Nơi lưu giữ linh hồn văn hoá đồng bào Thái

Nơi lưu giữ linh hồn văn hoá đồng bào Thái

(GD&TĐ) - Xuất phát từ lòng ham mê văn hóa văn nghệ, cũng như ý thức được việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc, ngày 16/4/2010 câu lạc bộ dân ca, dân vũ tại Bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An ra đời, trở thành điểm sinh hoạt của những người yêu quý nét văn hoá truyền thống của đồng bào Thái.

Các thành viên câu lạc bộ đang diễn tập
Các thành viên câu lạc bộ đang diễn tập

Ngay từ ngày đầu thành lập câu lạc bộ đã có 59 hội viên tự nguyện đăng ký tham gia sinh hoạt. Đến nay câu lạc bộ đã có 65 hội viên. Cứ vào buổi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần họ lại tập trung về hội trường của bản để cùng nhau thảo luận và sáng tác, lưu giữ các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái miền tây Nghệ An như: múa sạp, múa cồng chiêng, các điệu suối, khắp, lăm, nhuôn... và các nhạc cụ như: khèn bè, cồng chiêng, tủng tinh, xí xo,... Trong các lần sinh hoạt ấy, những người già, người am hiểu dân ca, dân vũ của dân tộc Thái trở thành những người thầy trực tiếp truyền thụ các kiến thức về văn hoá dân gian cho các thành viên khác, đặc biệt là lớp trẻ.

Các thành viên CLB vui bên chum rượu cần sau buổi sinh hoạt
Các thành viên CLB vui bên chum rượu cần sau buổi sinh hoạt

Ông Lữ Ngọc Toàn, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết "khi mới thành lập, câu lạc bộ gặp không ít khó khăn. Thiếu người có kinh nghiệm, thiếu nhạc cụ biểu diễn, thiếu kinh phí hoạt động, song bằng niềm đam mê nghệ thuật, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, với lòng nhiệt huyết, không đòi hỏi hưởng thụ, những thành viên của câu lạc bộ đã vượt qua những trở ngại và có những hoạt động tích cực trong việc sưu tầm và bảo tồn nét đẹp văn hoá dân tộc mình".

Đội trống, cồng, chiêng của CLB
Đội trống, cồng, chiêng của CLB

Mặc dầu mới được thành lập nhưng tính đến nay câu lạc bộ đã sưu tầm, chỉnh lý, cải biên và dàn dựng được một chương trình có thể biểu diễn liên tục trong suốt 3 tiếng đồng hồ với hàng chục tiết mục như: lăm, suối, đồng giao truyền thuyết vầng trăng, múa sạp, múa cồng chiêng, quảnh loòng, hòa nhạc khèn bè... Để nét văn hoá dân gian đồng bào Thái được lan toả, thấm sâu, có sức hút mạnh mẽ với mọi người, câu lạc bộ đã tổ chức các đợt biểu diễn phục vụ bà con trong các dịp lễ hội, dịp tết, thậm chí cả đám cưới, lễ mừng nhà mới... đặc biệt câu lạc bộ đã từng tham gia biểu diễn feetstyvall cồng chiêng quốc tế ở Tây Nguyên.

Dù trên sân khấu sáng ánh đèn, hay những buổi hát mừng đám cưới, những lần biểu diễn trên bãi đất trống, trên sân kho... thì các thành viên của câu lạc bộ vẫn thể hiện hết mình mà không hề nghĩ đến một khoản thù lao nào. Với họ, biểu diễn là để bảo tồn và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Chính những lần biểu diễn đó đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào dân tộc Thái, họ thấy tự hào về làn điệu mượt mà của dân ca, du dương của tiếng đàn, tiếng sáo, rộn rã của tiếng chiêng, tiếng cồng... và ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ngấm sâu vào từng thế hệ...

Một buổi sinh hoạt của CLB
Một buổi sinh hoạt của CLB

Đánh giá về vai trò của câu lạc bộ, bà Lộc Thị Bình, Bí thư đảng ủy xã Thạch Giám cho biết: "với những cống hiến, những hoạt động thiết thực của hội viên câu lạc bộ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn vốn văn hoá đặc sắc của dân tộc Thái trước sự xâm nhập của các nền văn hoá khác. Đồng thời câu lạc bộ cũng chính là hạt nhân của phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Các hội thi, hội diễn lớn, nhỏ có sự đóng góp tích cực của câu lạc bộ từ việc sáng tác, lựa chọn tác phẩm, đến biên đạo, thể hiện... câu lạc bộ chính là nơi giữ linh hồn văn hoá đồng bào Thái hôm nay và cả mai sau...".

Nguyễn Trọng Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ