Giáo dục qua tình yêu nhạc dân tộc
Cô Trịnh Thị Hoài Nam, Trường Tiểu học Hòa Bình (Thủy Nguyên) là người đa tài. Không chỉ viết thư pháp đẹp, cô còn hát ca trù rất hay.
Cô Nam chia sẻ, làng Đông Môn vốn là cái nôi ca trù của vùng duyên hải Bắc Bộ. Nơi đây không chỉ có Phủ Từ thờ tổ nghề ca trù, mà còn từng là một giáo phường ca trù lớn trong vùng với những kép đàn, đào nương nổi tiếng. Ca trù như đã ngấm vào máu thịt của người Đông Môn. Trong một lần tham gia múa phụ họa cho tiết mục ca trù trong xã, cô bị mê mẩn bởi hình ảnh đẹp, quý phái, sang trọng của các ca nương.
Từng giai điệu đã đưa tâm trí cô lội ngược dòng về với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của cha ông. Thoáng nghĩ trong đầu, đây là loại hình văn nghệ dân gian hay cần học hỏi và phát huy, cô Hoài Nam đem ý tưởng đề xuất với người phụ trách câu lạc bộ ca trù của xã Hòa Bình để được gieo duyên.
Từ khi tham gia vào câu lạc bộ ca trù của xã, cô Hoài Nam kiên trì học tập, sinh hoạt 1 - 2 buổi/tuần. Vì có năng khiếu âm nhạc và đam mê giọng ca cổ nên cô giáo tiến bộ rất nhanh, hát hay. Ngoài giờ dạy trên lớp, cô thường tham gia các hoạt động của địa phương và biểu diễn nhiều nơi trong các dịp hoạt động phong trào.
Điều đáng nói, từ khi có cô giáo hát ca trù hay, phong trào văn nghệ dân gian trong Trường Tiểu học Hòa Bình sôi nổi hẳn lên. Ngày càng nhiều học sinh theo cô Nam học hát ca trù. Vậy là cứ sau mỗi giờ học, cuối buổi là cô trò lại cùng nhau tập luyện, ngân nga âm điệu nhạc cổ.
Cô giáo Vũ Thị Xứng - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, cô Nam không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn có năng khiếu nghệ thuật. Dù không chuyên nghiệp nhưng cô giáo hát ca trù hay. Điều đáng nói là cô đã lan tỏa và phát huy được nét đẹp văn nghệ dân gian của cha ông mà không phải ai cũng làm được.
Ca trù rất khó học và kén người nghe. Vì thế, nếu không yêu, không tâm huyết thì khó theo nổi. Nhà trường luôn tạo điều kiện, sân chơi cho cô trò thể hiện và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và qua đó giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về những nét đẹp dân gian của cha ông.
Hoàng Thị Phương Anh, học sinh lớp 4A2 cho biết, nhà gần đình Đông Môn, cứ dịp cuối tuần em lại theo bà ra đình nghe ca trù. Tình yêu với ca trù ngấm dần vào em từ bao giờ không hay và em muốn được theo học. Ca trù khó nhưng khi học em được cô Hoài Nam động viên, chia sẻ.
Cô thường cải những lời ca nhẹ nhàng, gần gũi hơn với học trò vào giai điệu nhạc cổ nên chúng em dễ học hơn. Còn Trịnh Hà Vi, lớp 4A1 chia sẻ, em học ca trù được hơn 1 năm và đã biết hát 2 bài. Dù giai điệu âm nhạc cổ khó hát nhưng từng câu, từng lời rất hay, ý tứ. Ngoài học hát, chúng em được cô dạy múa các điệu cổ và rèn kĩ năng biểu diễn trên sân khấu.
Không chỉ học sinh tiểu học, mà nhiều học sinh THCS tại xã Hòa Bình cũng đam mê ca trù và hát rất hay. Thầy Đỗ Văn Tịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình cho hay, trường có 20 em học sinh tham gia câu lạc bộ ca trù, nhiều em có năng khiếu. Trong đó có em Nguyễn Kim Ngân và Phạm Hương Giang (lớp 8A1), Tô Hương Thảo (lớp 9A3).
Không chỉ duy trì câu lạc bộ, nhà trường còn đưa ca trù vào giảng dạy. Theo thầy Tịnh, trong môn Giáo dục địa phương lớp 8 có bài học về Ca trù Đông Môn. Đây là cái hay của chương trình mới giúp địa phương phát huy, lan tỏa được nét đẹp văn hóa truyền thống.
Là quê hương của ca trù, nhà trường tích cực phát huy những giá trị đẹp đẽ đó bằng cách tổ chức một chuyên đề chuyên môn cho 215 em học sinh lớp 8. Tại chuyên đề, nhà trường mời các ca nương, kép đàn nổi tiếng tại địa phương về biểu diễn, trao đổi, chia sẻ với thầy, cô giáo, học sinh về nét đẹp của ca trù. Đây cũng là dịp để cán bộ, giáo viên chuyên môn trong toàn huyện cùng dự, đúc rút kinh nghiệm để giảng dạy tại trường cho phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.
Nhà trường xác định việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống là trọng trách, vì thế luôn tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh thể hiện năng khiếu, đam mê. Các hoạt động chuyên đề, sự kiện phong trào trong trường luôn có tiết mục ca trù để học sinh biểu diễn.
Em Nguyễn Kim Ngân, lớp 8A1 cho hay, em thích hình ảnh người ca nương đẹp, dịu dàng lại hát hay nên quyết tâm theo học ca trù. Em thích được biểu diễn trên sân khấu để thể hiện những lời ca, tiếng hát, lan tỏa nét đẹp văn hóa của quê hương.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố tham gia các hoạt động nghệ thuật dân gian tại địa phương. |
Lan tỏa nét đẹp truyền thống
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân là nơi “gieo mầm” những tài năng hát chèo, ca trù nhí. Để phát huy nét đẹp trong nghệ thuật âm nhạc truyền thống, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng nhà trường chủ trương thành lập câu lạc bộ. Ban đầu chỉ vài thành viên, nhưng dần dần câu lạc bộ đông thành viên hơn và hoạt động sôi nổi mỗi tuần 2 - 3 buổi sau giờ học.
Tại phòng thư viện nhà trường, em Tạ Minh Dương (lớp 5H7) ngân nga những câu hát chèo: “Nắng vàng trải nhẹ trên đường/ Tung tăng em bước tới trường hôm nay/ Miệt mài học tập hăng say/ Con ngoan trò giỏi dựng xây cuộc đời…”. Bài “Mái trường mến yêu của em” được Minh Dương và các bạn trong câu lạc bộ thể hiện rất hay. Giai điệu “í i ì” đặc trưng với ca từ gần gũi, chất chèo cứ thế ngấm dần vào mỗi học sinh.
Cô Thắm cho biết, nhà trường tổ chức câu lạc bộ nghệ thuật dân gian không chỉ giúp học sinh nâng cao đời sống tinh thần, phát triển toàn diện, mà còn góp phần gìn giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc. Nhà trường thường xuyên liên hệ và phối hợp các nghệ nhân, giáo viên Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông để truyền dạy học sinh. Thầy cô cũng rất vui vì sự đồng hành của phụ huynh cùng nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật truyền thống cho học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố không chỉ học hát chèo mà các em còn học hát ca trù. Chính cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắm là người thắp lửa đam mê cho các em.
Cô Thắm hát ca trù hay và là thành viên sáng lập Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông của quận. Để lan truyền tình yêu nghệ thuật dân gian cho học sinh, câu lạc bộ cũng khai giảng lớp truyền dạy hát ca trù và dân ca khóa 1 dành cho học sinh yêu thích bộ môn này, giúp các em cảm thụ nghệ thuật truyền thống.
Tháng 1 vừa qua, Trường Tiểu học Hòa Bình đã lên lớp chuyên đề môn “Giữ gìn và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật Ca trù thông qua môn Lịch Sử và Địa lý lớp 4”. Chuyên đề được lãnh đạo ngành Giáo dục ghi nhận và đánh giá cao. Khi đưa ca trù vào giảng dạy, nhà trường mong muốn học sinh tại địa phương nắm được lịch sử hình thành, cái hay, nét đẹp của nghệ thuật truyền thống. Các em biết được các loại nhạc cụ, thành viên, lối hát, địa danh Phủ Từ Đông Môn và được luyện hát một đoạn, hoặc 1 bài ca trù. Qua chuyên đề, thầy, cô giáo mong muốn khơi gợi đam mê, thắp lửa cho tình yêu ca trù, gìn giữ nét đẹp ngàn đời của cha ông.