Giáo án giấy được thay bằng máy chủ
Theo đó, HS có điều kiện để hình thành, rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm để trở thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, nền tảng quan trọng nhất để xây dựng mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh không chỉ dừng lại ở nền tảng ICT - công nghệ thông tin và truyền thông mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực con người.
Năm học trước, để chuẩn bị cho bài Địa lý ôn tập cuối năm của tuần 33 trong chương trình lớp 5, thay vì giáo án thông thường, cô Ngô Thị Ngọc Tuyết - GV Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã soạn bài giảng canvas, được lưu trữ dựa trên nền tảng điện toán đám mây kết nối với bảng tương tác, máy tính và máy tính bảng. Mỗi HS trong lớp học được trang bị một máy tính bảng kết nối với máy tính của GV và bảng tương tác. Để ôn lại kiến thức về các quốc gia và châu lục trên thế giới, cô giáo yêu cầu HS kéo tên một số quốc gia về đúng châu lục của mình. HS có 15 giây để hoàn thành nhiệm vụ này trên máy tính bảng cá nhân.
Sau 15 giây, cô giáo khóa màn hình và mở bài của một HS ngay trên máy tính của mình để sửa bài. Ở dưới lớp, HS đổi Ipad cho nhau, GV mở màn hình để các em sửa lỗi cho bạn. Cũng trong bài học này, ngoài một số bài tập trắc nghiệm, các em HS rất hào hứng khi tìm ra “điều bí ẩn” sau những mảnh ghép với bài tập ghép các mảnh ghép về hình ảnh của Trái đất đã được cắt rời. Từ việc so sánh ảnh từ vệ tinh chụp Trái đất năm 1978 và hình ảnh của Trái đất năm 2017, HS nêu nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường để có một hành tinh xanh.
Ảnh minh họa/ INT |
Sau khi tiếp nhận bộ đồ dùng phục vụ cho mô hình Lớp học thông minh do VNPT và NTT Việt Nam trang bị thử nghiệm, từ tháng 3/2019, Trường Tiểu học Trần Cao Vân đưa vào thực nghiệm giảng dạy trên phần mềm Smart edu tại 6 lớp học các khối lớp 3 – 4 - 5.
Cô Trần Minh Tâm - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phần mềm giáo dục thông minh phù hợp đối với các môn học như Tự nhiên xã hội, Lịch sử, Địa lý và phần luyện tập cho HS ở môn Toán. Đây được xem là mô hình ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất phục vụ việc học tập và giảng dạy, giúp bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn, khơi gợi hứng thú học tập của HS. GV cũng có thể thiết kế nhiều dạng bài tập cho HS như bài tập trắc nghiệm, bài tập nhiều lựa chọn, bài tập ghép hình…”.
Hệ sinh thái của mô hình giáo dục thông minh
Năm học 2018 - 2019, Đà Nẵng đầu tư 21 tỷ đồng để mua sắm thiết bị thí nghiệm cảm biến cho phòng học bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cho các trường THPT và tiếp tục trang bị thêm trong năm học 2019 - 2020. Các tiết học thực hành, thí nghiệm có thể mở rộng ngoài không gian của phòng học bộ môn để kết hợp với các hoạt động ngoại khóa hoặc các giờ học thực địa.
Ngoài mục tiêu xây dựng hệ thống phòng học bộ môn đạt chuẩn đủ về số lượng cho mỗi trường trung học và có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại, đây cũng là bước đón đầu chuẩn bị cho chương trình - SGK mới và giúp GV, HS bước đầu làm quen với công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thầy Phan Tiến Dậu - Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Trần Phú nhận xét: “So với các thí nghiệm đã có, bộ thí nghiệm cảm biến cho thông số cụ thể và được thể hiện bằng đồ thị các số liệu HS đo được, tiết kiệm được thời gian tính toán để vẽ đồ thị, HS tin vào kết quả mà các em thí nghiệm được. Bộ thí nghiệm này cũng có đồng hồ đa năng tích hợp được với máy tính. Ngoài việc sử dụng độc lập, bộ thí nghiệm cảm biến có thể sử dụng tích hợp được cả với các thiết bị đã được cấp phát trước đó”.
Từ những bộ thí nghiệm cảm biến được trang bị, cùng với việc khai thác tối đa các thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, Trường THPT Trần Phú đã mạnh dạn đưa STEM vào giảng dạy ở một số tiết học và tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thi Robocon cho HS toàn trường, thi thiết kế mô hình hoạt động của xe chuyển động bằng phản lực cho HS toàn trường.
Tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Tiếp cận “Giáo dục thông minh” trong đổi mới giáo dục phổ thông, có ý kiến cho rằng, với giáo dục thông minh, không phải đưa công nghệ vào một cách thuần túy mà phải dùng công nghệ để kết nối. “Muốn xây dựng thành công giáo dục thông minh phải có cách thức để lôi cuốn cả một cộng đồng cùng kết hợp với nhau thì mới làm được, ngoài các đối tượng quan trọng là CBQL, GV, HS thì cha mẹ HS cũng phải tham gia và có sự am hiểu nhất định mới có thể hỗ trợ và đồng hành được, rồi các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp… cũng có vai trò nhất định trong giáo dục thông minh”.