Trường top đầu tỉnh không chủ quan trong chống liệt thi THPTQG

GD&TĐ - Ông Lê Văn Thuyết – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) – cho biết, tới đây, nhà trường sẽ tổ chức lớp để bồi dưỡng cho học sinh có nguy cơ bị điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Ông Lê Văn Thuyết – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình)
Ông Lê Văn Thuyết – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình)

Trao đổi với phóng viên chiều 10/5, nhân chuyến công tác về địa phương Bộ GD&ĐT tổ chức cho báo chí, một trong những nội dung được Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A chia sẻ liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Dù là một trường chất lượng top đầu của tỉnh, nhưng theo ông Thuyết, sau học kỳ 1, thi theo đề thi của Sở GD&ĐT, áp dụng cách tính điểm xét tốt nghiệp theo quy chế mới, trường cũng có khoảng 13 học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Do đó, công tác tổ chức ôn thi THPT quốc gia được trường thực hiện cẩn trọng. Giáo viên lớp 12 được lựa chọn là các thầy cô có kinh nghiệm. Trường tổ chức nhiều cuộc thi thử; đánh giá phân loại, sàng lọc qua các kỳ kiểm tra của nhà trường, kỳ thi chung theo đề của Sở GD&ĐT; chú trọng lưu ý học sinh cả kĩ năng làm bài, tâm lý làm bài; trao đổi với phụ huynh để có trách nhiệm động viên con em học tập...

“Tới đây, nhà trường tổ chức lớp để bồi dưỡng cho học sinh có nguy cơ bị điểm liệt, vì có tình trạng học sinh học lệch, nhiều khi quá tập trung vào những môn thi sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ” – ông Lê Văn Thuyết chia sẻ.

Khẳng định không chủ quan trong việc “chống liệt” dù là trường top đầu, ông Thuyết cũng cho biết, đây còn là kinh nghiệm từ bài học năm 2018, khi Trường chuyên Lương Văn Tụy cũng có học sinh trượt tốt nghiệp vì có bài thi bị điểm liệt.

Cũng liên quan đến công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019, cô Bùi Thị Ngọc Lan - Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A – thông tin: Trường có 2 mục tiêu là học sinh đỗ tốt nghiệp và điểm xét tuyển ĐH, CĐ cao để đỗ vào trường ĐH top đầu.

Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm lớp 12, trường đã phân luồng học sinh, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Các kỳ thi, sau khi kết thúc đều có đánh giá; áp theo quy chế 2019 để dự đoán học sinh có khả năng trượt tốt nghiệp và quan tâm đến đối tượng đó nhiều hơn.

“Sau tháng 5, nhà trường sẽ tiếp tục hướng dẫn học sinh ôn tập. Công tác này chỉ kết thúc trước thời gian thi THPT quốc gia khoảng 10 ngày để học sinh nghỉ ngơi, học tại nhà” - cô Bùi Thị Ngọc Lan cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.