Truyền cảm hứng, tạo nền tảng khởi nghiệp trong trường đại học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày càng nhiều trường đại học tổ chức giảng dạy và đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên.

Gian hàng của sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM trong cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 4 năm 2023. Ảnh: HUIT
Gian hàng của sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM trong cuộc thi “Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 4 năm 2023. Ảnh: HUIT

Hoạt động này cung cấp kiến thức, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho người học, đồng thời giúp chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao.

Truyền cảm hứng

Tham gia tranh tài tại cuộc thi Sáng tạo Kinh doanh toàn cầu (Social Business Creation - SBC 2023), dự án Dasuki Farm của nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nha Trang xếp thứ nhất vòng thi đầu tiên. Đây là thành tích nổi bật trong hoạt động khởi nghiệp của sinh viên nhà trường năm 2023.

ThS Đỗ Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Việc làm và Khởi nghiệp nhà trường cho biết, hoạt động đào tạo khởi nghiệp được trường chú trọng nhiều năm qua. Trường Đại học Nha Trang đã tạo ra hệ sinh thái để sinh viên thỏa đam mê khởi nghiệp, tự do sáng tạo với thiết kế ý tưởng, tạo sản phẩm.

Ngoài tổ chức cuộc thi khởi nghiệp hằng năm, đào tạo kỹ năng mềm, triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Nha Trang xây dựng học phần Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, chính thức đào tạo từ năm 2020. Môn học có 30 tiết tương đương 2 tín chỉ, là học phần tự chọn của nhiều chương trình đào tạo. Ngoài giờ học tại trường, sinh viên sẽ tham quan các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn, giao lưu trực tiếp với doanh nhân.

Trường Đại học Nha Trang là một trong gần 100 trường dạy khởi nghiệp ở Việt Nam. Giảng dạy khởi nghiệp được các trường đại học xem là khâu truyền cảm hứng, cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh.

Mới đây, trong báo cáo sơ kết 5 năm triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT cho biết, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022).

Hiện, 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% cơ sở đào tạo xây dựng chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.

Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo được nhà trường đẩy mạnh từ năm 2017, theo tinh thần của đề án trên. Nhà trường đã kết hợp nhiều hoạt động, chương trình truyền thông, giáo dục, trải nghiệm thực tế… để sinh viên có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo, phát triển ý tưởng thành dự án khởi nghiệp.

Từ năm 2020, nhà trường đào tạo chính khóa học phần Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học, doanh nhân khởi nghiệp thành công biên soạn và giảng dạy. Học phần do sinh viên tự chọn, kết hợp nhiều hoạt động thực tế như huấn luyện, trải nghiệm, vận dụng.

Với Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), môn học Khởi nghiệp bắt đầu giảng dạy thí điểm cho sinh viên chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) từ năm 2008 và duy trì đến nay. Từ một môn học thí điểm cho sinh viên chính quy 8 chuyên ngành trong chương trình PFIEV, đến nay, nhà trường đào tạo 11 môn học có liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho 26 chuyên ngành.

Còn tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, TS Trần Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện Khoa Quản trị kinh doanh tổ chức học phần Khởi nghiệp, Khoa Marketing có học phần Đổi mới sáng tạo. Hai môn học đóng vai trò bổ trợ cho sinh viên các ngành thuộc khoa này. Ngoài ra, Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường đang thực hiện đề án khởi nghiệp cho sinh viên.

Lớp học Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: HUIT

Lớp học Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: HUIT

Giá trị đến từ thất bại

Đầu năm 2023, dự án “Symcocha - Dòng sản phẩm trà lên men kombucha từ vỏ hạt cacao, mật hoa dừa và trái cây Việt Nam” của sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM đoạt giải Ba lĩnh vực Kinh doanh tạo tác động xã hội và giải bình chọn tại cuộc thi khởi nghiệp SV - Startup lần V do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đây là thành tích đáng tự hào, vì dự án “Symcocha” chiến thắng trong một cuộc thi đầy cạnh tranh và khắc nghiệt với hơn 500 dự án đến từ 200 cơ sở đào tạo.

Đại diện nhóm thực hiện dự án, Lương Thị Xuân Mai - sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm cho biết, ý tưởng của sản phẩm xuất phát mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và tạo ra thức uống tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nói chung và phụ nữ nói riêng. Dự án khởi nguồn từ đề tài khóa luận tốt nghiệp, song thấy được tiềm năng nên nhóm của Mai quyết định phát triển khởi nghiệp thông qua cuộc thi.

Theo Xuân Mai, những kiến thức và kỹ năng môn khởi nghiệp được thầy cô truyền đạt đã trang bị vững chắc nền tảng cho nhóm thực hiện dự án. “Hoạt động khởi nghiệp thực sự bổ ích, bởi qua đó, em có cơ hội tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ, tạo dựng mối quan hệ có ích. Đây cũng là dịp gặp gỡ doanh nghiệp, được truyền dạy kiến thức quý báu và thực hành kỹ năng mới, có lợi cho cơ hội nghề nghiệp sau này”, nữ sinh chia sẻ.

Khởi nghiệp đã góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới. ThS Đỗ Quốc Việt - Trường Đại học Nha Trang cho rằng, thông qua học phần Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, sinh viên được tiếp cận các mô hình, tự thiết lập kế hoạch khởi nghiệp và tạo ra dự án, sản phẩm. Đào tạo khởi nghiệp còn góp phần định hướng tương lai công việc cho sinh viên.

“Dự án khởi nghiệp của sinh viên có thể thành công hoặc thất bại. Ngay cả khi thất bại, các em cũng được trau dồi ý chí khởi nghiệp, bản lĩnh trong công việc và những bài học, kinh nghiệm quý từ quá trình làm dự án”, ThS Đỗ Quốc Việt chia sẻ.

Còn theo TS Trần Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, đào tạo khởi nghiệp giúp sinh viên trở nên năng động, sáng tạo và trách nhiệm, bản lĩnh hơn. Đây là cơ hội để các em thực hành kiến thức, kỹ năng từ khi ngồi ở giảng đường và tạo nền tảng tốt cho tương lai sau khi ra trường.

“Nếu trước đây, sinh viên kiếm thu nhập từ đi làm thêm thì nay, nhiều em có ý tưởng phát triển dự án ra thị trường; Hoặc thay vì tốt nghiệp xong là lo kiếm việc thì có tinh thần khởi nghiệp, tự tạo dự án, việc làm cho chính mình”, TS Trần Trung Đạo nói.

Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài ra, Bộ hỗ trợ 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; ký kết với 8 doanh nghiệp trong việc huy động nguồn lực triển khai Đề án 1665 giai đoạn 2 (năm 2022 - 2025).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ