhẹn luồn cúi qua những đám cây, chạy lon ton trên con đường mòn.

Theo tay chỉ của cô giáo Thanh, cứ thế cặm cụi đi. Được cái là dân vùng núi, nên Muôn cũng đã thành thạo đường, mỗi tội phải gùi em, lo cho em buổi đến trường, nên dường như vai Muôn trĩu nặng. Cái bụng lúc nào cũng rột roạt theo.

Buổi trưa Muôn chỉ được ăn cơm trắng với vừng. Bọc cơm được mẹ bỏ cho trong cặp từ buổi sáng, tan học thì hai chị em giở ra, ăn cùng nhau. Những buổi học ban đầu làm Muôn thấy mệt. Đường xa, cộng thêm em nhỏ, kiến thức những ngày đầu khiến Muôn bỡ ngỡ.

Từ ngày cô giáo Thanh vào bản bán cá, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, Muôn được cô ưu tiên, đón tới trường sau khi cô đã bán hết số cá mỗi buổi sáng. Thấy tấm gương của cô và trò nhỏ, nên những phụ huynh trong bản ban đầu phản ứng gay gắt, nhưng hồi sau thì đồng ý, cho con mình đến trường.

***

Buổi chiều hôm đó, sau khi hoàn thành buổi học, hai chị em Muôn thong thả trở về nhà, niềm vui điểm mười lâng lâng. Nhưng chợt phía sau, có tiếng ai đó rì rầm. Rồi một toán thanh niên, già có, trẻ có, toàn là đàn ông, thấy hô hào nhau chạy xuống suối.

Muôn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nó sợ hãi đứng nép ở một góc đường mòn, nhìn mọi người chạy. Trong đám người đó, Muôn nhác thấy bóng dáng của cha mình. Muôn gọi với theo, nhưng dường như cha không nghe thấy. Một lúc sau, đội công an đi ra, thêm mấy chú bộ đội biên phòng và kiểm lâm.

Họ bàn bạc nhau chuyện gì đó. Muôn thấy ruột mình cồn cào. Hình như cha đã theo người xấu, làm việc gì đó bí ẩn. Nó hạ gùi xuống, đặt em bé bơ vơ trên đường, chạy theo mấy chú công an. Thấy con bé con chạy theo, em bé khóc thảm thiết phía sau, một chú công an dừng lại, hỏi han:

- Sao vậy cháu gái, chạy theo mấy chú làm gì, em đang khóc kìa, về với em đi.

- Cháu… cháu… thấy hình như cha cháu vừa chạy theo đám đông đó. Cháu sợ có chuyện gì với cha cháu, các chú đừng bắt cha cháu nhé.

Chú công an cười hiền từ:

- Được rồi, cháu cứ đưa em về đi. Bọn chú sẽ có cách giải quyết.

Nói rồi chú công an bỏ chạy theo những người lính biên phòng phía xa. Muôn đứng ngẩn ngơ nhìn, trong lòng không thôi thúc giục những ý nghĩ mơ hồ. Nó lững thững lên lại đường mòn, cõng em về nhà.

***

Cổng nhà khép hờ. Muôn đẩy ra, rón rén như ăn trộm. Nó thấy mẹ đang lúi húi trong bếp, hình như có tiếng khóc. Đúng rồi, là mẹ, mẹ đang khóc. Nó vội vàng chạy vào. Trong bóng tối của căn nhà, nó thấy mẹ ôm mặt, rấm rứt. Nó chạy đến bên mẹ, hỏi han, nóng ruột:

- Mẹ ơi, nhà mình có chuyện gì vậy ạ, sao lúc nãy ngoài đường, con thấy công an và bộ đội biên phòng đông lắm. Con thấy cha chạy rất nhanh, vụt qua mặt con rồi mất hút trong đám cây ở rừng. Hay cha có chuyện gì hả mẹ?

- Cha con theo người xấu, buôn bán ma túy. Công an người ta vào sâu trong rừng, truy bắt. Tội to lắm. Không chừng sẽ ở tù đấy.

Mẹ vừa nói vừa khóc rấm rứt. Muôn khựng lại mấy giây. Nó chưa hề biết ma túy là cái gì mà chỉ biết đó là chất cấm và ai đụng tới thì sẽ bị đi tù. Và những người dân trên bản này, họ đã bị bắt một vài lần. Nhưng áp lực đồng tiền, cộng thêm sự xúi giục của bọn xấu, có lẽ cha đã không thể bỏ qua được. Nhìn ánh mắt buồn rầu của mẹ, Muôn thấy con đường học hành tự nhiên xa vời vợi.

***

Hôm nay Muôn đã nghỉ học được ba ngày. Ba ngày không được đến trường, lòng Muôn không khỏi buồn và âu lo. Ngày thứ nhất Muôn nghỉ, cô giáo Thanh đã tới, biết chuyện của gia đình, cô an ủi, động viên, mua thêm chút bánh kẹo và sữa cho chị em Muôn. Cô bảo cứ yên tâm đi học, chắc vài hôm nữa cha sẽ về. Nhưng tâm trạng rối bời, nên mẹ không cho Muôn đi học nữa.

Mẹ bảo bao giờ cha về, thì Muôn mới được đi học lại. Mấy mẹ con ôm nhau trong căn nhà ẩm thấp, hoang lạnh. Cơn gió đầu Đông khiến cho ngôi nhà càng trở nên quạnh quẽ hơn. Nghĩ về những bài học ê a mỗi ngày ở trường, những trò chơi đá cầu, nhảy dây, và những bữa cơm có chút thịt từ nhà trường khiến Muôn thêm thổn thức.

Ngày thứ năm, khi con vàng đang mơ màng ngủ thì chợt cánh cổng kẽo kẹt mở. Bóng dáng quen thuộc của cha đã trở về. Cha đi chậm rãi, và khẽ gọi:

- Muôn ơi, Màu ơi, cha về rồi…

Phía sau có vài anh bộ đội biên phòng. Hình như họ đưa cha về đến tận nhà. Nghe tiếng cha gọi, hai chị em đang ngồi nướng khoai trong bếp chạy ào ra. Trên tay cha có xâu thịt ngon. Cha cười hiền từ. Thì ra cha chẳng phải buôn ma túy như mẹ nghĩ.

Những ngày lao động vất vả trên nương, cha học được giá trị của những con chữ. Cha vui vẻ cho Muôn đến trường cùng cô giáo Thanh cũng là vì muốn Muôn học được điều hay, lẽ phải, mai này làm người tốt. Cha chỉ phụ mấy chú biên phòng, trong công tác phòng chống tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm buôn ma túy xuyên biên giới.

Cũng là một người dân hỗ trợ cán bộ nên cha không thể kể cho Muôn và gia đình nghe. Khi những hô hoán chạy, cha cũng chạy để bọn buôn bán ma túy không nghi ngờ. Rồi cha dò đường tìm cách liên lạc đội phòng chống ma túy của xã. Mấy ngày truy bắt, một số đối tượng đã bị di lí về đồn.

Nghe cha kể về thành tích của mình, Muôn thêm phần tự hào. Nó hí hửng. Vậy là ngày mai nó lại được đi học rồi. Nó sẽ có chuyện dài để líu lo với em trên đường và kể cho cô giáo Thanh nghe. Đường đến trường hôm nay sao thấy gần hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.