Giúp HS hứng thú hơn trong giờ học
Một trong những địa phương thực hiện chuyển đổi theo hướng trường học thông minh (THTM) thành công là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với mô hình nhà trường có lớp học thông minh. Mô hình này được thí điểm tại Trường Tiểu học Vĩnh Khê từ năm học 2003 - 2004.
Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở lớp học thông minh, GV phải tích cực, chủ động nghiên cứu qua các chuyên đề bồi dưỡng do phòng GD&ĐT tổ chức, qua các tiết dạy mẫu và tự học. Trong 6 năm triển khai, việc dạy và học trong lớp học thông minh mang lại nhiều hứng thú cho HS.
Đến nay, tất cả trường học trong huyện đều có lớp học thông minh. Các phòng học thông minh có kết nối hệ thống Internet cáp quang, đầy đủ thiết bị hạ tầng CNTT phục vụ quản lý và dạy học. GV có tài khoản, hộp thư điện tử riêng để tổ chức giảng dạy trực tuyến và tham gia xây dựng, thiết kế bài giảng điện tử phục vụ công tác giảng dạy và học tập từ xa.
Còn tại Hà Nội, nhiều lớp học thông minh được đầu tư xây dựng dưới sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ lớn. Công ty
Samsung tài trợ phòng học thông minh - Samsung Smart School trị giá 1 tỷ đồng cho Trường THPT Trần Phú; Hiệp hội Văn hóa quốc tế Nhật Bản tài trợ 20 phòng học thông minh trị giá 12 tỷ đồng cho Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm)...
Ngoài ra, nhiều trường học khác đã huy động nguồn tài trợ, xã hội hóa để xây dựng mô hình lớp học thông minh với hệ thống Internet tốc độ cao, màn hình tivi cỡ lớn, máy tính bảng, máy chiếu, phần mềm dạy học... Những phòng học thông minh đã giúp các GV tiếp cận với công nghệ hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng dạy học.
Trường Tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy) triển khai chính thức mô hình THTM sau khi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ GV, HS và sự ủng hộ từ phía phụ huynh. Đây là một trong những trường học đầu tiên tại Hà Nội đưa mô hình lớp học thông minh vào phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập.
Cô Nghiêm Hồng Hạnh, GV khối lớp 3 chia sẻ: Với mô hình lớp học thông minh, HS được tương tác trực tiếp với GV cũng như các bạn trong lớp nhiều hơn. Điều này tạo cho HS hứng thú hơn trong mỗi tiết học. Các em được thực hành trực tiếp trên lớp nên hiểu bài sâu hơn, từ đó phát huy được tính sáng tạo, năng lực tư duy, cách làm việc nhóm và các kỹ năng cần thiết khác.
Mô hình lớp học thông minh tại Trường Tiểu học Archimedes |
Thách thức về ứng dụng công nghệ hiện đại
Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang mô hình trường học mới với những thách thức về ứng dụng công nghệ hiện đại là điều không thể tránh khỏi trong điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay.
Theo cô Vũ Thị Thúy Hằng, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), để tạo môi trường tương tác thông minh cho người học, THTM cần chương trình giảng dạy thông minh có tính tổ hợp cao, linh hoạt và có tính mở. Nội dung chương trình đáp ứng yêu cầu cung cấp kiến thức nền tảng, phát triển năng lực người học.
Chương trình phải được xây dựng theo hướng làm tăng hứng thú học tập, tăng khả năng học tập cho người học, tăng tính hiệu quả của chương trình. Trên cơ sở đó, THTM tạo ra môi trường học tập tích cực, người học có thể học với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Vấn đề đào tạo và phát triển đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu THTM được đặt ra một cách tất yếu. Cần thiết phải có đánh giá thực trạng GV về số lượng, chất lượng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí GV trong THTM; xác định nhu cầu và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam.
Để dạy học hiệu quả trong lớp học thông minh, GV cần có chuyên môn vững vàng, có năng lực sư phạm hiện đại, năng lực công nghệ để sử dụng, phối hợp các thiết bị thông minh trong giảng dạy và hỗ trợ HS học tập. Bên cạnh đó, các thầy cô phải xây dựng chiến lược giảng dạy và hỗ trợ học tập phù hợp với từng đối tượng HS.
Hơn nữa, GV cần có ý tưởng sáng tạo và luôn khuyến khích HS sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có kỹ năng cộng tác và truyền thông tốt. Đặc biệt là khả năng thúc đẩy và thu hút HS học hỏi, khám phá và sáng tạo. Và như thế, GV phải có ý thức và không ngừng phát triển năng lực nghề nghiệp liên tục.
Lãnh đạo và quản lý nhà trường có vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng, thực hiện chia sẻ tầm nhìn và dẫn dắt, hỗ trợ cho các thành viên nhà trường chuyển đổi từ sư phạm truyền thống sang sư phạm thông minh. Thực hiện chuyển đổi mô hình trường học đòi hỏi lãnh đạo, quản lý nhà trường phải công nhận và sử dụng “sức mạnh của công nghệ” để nâng cao hiệu quả học tập của HS; đồng thời “sử dụng thời gian, tài chính và nhân viên hiệu quả hơn”.