Trường vùng cao đưa kiến thức từ sách vở vào thực tế

GD&TĐ - Trồng rau, nuôi gia súc gia cầm trong nông trại trường học là mô hình giáo dục gắn với lao động sản xuất được nhiều trường vùng cao triển khai.

Mô hình trường học nông trại phù hợp với nhiều trường vùng cao có học sinh dân tộc bán trú.
Mô hình trường học nông trại phù hợp với nhiều trường vùng cao có học sinh dân tộc bán trú.

Giáo dục gắn với thực tiễn

Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) với 100% học sinh dân tộc. Nhiều năm qua để giáo dục kiến thức đi liền phát triển kỹ năng và hỗ trợ thêm cho học sinh các bữa ăn bán trú, trường đã triển khai mô hình trường học nông trại.

Thăm Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố, không khỏi ngạc nhiên với những vườn rau, củ quả xanh ngút ngát. Thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng cho biết, giáo viên và học sinh cùng tham gia sản xuất chăm sóc, cộng thêm khí hậu thổ nhưỡng tốt nên mùa nào rau đấy luôn cho năng suất cao.

“Có những thời điểm, quả su su, bắp cải, su hào, rau cải, bí ngô… cho sản lượng lớn, học sinh ăn không hết. Nhà trường đã bán ra thị trường và dùng tiền chi trả, hỗ trợ thêm các hoạt động, sinh hoạt của học sinh bán trú…”, thầy Công trao đổi.

Đi liền với tăng gia sản xuất rau xanh, trường còn tận dụng đồ ăn thừa của học sinh, rau tự trồng để nuôi lợn, gà, vịt. Vài tháng trường lại có thực phẩm sạch, tươi để cải thiện bữa ăn cho học sinh, đặc biệt vào dịp lễ tết từ nguồn thực phẩm sạch tự sản xuất trường đã tổ chức liên hoan, gói bánh chưng... để tạo không khí học đường ấm áp đồng thời giáo dục học sinh về truyền thống dân tộc.

Thầy Công cho bày tỏ, sản lượng thực phẩm, rau xanh có được đều từ công sức lao động của thầy và trò ngay từ khi bước vào năm học mới. Thành quả lao động này rất quan trọng trong việc tăng cường chất và lượng các bữa ăn bán trú trong bối cảnh giá cả lương thực, thực phẩm tăng nhưng chế độ hỗ trợ cho học sinh dân tộc, vùng khó vẫn giữ nguyên.

Giáo viên, học sinh cùng lao động sản xuất.

Giáo viên, học sinh cùng lao động sản xuất.

Mô hình trang trại chưa thực sự lớn song hiệu quả thu được cho học sinh về kiến thức, kỹ năng tới giá trị kinh tế không hề nhỏ. Khi thấy được giá trị từ mô hình này giáo viên, phụ huynh, học sinh đều tích cực hưởng ứng và ủng hộ nhà trường triển khai.

“Từ mô hình trường học nông trại, giáo viên và học nhà trường đã học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong nuôi trồng sản xuất. Mỗi năm trường có thể thu hoạch từ 2-3 lứa lợn, rau xanh thu hoạch quanh năm, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng theo tuần, tháng. Và quan trọng hơn, khi rời ghế nhà trường học sinh không chỉ có kiến thức mà các em còn có kỹ năng, biết áp dụng kiến thức từ sách vở vào thực tế để tạo ra giá trị kinh tế ngay từ nhỏ…”, thầy Công khẳng định.

Trường Tiểu học Bản Sen (huyện Mường Khương, Lào Cai) cũng là một trong những ngôi trường điển hình và thành công trong triển khai giáo dục với mô hình trường học nông trại.

Trường nằm giữa khu dân cư sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và nuôi cá, gia cầm, gia súc. Nhà trường đã bàn bạc với cộng đồng xây dựng khu Nông trại trong trường học gồm ao cá, chuồng nuôi chim bồ câu Pháp, chuồng nuôi ngỗng, gà khu nuôi dê, vườn rau xanh.

Hàng ngày, các lớp học được phân công luân phiên chăm sóc khu nông trại đảm bảo cho khu chăn nuôi luôn sạch sẽ. Các gia đình chăn nuôi, trồng trọt giỏi ở địa phương được nhà trường mời đến để hướng dẫn học sinh cách chăm sóc vật nuôi, trồng trọt và thu hoạch rau xanh.

Học sinh gặt hái thành quả.

Học sinh gặt hái thành quả.

Thực tế triển khai, Trường Tiểu học Bản Sen đã xây dựng được cuốn tài liệu của mô hình gồm 4 bài (4 tiết/bài). Mỗi bài được xây dựng về kĩ thuật chăm sóc và nuôi trồng cây, con cụ thể như: Bài 1 chăm sóc dê; Bài 2 về chăm sóc gà, ngỗng, chim bồ câu; Bài 3 về trồng và chăm sóc rau, hoa; Bài 4 chăm sóc cá. Đáng nói, cuốn tài liệu đã được nhiều trường Tiểu học tham khảo và áp dụng.

Mũi tên hướng tới nhiều đích

Với mô hình trường học nông trại được thực hiện ở một số trường vùng cao, nơi có học sinh dân tộc bán trú đã giúp các em có cơ hội được học, cùng nhau làm việc để học những điều liên quan mật thiết đến cuộc sống. Bên cạnh sự giúp đỡ hướng dẫn và cổ vũ của thầy cô giáo, cha mẹ và cộng đồng các em đã lĩnh hội được kiến thức cũng như thực hành nghề chăn nuôi, trồng trọt…

Thầy Nguyễn Tiến Công cũng chia sẻ: Điều đặc biệt từ khi triển khai thực hiện mô hình trường học nông trại, nhiều học sinh đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của mô hình.

Ví như em Lò Văn Đức, lớp 4 Trường Tiểu học Bản Sen đã đề nghị dùng con dê ăn cỏ thay dao cắt cỏ trên sân trường; Em Lưu Thị Huệ, lớp 3 đề nghị làm máng đựng phân dạng ngăn kéo dưới chuồng chim bồ câu để vừa dễ lấy phân vừa giữ vệ sinh.

Vườn su su trĩu quả giúp nhà trường có thêm kinh phí hỗ trợ học trò.

Vườn su su trĩu quả giúp nhà trường có thêm kinh phí hỗ trợ học trò.

Đến nay mô hình trường học Nông trại của trường TH Bản Xen đã được đánh giá là mô hình giáo dục kết hợp hài hòa giữa học kiến thức nhà trường và học kiến thức có từ cha mẹ, cộng đồng.

Đặc biệt mô hình này đã và đang được các trường PTDTBT Tiểu học và các trường thuộc vùng nông thôn trong tỉnh Lào Cai có diện tích đất rộng quan tâm và thực hiện. Sản phẩm mô hình sẽ cung cấp nguồn rau sạch, thực phẩm sạch cho các bữa ăn của học sinh bán trú.

Và hơn cả, các em có được ít nhiều kinh nghiệm thực tế để khi học xong chương trình phổ thông, ra cuộc sống sẽ không bỡ ngỡ với những công việc thường nhật của gia đình. Các em có thể hỗ trợ tích cực cho gia đình ngoài sức lao động còn có cả kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tăng gia sản xuất…

Có thể khẳng định, với mô hình trường học nông trại, nhà trường không chỉ huy động được sự tham gia của giáo viên trong việc hướng dẫn học sinh các kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; lao động sản xuất mà bản thân giáo viên và học sinh trong quá trình tham gia cũng sáng tạo, linh hoạt khi áp dụng những kiến thức trên sách vở vào thực tế.

Những bữa liên hoan với thực phẩm do chính giáo viên, học sinh tăng gia sản xuất.

Những bữa liên hoan với thực phẩm do chính giáo viên, học sinh tăng gia sản xuất.

Đặc biệt, thành quả từ lao động sản xuất chăn nuôi trồng trọt được tạo ra sẽ thiết thực đóng góp vào quá trình giáo dục, chăm sóc thể chất học sinh toàn diện qua bữa ăn bán trú.

Dạy kiến thức là nhiệm vụ quan trọng song dạy kĩ năng sống để các em trở về cuộc sống có thể ứng dụng giúp đỡ gia đình cũng vô cùng cần thiết. Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục đích cuối không chỉ là kiến thức trên sách vở mà còn giúp học sinh thu nhận được nhiều kĩ năng cuộc sống và ứng dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn đạt hiệu quả, thành tựu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.