Trường vùng khó, giáo viên “không ngại khó”

GD&TĐ - Dù được thành lập chưa lâu nhưng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã đạt nhiều thành tích trong dạy và học.

Thầy cô giáo thăm gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy cô giáo thăm gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 2 năm học vừa qua, trường có 100% học sinh lớp 12 “vượt cửa ải” trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Quả ngọt

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, đóng chân ở xã Krông Nô, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Được thành lập tháng 2/2019, trên cơ sở tách ra từ phân hiệu của Trường THPT Lắk.

Với vị trí đặc biệt, nằm ở vùng đệm, tiếp giáp giữa 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, sự ra đời của ngôi trường đã góp phần giải quyết bài toán về quãng đường di chuyển cho học sinh ở các xã, buôn vùng sâu như: xã Krông Nô, Nam Ka, Ea R’Bin (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk); huyện Krông Nô, Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) và huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng).

Trước đây, khi chưa có phân hiệu hay trường THPT, học sinh ở vùng này phải vượt khoảng 40km ra trung tâm huyện để học. Chính vì thế, tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao, có một số buôn, chỉ có 1 - 2 em có thể theo học hết bậc THPT. Đây cũng là bài toán nan giải về đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong công cuộc tái thiết nền sản xuất lạc hậu và nâng cao chất lượng đời sống ở địa phương hẻo lánh nơi đây.

Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết: Trường có 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 23 giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, 100% đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Hầu hết, giáo viên của trường đều ở thành phố hoặc ở những miền quê xa tới đây dạy học.

“Do nằm ở vùng tiếp giáp với 3 tỉnh, 90% học sinh của chúng tôi là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Một số em nhà ở buôn nằm sâu hun hút trong rừng, không có sóng điện thoại, mỗi khi có việc giáo viên phải chở nhau luồn lách trên những con đường lầy lội, lởm chởm đá để đi tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh học sinh”, thầy Phước chia sẻ.

Thế nhưng, không ngại khó, ngại khổ, gần 2 năm qua, các thầy cô vẫn nhiệt tình, hăng hái xung phong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều giáo viên trẻ, thời gian đầu mới lên dạy tại trường cũng bày tỏ tâm trạng chán nản vì nơi làm việc, ăn ở vắng vẻ, hiu quạnh. Nhưng qua 2 năm, niềm yêu nghề, yêu trò đã khiến thầy cô thêm gắn bó với ngôi trường đặc biệt này.

Thầy Nguyễn Hữu Hoài, nhà ở TP Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), vừa trúng tuyển viên chức, nhận công tác tại trường từ năm học 2020 - 2021 tâm sự: Sau những bỡ ngỡ ban đầu, ngôi trường và học trò ở bản Lắk đã trở thành ngôi nhà thứ 2.

“Những ngày đầu mới vào đây, tôi hết sức bỡ ngỡ và thấy trống vắng vì trường nằm chênh vênh ở con dốc lưng chừng đồi, nhà dân thưa thớt. Hầu như thầy cô đều mong đến cuối tuần để về nhà với gia đình và bạn bè ở phố. Nhưng ở đây một thời gian, hiểu thêm về điều kiện, hoàn cảnh của các em, tôi đã thay đổi quan niệm. Chỉ mong bản thân sẽ có thêm thời gian gắn bó, đem lại cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng”, thầy Hoài tâm sự.

Thầy và trò cùng học.
Thầy và trò cùng học. 

Dạy học bằng tâm huyết và yêu thương

Với thành tích 2 năm liền có 100% học sinh đậu tốt nghiệp là nỗ lực tột bậc của thầy và trò nhà trường. “Dạy học, trước hết phải hiểu các em muốn học, muốn khám phá cái gì để điều chỉnh nội dung, phương pháp cho phù hợp. Ở trường THPT Nguyễn Chí Thanh, các thầy cô đã làm tốt điều đó” - thầy Phước cho hay.

Trong mỗi học kỳ, nhà trường đều tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Đề nghị giáo viên khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phải gắn với từng học sinh. Không thể sử dụng một phương pháp dạy học nào đó như là “chìa khóa vạn năng” cho tất cả học trò.

Trao đổi thêm về kế hoạch dạy học, giáo dục, đại diện nhà trường cho biết: Ngay khi các em bước chân vào lớp 10, đội ngũ giáo viên đã rà soát, nắm chắc những điểm mạnh và hạn chế của các em. Hầu hết, học sinh có ý thức tốt, nhưng năng lực học tập chưa cao và chưa đồng đều. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm phải là người theo dõi sát sao tâm lý, hoàn cảnh và khát vọng học tập của các em.

Khi đã có thông tin, mỗi giáo viên bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục sát với học sinh hơn. Đối với học sinh khối 12, bên cạnh việc học, ôn tập theo kế hoạch, nhà trường còn khảo sát, đánh giá mức độ học tập để tổ chức phụ đạo thêm cho em yếu, kém.

“Những học sinh yếu, trong quá trình phụ đạo, giáo viên cần khơi gợi hứng thú học tập. Phương pháp dạy cho các em phải bắt đầu từ những kiến thức căn bản, chứ không thể ôn tập tràn lan, theo phong trào. Sau khi ôn tập, nếu kiểm tra lại kết quả của trò chưa cải thiện thì cần phải điều chỉnh. Đó là chìa khóa để chúng tôi đạt được kết quả như hôm nay” - thầy Bùi Quang Định, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.

Trong niềm vui vì nhận kết quả đậu tốt nghiệp, em H’ Nguyệt, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tâm sự: “Em cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ, chỉ bảo trong suốt thời gian qua. Hồi mới vào học, em sợ mình không theo kịp bạn bè và luôn có tâm lý nghỉ học. Em sẽ cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng thầy cô”.

Còn em Y Phúc thì chia sẻ: “Ban đầu em nghĩ đến trường cho vui lòng cha mẹ, nhưng rồi vào đây, được thầy cô chỉ bảo, bạn bè giúp đỡ em mới thấy được ý nghĩa của việc học. Ở học kỳ II, em vẫn còn thiếu nhiều kiến thức. Như môn Ngữ văn, nếu không được thầy cô uốn nắn, chỉ bảo tận tình có khi em bị điểm liệt vì em viết sai chính tả nhiều lắm”.

Sau hơn 2 năm thực hiện sứ mệnh “trồng người”, những “quả ngọt đầu mùa” sẽ là hành trang, động lực để thầy và trò nơi đây nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Xây dựng nhà trường trở thành địa chỉ giáo dục có chất lượng, xứng đáng niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc tại địa phương và ngành GD-ĐT Đắk Lắk là phương châm nhà trường, đội ngũ thầy cô và học sinh cùng hướng tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.