Nghệ An: Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên quay lại trường học

GD&TĐ - Bước sang tuần thứ 2 năm học 2021 - 2022, nhiều huyện, thị tại Nghệ An đã cho học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Giáo viên nhà xa ở lại ký túc xá trong trường để hạn chế di chuyển, tránh nguy cơ lây dịch bệnh.
Giáo viên nhà xa ở lại ký túc xá trong trường để hạn chế di chuyển, tránh nguy cơ lây dịch bệnh.

Mỗi đơn vị tùy theo điều kiện thực tế để giãn cách học sinh, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, ngăn nguy cơ dịch bệnh vào trường học. Trong khi đó, một số địa phương thực hiện song song dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến để vừa phòng dịch, vừa đạt hiệu quả giáo dục theo kế hoạch.

Tránh nguy cơ dịch bệnh cho trò

Trường THPT Đặng Thai Mai (huyện Thanh Chương, Nghệ An) chính thức dạy học muộn hơn so với các đơn vị giáo dục khác trên địa bàn 1 tuần. Lý do theo thầy Lê Văn Thành – Hiệu trưởng cho biết, toàn trường có 23 giáo viên nhà ở cách xa trường như TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn... Dịp khai giảng năm học mới, các địa phương trên đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, nên giáo viên chưa thể quay lại trường. Vì vậy, tuần đầu tiên, nhà trường áp dụng phương thức dạy học trực tuyến.

Bắt đầu từ 12/9, số giáo viên trên sau khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 quay trở lại trường, khai báo y tế tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương. “Để bảo đảm an toàn phòng dịch, chúng tôi đã cho dọn dẹp, vệ sinh khử khuẩn toàn bộ trường lớp và khu ký túc xá của giáo viên. Khi bắt đầu tổ chức dạy học, ngoài thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhà trường lưu ý giáo viên trong việc tiếp xúc với học sinh. Giữ khoảng cách an toàn, với mục đích hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nếu có cho các em”, thầy Lê Văn Thành nói.

Cũng theo hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thai Mai, để tận dụng thời gian dịch bệnh được kiểm soát và cơ sở vật chất đủ bảo đảm, nhà trường tổ chức dạy học 2 ca cho cả 3 khối lớp. Học sinh được dạy kiến thức cơ bản, cốt lõi, có thể đẩy nhanh tiến độ chương trình. Trường hợp nếu phải nghỉ học, nhà trường sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến với các nội dung ôn tập, hệ thống kiến thức cũ cho học sinh.

Kể từ tuần thứ 2 của năm học mới, nhiều huyện, thị của Nghệ An đã cho phép nhà trường dạy học trực tiếp 100%. Đây là những địa phương đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 như Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Anh Sơn...

Tại huyện Quỳ Hợp, 44 trường gồm cả 3 bậc học là tiểu học, THCS và THPT với hơn 20 nghìn học sinh đã chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp. Nhằm giãn cách học sinh, huyện chỉ đạo chia ca sáng chiều đối với từng khối lớp. Trong đó, buổi sáng dành cho các lớp 3, 4, 5, 8,  9, 11, 12 và buổi chiều các lớp còn lại. Giữa các lớp học cũng được bố trí tạo khoảng cách.

Ông Hồ Bình Minh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp cho biết: Phòng cũng có có những điều chỉnh trong sắp xếp thời khóa biểu các môn học. Cụ thể, từ lớp 3 – 9, việc tổ chức dạy tất cả học, còn lớp 1 – 2 chỉ tập trung 3 môn chính là Văn, Toán và Ngoại ngữ. “Thời gian đầu, chúng tôi không vội vàng mà thận trọng khi dạy học trực tiếp. Đồng thời, theo dõi tình hình thực tế, nếu sang tháng 10 dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát ổn định, thì sẽ tổ chức dạy học như bình thường”, ông Hồ Bình Minh nói. 

Các trường tận dụng thời gian dạy học trực tiếp cho khối 1 – 2 khi kỹ năng học trực tuyến của các em còn hạn chế.
Các trường tận dụng thời gian dạy học trực tiếp cho khối 1 – 2 khi kỹ năng học trực tuyến của các em còn hạn chế.

Kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến

Sau 1 tuần thực hiện chỉ thị 19, huyện Nghĩa Đàn bắt đầu cho toàn bộ học sinh đến trường trở lại. Tuy nhiên, thay vì dạy học trực tiếp hoàn toàn, Phòng GD&ĐT chỉ đạo tổ chức kết hợp với dạy học trực tuyến. Bậc THCS và THPT học trực tuyến nội dung ôn luyện. Riêng bậc tiểu học, học trực tiếp buổi sáng và trực tuyến buổi chiều chương trình chính khóa để bảo đảm nội dung 2 buổi/ngày.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn cho hay, việc duy trì dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp nhằm vừa giãn cách thời gian tập trung ở trường, vừa rèn kỹ năng tiếp cận CNTT cho học sinh. Đặc biệt đối với chương trình SGK lớp 1 – 2 mới, có học liệu điện tử với kênh hình, kênh chữ phong phú. Việc khai thác nguồn kiến thức trên là lợi thế, thuận lợi cho các em nếu có sự đồng hành của phụ huynh.

Tương tự, tại huyện Tân Kỳ, việc dạy học trực tiếp cũng đã phủ 100% các xã trên địa bàn. Ngoài các biện pháp phòng dịch đã được thực hiện trong thời gian trước đó như đo thân nhiệt cho học sinh, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh sạch sẽ khuôn viên thì Phòng cũng chỉ đạo nhà trường chia ca học sinh để giãn cách. Học sinh sẽ học 1 buổi trực tiếp, buổi còn lại được hướng dẫn trực tuyến hoặc giao bài về nhà làm. Tuy nhiên, để tận dụng thời gian dạy học trực tiếp, nhà trường tăng mỗi tuần từ 1 – 3 buổi cho học sinh.

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn một số địa phương chưa cho học sinh đến trường do đang thực hiện Chỉ thị 15 như: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu, Nam Đàn và Quế Phong. Học sinh tại các huyện, thành, thị này tiếp tục học trực tuyến theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT.

Tại TP Vinh, bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Qua thống kê từ hệ thống LMS, tỷ lệ học sinh tham gia đủ số tiết đạt từ 97 – 98%. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải về thiết bị và hệ thống mạng, đường truyền. Thành phố đã đề nghị đơn vị cung cấp mở một đường truyền riêng để giáo viên tổ chức dạy và học trực tuyến, tránh nghẽn mạng cục bộ. Dự kiến, khi thành phố chuyển sang Chỉ thị 19 mới có kế hoạch dạy học trực tiếp. Lúc này, Phòng sẽ có phương án để bảo đảm an toàn phòng dịch cho học sinh, giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.