Trường vùng khó canh cánh nỗi lo phổ cập mầm non trẻ 3, 4 tuổi

GD&TĐ - Sĩ số gia tăng song nguồn nhân lực, cơ sở vật chất chưa theo kịp khiến nhiều trường vùng khó canh cánh nỗi lo phổ cập mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi.

Cô và trò Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé trong giờ học.
Cô và trò Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé trong giờ học.

Gia tăng người học

“Khi mới thực hiện phổ cập cho trẻ 5 tuổi, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Mà vướng mắc nhất là việc huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số hàng ngày. Giáo viên phải thường xuyên xuống nhà vận động, thậm chí đưa, đón từng học sinh. Nhưng tình trạng này hiện nay đã cải thiện nhiều. Vì thế nếu thực hiện phổ cập cho trẻ 3, 4 tuổi thì đây không còn là thách thức lớn”, cô Hương tâm sự.

Năm học 2022 – 2023, Trường Mầm non Tả Phìn, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) có 6 điểm, với 357 học sinh. Theo cô giáo Trần Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, những năm gần đây do làm tốt công tác truyền thông nên nhận thức và ý thức về việc học của người dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi.

Cũng theo cô Hương, để có sự thay đổi này, ngoài tích cực truyền thông thì có đóng góp quan trọng từ chính sách. Hiện nay, học sinh, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ. Riêng đối với nhà trường, có trên 78% trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa theo quy định, số còn lại thụ hưởng từ Dự án em nuôi.

“Nhiều gia đình đưa con đến trường mà không phải nộp bất cứ kinh phí gì. Rồi thấy trẻ được ăn, nghỉ, theo dõi, chăm sóc đảm bảo, chu đáo hơn ở nhà thì phụ huynh cũng yên tâm, tự giác cho con đi học. Chính vì thế sĩ số cũng được đảm bảo hơn. Hiện không chỉ đối với trẻ 5 tuổi mà tỷ lệ trẻ 3, 4 tuổi ra lớp cũng đã đạt 100%. Ngoài ra, chúng tôi đang duy trì được 3 lớp, với 70 trẻ 2 tuổi”, cô Hương cho hay.

Cô và trò Trường Mầm non Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trong giờ học trải nghiệm.

Cô và trò Trường Mầm non Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trong giờ học trải nghiệm.

Mặc dù đóng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), song năm học này Trường Mầm non Huổi Lếch cũng huy động được 412 trẻ ra lớp. Trong đó, trẻ 4, 5 tuổi đạt 100%. Riêng trẻ 3 tuổi hiện còn 1 trường hợp chưa ra lớp do theo bố mẹ đi làm ăn xa.

Cô giáo Bùi Thị Sáu, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, trường có 10 điểm ở 8 bản. Do số lượng trẻ gia tăng nên hiện nay 100% các điểm bản đều là lớp ghép (3 + 4 + 5 tuổi). Ngoài ra, trung bình mỗi điểm bản đều có từ 5 – 7 trẻ 2 tuổi.

“Với tiền đề hiện tại, nếu thực hiện phổ cập cho trẻ 3, 4 tuổi thì nhà trường không quá lo lắng về sĩ số. Bởi trên thực tế hiện nay công tác vận động học sinh ra lớp đã thuận lợi hơn nhiều. Vì được hưởng nhiều chính sách, hiểu lợi ích của việc học nên không chỉ tự giác đưa con em tới trường mà nhiều phụ huynh còn tích cực tham gia đóng góp công sức cải tạo, xây dựng trường lớp”, cô Sáu chia sẻ.

Thiếu hụt tiềm lực

Giảm nỗi lo sĩ số, song cô Sáu lại bày tỏ nhiều trăn trở về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chưa theo kịp. Hiện nay, trường còn 1 điểm nằm trong diện “4 không” (điện, giao thông, sóng điện thoại, nước sạch); 2 điểm chưa có điện, đường, mạng intenet chập chờn…

Ngoài ra, mặc dù các lớp học cơ bản đã "cứng hóa", tuy nhiên lại chưa đảm bảo về không gian. Đặc biệt là tại các điểm trường lẻ, thiết bị, đồ dùng đồ chơi, phần mềm học tiếng Anh… còn thiếu. Theo đánh giá, đây là “rào cản” rất lớn đối với công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ.

Giáo viên điểm Cây Sặt, Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé chăm sóc học sinh.

Giáo viên điểm Cây Sặt, Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé chăm sóc học sinh.

Tương tự, theo cô giáo Trương Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), sự thiếu hụt và chưa đồng bộ về cơ sở vật chất sẽ tạo nhiều khó khăn khi triển khai phổ cập mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi. Riêng đối với nhà trường năm học này có trên 600 học sinh. Trong đó mẫu giáo hơn 400 em.

“Chúng tôi có tới 17 điểm trường. Bình quân các điểm cách nhau vài cây số, chủ yếu là đường đất. Việc di chuyển, đi lại của giáo viên vô cùng khó khăn. Điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ. Đơn cử như tại điểm xa nhất cách trung tâm 21km, không có điện nên không bảo quản được thực phẩm. Học sinh chỉ được ăn thức ăn tươi vào đầu tuần. Các ngày còn lại buộc phải ăn đồ khô”, cô Liên chia sẻ.

Mặc dù những năm qua ngành và địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều, song theo cô Liên thì chưa thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy, chăm sóc trẻ thực tế. Hiện nay trường còn 3 điểm chưa có điện lưới, sóng điện thoại, mạng internet… Đa phần các điểm đều chưa đảm bảo về thiết bị dạy học, đồ chơi…

Còn theo lãnh đạo Trường Mầm non Tả Phìn, với đặc thù địa bàn trải rộng, hiểm trở, nhiều điểm trường rải rác nên định biên giáo viên/lớp không đảm bảo yêu cầu, thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhất là thực trạng thiếu nhân lực trong bối cảnh gia tăng học sinh khiến “gánh nặng” lại đè thêm lên vai đội ngũ giáo viên hiện có. “Trước mắt, chúng tôi mong muốn ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ để đảm bảo về nhân lực cho thực hiện chương trình”, cô Hương nói.

“Với thực tế động đâu thiếu đó, để đề án được triển khai thuận lợi, tôi mong muốn rằng không chỉ các chương trình, đề án hỗ trợ giáo dục vùng khó được triển khai đồng bộ mà cần sự chung tay, xã hội hóa rất lớn từ cộng đồng. Vừa đầu tư sửa chữa, nâng cấp trường lớp, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy học, điều kiện hạ tầng thì cũng cần mở rộng chỉ tiêu biên chế giáo viên cấp mầm non nhằm đảm bảo điều kiện, chất lượng giảng dạy, chăm sóc tốt nhất cho các em”, cô Liên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ