Do đó, chính phủ các nước đang tái xây dựng trường học có thể chống chịu với thiên tai.
Cảnh tượng tạm bợ
Azra, 13 tuổi, nhớ lại cảnh mình chạy ra khỏi nhà tại đảo Lombok (Indonesia) khi một trận động đất dữ dội mạnh 6,9 độ richter xảy ra vào một buổi tối cách đây 6 năm. Hầu hết mọi người khi ấy đều ở trong nhà ăn uống hoặc xem TV. “Chúng cháu chứng kiến từng ngôi nhà sụp đổ. Đó là một mất mát vô cùng lớn”, Azra nói.
Trận động đất diễn ra vào ngày 5/8/2018 mạnh nhất từng được ghi nhận tại Lombok khiến 560 người thiệt mạng và làm hư hại hoặc phá hủy hầu hết các công trình kiến trúc. Nhà của Azra cũng bị tàn phá nặng nề. “Cháu biết ơn vì gia đình cháu đều an toàn nhưng cháu cảm thấy rất buồn vì bố mẹ cháu đã tích cóp nhiều tiền bạc để xây dựng ngôi nhà đấy”, Azra nói.
Ở các ngôi làng dọc theo con đường ven biển tại Lombok, những ngôi nhà đơn sơ đã được xây dựng lại sau trận động đất. Các cửa hàng, quán ăn hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau trận động đất, các trường học đã đóng cửa trong 3 tháng do bị phá hủy hoặc tàn phá nghiêm trọng. Để không làm gián đoạn học tập, các trường tu sửa tạm thời, dựng lên các lớp học trong lán trên sân trường hoặc trong các nhà thờ địa phương.
Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia Indonesia, hơn 400 trường học được xác nhận là bị hư hại nghiêm trọng do động đất. Một số trường học đã được xây dựng lại nhưng Covid-19 cản trở các nỗ lực phục hồi và tiến độ thi công đã chậm lại từ đó.
Đến đầu năm 2024, Azra và các bạn cùng lớp 7 vẫn học trong một lớp dựng tạm bợ tại Trường THCS SMPN 3 Tanjung, nằm ở ngoại ô thị trấn. Những tòa nhà trông như nhà kho, được ráp nối từ những ván ép cũ nát vì chính phủ không thể tu sửa toàn bộ phòng học cho tất cả 400 học sinh.
Azra và bạn bè không cảm thấy thoải mái khi học trong điều kiện khó khăn. Những ngày nhiệt độ tăng cao, hơi nóng tỏa ra từ ván ép như “thiêu đốt” các lớp học. Trong khi mùa mưa, từ tháng 11 - 3, gây lũ lụt và nước dâng đến chân học sinh.
Hy vọng từ đống đổ nát
Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi. Từ tháng 2 năm nay, học sinh Trường THCS SMPN 3 Tanjung là nhóm đầu tiên ngồi trong 4 lớp học có khả năng chống động đất. Những lớp mới đứng sừng sững như ngọn hải đăng hy vọng bên cạnh đống đổ nát.
Đó là tàn tích của thư viện và phòng thí nghiệm khoa học bị phá hủy trong động đất và là lời nhắc nhở cho học sinh, giáo viên về mức độ tàn phá mà thiên tai gây ra.
Các trường khối (block school) là một phần của sáng kiến tiên phong do tổ chức phi chính phủ của Australia Classroom of Hope thực hiện. Mục tiêu nhằm xây dựng lại trường học bị phá hủy bởi thiên tai ở phía Bắc Lombok.
Vật liệu căn bản của trường khối là những khối nhẹ, thường có dạng hình chữ nhật hoặc vuông, được làm từ polyproplylene (PP) tái chế, thường được tìm thấy trong các chai đục, chẳng hạn chai đựng sản phẩm vệ sinh, hộp đựng thực phẩm. Tại nhà máy, đồ vật tái chế được chế biến thành viên, sau đó ráp thành khối.
Theo thiết kế, các phòng học theo mô hình khối được lắp ráp từ những khối nhẹ, liên kết với nhau như các mảnh xếp hình, tạo thành một vật thể vững chãi. Khi động đất xảy ra, những khối này vẫn liên kết và di chuyển cùng nhau để ngăn ngừa tổng thể bị sụp đổ và giảm thiểu rủi ro thương tích.
Ngoài ra, chúng không độc hại, đáp ứng tiêu chuẩn chống cháy trong 60 phút nên có thể tăng cường an toàn cho người sử dụng. Sáng kiến này giúp giảm ô nhiễm rác thải nhựa ở Indonesia. Ước tính, các lớp học truyền thống thải 1,8 tấn rác thải nhựa ra môi trường.
Sau khi sáng kiến được triển khai, Classroom of Hope đã chuyển giao công nghệ sản xuất khối cho Chính phủ Indonesia, từ đó cho ra mắt nhà máy Block Solutions Indonesia tại phía Nam Lombok vào tháng 6/2023.
Đây là nhà máy chuyên dụng đầu tiên sản xuất các sản phẩm xây dựng dành cho mục đích cứu trợ thiên tai. Nhà máy chủ động thu gom vật liệu tái chế để giảm chi phí và lượng khí thải carbon khi vận chuyển vật liệu khối từ nước ngoài. Hiện, công ty cũng sản xuất khối cho các dự án xây dựng khác ngoài trường học ở Indonesia.
Bà Tanya Armstrong - CEO của Classroom of Hope cho biết, mục tiêu chính của sáng kiến trường học khối là cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục. “Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng trẻ em học được ít hơn 50% trong các ngôi trường tạm thời so với khi chúng học ở một trường cố định”, bà Tanya nói.
Nỗ lực chung
Tại Trường Tiểu học SDN 4 Sigar Penjalin, làng Tanjung, 2 lớp học mô hình khối đang được hoàn thiện để thay thế những tòa nhà bị hư hỏng nặng nề do thiên tai.
Tuy nhiên, nhà trường chưa có điều kiện tái xây dựng nên chỉ tu sửa để học sinh có lớp học. Công trình tạm bợ chỉ có những tấm chắn bằng gỗ và kim loại mỏng manh ngăn cách học sinh với tiếng ồn giao thông, khói bụi từ bên ngoài trường.
Hiệu trưởng Baiq Nurhasanah, 46 tuổi, cho biết việc bổ sung thêm các lớp học mới vào các tòa nhà đang sử dụng mang lại cảm giác bình thường rất cần thiết cho ngôi trường sau những thách thức do thiên tai gây ra.
“Vẫn còn những cơn dư chấn mỗi ngày trong một tháng sau trận động đất. Dân làng sợ sóng thần nên sống trên đồi chứ không trở về làng. Học sinh rất lo lắng khi phải đi học”, bà Nurhasanah nói.
Các trường, lớp khối được thiết kế để chịu được hoạt động địa chấn mạnh. Trong thử nghiệm của các kỹ sư xây dựng tại Đại học California, các mô-đun hình tổ ong hoạt động linh hoạt hơn các vật liệu thông thường và nhẹ hơn bê tông cốt thép 100 lần. Kết cấu này dự kiến sẽ giảm thiểu nguy cơ thương tích trong trường hợp xảy ra động đất. Theo bà Nurhasanah, học sinh cảm thấy an toàn và háo hức hơn khi học tập trong các lớp học mới.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Indonesia đã tăng cường biện pháp giảm thiểu nguy cơ trường học bị động đất. Việc xây dựng trường học khối là một trong số đó. Đến nay, 22 ngôi trường với 70 phòng học khối đã được Classroom of Hope xây dựng tại Indonesia. Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng 117 ngôi trường trong 5 - 7 năm, tùy thuộc vào khả năng gây quỹ.
Kỹ sư xây dựng Milyardi, thuộc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), tin tưởng dự án trường học theo khối có tiềm năng nhân rộng nếu được đưa vào chương trình ứng phó quốc gia. Đây là một cách tiếp cận bền vững với môi trường và chống chọi với động đất.
Trường THCS SMPN 3 Tanjung vẫn cần bổ sung cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, thư viện... Nhưng lớp học khối đang giúp trường khôi phục không khí bình thường, tạo động lực cần thiết cho học sinh trở lại trường học.
“Trận động đất đã tác động sâu sắc đến hoàn cảnh xã hội và việc học tập của học sinh nên các em cần điều kiện thoải mái để học tập. Có lẽ sẽ mất một thời gian dài để chữa lành vết thương và xây dựng lại niềm tin của học sinh rằng cuộc sống đã an toàn trở lại”, một giáo viên nhà trường nói.
Azril, 13 tuổi, bạn cùng lớp của Azra cảm thấy “thoải mái hơn nhiều” khi học trong lớp khối thay vì lớp tạm thời. Tâm trạng này giúp em có ý thức học tập cao hơn.
Bài học từ Nhật Bản
Còn tại Nhật Bản, quốc gia mỗi năm phải đối mặt với hàng trăm trận động đất, chính phủ đã tăng cường xây dựng, tu sửa trường học để đạt tiêu chuẩn chống động đất.
Theo cuộc khảo sát năm 2021, 99,6% các cơ sở giáo dục công lập trên toàn quốc, tương đương gần 115 nghìn trường học, đã được cải tạo để chống lại động đất có cường độ từ 6 độ richter trở lên. Con số này tăng hơn gấp đôi nếu so với khoảng 10 năm trước đó, khi chỉ 44,5% các trường học có khả năng chống động đất.
Việc cải tạo dựa trên Tiêu chuẩn chống động đất mới, được ban hành vào tháng 6/1981. Tiêu chuẩn mới yêu cầu các ngôi nhà phải đủ chắc chắn để không bị sụp đổ dưới một trận động đất có cường độ địa chấn là 6 hoặc 7.
Các công trình được lắp đặt thêm lớp đệm cao su bên dưới nền móng để cách ly chúng với rung động nền đất. Ngoài ra, bộ giảm chấn nằm rải rác khắp sàn nhà.
Bên cạnh việc cải tạo các công trình trường học đối phó với thiên tai, việc nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, nhân viên giáo dục về phòng chống thiên tai cũng rất được coi trọng.
Indonesia hay Nhật Bản đều đưa nội dung phòng chống thiên tai vào chương trình giảng dạy hoặc tập huấn cho học sinh, giáo viên. Nội dung gồm hướng dẫn cách nhận biết thiên tai, hiểu rõ mức độ nguy hiểm của các loại thiên tai khác nhau, biện pháp phòng chống thiên tai trong trường học và xã hội...
Tại Nhật Bản, học sinh mẫu giáo đã được hướng dẫn cách xử lý tình huống khi động đất xảy ra. Ví dụ, các em chui xuống gầm bàn trú ẩn khi động đất xảy ra trong trường học.
Lên các cấp cao hơn, học sinh được hướng dẫn cách sơ cứu người bị nạn trong động đất, phát tín hiệu cứu hộ... Nhờ các phương án tổng thể, trường học Nhật Bản có thể đối phó tương đối tốt với động đất, là bài học cho các quốc gia thường xuyên phải hứng chịu thiên tai như Indonesia.
Khi đài Al Jazeera English (Qatar) đến thăm một số trường khối mới đi vào hoạt động tại Indonesia từ tháng 6 năm nay, học sinh và giáo viên biểu lộ niềm yêu thích với các lớp học khang trang, rộng rãi. Học sinh và giáo viên nói rằng họ cảm thấy an toàn hơn trong những tòa nhà khối so với cơ sở cũ, được xây dựng bằng vật liệu thông thường, nhất là từ sau trận động đất.“Chúng em rất háo hức được học trong lớp khối vì nó rất độc đáo, giống như Lego vậy. Chúng em muốn được ở trong lớp học”, học sinh Azril nói.