>>Nhà giáo đi B - Những ký ức một thời máu lửa
Đoàn học sinh miền Nam dự đám tang anh Trần Văn Ơn. ảnh TL |
Trong giảng dạy, nhiều anh chị em đã khéo léo dùng những thơ ca yêu nước, những bài báo tiến bộ hoặc tổ chức văn nghệ, tham quan di tích lịch sử v.v… để giáo dục về truyền thống lịch sử dân tộc và lòng yêu nước cho học sinh đạt kết quả tốt mà có nơi nhân dân gọi là “Trường Việt Cộng” ở thành phố.
Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống khủng bố bắt lính, chống quân sự hoá học đường và đòi thi hành Hiệp định Geneve … diễn ra thường xuyên và có lúc rất sôi nổi, quyết liệt. Năm 1954 -1955, hàng trăm giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh của trường Lê Quý Đôn ở Cao Lãnh đấu tranh ngăn chặn địch phá đài liệt sĩ, phá mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ do bộ đội ta xây dựng, buộc tỉnh trưởng phải chấp nhận không dám phá mộ và đài liệt sĩ.
Ở thị xã Long Xuyên 5.000 học sinh xuống đường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, vạch mặt bọn phản động đội lốt giáo viên kết hợp với diệt trừ ác ôn đã làm cho địch hoang mang. Một số giáo viên và học sinh làm biệt động thành bị bắt rất kiên cường chống địch trước tòa án quân sự xét sử. Địch đã kết án tử hình 2 giáo viên và chung tân khổ sai 7 học sinh.
Cuộc đồng khởi năm 1960 đã giải phóng được nhiều vùng rộng lớn, liên hoàn, xã liền xã, huyện liền huyện. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển giáo dục ở vùng giải phóng trở thành nhiệm vụ trọng thâm của toàn ngành giáo dục.
Tiểu ban Giáo dục khu đã khẩn trương, liên tục mở các lớp sư phạm đào tạo các cấp tốc hàng trăm giáo viên dạy cấp I và II cho các tỉnh. Các tỉnh đã kịp thời phát động phong trào xóa mù chữ, bổ túc văn hóa và xây dựng trường phổ thông để đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân.
Tính đến đầu năm 1962, toàn khu có vài ngàn lớp học với trăm ngàn học sinh cấp I, đông nhất là Bến Tre (60.000) và Mỹ Tho (25.000). Ở Kiến Tường, phong trào “chia chữ cho dân”, “học đến đâu dạy đến đó”… đã thành công trong thực hiện chương trình xóa mù chữ, bổ túc văn hóa và dạy phổ thông cho học sinh lớp 1- 3’ hoặc mở lớp dạy văn 10 ngày để làm báo cáo, dạy 4 phép toán để báo cáo thu chi tài chính.
Ở Kiến Phong, đào tạo được 136 giáo viên, mở được 40 trường học ở xã, ấp giải phóng với trên 2.340 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và bổ túc văn hóa cho 1.455 cán bộ chiến sĩ.
Ở Bến Tre với hơn 700 xã giải phóng đã xây dựng được 915 lớp học với hơn 800 giáo viên và 60.000 học sinh phổ thông. Mỗi huyện có trường cấp II, tỉnh có trường cấp III và xây dựng được 20 trường bổ túc văn hóa cho cán bộ chiến sĩ.
Học sinh đội mũ rơm đi học. ảnh TL |
Trong thời kỳ triển khai chiến lược "chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" địch tăng cường càn quét đánh phá ác liệt vùng giải phóng của ta. Phong trào giáo dục ở vùng giải phóng đương đầu với nhiều khó khăn, ác liệt. Trường học là mục tiêu ném bom, đánh phá thường xuyên của địch. Một số trường học bị đốt phá và giáo viên học sinh bị bắn giết.
Để duy trì trường lớp, nhiều xã đã thực hiện tốt chủ trương: “nhân dân bám đất, cán bộ bám dân và du kích bám địa bàn”, giữ vững thế công khai hợp pháp của dân, xây dựng xã, ấp đã duy trì được trường lớp, bảo đảm được yêu cầu học tập của con em nhân dân. Trường lớp được tổ chức lại cho phù hợp, có công sự hầm hào, có nơi phải học ban đêm hoặc học trong nhà dân. Trường Cấp II, III, học sinh lớn tuổi được trang bị vũ khí, lựu đạn và giáo viên vừa dạy học, vừa chiến đấu, bắn hạ máy bay địch được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ở Kiến Tường, Long An, “Trung đội nữ pháo binh” là một điển hình rất tiêu biểu – giáo viên vừa dạy học, vừa chiến đấu, nhiều chị em đã trưởng thành và lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Tập thể đội ngũ cán bộ giáo dục khu và các tỉnh được tôi luyện trong chiến tranh đã trưởng thành và kiên định vững vàng trong chiến đấu, cán bộ giáo dục tại chỗ và cán bộ giáo dục ở miền Bắc được Trung ương tăng cương đều đoàn kết thương yêu nhau, cùng chia sẻ khó khăn, kiên trì bám dân, bám đất, bám chiến trường công tác và chiến đấu, kể cả các đồng chí được tổ chức phân công vào hoạt động ở nội thành, hoặc làm công tác tuyên truyền xung phong ở thành phố Mỹ Tho, có rất nhiều khó khăn nhưng các đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chiến trường. Các đồng chí bị địch bắt giam cầm, tra tấn dã man ở Phú Quốc, Côn Đảo vẫn một lòng trung thành với Đảng, chiến thắng trở về.
Tất cả những thành tựu của giáo dục và các tỉnh trong 15 năm xây dựng và phát triển là những cống hiến rất quan trọng, là một trang sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân khu 8- Trung Nam Bộ đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nguyên khu ủy viên – Phó Ban Tuyên huấn
Khu ủy khu 8 – Trung Nam bộ