Chung tay lo Tết để 'giữ chân' trò

GD&TĐ - Mỗi độ Tết đến, Xuân về giáo viên lại lo nghỉ dài ngày học trò trở lại trường thưa thớt hơn.Vì thế, mỗi nơi lại nghĩ ra cách để giữ chân trò...

Hướng dẫn học sinh cách thức làm bánh. Ảnh tư liệu: NVCC
Hướng dẫn học sinh cách thức làm bánh. Ảnh tư liệu: NVCC

Lá lành đùm lá rách

Năm nào cũng vậy, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần, Trường Mầm non Nậm Nhừ, xã Nậm Nhừ (Nậm Pồ, Điện Biên) lại tổ chức gói bánh chưng tập thể. Hoạt động này vừa là để giáo dục truyền thống cho trẻ nhỏ vùng cao, cũng là để tạo sân chơi, giúp trẻ có thêm niềm vui đến trường.

Năm nay, Trường Mầm non Nậm Nhừ có hơn 400 học sinh. Các em theo học ở điểm trường trung tâm và 8 điểm trường lẻ. Trường dự kiến sẽ tổ chức gói bánh chưng ở cả 9 điểm đồng loạt vào cùng 1 ngày 27/12 âm lịch. Vậy nên, ngay từ đầu tháng 1 Dương lịch, ngoài việc đón trẻ, giáo viên chủ nhiệm các lớp có thêm công việc ghi chép, kiểm kê lá dong, gạo nếp mà phụ huynh mang đến.

“Mỗi gia đình có con đang theo học đóng góp khoảng 1kg gạo và 10 chiếc lá dong. Tất cả gom lại, trường sẽ tổ chức cùng với phụ huynh và các con gói bánh. Kết thúc hoạt động, mỗi con sẽ có khoảng 3 - 4 chiếc bánh mang về làm quà Tết biếu bố mẹ. Tuy rất vất vả song chúng tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa”, cô Lò Thị Thỏa – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Nhừ chia sẻ.

Năm nay, Trường Mầm non Nậm Nhừ dự kiến gói khoảng 1.200 chiếc bánh chưng. Toàn trường có hơn 431 học sinh theo học, nhưng có đến 323 em là con hộ nghèo và cận nghèo. Bởi thế, gánh nặng lại đè lên vai các cô. “Vận động đóng góp là thế, nhưng không phải gia đình nào cũng có gạo để đóng góp đâu! Do vậy, sau khi gói bánh xong, chúng tôi san sẻ, cân đối làm sao để cháu nào cũng có bánh mang về”, cô Thỏa nói thêm.

Cô trò điểm trường Nậm Chua 1, nhóm 5 (Trường Mầm non Nậm Nhừ) chung tay làm bánh chưng xanh. Ảnh tư liệu: NVCC

Cô trò điểm trường Nậm Chua 1, nhóm 5 (Trường Mầm non Nậm Nhừ) chung tay làm bánh chưng xanh. Ảnh tư liệu: NVCC

Để chương trình được hoàn tất theo đúng kế hoạch, nhà trường đã họp, bàn và thống nhất với cha mẹ học sinh thực hiện theo chủ trương xã hội hóa. Các cô bỏ công sức, tiền mua thịt lợn, đỗ xanh làm nhân bánh. Phụ huynh thì góp gạo, lá dong, lạt buộc. Thực phẩm đầy đủ, cả trường “xắn” tay vào cùng với phụ huynh, học sinh gói bánh.

Tết Giáp Thìn 2024 sẽ là năm thứ ba anh Giàng A Nhà tham gia góp gạo cho con. Anh Nhà chia sẻ: Chương trình vui và ý nghĩa nên chẳng cần phải ai bắt buộc cả. Khi nhà trường tổ chức làm bánh thì nhà có 1 con đi học họ sẽ góp khoảng 2 bát gạo. Có nhà góp nhiều hơn. Bà con san sẻ với nhau. Nhà nào có điều kiện thì đóng góp nhiều hơn để hỗ trợ những hộ khó khăn không có đóng góp. Thế nên các con đi học về thì ai cũng vui vì có quà mang về ăn Tết.

Là người “đứng mũi chịu sào” nên cô Thỏa không khỏi áp lực mỗi khi Tết đến, Xuân về. Thấu hiểu hoàn cảnh của người dân địa phương nên Ban giám hiệu nhà trường không nỡ huy động bà con góp đủ.

Yêu cầu giáo viên tự nguyện đóng góp cũng không đành bởi đồng lương của họ còn phải trang trải cho cuộc sống gia đình. Gạo, lá dong và củi đun thì không lo vì kiểu gì thì bà con cũng sẽ đóng góp đầy đủ. Nhưng để hơn 1.200 chiếc bánh được hoàn thiện, theo cô Thỏa, nhà trường vẫn còn thiếu thịt lợn và đỗ xanh để làm nhân bánh.

Vì thế, cô Thỏa đang tính toán sẽ phải kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân để hỗ trợ, làm sao cho mỗi chiếc bánh chưng xanh làm ra được đầy đặn hơn. “Chúng tôi đang thiếu khoảng 30kg thịt lợn và 20kg đỗ xanh. Thầy cô trong trường đang cố gắng kêu gọi sự chung tay từ phía các tổ chức, cá nhân để chương trình được hoàn thiện”, cô Thỏa bộc bạch.

Cả cô giáo và phụ huynh hào hứng tham gia gói bánh chưng. Ảnh tư liệu: NVCC

Cả cô giáo và phụ huynh hào hứng tham gia gói bánh chưng. Ảnh tư liệu: NVCC

Hành động nhỏ, niềm vui lớn

Cô Quàng Thị Lan được giao giảng dạy Nhóm Cháy (một nhóm trẻ) tại điểm bản Nậm Chua 3, xã Nậm Nhừ (Trường Mầm non Nậm Nhừ). Cô Lan nhà ở huyện Điện Biên, vào công tác trong ngành Giáo dục Nậm Pồ đã gần 10 năm nay. Suốt ngần ấy năm cắm khắp các bản, Tết nào cô cũng tổ chức nấu bánh chưng cùng học sinh trước ngày nghỉ Tết.

Năm nay cô Lan và nhóm lớp sẽ làm khoảng hơn 100 chiếc bánh để mỗi cháu khi rời trường sẽ có khoảng 5 cái mang về. “Ngày làm bánh vui lắm! Các cô thì phân công công việc. Phụ huynh thì mỗi người mỗi việc, người thì chẻ lạt, người rửa lá dong, người thì gói bánh. Nếu thiếu củi đun thì họ lại phân công nhau vào rừng kiếm củi. Các con được trải nghiệm thì vui lắm. Cả bố mẹ và cô giáo cũng vui lây!”, cô Lan kể.

Tuần đầu tháng 1/2024, ngày cô Lan nhận được gạo từ một vài phụ huynh mang đến đóng góp. Cô thống nhất sẽ nhận gạo trước, còn lá bánh thì sẽ nhận giáp ngày tổ chức vì sợ để lâu lá sẽ bị héo và khô, làm bánh sẽ không được đẹp và mất ngon.

Như mọi năm, năm nay anh Giàng A Nhà cũng tích cực tham gia. Anh kêu gọi các gia đình thu xếp công việc ruộng nương xong sớm để dành nguyên một ngày cùng nhà trường làm bánh. “Tôi vẫn hỏi các cô giáo xem công việc thế nào. Củi đun thì hàng tháng các cháu đóng góp vào bếp ăn của trường rồi nhưng cũng sợ thiếu. Nếu thiếu thì tôi sẽ vận động anh em trong bản vào rừng kiếm để cho chủ động”, anh Nhà nói.

Ngày Tết của cô trò vùng cao cứ thế diễn ra. Đến khi những chiếc bánh chưng cuối cùng được phát hết thì các cô mới yên tâm rời trường để về với “tổ ấm”. Nhưng niềm vui ngắn “chẳng tày gang”, mấy ngày nghỉ Tết qua đi, các cô lại vội vàng lên trường để kịp khai xuân cùng đơn vị.

Như thông lệ, trước tái giảng 2 ngày, các cô phải có mặt đông đủ. Ngày khai xuân, họ dành ít phút ngắn ngủi để gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới. Thế rồi, như đàn chim rời tổ, mỗi “con” mỗi nơi, thầy cô đi khắp các bản vùng cao để gọi trò đến lớp.

Năm nào cũng thế, trước khi trở lại trường, cô Lan không quên xem lại bánh kẹo trong nhà. Còn bao nhiêu, cô Lan mang lên trường hết để tổ chức Tết lại cho trò. Nếu bánh kẹo không còn nhiều thì dọc đường đi cô sẽ bỏ tiền túi ra mua thêm.

“Lớp học của tôi có 22 em. Trong khi đó, chỉ 1 em thuộc con em hộ cận nghèo. Còn lại đều là con hộ nghèo cả. Ở bản, các con chẳng có kẹo ngon như mình ăn đâu. Khi cô mua kẹo mang lên, các con vui lắm. Vì thế mà ai cũng thích đến lớp ngày đầu để được cô cho kẹo”, cô Lan nói thêm.

Tôi dự kiến sẽ lên trường từ hôm mùng 4 âm lịch vì sáng mùng 5 cả trường sẽ khai xuân. Khai xuân xong là chúng tôi phải trở về bản ngay. Ai ở bản nào thì về bản đó để quét dọn lớp học, lau chùi bảng và chuẩn bị chỗ ngủ cho các con. Xong việc này thì lại tranh thủ đi từng nhà để dặn dò phụ huynh ngày mai đưa con đi học. - Cô Quàng Thị Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...