Thông tin từ Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), ngày 21/5, trong ngày đầu ra quân, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Đội QLTT số 2 và Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra đột xuất tại 7 điểm nóng Hàng Ngang, Hàng Điếu, hàng Bông, Hàng Cân, Hai Bà Trưng, Hàng Cá, Hàng Đường, phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ để xử lý theo quy định 2.374 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá.
Trong đó, có 1.626 sản phẩm túi xách, ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, quần, mũ, dép, áo sơ mi, giầy, xăng đan có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Burrbery, Lacost, Fendi, Nike, Adidas, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Ferragamo, LV, Salvatore Ferragamo, Goyard, Louboutin, Lascote, Versace, Polo, Calvin Klein, Montblanc và 748 sản phẩm quần áo, mỹ ký, dây lưng không có hóa đơn, chứng từ.
Qua kiểm tra, tình trạng gian lận nhãn mác, giả mạo thương hiệu mặc dù được lực lượng QLTT kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều hình thức nhưng vẫn gia tăng.
Thời gian qua, lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện Kế hoạch 3972 về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020 của Tổng cục QLTT.
Đặc biệt, tại các điểm nóng nổi cộm cả nước trong đó có địa bàn Hà Nội, qua đó đã phát hiện rất nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn.
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục rà soát các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới và các địa phương, địa bàn nổi cộm, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm QSHTT ngay tại cơ sở.
Đồng thời, Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người dân nên tìm đến những địa chỉ uy tín để mua bán hàng hóa, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tránh mua và sử dụng những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.