Nghệ An: Mưa lớn liên tục, hồ đập xả lũ khiến nhiều địa phương ngập sâu

GD&TĐ - Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 6, từ ngày 24-25/9 Nghệ An mưa lớn liên tục, cộng với một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi xả tràn khiến nhiều huyện, thị ngập lụt cục bộ, giao thông chia cắt.

Ngập sâu do mưa lũ, lực lượng chức năng huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sơ tán người dân và gia súc đến nơi an toàn. Ảnh: Mặt trận Quỳnh Lưu.
Ngập sâu do mưa lũ, lực lượng chức năng huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sơ tán người dân và gia súc đến nơi an toàn. Ảnh: Mặt trận Quỳnh Lưu.

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, trong 2 ngày qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn liên tục, nhiều hồ, đập thông báo xả lũ xuống hạ nguồn.

Ngày 25/9, hồ chứa nước Sông Sào (huyện Nghĩa Đàn) đang xả tràn 2 cửa van với mức 245m3/giây. Hồ thủy lợi Vực Mấu (huyện Quỳnh Lưu) đang xả 2 cửa van từ 9h30 sáng cùng ngày với tốc độ 291m3/giây.

Hồ thủy lợi Vực Mấu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) xả lũ 2 cửa van từ 9h30 sáng 25/9 với tốc độ 291m3/giây.
Hồ thủy lợi Vực Mấu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) xả lũ 2 cửa van từ 9h30 sáng 25/9 với tốc độ 291m3/giây.

Trên địa bàn có 21 nhà máy thủy điện ở Nghệ An đang vận hành khai thác, trong đó có 8 nhà máy Bản Vẽ; Khe Bố; Chi Khê; Nậm Nơn; Nậm Mô; Bản Ang; Nhạn Hạc A và Châu Thắng đang vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả. Trong sáng  25/9, hồ chứa thuỷ điện Châu Thắng, xã Mường Nọc tiến hành xả lũ với tổng lưu lượng từ 76m3/giây đến 500m3/giây. Chiều cùng ngày, hồ chứa nước thủy điện Chi Khê xả lũ. Tổng lưu lượng xả từ 500m3/giây đến 1.200m3/giây.

Do mưa lớn, lượng nước từ các hồ thủy lợi, thủy điện về nên nhiều huyện, thị của Nghệ An ngập lụt cục bộ, giao thông chia cắt.

Giao thông nhiều nơi tại Nghệ An bị chia cắt cục bộ do mưa ngập.
Giao thông nhiều nơi tại Nghệ An bị chia cắt cục bộ do mưa ngập.

Tại thị xã Thái Hòa, mực nước trên sông Hiếu vẫn tiếp tục dâng cao, nhiều cầu, tràn, khe suối bị ngập băng trong nước. Ở các xã Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, Tây Hiếu và phường Quang Phong…nhiều nhà dân ở các vùng trũng thấp bị ngập nặng, cô lập.

Trên địa bàn huyện Tân Kỳ mưa lớn kéo dài cũng đã ngập nhiều điểm tràn và nhiều diện tích lúa có nguy cơ bị ngập nước. Trong sáng 25/9, đã có nhiều tràn bị ngập nước: Tràn Khe Hao (xã Tân Hợp), tràn Khe Củng (xã Tân Xuân), tràn Tân Diên (xã Đồng Văn), tràn Đập Trảy (xã Giai Xuân), tràn Khe Lá (xã Nghĩa Dũng), và một số tràn khác ở xã Nghĩa Thái,...

Người dân Quỳnh Lưu sơ tán do mưa lớn liên tục khiến khu dân cư bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Mặt trận Quỳnh Lưu.
Người dân Quỳnh Lưu sơ tán do mưa lớn liên tục khiến khu dân cư bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Mặt trận Quỳnh Lưu.

Tại Quỳnh Lưu, nhiều địa phương ngập sâu, có nơi bị cô lập hoàn toàn như Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ. Trong đó, xóm 13 xã Quỳnh Lâm nước ngập sâu gần 1m, nhiều gia đình phải sơ tán đến nơi khác để đảm bảo an toàn. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã trong huyện Quỳnh Lưu bị chia cắt, tuyến đường quốc lộ 1 chạy qua xã Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân cũng ngập sâu.

Theo thống kê ban đầu, mưa lụt tại Quỳnh Lưu khiến 184 nhà ở của dân bị nước tràn vào nhà, trong đó 145 hộ ở thôn 2 và thôn 3, xã Quỳnh Mỹ; 2 hộ ở xóm Tuần B đường 48, xã Quỳnh Châu; 37 hộ ở xóm 8, xã Quỳnh Lâm, trong đó có 1 hộ phải di dời.

Ngoài ra, gần 1.000ha rau màu ở các xã: Quỳnh Yên, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Tân, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Châu, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận và 10 ha lúa ở xã Quỳnh Châu bị ngập nước.

Nhiều diện tích hoa mùa, thủy sản của Quỳnh Lưu bị thiệt hại
Nhiều diện tích hoa mùa, thủy sản của Quỳnh Lưu bị thiệt hại

Trước dự báo toàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để có phương án ứng phó phù hợp. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông, ven suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Thông báo cho người dân chủ động sơ tán người, tài sản khỏi các khu vực ngập lụt, sạt lở đất. Cùng với đó các lực lượng chức năng tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực, trục đường giao thông bị ngập, không cho người và phương tiện qua lại. Rà soát các khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất để chủ động các phương án đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ