Tranh suất thi đánh giá năng lực
Toàn bộ học sinh lớp 12A, Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn, Nghệ An) vừa đăng ký thành công dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Để làm được điều này, ngày mở hệ thống đăng ký, cả lớp chia thành 2 nhóm vào 2 quán Internet tại thị trấn vì mạng ở đây nhanh hơn so với ở nhà. Sau buổi sáng, 100% học sinh của lớp đã “giữ chỗ” thành công. Trong đó, hơn 20 em dự thi tại Hà Nội, các em còn lại trong lớp dự thi ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình.
Nguyễn Công Anh - một trong số học sinh cuối cùng của lớp ở quán Internet kịp đăng ký dự thi. Nam sinh chia sẻ lúc ấy vô cùng hồi hộp, căng thẳng cho đến khi hiện lên thông báo thành công. Công Anh cho hay, các trường đại học dành số lượng lớn chỉ tiêu từ xét kết quả thi đánh giá năng lực. Thời gian qua, bên cạnh ôn thi tốt nghiệp, em đã đầu tư và dành nhiều thời gian ôn tập theo định hướng thi đánh giá năng lực. Vì vậy, khi giành được 1 suất dự thi, em cảm thấy may mắn và như lọt được qua cánh cửa đầu tiên để vào đại học.
Tương tự, Võ Tá Lê Cường - lớp 12A1 như trút được gánh nặng khi giành được 1 suất dự thi. Trước đó, Cường đăng ký đợt 3 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng sau thời gian chờ đợi “hệ thống xử lý”, em không thể đăng ký thành công. Mục tiêu của em là ngành Vi mạch điện tử của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là ngành có tỷ lệ chọi, điểm chuẩn cao, nên dù em có thành tích học sinh giỏi tỉnh và xét tuyển theo diện tài năng nhưng vẫn muốn thi đánh giá năng lực để thêm cơ hội.
“Biết kỳ thi có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông, thường xảy ra tình trạng nghẽn mạng nên em cùng cả lớp đến quán Internet để đăng ký. Cuối cùng em đã có suất dự thi tại điểm thi thuộc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội”, Cường vui mừng chia sẻ.
Lớp 12A2, Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) cũng có hầu hết học sinh đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng kịp giữ chỗ. Em Nguyễn Anh Minh sau một buổi sáng ngồi trước màn hình máy tính vẫn bị lỡ kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội. “Bỏ lỡ đợt này, em không còn cơ hội nào để tham gia kỳ thi vì toàn bộ chỗ thi đã được đăng ký hết. Điều này khiến em hụt hẫng bởi 3 tháng qua đã dành nhiều thời gian tập trung ôn thi kiến thức tổng hợp nhiều lĩnh vực”, Anh Minh nói.
Mục tiêu của nam sinh này là vào Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Sau khi không còn cơ hội tại kỳ thi đánh giá năng lực, Nguyễn Anh Minh cho biết đang tập trung vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT và dành phần lớn thời gian cho các môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh và Ngữ văn. Trong đó điểm tổ hợp môn khối A1, em sẽ dùng để xét tuyển đại học.
Trước đó, theo thông báo của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay có 6 đợt thi đánh giá năng lực với 90 nghìn chỗ thi. Tuy nhiên, ngay ngày đăng ký đầu tiên (23/2) đã có trên 250 nghìn người dùng truy cập trang chủ và hơn 121 nghìn tài khoản thí sinh đăng nhập chọn ca thi. Do số lượng đăng ký quá đông nên thí sinh phải đợi từ 30 - 60 phút điền đủ thông tin. Theo quy định, mỗi thí sinh được dự thi tối đa 2 đợt, nhưng nhiều em không đăng ký thành công đợt nào. Sau đợt mở cổng đăng ký thi lần 1, toàn bộ các chỗ thi đã được đăng ký hết.

Nhiều con đường vào đại học
Từ năm lớp 11, Trần Đức Mạnh - học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật đã tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Do chưa học hết kiến thức chương trình phổ thông, nên em chỉ đạt 50 điểm. Lên lớp 12, em dự định tiếp tục ôn tập để thi lại kỳ thi này, nhưng sau đó chuyển hướng tập trung vào kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và thi khoa học kỹ thuật để xét tuyển diện tài năng. Kết quả, em đoạt giải Ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học và có thể xét tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Với thành tích này, em quyết định không thi đánh giá tư duy nữa, thời gian này sẽ tập trung vào ôn thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi bắt buộc và em muốn cố gắng giành điểm cao để có thêm lựa chọn xét tuyển đại học. Em đang cân nhắc nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa hoặc Trường Đại học Ngoại thương. Năm nay, Bộ GD&ĐT có quy định bỏ xét tuyển sớm nên thí sinh phải nghiên cứu kỹ và chắc chắn lựa chọn tối ưu nhất cho mình”, Trần Đức Mạnh chia sẻ.
Kỳ thi đánh giá năng lực ngày được nhiều thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, thực tế ở Nghệ An gần như chưa có trung tâm nào tổ chức ôn thi kỳ thi này cho thí sinh. Các trường THPT cũng thiếu kinh nghiệm ôn tập đáp ứng nhu cầu học sinh, thí sinh chủ yếu tự ôn hoặc tham gia các khóa ôn thi trực tuyến. Vì vậy, học sinh đặt mục tiêu càng cao thì áp lực càng lớn. Chưa kể lệ phí dự thi, chi phí đi lại, di chuyển đến tỉnh thành khác để dự thi cũng khó khăn đối với nhiều học sinh.
Tại Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu), cô Cao Thị Hải An - Phó Hiệu trưởng cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất của trường là dạy học theo đúng chương trình và ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trước xu hướng nhiều em thi đánh giá năng lực, nhà trường đã tổ chức cho các tổ bộ môn nghiên cứu đề thi đánh giá năng lực, tư duy các năm gần đây. Từ đó, tư vấn, hỗ trợ thêm cho các em trong cách ôn tập.
Ngoài các kỳ thi phổ biến, nhiều học sinh THPT tại Nghệ An còn đầu tư thi lấy chứng chỉ IELTS, SAT, ACT... với kinh phí không hề nhỏ. Những chứng chỉ này có thể sử dụng để xét tuyển, cộng điểm ưu tiên hoặc điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển đại học trong và ngoài nước.
“Học sinh có nhiều con đường, cơ hội để vào đại học, nhưng mục tiêu càng cao thì áp lực càng lớn. Việc tham gia nhiều kỳ thi, đánh giá để chắc suất đại học khiến các em vất vả, áp lực. Vì vậy nhà trường cũng thường xuyên tư vấn để học sinh có hướng đi hiệu quả phù hợp và tiết kiệm”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 nói thêm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, sở đã ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh cuối cấp. Trong đó, yêu cầu các trường chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn, giáo viên biên soạn dạng thức câu hỏi, đề kiểm tra đánh giá định kỳ, bài thi đánh giá năng lực để phục vụ cho quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Các câu hỏi, đề kiểm tra phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, năng lực đặc thù của môn học với các cấp độ tư duy phù hợp. Đồng thời tiếp cận với dạng thức câu hỏi đánh giá năng lực theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng của các trường đại học. Cách đây 3 năm, sở GD&ĐT xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT trực tuyến miễn phí cho học sinh. Đến nay, dữ liệu của ngân hàng đề đủ lớn để học sinh thi thử nhiều lần vẫn không bị trùng lặp đề.