Trường THPT khu vực ĐBSCL tích cực chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia

GD&TĐ - Theo lãnh đạo các trường THPT tại ĐBSCL, việc Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào thời điểm này là hết sức cần thiết. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây được xem như bước chuẩn bị quan trọng để thầy trò tập trung học, ôn tập và có tâm thế tốt cho kỳ thi THPT Quốc gia lần đầu tiên tổ chức. 

Thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ: Đồng tình nội dung hình thức kỷ luật thí sinh vi phạm nghiêm khắc hơn.

Từ trước khi có dự thảo, trường đã có kế hoạch dạy học và ôn thi kỳ thi THPT quốc gia cho HS khối 12 nhằm tăng cường công tác tuyên truyên để ổn định tâm lý của GV, phụ huynh và HS; tổ chức thi thử cho HS lần 1 vào đầu tháng 12/2014.
Sau khi xem Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, có thể thấy được những điểm hay, có lợi cho HS. Tôi chú ý đến việc so với quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2014, các hình thức kỷ luật thí sinh có yêu cầu cao hơn.

Thí dụ theo Quy chế năm 2014, Điều 43 là xử lý vi phạm đối với thí sinh: Cảnh cáo trước Hội đồng coi thi, nếu chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí sinh khác chép bài của mình bằng bất cứ hình thức nào.

Đến nay, theo Dự thảo quy chế mới (năm 2015):  Điều 50, xử lý thí sinh dự thi vi phạm quy chế thi thì mọi thi sinh vi phạm quy chế thi đều phải bị lập biên bản xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Khiển trách đối với những thí sinh phạm lỗi một lần: nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác (hình thức này do cán bộ coi thi quyết định tại biên bản được lập). Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% số điểm thi của môn đó.

Ở phạm vi nhà trường, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT Quốc gia, trường có bước chuẩn bị từ rất sớm. Đặc biệt, từ trước khi có dự thảo, trường đã có kế hoạch dạy học và ôn thi kỳ thi THPT quốc gia cho HS khối 12 nhằm tăng cường công tác tuyên truyên để ổn định tâm lý của GV, phụ huynh và HS.

Đồng thời tổ chức ôn luyện thêm vào các buổi chiều cho HS theo nhóm: 

Nhóm 1 (là HS giỏi và HS tiên tiến có điểm bình quân từ 7,0 trở lên), có đủ khả năng đậu tốt nghiệp, chỉ tập trung lo ôn thi ĐH. 

Nhóm 2 (là các HS tiên tiến và HS trung bình có điểm bình quân từ 6,0 trở lên), các em này chưa chắc chắn đậu tốt nghiệp, có khả năng đậu ĐH. 

Nhóm 3 (là các HS trung bình có điểm bình quân từ dưới 6,0 - HS thi lại được lên lớp), chỉ có khả năng đậu tốt nghiệp...

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo, trường tổ chức phổ biến, lấy ý kiến GV, phụ huynh và HS về dự thảo. Tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm việc thực hiện kế hoạch dạy học và ôn thi kỳ thi THPT quốc gia cho HS khối 12.

Sau đó sẽ điều chỉnh để tiếp tục thực hiện kế hoạch này theo hướng phù hợp với quy chế thi sẽ ban hành. Tổ chức HS ôn luyện  theo 3 nhóm và theo khối thi ĐH và tổ chức thi thử THPT quốc gia cho HS khối 12 trong tháng 1, tháng 3 và tháng 6... 

Thầy Nguyễn Thanh Long - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Thịnh (huyện Tam Bình, Vĩnh Long): Thang điểm 20 phù hợp với kỳ thi hai mục đích.

Việc tổ chức ở các cụm thi năm nay có lợi cho thí sinh, đặc biệt là thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn.                                                                                         Việc tổ chức thành nhiều cụm thi sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho phụ huynh và Nhà nước, tiết kiệm thời gian và công sức cho thí sinh…

Thầy trò chúng tôi rất vui mừng khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. 

Nhìn chung dự thảo đảm bảo không có nhiều thay đổi so với thông tin công bố từ trước. Do đó thầy trò nhà trường vẫn yên tâm học tập, chuẩn bị đủ kiến thức để đảm bảo cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Điều được thầy trò quan tâm là việc chuyển từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 trong chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Điều này cho thấy kỳ thi nhằm vào hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ nên cả khâu ra đề và chấm thi cần đảm bảo yêu cầu phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh ở tất cả môn thi.

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT trước đây, thực tế có tình trạng HS học lệch theo các môn thi tốt nghiệp THPT và các khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ do các em tự chọn. 

Với phương thức thi năm nay sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu kết hợp với kết quả học tập tất cả các môn học ở lớp 12 của HS để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo tôi nghĩ đã khắc phục tình trạng học lệch.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tổ chức vào tháng 7 là hợp lý, sẽ giúp thầy trò có thời gian ôn tập, có sự chuẩn bị tốt. Kỳ thi này rất quan trọng, công tác ôn luyện từ phía HS, chuẩn bị từ các trường, các cụm thi cũng phải được tính toán kỹ lưỡng. 

Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho HS, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Để có bước chuẩn bị tốt, ngay từ đầu năm học, khi có thông tin từ Bộ GD&ĐT về kỳ thi quốc gia, chúng tôi đã làm công tác tư tưởng cho GV và tất cả HS. GV khối lớp 12 cũng được tham gia tập huấn chuyên môn để đáp ứng cho kỳ thi có nhiều đổi mới… 

Tính đến thời điểm này thầy trò nhà trường có tâm lý tốt, đang nỗ lực học tập để nắm vững kiến thức. Các em HS đã xác định được việc chọn thi môn nào để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu 1, (Hậu Giang): Giải pháp đẩy mạnh đổi mới dạy – học

Năm 2015 này chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia duy nhất, điều làm phụ huynh và thầy cô giáo nhẹ nhõm nhất là không còn thấy cảnh con em họ phải “học ngày, học đêm”, áp lực, căng thẳng để thi tốt nghiệp THPT và thi vào các trường ĐH, CĐ sau đó.

Nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin về kỳ thi THPT quốc gia để phổ biến đến GV và HS. Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo, thầy trò đã rất phấn khởi. 

Điều nhận thấy rõ trong dự thảo lần này là thí sinh rất thuận lợi và được tạo điều kiện thi rất tốt. Việc tổ chức thi hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ cương và giao thêm quyền tự chủ cho địa phương, đặc biệt là các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ…

Kỳ thi này được xem như giải pháp để đẩy mạnh đổi mới việc dạy, học trong nhà trường phổ thông cũng như việc đánh giá, thi cử. Từ việc đổi mới cách thi, tổ chức thi, ra đề thi sẽ thúc đẩy nhà trường, thầy cô giáo phải dạy học đảm bảo yêu cầu đánh giá năng lực HS, chấm dứt tình trạng học vẹt, học thuộc lòng, văn mẫu như trước. Đây là mục tiêu tác động tích cực đến việc dạy và học trong các nhà trường.

Thực tế cho thấy, qua theo dõi các đề thi tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ trong những năm qua, điều đáng vui mừng là đề thi đã sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ có nhiều cụm thi, tôi thấy việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi sẽ gần hơn, giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình. 

Thực tế cho thấy việc tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được các trường ĐH, CĐ trong cả nước tin tưởng và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây. 

Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Thầy trò chúng tôi tin tưởng với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục cũng như các bước chuẩn bị từ rất sớm kỳ thi sẽ thành công như mong đợi.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ