Trường lớp khang trang chào đón học trò

GD&TĐ - Chuẩn bị năm học mới, trường học trên cả nước gấp rút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt ở khu vực đông dân cư và miền núi.

Trường Tiểu học Phú Mỹ C (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) sẵn sàng cho năm học 2023 - 2024.
Trường Tiểu học Phú Mỹ C (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) sẵn sàng cho năm học 2023 - 2024.

Ưu tiên vị trí đẹp

Chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, tỉnh Bạc Liêu chi hàng trăm tỷ đồng xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, ưu tiên vị trí đẹp nhất làm trường học. Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, đây là nỗ lực của tỉnh trong việc đầu tư cho giáo dục. Đơn cử, thị xã Giá Rai dành gần 400 tỷ đồng; huyện Hồng Dân với kinh phí hơn 300 tỷ đồng…

Tỉnh Bạc Liêu cũng lựa chọn các vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất để xây dựng trường học. Theo ông Trần Bằng Phi, Trưởng phòng GD&ĐT TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục, các cấp chính quyền đã quan tâm đến công tác giáo dục của thành phố, thể hiện qua việc đầu tư nhiều công trình trường lớp để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho ngành Giáo dục thành phố hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, cơ sở vật chất trường học của tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp cho từng cấp học; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hoạt động giáo dục đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tính riêng năm 2021, 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 311 phòng học, 171 phòng chức năng, thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học... với tổng kinh phí 569.229 triệu đồng. Tỉnh hiện có 222/270 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,22%.

Mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, bố trí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân cũng như yêu cầu đổi mới của ngành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm bổ sung phục vụ cho hoạt động dạy và học. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tại Tiền Giang, theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế. Một số phòng học bán kiên cố xuống cấp chưa kịp thời cải tạo, sửa chữa...

Để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT Tiền Giang tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Toàn tỉnh hiện có 510 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.750 phòng học; trong đó có 7.874 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số phòng học).

Tiền Giang thực hiện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT năm 2018.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng.

Trường Tiểu học Mỹ Thuận B (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) xây dựng khang trang.

Trường Tiểu học Mỹ Thuận B (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) xây dựng khang trang.

Gấp rút hoàn thành trước năm học mới

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Cà Mau quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nên khó khăn về trường lớp cơ bản được giải quyết. Theo đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau, toàn tỉnh có 501 trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với 6.743 phòng học (4.492 phòng học kiên cố). Tuy nhiên, hiện còn 176 phòng học phải mượn, nhờ; trong đó cấp mầm non nhiều nhất với 139 phòng học.

Trước thực trạng trên, sở bố trí nguồn kinh phí trên 19 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp ở 21 đơn vị, trường học trực thuộc sở GD&ÐT. Với các đơn vị, trường học trực thuộc huyện - thành phố cũng tiến hành sửa chữa với kinh phí 95,5 tỷ đồng. Các địa phương tiếp tục bổ sung hơn 114,5 tỷ đồng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 31/8.

Các công trình trường học được xây dựng ở Cà Mau như Trường THPT U Minh (huyện U Minh, Cà Mau) hướng tới đạt chuẩn quốc gia. Công trình được đầu tư hơn 44 tỷ đồng, đã hoàn thiện xây mới 14 phòng học, 9 phòng học bộ môn, nhà xe, cùng nhiều hạng mục sửa chữa cải tạo, nâng cấp một số khu vực phòng học, phòng hành chính… Trường THCS Ngô Quyền (TP Cà Mau) được xây dựng cơ bản với kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Trong thời gian nghỉ hè 2023, những hạng mục bổ sung như mái che, nhà vệ sinh cũng được thi công …

Thầy cô giáo cùng phụ huynh nỗ lực chuẩn bị năm học mới tại Trường Mầm non Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Thầy cô giáo cùng phụ huynh nỗ lực chuẩn bị năm học mới tại Trường Mầm non Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Theo ông Trần Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, sở chỉ đạo thủ trưởng các trường học có kế hoạch cụ thể trong quản lý đất công đúng quy định để từng bước chỉnh trang, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018…

Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%; đường giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế bất cập.

Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mùi, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai, huyện hiện có 64 trường từ mầm non đến THCS với tổng số hơn 16.000 học sinh trong đó cấp tiểu học 346 lớp, THCS là 155 lớp. Năm học 2023 - 2024, tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên toàn ngành là 1.474 người, nhu cầu giao khoán năm học có 146 định mức giáo viên.

Cơ sở vật chất trường học ngày càng được củng cố, tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố được quan tâm đầu tư đúng mức. Các trường có đủ cơ sở vật chất tối thiểu để duy trì việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Cụ thể, ngành Giáo dục địa phương đã tiến hành sửa chữa, cải tạo 16 công trình gồm lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và dự kiến đưa vào sử dụng từ 1/9.

Tỉnh Bạc Liêu lựa chọn các vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất ưu tiên xây dựng trường học. Trong ảnh: Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ (TP Bạc Liêu) được xây dựng khang trang.

Tỉnh Bạc Liêu lựa chọn các vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất ưu tiên xây dựng trường học. Trong ảnh: Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ (TP Bạc Liêu) được xây dựng khang trang.

Khởi đầu thuận lợi

Nằm trên địa bàn xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của huyện Võ Nhai, cách trung tâm huyện khoảng 60 km, năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông DTBT THCS Sảng Mộc có 4 lớp với tổng 115 học sinh, gồm 40 em lớp 6, 33 em lớp 7, 35 em lớp 8 và 32 em lớp 9. 100% là học sinh dân tộc thiểu số, trong đó số em thuộc hộ nghèo chiếm 58,6%, 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt có khăn mồ côi cha mẹ và học sinh khuyết tật.

Thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh Đức cho hay: Trước thềm năm học mới, nhà trường đã phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên; đồng thời, tham mưu với cấp quản lý để tu bổ, mua sắm trang thiết bị.

Về cơ sở vật chất, hiện nhà trường có 1 nhà lớp học 2 tầng 10 phòng, 4 phòng lớp học, phòng đoàn đội, y tế, thư viện, phòng thiết bị, phòng dạy các môn chung có đầy đủ máy chiếu, ti vi, phòng để đồ dùng bàn ghế vật liệu để học mỹ thuật, thực hành vẽ, phòng đựng thiết bị dạy học. Trường đã rà soát theo chỉ đạo của phòng giáo dục, bổ sung 10 bộ bàn ghế, mua bàn ghế cho giáo viên trong các ngày lễ, chào cờ, chuẩn bị đủ 77 bộ bàn ghế cho 140 học sinh.

Ngoài ra, được sự quan tâm của Sở GD&ĐT Thái Nguyên và Hội từ thiện Hoa Mai Vàng, trường được xây dựng 8 phòng ở nội trú cho học sinh. Công trình bếp ăn của học sinh do Cty TNHH Samsung tài trợ. Đối với sách giáo khoa, trường đăng ký với Công ty sách thiết bị trường học để có đủ sách và vở viết cho học sinh trong năm học tới.

Cũng theo thầy Đức, giáo viên đã quay lại trường từ ngày 1/8 để chuẩn bị cho năm học mới và đón học sinh theo đúng kế hoạch. Nhà trường tập trung trang trí lại cảnh quan trường học, chuẩn bị phòng ở nội trú, kê dọn lại giường chiếu, làm sạch chăn màn. Dọn sạch bếp ăn học sinh, làm lại đường điện, nước, vệ sinh hệ thống bể chứa nước...

Cách trung tâm huyện 5 km, Vi Hương là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Vi Hương (xã Vi Hương) có 140 trẻ, trên 90% là người dân tộc thiểu số. Nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vi Hương đồng thời cho biết: Năm học này, cô và trò nhà trường được tiếp nhận và đưa vào sử dụng công trình nhà lớp học với 6 phòng học, phòng chức năng, phòng tin học, ngoại ngữ, âm nhạc. Các phòng đều được trang bị đầy đủ đồ dùng đồ chơi, tivi, mạng Internet.

Vượt qua những rào cản của xã đặc biệt khó khăn, năm học 2023 -2024, trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường thân thiện, tăng cường phát triển các kỹ năng cho trò. Qua đó, đáp ứng kỳ vọng của các cấp lãnh đạo, lòng tin yêu, gửi gắm của phụ huynh, học sinh và nhân dân trên địa bàn.

Giáo dục vùng khó có nhiều khởi sắc. Cơ sở vật chất, trường lớp học ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương. Đồng thời, bằng nỗ lực, hết lòng vì học sinh thân yêu, đội ngũ thầy, cô đang vẽ nên bức tranh đầy lạc quan, đem lại khởi đầu thuận lợi của một năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ