Trường mầm non ngoài công lập ráo riết tuyển dụng giáo viên

GD&TĐ - Hiện các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục tại TPHCM ráo riết tuyển dụng giáo viên, bảo mẫu chuẩn bị cho năm học mới. 

Tiết hoạt động của cô trò Trường Mầm non Mẹ Yêu Con.
Tiết hoạt động của cô trò Trường Mầm non Mẹ Yêu Con.

Mặc dù đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực, tuy nhiên theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều trường, công tác tuyển dụng vẫn gặp khó khăn.

Loay hoay tuyển dụng

Hiện nhiều cơ sở mầm non tư thục đã đăng tải thông tin lên website, Facebook đồng thời nhờ giáo viên giảng dạy trong trường tìm kiếm, hỗ trợ tuyển người. Ghi nhận trên nhóm Facebook “Hội việc làm giáo viên mầm non…”, hàng chục cơ sở mầm non đồng loạt đăng thông tin tuyển dụng.

“Cần tuyển 3 giáo viên mầm non với mức mức lương 7 - 8,5 triệu đồng (tùy khả năng và vị trí). Yêu cầu có bằng cao đẳng sư phạm mầm non trở lên…”, một cơ sở mầm non tại Quận 12 (TPHCM) đăng tải.

Tương tự, cơ sở mầm non khác tại quận Gò Vấp không đăng số lượng giáo viên cần tuyển cụ thể, tuy nhiên lại đưa ra những điều kiện hấp dẫn như yêu cầu là giáo viên mầm non chính hiệu, làm việc từ thứ 2 - 6 (thứ 7 - Chủ nhật nghỉ ở nhà). Ăn sáng, ăn trưa đã có trường lo, bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế đầy đủ; sinh nhật, hỷ sự, các ngày lễ Tết trong năm đều có thưởng, lương 6,5 - 8,5 triệu…”.

Còn đối với hệ thống Trường Mầm non Mẹ Yêu Con (TPHCM) tại Quận 10 và TP Thủ Đức, năm học tới đây dự kiến cần khoảng 9 giáo viên mầm non, bảo mẫu. Theo chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Trần Khánh Toàn, TPHCM có nhiều trường mầm non vì thế sự cạnh tranh để có nhân sự tốt diễn ra sôi nổi; có đơn vị sẵn sàng “phá giá” mặt bằng lương chung để có nhân sự. Bên cạnh đó do chưa có quy hoạch cụ thể về mô hình dân cư/trường nên tình trạng trường mở nhiều hơn số lượng giáo viên được đào tạo cũng đẩy các trường rơi vào cảnh thiếu nhân sự.

“Hàng năm đều có đông đảo giáo viên trẻ là sinh viên ra trường, tuy nhiên những cô giáo này trụ lại được với nghề rất ít. Bởi thực tế, giáo viên mới vào nghề còn thiếu thực tế, kỹ năng chưa vững lại dễ bị áp lực bởi công việc nên dễ bỏ cuộc khi tình yêu nghề, yêu trẻ chưa đủ lớn.

Hơn thế, các ngành nghề khác cũng hấp dẫn giới trẻ nên lựa chọn làm giáo viên mầm non được nhiều thầy cô mang lên bàn so sánh. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, thời gian qua, các thành viên ban giám hiệu thay nhau lên tiết, làm luôn công việc của giáo viên và bảo mẫu. Điều này trước đây ít xảy ra nhưng nay trở thành bình thường”, cô Toàn chia sẻ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM đăng ký ứng tuyển vị trí giáo viên mầm non trong ngày hội việc làm năm 2023.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM đăng ký ứng tuyển vị trí giáo viên mầm non trong ngày hội việc làm năm 2023.

Nhiều giải pháp giữ chân giáo viên

Bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ 5 cơ sở mầm non tại TP Thủ Đức và Quận 12 cho hay, mỗi cơ sở có nhu cầu tuyển dụng 2 - 3 giáo viên cho năm học mới. Theo bà Quỳnh, tuyển giáo viên mầm non rất khó do những năm gần đây không còn đào tạo hệ trung cấp mầm non. Đối với giáo viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng số lượng không nhiều, trong khi đó nếu tuyển được cũng yêu cầu mức lương khá cao.

“Trước dịch Covid-19 tình hình giáo viên rất ổn. Tuy nhiên sau dịch, một số giáo viên đã bỏ nghề nên tình hình tuyển nhân sự gặp không ít khó khăn. Chúng tôi đang có kế hoạch tăng lương cho giáo viên. Việc này nhằm mục đích giữ chân nhân sự có trình độ cao đẳng, đại học đang giảng dạy tại trường và chiêu dụ được thêm nhân sự mới. Ngoài ra, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các cô học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng để đáp ứng với quy định mới”, bà Quỳnh cho hay.

Còn cô Nguyễn Tú Uyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Xinh (quận Bình Tân) chia sẻ, mỗi đợt tuyển dụng nhà trường đều mong muốn có thêm giáo viên yêu trẻ và thực sự tâm huyết với nghề. Năm học mới này, đơn vị tuyển thêm do một số giáo viên có thai sản và phục vụ nhu cầu phát triển thêm.

“Trường có nhiều chế độ đãi ngộ cho người mới ra trường như bảo hiểm xã hội, y tế (đóng 100%); lương của trường khá cao so với mức chung của khu vực và được tăng theo năng lực. Ngoài ra còn có chỗ ăn ở miễn phí cho các bạn ở tỉnh. Con của giáo viên, nhân viên được miễn học phí 100%”, cô Uyên chia sẻ.

Đối với hệ thống Trường Mầm non Mẹ Yêu Con, để giữ chân giáo viên, ngoài thu nhập “cứng” hằng tháng, nhà trường có nhiều chế độ đãi ngộ như: Thưởng đánh giá ABC hàng tháng, thưởng sĩ số, có chỗ ở cho giáo viên nhà xa; ưu đãi học phí con em học tại trường; hỗ trợ tiền ăn trưa cho giáo viên; tham gia hoạt động thiện nguyện kết hợp tham quan, đi du lịch mỗi năm một lần. Thậm chí, năm nay, nhà trường còn tổ chức cho các cô đi du lịch ở nước ngoài…

Hiện, TPHCM thực hiện chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục thuộc loại hình dân lập, tư thục, hoạt động trên địa bàn có khu công nghiệp với mức 800.000 đồng/người/tháng. Trước đó, địa phương này cũng có nhiều chương trình hỗ trợ giáo viên làm việc tại các cơ sở mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhằm kịp thời bổ sung nguồn tuyển giáo viên, song song với biện pháp hạ thấp yêu cầu tuyển dụng, đại diện các trường đều cho biết, cần thêm chính sách đãi ngộ để thu hút, cải thiện đời sống giáo viên.

Bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh cho biết: “Trải qua 2 năm cầm cự do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh phí hoạt động của các trường thuộc hệ thống gặp không ít khó khăn. Trên thực tế, trường tư phải tự chủ về tài chính nên cơ chế quản lý khác so với trường công. Nếu trẻ đến lớp tốt, giáo viên có thể được tăng lương, thu nhập. Ngược lại, giáo viên cần chia sẻ khó khăn chung với nhà trường nếu nguồn thu bị giảm sút”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tìm kiếm cơ hội việc làm chất lượngUnderstanding 13th-Month Bonus