Trường mầm non miền núi, hải đảo linh hoạt phương pháp, bù lấp khó khăn cho trò

GD&TĐ - Bù lấp những thiệt thòi cho trẻ, nhiều trường mầm non miền núi, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt ứng dụng các phương pháp giáo dục.

Cô trò Trường Mầm non Bình Liêu trong giờ học.
Cô trò Trường Mầm non Bình Liêu trong giờ học.

Khoả lấp những khoảng trống

Bản Sen dù đã hoàn thành chương trình nông thôn mới, nhưng điều kiện kinh tế các hộ dân còn nhiều khó khăn so với các xã khác trong cùng huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Năm học này, Trường Mầm non Bản Sen có 48 học sinh với 4 nhóm lớp. Đặc thù xã biển đảo nên phụ huynh đa phần làm ngư nghiệp, ít có điều kiện chăm sóc con. Theo cô Nguyễn Thu Trang- Hiệu trưởng nhà trường, xã đảo có diện tích nhỏ, thưa dân nên học trò tại trường không đông. Bù lấp lại những khó khăn cho học trò, thầy cô giáo nhà trường luôn quan tâm, chăm lo, tận tình.

Trường mầm non Bản Sen có cơ sở vật chất khang trang.

Trường mầm non Bản Sen có cơ sở vật chất khang trang.

Trường Mầm non Bản Sen có khuôn viên rộng, môi trường xanh, sạch, đẹp. 4 phòng học kiên cố, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các lớp tương đối đảm bảo. Hàng năm, tỉ lệ huy động trẻ ra lớp cao, trong đó trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đạt 100%.

Theo cô Trang, để linh hoạt và bù đắp những thiệt thòi cho trẻ trong công tác chăm sóc giáo dục tại trường thì trước hết Ban giám hiệu nhà trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục, chỉ đạo các lớp thực hiện nghiêm túc giờ nào việc đấy, không cắt xén chương trình.

Kế hoạch giáo dục trẻ sao cho phù hợp với từng độ tuổi, phù hợp với nhận thức của trẻ, phù hợp với địa phương, vùng miền. Ngoài ra còn xây dựng các hoạt động ngoại khóa cho trẻ trải nghiệm: “Bé với các chú bộ đội”, “ Bé làm quen với trường tiểu học”, “Đồng lúa quê em”...

Trẻ được hoà mình với các hoạt động giáo dục (ảnh MH).

Trẻ được hoà mình với các hoạt động giáo dục (ảnh MH).

Nhà trường được các cấp đầu tư khu vực vui chơi với nhiều chủng loại đồ chơi phong phú như: bộ liên hoàn, nhà bóng, đu quay, cầu trượt, tàu hỏa treo. Bên cạnh đó, trường còn xây dựng khu trải nghiệm trong khuôn viên trường với góc chơi với nước, cầu khỉ, ao bèo, chơi với cát.... để trẻ được trải nghiệm. Ngoài ra trong khuôn viên trường còn có khu vườn cổ tích, chợ quê, thư viện xanh, góc giao thông, Thư viện của bé, cô Trang vui vẻ chia sẻ.

Hiện tại đối với cấp học mầm non đang thực hiện chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT là dạy trẻ nhận biết 29 chữ cái chủ yếu thông qua các hoạt động học, hoạt động chơi, tuy nhiên chưa có hướng dẫn hay tập huấn đối với giáo viên mầm non cho phù hợp với chương trình mới của giáo dục phổ thông. Để các trò bắt nhịp được với môi trường tiểu học một cách tốt nhất thì giáo viên trường mầm non Bản Sen đã sáng tạo với các hoạt động giáo dục.

Cụ thể, các cô tạo môi trường giáo dục trong, ngoài lớp học thân thiện. Môi trường trong lớp học, mỗi lớp mẫu giáo đều phải có góc “Bé cùng học chữ”…. Môi trường ngoài lớp học trang trí các mảng tường, góc thư viện xanh sao cho phong phú, đẹp mắt để trẻ được tiếp cận, làm quen với chữ cái được tốt nhất.

Giáo viên cho trẻ nhận biết, làm quen với trường tiểu học ở địa phương qua hình ảnh, các đồ dùng học tập, một số hoạt động... trong chủ đề “Trường tiểu học”.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa “Bé làm quen với trường tiểu học” cho trẻ 5-6 tuổi, với sự kết hợp, hỗ trợ của giáo viên dạy lớp 1 và Trường Tiểu học và THCS.

Trước khi lên lớp 1, các bé 5 tuổi được trải nghiệm, thăm quan trường tiểu học.

Trước khi lên lớp 1, các bé 5 tuổi được trải nghiệm, thăm quan trường tiểu học.

Đa dạng các hoạt động

Trường Mầm non Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh năm học này có 417 trẻ, trong đó 304 trẻ mẫu giáo; 113 trẻ nhà trẻ. Cô Lý Thị Mai- Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Liêu chia sẻ, quá trình thực hiện các hoạt động giáo dục, nhà trường nhận được sự quan tâm của các cấp ngành và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, đặc thù trường khu vực miền núi nên còn nhiều khó khăn cho các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm của trẻ.

Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ; tập trung đổi mới chương trình và phương pháp dạy học. Các chuyên đề nhà trường đã thực hiện như: “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; “giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mầm non”; “sử dụng phương pháp dạy học tiên tiến STEAM”.

Cô trò Trường Mầm non Bình Liêu cùng trải nghiệm các chữ cái.

Cô trò Trường Mầm non Bình Liêu cùng trải nghiệm các chữ cái.

Theo cô Mai, quá trình giáo dục trẻ, nhà trường căn cứ vào kết quả mong đợi, nhu cầu của trẻ trong từng độ tuổi để xây dựng mục tiêu, nội dung, hoạt động phù hợp. Các chương trình giáo dục gắn với hoạt động của địa phương phù hợp với phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, lễ hội trên địa bàn.

Quá trình giáo dục, nhà trường làm linh hoạt hình thức tổ chức hoạt động, ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến vào các hoạt động phù hợp. Chú trọng cho trẻ hoạt động trải nghiệm, hoạt động nhóm nhắm kích thích sự tìm tòi khám phá, trải nghiệm kiến thức của trẻ thông qua hoạt động “chơi bằng học, học mà chơi”.

Để trẻ bắt nhịp với trường tiểu học, giáo viên các lớp 5 tuổi tích cực cho các con làm quen với chữ cái. Trẻ được tô, đồ các nét chữ, sao chép một số kí hiệu, chữ cái, tên của mình. Ngoài ra, trẻ được học, nhận biết bảng chữ cái Tiếng Việt, kích thích các con đọc những chữ đã biết trong môi trường xung quanh. Nhiều trẻ biết quy cách đọc sách từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ đầu sách đến cuối sách. Nhà trường phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn cho các con có cơ hội tham quan trải nghiệm để tạo tâm thế cho các con khi vào lớp 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ