Trường vùng cao… giữ trò ngày giáp Tết

GD&TĐ - Trước và sau Tết Nguyên đán luôn là thời điểm “nóng” của việc duy trì sĩ số của nhiều trường học vùng cao.

Các trường có học sinh bán trú tăng cường chất lượng bữa ăn để bảo đảm sức khỏe học sinh. Ảnh: NTCC
Các trường có học sinh bán trú tăng cường chất lượng bữa ăn để bảo đảm sức khỏe học sinh. Ảnh: NTCC

Do đó để đảm bảo chất lượng dạy học, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phải tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp, các trường có giải pháp riêng để duy trì nền nếp dạy học.

Bỏ học phụ gia đình

Thời tiết huyện Bắc Hà những ngày qua liên tục ở mức 10 độ, tuy nhiên sĩ số học sinh Trường Tiểu học và THCS Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai) vẫn duy trì ở mức 97 - 98%. Một số học sinh nghỉ học do ốm hoặc gia đình có việc không liên quan đến dịch.

Điều này khác hẳn với thời điểm giáp Tết những năm trước đây, học sinh thường nghỉ học, bỏ học. Lý giải điều này, thầy Phạm Văn Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: 2 năm nay dịch Covid-19 bùng phát, cửa khẩu, đường biên đóng, người lao động không có việc nên không bắt con nghỉ học đi làm. Số HS nghỉ, bỏ học tham gia lao động thường rơi vào học sinh khối THCS và THPT. Học sinh tiểu học vẫn duy trì tốt.

Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang), trao đổi: Trường có 424/915 HS bán trú, vì vậy sĩ số lớp học trước Tết khá ổn định ở mức trên 98%.

Mặt khác, học sinh vừa nghỉ phòng, chống dịch 2 tuần nên khi quay trở lại học, trường triển khai dạy bù khối lượng kiến thức học kỳ I nên trẻ và gia đình ý thức hơn trong việc học tập để chuẩn bị thi học kỳ I vào 24, 25/1. Trường đang tận dụng tối đa thời gian này để dạy đuổi và hoàn thành chương trình học kỳ I. Duy trì sĩ số học sinh sẽ giúp trường đảm bảo cả tiến độ và chất lượng dạy học.

Tại Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) “đến hẹn lại lo” về sĩ số học sinh. Thầy Phạm Công Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: Trước và sau Tết 1 tháng là thời điểm thu hoạch cây đót tại địa phương.

Do đó, học sinh thường nghỉ, bỏ học để tranh thủ thu hoạch đót bán kiếm sống phụ giúp gia đình. Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua, việc duy trì sĩ số học sinh chỉ đạt ở mức 80 - 90% và chưa có giải pháp khắc phục hoàn toàn.

Theo thầy Hiền, 100% học sinh dân tộc, gia đình khó khăn, chưa quan tâm nhiều tới giáo dục. Để con nghỉ học lao động vào vụ mùa là đặc điểm cố hữu nhiều năm nay. Điều đó buộc nhà trường phải linh hoạt tháo gỡ để HS trở lại trường. Nếu “cứng rắn” học sinh sẵn sàng bỏ học. Như vậy, sẽ không bảo đảm duy trì sĩ số cuối năm cũng như công tác vận động học sinh quay trở lại trường lớp thất bại… 

Linh hoạt giải pháp để học sinh không bỏ, trốn học

Thầy Dũng khẳng định: Từ khi có bữa trưa bán trú, sĩ số học sinh trong những dịp trước, sau Tết, sau hè… được duy trì tốt hơn, giáo viên không còn phải đi thôn, bản huy động HS bỏ, trốn học trở lại trường lớp. Nhờ đó, chất lượng giáo dục tăng lên đáng kể…

Duy trì sĩ số học sinh ổn định được xem như giải pháp cơ bản và hiệu quả để các trường vùng cao nâng chất lượng dạy học. Vì vậy, hàng loạt giải pháp đã được ban giám hiệu các trường đưa ra, từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều tích cực vào cuộc.

Thầy Phạm Văn Hằng cho biết: Trường đang thực hiện đồng loạt giải pháp như: Tăng cường chất lượng bữa ăn bán trú để bảo đảm sức khỏe học sinh; Khi HS ngồi vào bàn ổn định mới đưa cơm, thức ăn ra bàn để đảm bảo độ nóng.

Trong dạy học, một mặt sau khi kết thúc chương trình và thi học kỳ I trường triển khai dạy kiến thức học kỳ II, do đó đã loại bỏ tâm lý nghỉ xả hơi giữa kỳ đối với học sinh. Trường cũng tăng số tiết học trong ngày và tăng cường dạy cả chiều thứ 6. Như vậy, thời gian và lượng kiến thức đảm bảo về đích theo biên chế năm học.

Với Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang), theo thầy Phạm Văn Tường, học sinh dân tộc có hoàn cảnh khó khăn để duy trì sĩ số trước hết phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho HS bán trú.

Do đó, cứ vào đầu năm học, ban giám hiệu yêu cầu tổ bộ môn, giáo viên… rà soát kỹ cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó trang bị và tu bổ để đảm bảo tối đa yêu cầu dạy học. Cùng đó tăng chất và lượng các bữa ăn của HS bán trú theo phương châm “bảo đảm dinh dưỡng, chất lượng hơn ở nhà”.

“Khi học sinh được sinh hoạt trong môi trường đầy đủ, thầy cô quan tâm từ học tập tới bữa ăn giấc ngủ… sẽ thêm yêu trường, lớp, không bỏ, trốn học”, thầy Tường chia sẻ.

Còn thầy Hà Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải (Sa Pa, Lào Cai), chia sẻ kinh nghiệm duy trì sĩ số của trường đang triển khai hiệu quả đó là xã hội hóa giáo dục để cả 8 điểm trường lẻ, HS đều được ăn bán trú và nghỉ trưa tại trường.

Từ nguồn lương thực, thực phẩm huy động được (gạo, mì tôm, thực phẩm, rau xanh…) các thầy cô dạy tại điểm trường kiêm luôn nhiệm vụ nấu ăn bữa trưa cho học sinh. Dù công việc vất vả hơn nhưng tất cả đều nỗ lực hoàn thành với tinh thần hết lòng vì học sinh thân yêu.

Dựa theo đặc thù của vùng miền, người dân, điều kiện xã hội để tìm cách “giữ” HS trở lại học tập là kinh nghiệm ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên Trường THPT Hướng Phùng đang thực hiện.

Thầy Phạm Công Hiền cho hay: Chúng tôi thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương; đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn để làm tốt công tác tuyên truyền đến gia đình và học sinh trong mọi mặt, đặc biệt là giáo dục.

Cùng đó, ngay sau khi kết thúc học kỳ I trường đã bắt nhịp ngay vào kiến thức học kỳ II. Đặc biệt với học sinh khối 12, bên cạnh triển khai kiến thức mới còn tiến hành những tiết ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp. Do đó, sẽ nâng cao ý thức học sinh trong học tập.

Không những thế, với nhiều học sinh đã nghỉ, bỏ học một thời gian để lao động kiếm sống nhà trường vẫn tạo điều kiện được quay lại trường học tập.

Trường cử giáo viên bộ môn cùng bổ sung, ôn luyện kiến thức cũ cho HS vào các ngày nghỉ hoặc sau giờ học. Từ đó, giúp học sinh bắt kịp kiến thức mới trên lớp và có thể tham gia ôn tập cùng các bạn để chuẩn bị cho kiểm tra cuối kỳ và ôn thi tốt nghiệp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.