Trường học tất bật lo Tết cho trò

GD&TĐ - Lo Tết cho trò không phải là câu chuyện, việc làm mới song năm nào vào độ giáp Tết, các thầy cô, nhà trường lại tất bật với hoạt động này.

Đại diện Báo GD&TĐ và nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng (Hà Nội) trao tặng áo ấm cho học sinh Mường Mươn, huyện Mường Chà (Điện Biên) nhân dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Minh Thịnh
Đại diện Báo GD&TĐ và nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng (Hà Nội) trao tặng áo ấm cho học sinh Mường Mươn, huyện Mường Chà (Điện Biên) nhân dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Minh Thịnh

Những phần quà vật chất chưa lớn nhưng luôn chứa đựng sự chăm lo, tình cảm của nhà trường, thầy cô.

Món quà ý nghĩa

Là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Ngọc Ánh – Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui và xúc động khi được nhận quà Tết và lì xì 1,5 triệu đồng từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ngọc Ánh bộc bạch: “Đây là món quà ý nghĩa trong những ngày Tết đến Xuân về. Qua đó, giúp chúng em có động lực học tập, vươn lên trong cuộc sống; trước mắt được đón Tết no đủ, ấm áp và vẹn tròn niềm vui”.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hằng năm, ngoài các suất học bổng, học viện kết hợp cùng nhà tài trợ, hảo tâm tổ chức tặng hàng trăm suất quà Tết cho sinh viên. Không chỉ chăm lo cho sinh viên, đơn vị còn quan tâm, hỗ trợ học sinh THPT khó khăn. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái của cán bộ, giảng viên với cộng đồng. Thông qua hoạt động này, nhằm gắn kết yêu thương, gieo niềm tin về những việc làm tử tế; động viên, khích lệ tinh thần học tập, giúp học sinh vươn lên trong cuộc sống.

Dịp này, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng tất bật lo Tết cho sinh viên thông qua chương trình thiết thực. Một số trường đại học phía Nam hỗ trợ quà và tặng “vé 0 đồng” cho sinh viên khó khăn về quê đón Tết Giáp Thìn 2024. “Chuyến xe về Tết” hỗ trợ sinh viên về quê đoàn viên cùng gia đình là chương trình của Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai).

TS Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho hay, đây là năm thứ 5 liên tiếp nhà trường thực hiện chương trình. Theo đó, chiều 28/1, với sự góp sức và đồng hành của 11 doanh nghiệp, hơn 500 sinh viên được thụ hưởng Chương trình “Chuyến xe về Tết”; trong đó hơn 250 sinh viên được trường thuê xe và trực tiếp đưa về nhà.

Số sinh viên còn lại sẽ nhận hỗ trợ kinh phí cho vé xe và chủ động phương tiện đi về. Ngoài ra, Trường ĐH Lạc Hồng đã tặng 20 phần quà dành cho sinh viên không về quê, ở lại làm việc để hỗ trợ kinh phí cùng gia đình. “Đây là một trong những hoạt động thường niên của nhà trường. Qua đó, thể hiện tinh thần ‘Đạo đức - Trí tuệ - Sáng tạo’”, TS Lâm Thành Hiển nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tặng quà Tết cho học sinh THPT huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: NTCC

GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tặng quà Tết cho học sinh THPT huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Kết nối yêu thương

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Bế Thị Bé Lan – Trường Tiểu học & THCS Cao Chương (Trùng Khánh, Cao Bằng) chưa từng biết khái niệm thưởng Tết. Thế nhưng năm nào cô và đồng nghiệp cũng có phần “thưởng” cho học trò. Ở đây, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn. Nhiều gia đình cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên các em khó có được bộ quần áo mới trong ngày Tết.

“Thương học trò, chúng tôi nghĩ ra mọi hình thức để các em được vui Xuân, đón Tết trọn niềm vui. Có năm, chúng tôi tổ chức cho học sinh liên hoan tất niên tại lớp. Năm thì “thưởng” cho trò gói bánh, hộp mứt, đôi tất, mũ len, áo ấm…”, cô Bế Thị Bé Lan kể.

Để có được những gói quà thưởng, cô và đồng nghiệp phải vận động các nhà hảo tâm hoặc trích một phần lương của mình mua sắm. Công cuộc vận động khá trường kỳ và thực hiện mọi lúc, nơi. Nhưng tập trung cao điểm từ tháng 8 âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán.

“Hễ nghe tin cơ quan, đoàn thể, cá nhân nào có ý định tổ chức chương trình Xuân yêu thương, tặng quà Tết học sinh vùng khó là chúng tôi “bắt sóng” để liên hệ”, cô Bế Thị Bé Lan bộc bạch và cho biết, ai nấy đều nghĩ cách bù đắp thiệt thòi, thiếu thốn của học trò vùng cao, để không em nào bị bỏ lại phía sau, hoặc không có Tết.

Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng trên chuyến xe về Tết chiều 28/1. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng trên chuyến xe về Tết chiều 28/1. Ảnh: Website nhà trường

Năm nào cũng vậy, sau khi kết thúc học kỳ I, Trường Mầm non Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) tiến hành rà soát toàn bộ học sinh trong trường nhằm kịp thời hỗ trợ cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô Phó Hiệu trưởng Chử Thị Thanh Huyền chia sẻ, chăm lo, tặng quà Tết cho trẻ là hoạt động không mới nhưng mỗi năm một chuyện, tình huống khác nhau nên trường phải sát sao.

Theo cô Chử Thị Thanh Huyền, nhiều trẻ có hoàn cảnh éo le, khó khăn chồng chất. Chẳng hạn, có trẻ ở với mẹ ốm đau, bệnh tật quanh năm; có trường hợp sống cùng ông/bà nội không còn khả năng lao động… “Với trường hợp khó khăn, nghịch cảnh, chúng tôi luôn tìm mọi cách để có phần quà, lì xì nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc”, cô Chử Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Dịp này, cô Nguyễn Thị Dang - Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn (Bình Định) cùng đồng nghiệp chạy đôn chạy đáo lo Tết cho trò. Trẻ khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế, cô Dang và nhà trường mong muốn đem nhiều điều tốt đẹp nhất tới các em. “Mỗi trẻ khuyết tật là trang giáo án khác nhau… Vì thế, việc lựa chọn quà tặng, lo Tết cho các em phải dựa trên yếu tố tính cách, sở thích…”, cô Dang trải lòng và luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật.

Ngành “Giáo dục đặc biệt” đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm. Thời gian tới, thầy và trò mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, có nhiều chương trình, dự án về giáo dục đặc biệt. Mong xã hội cùng chung tay, đồng hành và hỗ trợ trẻ khuyết tật. Qua đó, giúp các em tự tin, nâng cao khả năng hòa nhập; trước mắt giúp các em được vui Xuân đón Tết Giáp Thìn 2024.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhìn nhận, tấm lòng cao đẹp của thầy, cô giáo, cơ sở giáo dục - đào tạo, nhà hảo tâm sẽ mang đến cho học sinh nghèo, dân tộc thiểu số, yếu thế cái Tết ấm áp. Đó là động lực, niềm tin để các em vui bước đến trường, viết tiếp ước mơ tươi đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.

Xu hướng chọn https://sagogifts.vn/gio-qua-tet/ 2025Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp cao cấp nhập khẩu