Những câu chuyện cuộc sống giúp học sinh biết sẻ chia, yêu thương

GD&TĐ - Bằng những câu chuyện gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống, những hành động, việc làm hết sức đời thường, giản dị…, các thầy cô giáo đã giúp các em học sinh thấu hiểu được phía sau những câu chuyện, những hành động, việc làm đó những bài học nhân văn sâu sắc về tấm lòng sẻ chia, đồng cảm, tình cảm yêu thương giữa con người với con người.

Những câu chuyện cuộc sống giúp học sinh biết sẻ chia, yêu thương

Giáo dục nhân cách qua câu chuyện cuộc sống

Không dừng lại ở các bài học trong chương trình chính khóa về giáo dục đạo đức, lối sống, các trường học trên địa bàn Đà Nẵng còn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa để hình thành, phát triển phẩm chất cho học sinh.

Bằng những hoạt động sẻ chia nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam, thường xuyên đến thăm, trò chuyện với bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng, hay những mảnh đời bất hạnh trong cộng đồng xã hội… các trường học đã giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng là cơ hội để giáo dục, phát triển phẩm chất, tâm hồn cho học sinh, hình thành nên nhân cách của một con người toàn diện.

Những ngày cuối năm học, cùng theo đoàn học sinh Trường MN - TH&THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đến thăm các bà Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nụ cười, sự đáng yêu của con trẻ dường như đã xoa dịu bớt những đau thương lắng đọng trong đôi mắt của những người mẹ đã chịu quá nhiều mất mát. Khi đến thăm và lắng nghe những người Mẹ Việt Nam anh hùng kể chuyện, thầy cô giáo và học sinh không có ý định gợi nên nỗi đau vốn đã yên ngủ trong tâm hồn của những người từng bước qua khói lửa chiến tranh, nhưng nghe mẹ kể cũng là lúc thế hệ trẻ được nhìn về quá khứ để trân trọng những gì đang có hôm nay.

Ở đây, học sinh được nghe trực tiếp những người Mẹ Việt Nam anh hùng kể những câu chuyện đậm màu khói lửa chiến tranh. Những đôi mắt đen mở to, chăm chú nhìn các mẹ. Mọi khoảng cách của hai thế hệ dường như bị xóa nhòa. Nghe mẹ kể, những đôi mắt đen tròn của con trẻ cũng lấp lánh một niềm xúc động. Quá khứ của một dân tộc anh hùng được tái hiện qua câu chuyện đời của những người mẹ anh hùng.

Trong căn nhà nhỏ, bên chiếc giường của các mẹ, học sinh thay nhau hỏi thăm mẹ, nắm chặt lấy đôi bàn tay mẹ. Nụ cười con trẻ làm ấm áp không khí của một buổi chiều đầy gió. Trong đôi mắt mờ đục của mẹ, đâu đó lấp lánh một niềm hạnh phúc khó tả. Có lẽ được tận mắt nhìn thấy, những câu chuyện được nghe kể hôm nay có ý nghĩa sâu xa hơn cả một trang sách lịch sử. Những dòng ký ức chan hòa nước mắt có sức lay động hơn cả những bài học với những con chữ khô khan.

Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Trường MN - TH&THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Trong thời gian qua, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi đi thăm và nói chuyện với các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đây không chỉ là dịp để tri ân, thăm hỏi những hy sinh, cống hiến của những người Mẹ Việt Nam anh hùng, mà còn là cơ hội giúp các học sinh hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng là cơ hội để giáo dục học sinh biết ơn những con người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là một trong những bài học quan trọng để hình thành nên nhân cách của một con người toàn diện.

Sinh động, thiết thực các hoạt động giáo dục nhân cách học sinh

Bên cạnh những giờ học truyền thống theo chương trình môn Giáo dục công dân trên lớp, Trường THCS Trần Quý Cáp (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) còn tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, Câu lạc bộ trẻ em ở Làng Hy vọng TP Đà Nẵng.

Những buổi học diễn ra trong không khí ấm áp với các hoạt động giao lưu giữa học sinh với trẻ em nạn nhân chất độc da cam hết sức vui tươi. Càng ý nghĩa hơn khi trong buổi sinh hoạt giao lưu, giáo viên và các em học sinh toàn trường đã thể hiện những tình cảm yêu thương, chia sẻ, tấm lòng nhân ái bằng hoạt động quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trẻ khuyết tật.

Cũng là hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhưng Trường TH Lê Văn Tám (quận Thanh Khê) có cách làm hết sức thiết thực, hiệu quả. Ngoài việc tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ giữa học sinh nhà trường với trẻ em nạn nhân chất độc da cam, thầy và trò nhà trường đã tự tay làm những mâm cơm cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống, sinh hoạt tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.

Bữa cơm không chỉ góp phần chia sẻ những khó khăn thiếu thốn với các trẻ em nạn nhân chất độc da cam, mà qua đó thể hiện tấm lòng, tình cảm sẻ chia với những nỗi đau, mất mát mà các em nhỏ không may gánh chịu.

Theo thầy Ngô Xe - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quý Cáp, trong thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống được thầy cô giáo nhà trường linh hoạt tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ đóng khung trong các phòng học với các giờ dạy theo chương trình quy định mà còn đưa các nội dung, chủ đề giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh vào mọi hoạt động thực tiễn của cá nhân và tập thể học sinh tại trường lớp, ngoài xã hội qua các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.