Chính phủ Thái Lan thông báo triển khai chương trình gây mưa nhân tạo hằng năm từ ngày 29/2, thiết lập 7 trung tâm để điều phối 24 máy bay của Cục Hàng không Nông nghiệp và Tạo mưa Hoàng gia cùng 6 phi cơ của Không quân Hoàng gia tham gia hoạt động gieo mây, làm mưa nhân tạo.
Bộ trưởng Nông nghiệp Thamanat Prompow cho biết, chương trình kéo dài trong tháng 3 và tháng 4 và nhấn mạnh, việc tạo mưa là cần thiết để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp, cũng như ngăn ngừa mưa đá và cháy rừng ở một số khu vực. Mưa nhân tạo cũng sẽ giảm bớt các vấn đề ô nhiễm dai dẳng như khói bụi và bụi mịn PM2.5.
Bên cạnh đó, mưa nhân tạo sẽ bổ sung nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa và đập, có thể được sử dụng cho nông nghiệp ở những khu vực cần được tưới tiêu.
Theo cơ quan dự báo thời tiết nhà nước, mùa Hè ở Thái Lan bắt đầu vào ngày 21/2 và sẽ kéo dài đến giữa tháng 5. Thái Lan sẽ phải đối mặt với một mùa Hè khắc nghiệt vào năm nay. Cụ thể, nhiệt độ được dự báo có thể lên tới 44,5 độ C ở một số vùng trên cả nước.
Sự kết hợp của độ ẩm, gió và các yếu tố khác vào năm 2023 đã đẩy chỉ số nhiệt lên mức kỷ lục trên 50 độ C ở nhiều nơi. Đồng thời, đẩy nhu cầu điện lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Chỉ số nhiệt là khái niệm ám chỉ mức độ nóng mà cơ thể người có thể cảm nhận thấy trên thực tế. Nó là chỉ số kết hợp giữa độ ẩm tương đối, nhiệt độ không khí và tốc độ gió.
Tình trạng ô nhiễm thường trở nên tồi tệ hơn khi mùa khô bắt đầu vào tháng 12, chủ yếu do đốt rơm rạ, cháy rừng và khí thải giao thông.
Trước đó, vào giữa tháng 2, tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tăng vọt ở hầu hết các quận tại thủ đô Thái Lan khiến chính quyền Bangkok phải kêu gọi các cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân cho phép nhân viên làm việc tại nhà.
Trong một thông báo do Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt ký ngày 14/2, thành phố khuyến khích 151 cơ quan công sở và tổ chức tư nhân với 60.279 nhân viên trên địa bàn làm việc tại nhà trong 2 ngày 15 - 16/2. Lý do là mức độ ô nhiễm bụi mịn tại thủ đô đang ở mức cao nguy hiểm cho sức khỏe.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại Thái Lan được cho là do hoạt động đốt rừng, khói bụi công nghiệp và giao thông đông đúc. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết, việc đốt rừng là thủ phạm chính đằng sau sự ô nhiễm. Ông nói thêm rằng, khoảng 1/4 lượng ô nhiễm là do xe cộ - một yếu tố “có thể kiểm soát”.
Chính phủ Thái Lan đã đưa ra các khoản trợ cấp cho nông dân để ngăn chặn việc đốt rừng và khuyến khích nhiều người sử dụng xe điện. Các nhà lập pháp Thái Lan cũng đang xem xét đạo luật không khí sạch cho giao thông, kinh doanh và nông nghiệp nhằm giảm ô nhiễm trên diện rộng.
Theo ông Srettha Thavisin, Thái Lan nên xem xét hạn chế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở thủ đô để kiểm soát ô nhiễm về lâu dài. Ông nói thêm rằng, chính sách xe điện cũng rất quan trọng.