Trường Mầm non Nậm Vì: Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục

GD&TĐ - Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn, song tập thể trường Mầm non Nậm Vì đã nỗ lực không ngừng để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tập thể giáo viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm.
Tập thể giáo viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm.

Còn nhiều gian khó...

Trường Mầm non Nậm Vì nằm trên địa bàn xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tuy chỉ cách trung tâm huyện chừng 10 cây số, song nơi đây vẫn còn đầy rẫy những khó khăn. Theo đánh giá của Ban giám hiệu, một trong số những khó khăn đó là do đội ngũ giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, năng lực còn hạn chế. Giáo viên đang trong độ tuổi sinh đẻ, nuôi con nhỏ chiếm đến 70%.

Nhân dân địa phương hỗ trợ nhà trường tôn tạo khuôn viên.

Nhân dân địa phương hỗ trợ nhà trường tôn tạo khuôn viên.

Không những thế, 100% trẻ em theo học là người dân tộc thiểu số ở điểm bản còn gặp khó khăn về tiếng phổ thông, nhận thức của trẻ không đồng đều, việc tạo môi trường cho trẻ hoạt động còn hạn chế. Cùng với đó, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chưa có điều kiện để đóng góp thêm cho con chế độ ăn bán trú. Nhà trường vẫn luôn trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp nên vẫn phải tổ chức các lớp ghép. Nơi đây giao thông đi lại khó khăn, nhất là những tháng mùa mưa. Có 2 điểm bản rất khó có thể di chuyển đến được những tháng mùa mưa, đó là: Cây Sổ và Huổi Cấu.

Khó khăn là vậy, song suốt bao năm qua, tập thể sư phạm ở đây luôn hết mực dành trọn tình yêu thương và trách nhiệm với nghề, với trẻ. Họ đã không ngừng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng trong thực hiện chương trình Giáo dục mầm non.

Mỗi năm nhà trường có khoảng gần 500 trẻ theo học. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song nhà trường đã luôn chủ động bố trí phù hợp để tiếp nhận và tạo môi trường giáo dục tốt nhất.

Công tác xã hội hóa giáo dục được nhà trường duy trì và triển khai hiệu quả.

Công tác xã hội hóa giáo dục được nhà trường duy trì và triển khai hiệu quả.

Để cải tiến chất lượng, nhà trường đã chú trọng đến việc tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN); phát triển Chương trình (GDMN) gắn với điều kiện thực tiễn địa phương.

Song song với đó, trường cũng tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN tại các lớp mẫu giáo ghép. Chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, môi trường chữ viết, tạo điều kiện để trẻ phát triển ngôn ngữ ở mọi lúc, mọi nơi, phát triển kỹ năng giao tiếp, khả năng tự tin, sử dụng ngôn ngữ mạch lạc.

Bê tông hóa các hạng mục, tạo sân chơi sạch, đẹp cho học sinh.

Bê tông hóa các hạng mục, tạo sân chơi sạch, đẹp cho học sinh.

Nỗ lực vượt khó...

Hàng năm, nhà trường đã bám sát vào các văn bản của các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình GDMN theo năm học, tháng/chủ đề, tuần, ngày đảm bảo mục tiêu, nội dung chương trình gắn với điều kiện thực tiễn của trường, lớp, địa phương. Thực hiện tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục. Đặc biệt là quan tâm thực hiện tích hợp nội dung giáo dục về văn hóa truyền thống, giáo dục lễ giáo, giáo dục kỹ năng sống và phát triển các hành vi, thói quen tốt cho trẻ phù hợp với lứa tuổi.

Lồng ghép tích hợp nội dung và tích hợp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhvào các hoạt động.

Tôn tạo khuôn viên, phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tôn tạo khuôn viên, phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Theo Ban Giám hiệu, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Kết quả cho thấy, nhà trường đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo môi trường tốt bảo đảm tất cả mọi trẻ đều có cơ hội học tập thông qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu hứng thú cũng như khả năng của trẻ. Kích thích sự tập trung chú ý, tư duy cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia các hoạt động chơi, trải nghiệm đa dạng.

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non cũng được nhà trường chú trọng thực hiện. Trong mỗi năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dựa trên các văn bản của các cấp để thực hiện Đề án.

Giáo viên nhà trường chung tay xây dựng cơ sở vật chất.

Giáo viên nhà trường chung tay xây dựng cơ sở vật chất.

Nội dung đề án được đổi mới thông qua việc dạy trẻ làm quen chữ cái, chữ viết, các câu, từ gần gũi với trẻ… Qua đó, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và biết giao tiếp với mọi người bằng tiếng phổ thông.

Để nâng cao chất lượng tăng cường tiếng việt, nhà trường phát động giáo viên làm tích cực làm đồ dùng, tạo môi trường trong và ngoài lớp học phong phú đa dạng. Mục đích là để phục vụ cho việc dạy tăng cường tiếng Việt và thu hút trẻ đến trường học.

Không những thế, về hình thức giảng dạy cũng có nhiều đổi mới. Trường chú trọng việc dạy trẻ ở những lớp tại các điểm bản, có thể dạy cả lớp hoặc dạy trẻ theo nhóm trẻ dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt.

Mỗi nhà giáo là một người "họa sỹ".

Mỗi nhà giáo là một người "họa sỹ".

Bằng hình thức này, mỗi tuần nhà trường chỉ đạo giáo viên dạy tăng cường tiếng việt cho trẻ 2 buổi chiều. Ngoài ra, lồng ghép trong các hoạt động hàng ngày để dạy trẻ. Sau quá trình nỗ lực thực hiện, kết quả có chuyển biến rõ nét qua mỗi năm học. Đơn cử như năm học 2022 – 2023, có 100 % trẻ biết nói tiếng Việt.

Qua các buổi sinh hoạt chuyên môn nhà trường xây dựng nội dung sinh hoạt về tăng cường tiếng việt 100% giáo viên được tham gia, nhằm nâng cao nội dung , phương pháp, hình thức dạy tiếng Việt cho giáo viên có hiệu quả hơn.

Năm học 2022 – 2023, trường Mầm non Nậm Vì có 485 trẻ ra lớp. Tỷ lệ chuyên cần đạt 96%, trẻ học hai buổi trên ngày đạt 100%. 3 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 19 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 5 người được UBND huyện tặng giấy khen; Tập thể trường được đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu: Tập thể Lao động thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen, UBND huyện tặng giấy khen, UBND huyện tặng danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ