Điểm tựa của học sinh dân tộc thiểu số ở biên giới Mường Nhé

GD&TĐ - Mô hình trường Phổ thông DTBT được nhân rộng đã góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số ở biên giới Mường Nhé (Điện Biên) phát triển toàn diện.

Mô hình trường PTDTBT được nhân rộng giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Nhé, Điện Biên có điều kiện học tập và phát triển toàn diện.
Mô hình trường PTDTBT được nhân rộng giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Nhé, Điện Biên có điều kiện học tập và phát triển toàn diện.

Nâng cao chất lượng

Sau một thời gian thực hiện mô hình trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) theo Tiểu dự án 1 Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719), học sinh những điểm trường lẻ thuộc các trường Tiểu học và THCS ở huyện Mường Nhé được đưa về trường trung tâm các xã của huyện để học tập rèn luyện. Các em học sinh dân tộc thiểu số, nhất là con em hộ nghèo được nuôi dưỡng, học tập tại trường. Không những thế, còn được rèn luyện, phát triển toàn diện cả về tri thức và kỹ năng. Chính vì vậy mà tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh cũng như chất lượng giáo dục trong các nhà trường đã có những chuyển biến tích cực

Em Sùng Thị Ngọc Linh hiện đang là học sinh lớp 5A4, trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, xã Mường Nhé. Nhà Linh ở bản Nậm Là, cách trung tâm xã hơn 8 km. Sinh ra trong gia đình nghèo cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy nên người anh lớn của Linh phải bỏ học giữa chừng do không đủ điều kiện theo học. May mắn hơn, ngay từ năm lên lớp 1 Linh được cha mẹ đưa về trường bán trú để học tập rèn luyện.

Hằng ngày, ngoài thời gian học tập 2 buổi chính khóa, Linh cùng các bạn học sinh khác còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, lý thú do nhà trường tổ chức. Được các thầy cô uốn nắn, dạy bảo hàng ngày, giúp em không chỉ học tập được kiến thức mà còn trau dồi tính kỷ luật, tự lập và hoàn thiện kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ. Em Sùng Thị Ngọc Linh tâm sự: “Đến trường được các thầy cô chăm sóc, được ăn uống đầy đủ và được tham gia nhiều hoạt động cùng các bạn, nên em rất thích đi học”.

Từ các điểm bản xa xuống trường trung tâm để học tập, mái trường giờ đây đã trở thành ngôi nhà chung, còn các thầy cô giáo chính là những người cha, người mẹ thứ 2 của các em học sinh bán trú. Thời gian học tập sinh hoạt có nền nếp, nên tỷ lệ học sinh chuyên cần của các trường PTDTBT ở huyện Mường Nhé luôn đạt từ 95% trở lên. Các thầy cô giáo có thêm nhiều thời gian để truyền thụ kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh của trường.

Thầy giáo Hờ A Lồng, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ cho biết: “Ngoài công việc chuyên môn trên lớp, các thầy cô giáo được Ban Giám hiệu nhà trường giao luân phiên làm công tác quản trú đối với học sinh. Các thầy cô luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi, nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, phòng ở sạch sẽ, nhất là thực hiện nghiêm giờ giấc theo quy định. Hạn chế cho các em ra khỏi trường để tránh nguy cơ tai nạn thương tích”.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao nhờ mô hình bán trú.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao nhờ mô hình bán trú.

Phát triển toàn diện

Theo quy định tại Nghị định 116, về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã đặc biệt khó khăn, do Chính phủ ban hành năm 2016, học sinh Tiểu học, THCS có nhà ở cách trường lần lượt là 4 km và 7km, hoặc nơi có địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn, đều thuộc diện được thụ hưởng chính sách dành cho học sinh bán trú.

Cũng giống như ở nhiều huyện vùng cao, biên giới khác của tỉnh Điện Biên, việc xây dựng và tổ chức mô hình trường học bán trú, đều nhằm mục đích giúp các nhà trường vừa thực hiện đồng bộ việc chăm sóc sức khỏe, nắm bắt tâm sinh lý của học sinh, vừa giúp các em phát triển toàn diện cả về tri thức. Bà Phạm Thị Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Trần Văn Thọ chia sẻ: “Từ khi thực hiện mô hình trường bán trú đến nay, tỷ lệ học sinh chuyên cần của nhà trường luôn đạt gần 100%, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn. Các em học sinh bán trú có nhiều thời gian học tập, ôn bài hơn nên chất lượng học tập cũng được cải thiện rõ nét”.

Ở nhiều nơi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, phụ huynh đều giao hết con em mình cho thầy, cô.

Ở nhiều nơi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, phụ huynh đều giao hết con em mình cho thầy, cô.

Cũng theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ, mỗi học sinh bán trú đều được hưởng kinh phí hỗ trợ bằng 40% mức lương cơ sở, mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 15kg gạo. Các chính sách kể trên sẽ duy trì thực hiện liên tục trong 9 tháng mỗi năm học. Đây là nguồn lực quan trọng, để các trường PTDTBT ở huyện Mường Nhé thực hiện giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng các em học sinh bán trú.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết: “Hàng năm, chúng tôi cũng triển khai nhiều giải pháp cụ thể, nhằm quản lý và thực hiện tốt mô hình trường PTDTBT, đặc biệt là thực hiện đúng, đủ chính sách của nhà nước dành cho học sinh”.

Huyện Mường Nhé hiện có 35 trường học, trong đó có hơn 20 trường PTDTBT với trên 6.600 học sinh bán trú. Qua nhiều năm thực hiện mô hình trường PTDTBT đã tiếp thêm động lực cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng cao biên giới có điều kiện tốt hơn để học tập. Tỷ lệ học sinh chuyên cần, chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường học bán trú, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ