Cơ sở mầm non ngoài công lập vượt khó ổn định hoạt động dạy học

GD&TĐ - Do tác động của dịch Covid-19, giáo dục mầm non (GDMN) nói chung, đặc biệt hệ thống các cơ sở mầm non ngoài công lập đang gặp không ít khó khăn.

Cô trò cùng vui với trò chơi trong giờ học ở Trường Mầm non Eduplay Hà Nội.
Cô trò cùng vui với trò chơi trong giờ học ở Trường Mầm non Eduplay Hà Nội.

Mở trường đón học sinh đi học trở lại là cách tối ưu lúc này vì có học sinh mới có nguồn thu trang trải các khoản chi phí. Thế nên, linh hoạt ứng phó để mở trường, nỗ lực khắc phục khó khăn để ổn định hoạt động dạy học là điều nhận thấy ở nhiều trường.

Cần hỗ trợ để phát triển

Theo NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, ủy viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, mở cửa trường mầm non trong bối cảnh dịch Covid-19 rất cần thiết vì trẻ cần được đến trường để phát triển về sức khỏe, tâm lý, nhân cách, nhận thức. Tuy nhiên, khó khăn chồng chất đối với các trương ngoài công lập do thời gian nghỉ dịch kéo, nợ ngân hàng và thiếu giáo viên là những vấn đề cần phải được giải quyết mới có thể nói đến chuyện ổn định hoạt động dạy học. Tạo sức hút giáo viên trở lại, giãn nợ và hỗ trợ tín dụng là giúp hệ thống các trường ngoài công lập ổn định lúc này.

Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển GDMN ngoài công lập, toàn tỉnh Yên Bái có 14 trường mầm non và 40 nhóm trẻ ngoài công lập với 306 cán bộ, giáo viên. Trong đó, thành phố Yên Bái là địa phương có nhiều đơn vị mầm non ngoài công lập nhất với 18 trường mầm non và nhóm trẻ với 288 cán bộ giáo viên. Do dịch bệnh, hiện các trường mầm non trên địa bàn toàn thành phố tạm thời đóng cửa. Mở cửa trường trở lại, những vấn đề khó khăn về như tài chính và đội ngũ giáo viên khiến không ít các trường lo lắng đứng ngồi không yên. Bà Nguyễn Vy, Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT Yên Bái cho hay: Chính phủ đã ban hành chính sách tín dụng đối với các cơ sở GDMN, sở đang triển khai khảo sát để thực hiện.

Trường Mầm non Hồng Ngọc thuộc phường Yên Ninh, TP Yên Bái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động từ ngày 21/1. Trường vừa mở cửa trở lại với không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Phú - chủ Trường Mầm non Hồng Ngọc chia sẻ: Trường mới đầu tư phòng học chất lượng cao và trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy học. Hàng năm thu hút gần 200 trẻ, đội ngũ giáo viên với 21 người. Đến nay về cơ bản trường hoạt động trở lại, các cô giáo đang nỗ lực tổ chức tốt hoạt động dạy học. Khó khăn còn nhiều nên rất mong được các cấp chính quyền và ngành Giáo dục hỗ trợ để vượt qua, ổn định tốt công tác nuôi dạy trẻ đáp ứng yêu cầu gửi trẻ của người dân địa phương.

Ổn định việc nuôi dạy trẻ trở lại ở Trường Mầm non Eduplay Hà Nội.
Ổn định việc nuôi dạy trẻ trở lại ở Trường Mầm non Eduplay Hà Nội.

Ổn định để phát triển

Là trường ngoài công lập uy tín và chất lượng cao của Hà Nội, không nằm ngoài khó khăn chung là thiếu giáo viên và nguồn lực tài chính, cô Dương Thị Bảo Châu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Eduplay Hà Nội nói: Hà Nội đã có khảo sát nhu cầu vay hỗ trợ tín dụng gửi đến các trường. “Trong khi chờ đợi, chúng tôi xác định phải tự lực để cứu mình, ổn định việc dạy học. Khó khăn cơ bản của nhà trường là trò mới, trò cũ đi học lại đều bỡ ngỡ và chưa quen nền nếp nên cô phải quan tâm dỗ dành, tạo dựng mối quan hệ. Cũng mừng vì cơ sở vật chất là của trường và 100% cán bộ giáo viên quay lại làm việc nên rất thuận lợi. Giờ là lúc các cô thể hiện sự yêu nghề và gắn bó với trường tiếp tục tạo uy tín để thu hút học sinh đi học đông trở lại”, cô Bảo Châu bày tỏ.

Người học là yếu tố quan trọng nhất để duy trì sự ổn định của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Cũng như vậy, nhóm trẻ gia đình Thiên Thần, tổ Phiêng 1, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) mới đi vào hoạt động từ đầu năm học 2021 - 2022 với 46 học sinh cho 2 lớp. Bà Bùi Thị Oanh - chủ nhóm trẻ Thiên Thần trao đổi: “Chúng tôi cố gắng vận động giáo viên chia sẻ khó khăn với cơ sở. Có trẻ thì mới có nguồn thu, tôi cùng các cô giáo tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá về nhóm trẻ nhằm thu hút được trẻ. Lo lắng nhất là việc giữ chân được các giáo viên cũng như nguồn lực tài chính để ổn định hoạt động dạy học”.

Còn ở Trường Mầm non Họa My, TP Vinh, tỉnh Nghệ An do đóng cửa khiến nhiều cô giáo phải bỏ nghề. Cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Hải Anh cho hay: Những ngày khó khăn của dịch Covid-19 học đã qua, đến nay trường đã đón trẻ trở lại. Mọi việc đang dần ổn định, những ngày này, để đảm bảo việc nuôi dạy trẻ an toàn trong bối cảnh phòng chống dịch, cô và trẻ phải luôn được nhắc nhở và thường xuyên có sự kiểm tra để thực hiện đúng các quy định đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và sát khuẩn tay đúng cách, ăn trong im lặng. Trong khó khăn, nguồn nội lực rất quan trọng, mong muốn và cũng là việc đang làm của trường là chú trọng hoạt động nuôi day trẻ chất lượng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở GDMN, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Lãi suất cho vay 3,3%/năm. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ