Nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non từ huy động các nguồn lực xã hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường mầm non đang nỗ lực đổi mới phương pháp, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với trẻ 5 tuổi.

Giờ học của trẻ tại Trường mầm non Hoa Đào.
Giờ học của trẻ tại Trường mầm non Hoa Đào.

Những nỗ lực của các trường đã từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ để chất lượng giáo dục mầm non năm học sau luôn cao hơn năm học trước, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và nhận thức.

Đa dạng các giải pháp

Năm học 2022-2023, TP Cần Thơ có 171 trường mầm non, mẫu giáo (135 trường công lập, 36 trường ngoài công lập) và 87 cơ sở độc lập tư thục. Địa phương có 1.689 phòng học trong đó có 1.141 phòng kiên cố, 530 phòng bán kiên cố, 20 phòng học nhờ, mượn. Tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi đến trường cao. Cụ thể trẻ 3 tuổi đạt 86,17%, 4 tuổi đạt 91,74% và 5 tuổi đạt 99,95%. 100% trẻ học 2 buổi/ngày.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho hay, trong số 83 xã, phường, thị trấn thuộc TP vẫn còn 20 địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai thí điểm phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo giai đoạn 2023-2025. Nguyên nhân do giáo viên đang học nâng chuẩn theo lộ trình, cơ sở vật chất chưa đạt, thiếu phòng học và thiết bị tối thiểu theo quy định.

Cũng theo chia sẻ của ông Tăng, hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ còn có một số trường không đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT. Các trường thành lập trước đây diện tích hẹp không đảm bảo theo quy định hiện hành, trong khi đó lại không có quỹ đất để mở rộng, sửa chữa.

Bên cạnh đó, một số quận huyện trên địa bàn còn thiếu giáo viên mầm non, gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo độ tuổi. Ngoài ra, việc rà soát trẻ trong địa bàn theo mã định danh trên cơ sở dữ liệu ngành đối với địa phương còn gặp nhiều khó khăn do trẻ chưa có giấy khai sinh, chưa nhập hộ khẩu, địa chỉ nơi ở không cố định,... Hiện tại, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành không chấp nhận nhập địa chỉ tạm trú của trẻ, dẫn đến số liệu trẻ trong và ngoài địa bàn không khớp với thực tế.

“Để thực hiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo, Sở cũng đã rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa. Đồng thời, dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với thực tế quy hoạch của địa phương, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ mẫu giáo đi học.

Bên cạnh đó, TP nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; bố trí đủ đội ngũ giáo viên mẫu giáo theo quy định; phát triển đội ngũ chuyên gia giáo dục mầm non, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về giáo dục mầm non. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc triển khai”, ông Tăng cho hay.

Trường Mầm non Hồng Hà (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ trong dịp hè 2022.
Trường Mầm non Hồng Hà (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ trong dịp hè 2022.

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ

Tại TPHCM, phát huy kết quả đã đạt được, năm học 2022-2023 các trường mầm non tiếp tục triển khai, duy trì các hoạt động đổi mới phương pháp giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhất là đối với trẻ 5 tuổi.

Tại Trường mầm non Hoa Đào (quận 12, TPHCM), thời gian qua nhà trường đã luôn nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục chăm sóc trẻ, đảm bảo chất lượng. Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2022-2023, toàn trường có 18 nhóm lớp với 485 trẻ từ 19 tháng đến 5 tuổi. Cơ sở vật chất của nhà trường khang trang, phòng học kiên cố, đầy đủ các phòng chức năng.

Những năm qua, Trường mầm non Hoa Đào luôn thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và quan tâm tới các độ tuổi dưới 5 tuổi. Tỷ lệ huy động học sinh 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Hàng năm, nhà trường không ngừng đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ mọi hoạt động của trẻ. Đặc biệt, nhà trường còn khuyến khích các giáo viên đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi bằng các nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương.

Trong công tác giảng dạy, Ban giám hiệu Trường mầm non Hoa Đào cũng đã chỉ đạo các giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện trên tiết học, mọi lúc, mọi nơi về giáo dục pháp luật, đạo đức, nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống cho trẻ. Tới trường, trẻ được học tập nhiều kiến thức mới phù hợp với lứa tuổi, được vui chơi với nhiều hoạt động bổ ích để phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Cũng theo chia sẻ của cô Thuỷ, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục cùng với xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp. Các giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp, cách tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ. Ban giám hiệu cũng chú trọng dự giờ, thăm lớp nhằm khắc phục hạn chế của giáo viên. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ được nhà trường chú trọng thực hiện tốt, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Nhà trường hàng năm đều có hợp đồng mua bán thực phẩm, được ký kết giữa bên mua và bên bán. Các cô giáo phụ trách công tác nuôi dưỡng rất chú trọng và thực hiện quy trình của bếp một chiều từ khâu chăm sóc đến bảo lưu mẫu thức ăn. Hàng quý tổ chức cân, đo lên biểu đồ tăng trưởng cho các cháu.

Mục tiêu là điều chỉnh cho các cháu về chế độ dinh dưỡng. Đối với những trẻ thiếu cân và béo phì, chúng tôi đều có những biện pháp chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt để đảm bảo cho các cháu phát triển, giảm suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ hàng năm”, cô Thuỷ cho hay.

“Từ việc huy động các nguồn lực xã hội, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm. Vì vậy sắp tới triển khai phổ cập trẻ 3-4 tuổi nhà trường vẫn đáp ứng đủ các điều kiện để huy động trẻ ở độ tuổi này ra lớp”, cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ, hiệu trưởng Trường Hoa Đào cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ