Việc nỗ lực bảo tồn, truyền bá chữ Thái cổ góp phần khơi nguồn văn hóa của xứ “Mường trời”.
Ngược dòng văn hóa Mường Then
Nói đến Điện Biên, người ta biết đó là nơi diễn ra chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhưng ít ai ngờ, Điện Biên có tên gốc là Mường Then (Mường Thanh), là vùng kinh tế văn hoá Thái Tây Bắc. Đặc biệt, Mường Thanh còn là vựa lúa lớn nhất vùng được truyền tụng trong dân gian với câu: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.
Truyền thuyết của người Thái kể rằng, ngày xửa ngày xưa, Mường Thanh gắn liền với một người khổng lồ có sức khỏe phi thường tên là Ải Lậc Cậc. Đây là người có công khai sơn phá thạch làm nên núi đồi, ruộng đồng, sông suối ở vùng Tây Bắc.
Là người khổng lồ nên công việc cũng khổng lồ, luống cày của ông đã làm nên sông Ðà, sông Hồng, còn các mô đất từ luống cày chưa kịp bừa thì làm nên các dãy núi bao quanh thung lũng. Sau khi bừa xong cánh đồng Mường Thanh để làm ruộng gieo mạ, Ải Lậc Cậc lại chuyển sang khai phá cánh đồng Mường Lò, Mường Tấc.
Bỏ qua những yếu tố huyễn hoặc của truyền thuyết, điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là cánh đồng Mường Thanh giống lúa nào gieo xuống cũng trở nên dẻo, thơm... Có được điều đó là do thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước tắm mát cho cánh đồng được lấy từ dòng Nậm Rốm, dòng sông gắn với biểu tượng của Khun Bó Dốm, một thủ lĩnh lừng danh của xứ Mường Trời thời khai thiên lập địa.
Trên mảnh đất Điện Biên, đồng bào Thái chiếm gần 38% trong tổng số hơn 55 vạn dân của tỉnh. Từ xa xưa, họ đã dựng bản, lập mường và trải qua bao thăng trầm để xây dựng, gìn giữ cho dân tộc mình một nền văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong kho tàng văn học dân gian phong phú với nhiều nét tinh hoa ấy, đồng bào Thái đã sáng tạo nên một kho tàng thần thoại, truyền thuyết truyền kể về những địa danh linh thiêng, kì bí. Đó là hệ thống các truyền thuyết về thuở khai thiên, lập địa, sinh ra loài người hay các hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc với những bài then cổ, âm nhạc, dân ca truyền thống…
Trải qua quá trình chắt lọc của thời gian, chữ Thái cổ chính là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại, lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc tại vùng đất này.
Khác với chữ Thái Việt Nam chuẩn hiện nay được mã hóa có thể sử dụng trên máy vi tính, thuận lợi cho công tác in ấn, xuất bản và giảng dạy, chữ Thái cổ lại có các nét chữ hoàn toàn riêng và chỉ có thể chép bằng tay.
Trước dòng chảy của thời gian, những cuốn sách viết chữ Thái cổ dù vẫn còn được lưu giữ và bảo quản, nhưng đang dần bị mai một và có nguy cơ bị lãng quên.
Người giữ hồn chữ Thái cổ
Chúng tôi tìm về xã Noong Luống, huyện Điện Biên, nơi sinh sống của bà Lương Thị Đại, người đã dành hơn nửa cuộc đời để sưu tầm chữ Thái cổ và những nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái.
Với những cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, bà Đại là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể.
Năm 1963, bà Đại công tác ở Phòng sưu tầm văn hóa của Ty Văn hóa Lai Châu cũ (nay là Điện Biên). Từ đó đến nay, bà giữ được hàng nghìn sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của người Thái. Bà có gần 10 đầu sách viết về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái.
Có thể kể đến như: “Tang lễ người Thái” (nghiên cứu, dịch thuật); “Tạo Sông Ca, nàng Si Cáy” (truyện thơ cổ, song ngữ Thái - Việt), “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái” (nghiên cứu)…
Hơn thế kỷ qua, hễ nghe ở bản làng nào có những bản chữ Thái cổ, có người còn biết những nghi lễ của tổ tiên xa xưa, bà Đại tìm đến. Hành trang mang theo chỉ là giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh. Tư liệu mà bà thu thập là các lễ hội cổ truyền, tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán sinh sống của người Thái đã và đang dần bị lãng quên.
Cẩn thận lật giở từng trang sách chữ Thái cổ, bà Ðại chia sẻ: “Ðây là cuốn thơ ca dân gian “Xống trụ xôn xao” (tiễn dặn người yêu), một trong 10 cuốn sách tôi mới nhận về từ Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên để dịch sang chữ Quốc ngữ.
Đã nhiều tháng nay, tôi mới chỉ dịch được 7 cuốn, bởi chữ Thái cổ rất khó để hiểu. Một chữ phải đọc thành ba tiếng, liền với chữ thứ hai và ghép thành cả câu có nghĩa thì mới hiểu được. Một chữ có thể có nhiều nghĩa nên rất khó nhớ, khiến người ta phải xem đi xem lại nhiều lần”.
Cho chúng tôi xem một phần của bộ sưu tầm, bà Đại nâng niu từng quyển sách như “báu vật”. Đây là những cuốn sách cổ được viết trên giấy dó, có tuổi đời hàng trăm năm. Những cuốn sách ấy đã phần nào nhàu nhĩ, sờn mòn, bạc màu theo năm tháng.
“Chữ Thái cổ là chìa khóa để mở những vốn quý văn hóa của dân tộc. Nhờ người Thái có chữ nên chúng tôi gìn giữ được nhiều tư liệu quý của cha ông. Nếu mình không thu thập, gìn giữ cho con cháu mai sau thì sẽ mất hết”, bà Đại bộc bạch.
Nhìn cách bà Ðại nâng niu từng trang sách, tỉ mẩn ghi chép từng câu, từng từ phần nào giúp chúng tôi hiểu được niềm đam mê và sự nặng lòng của bà với chữ Thái cổ.
Bà Chu Thùy Liên, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ nhân nhân dân cho bà Lương Thị Đại với tâm huyết và nỗ lực trong bảo tồn chữ Thái cổ”.
Và lớp học chữ Thái
Tài liệu lưu giữ bằng chữ Thái cổ đã hiếm, những người đọc thông, viết thạo chữ Thái cổ cũng không nhiều, bởi vậy, chữ Thái cổ ngày càng đứng trước nguy cơ mai một.
Bà Lương Thị Đại cho biết: “Những người biết đọc, biết viết chữ Thái Việt Nam chuẩn hiện nay lại không thể đọc được những cuốn sách chữ Thái cổ. Bởi chữ Thái cổ có các nét chữ cũng như cách đọc riêng và chỉ có thể chép bằng tay.
Các tài liệu được ghi chép bằng chữ Thái cổ chủ yếu do một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian sưu tầm hoặc các thầy mo nắm giữ. Bên cạnh đó, một số gia đình cũng đang lưu giữ tài liệu chữ Thái cổ, song những tài liệu này không còn nhiều”.
Tâm huyết, trăn trở níu giữ chữ viết Thái cổ để truyền lại cho thế hệ sau, vài năm nay, bà Ðại cùng các thành viên của Hội Văn học Dân gian Việt Nam xây dựng ý tưởng, đề xuất Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hỗ trợ kinh phí mở các lớp dạy.
Trong 2 năm (2018, 2019) 2 lớp dạy chữ Thái cổ được mở trên địa bàn TP Ðiện Biên Phủ và xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) với khoảng 60 học viên tham gia. Những người theo học đều có chung tình yêu với chữ Thái cổ, cội nguồn dân tộc và khát khao được gìn giữ, tiếp nối giá trị truyền thống đó.
Là một trong những người tham gia giảng dạy cả 2 lớp học đặc biệt trên, ông Lò Văn Cư, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: “Người Thái có tiếng nói và chữ viết riêng. Nhưng hiện nay, hầu hết thế hệ trẻ không biết đọc, biết viết loại chữ này. Bởi vậy, mong muốn của tôi là truyền dạy cho bạn trẻ chữ viết truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, họ có thể tìm hiểu về văn hóa của người Thái qua những câu ca dao, tục ngữ, bài hát...”.
Qua các lớp học giúp bổ sung, nhân rộng số lượng người am hiểu về chữ Thái cổ, hướng tới duy trì, kế thừa và phát huy giá trị của chữ Thái cổ cho thế hệ sau. Song có một thực tế là những học viên sau khi tham gia lớp học, có thể biết đọc, viết chữ, nhưng để có thể giảng dạy lại là một quá trình. Họ cần học hỏi, hiểu biết sâu rộng hơn rất nhiều. Nếu không có nhiệt huyết, đam mê sẽ rất khó thực hiện.
Học viên cao tuổi nhất tại lớp học chữ Thái cổ - ông Lò Văn Vương (73 tuổi), ở bản Thanh Chính, xã Noong Luống, cho biết: “Dù mắt không còn tinh, tai không còn thính, nhưng được học chính chữ viết, tiếng nói cội nguồn của dân tộc mình, là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn. Đi học, tôi giờ cũng đã biết đọc, viết chữ Thái cổ, để về còn dạy bảo cho con cháu mình, để cho anh em những người nào muốn học sẽ truyền đạt".