Mặt tích cực là làm tăng cơ hội, lựa chọn vào đại học cho thí sinh. Song, sự xuất hiện của các kỳ thi ĐGNL dẫn đến có quá nhiều phương thức xét tuyển trong một trường, ngành, khiến không ít thí sinh hoang mang khi lựa chọn.
Bối rối với các kỳ thi
Năm nay, N.T.L (học sinh lớp 12, Trường THPT Thống Nhất A, Đồng Nai) có nguyện vọng vào đại học ngành Tâm lý học. Nữ sinh nhắm đến 4 trường có đào tạo ngành này, gồm: Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Mở TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và Trường Đại học Sài Gòn.
Điểm chung trong phương án tuyển sinh của các trường này những năm qua là sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, mỗi trường có một cách sử dụng phương thức xét điểm ĐGNL riêng.
Trong năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục tổ chức thi ĐGNL với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30/3 và ngày 1/6 tại 25 tỉnh/thành phố, tương tự năm 2024. Sau 7 năm triển khai, từ 2018 đến 2024, kỳ thi ĐGNL trở thành phương thức tuyển sinh quan trọng với các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM và nhiều trường đại học, cao đẳng khác. Kỳ thi ĐGNL năm 2024 đã giúp Đại học Quốc gia TPHCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% chỉ tiêu tuyển sinh của năm.
Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến dùng kết quả kỳ thi ĐGNL chuyên biệt do trường tổ chức. Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Mở TPHCM sử dụng kết quả kỳ thi thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) và kỳ thi ĐGNL do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
Riêng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) chỉ xét tuyển kết quả thi ĐGNL do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
“Tính chung, em phải tham gia 3 kỳ thi ĐGNL gồm V-SAT, ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM và ĐGNL chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Em muốn tham gia hết các kỳ thi để tăng khả năng trúng tuyển, do những năm qua, ngành này lấy điểm chuẩn khá cao”, L. chia sẻ.
Để chuẩn bị cho các kỳ thi ĐGNL, từ đầu tháng 11, L. đã đăng ký một số khóa luyện thi ĐGNL online, tải đề minh họa để thi thử. Đồng thời, nữ sinh tự học thêm kiến thức môn Địa lý, do không chọn môn học này trong chương trình THPT. “Em thực sự lo lắng, bởi mỗi kỳ thi ĐGNL có một kiểu định dạng đề, cách thức hỏi khác nhau”, L. nói.
Dù chưa công bố phương án tuyển sinh chính thức nhưng nhiều trường đại học dự kiến bổ sung phương thức tuyển sinh trong năm tới; trong đó, có các kỳ thi ĐGNL. Chẳng hạn, Trường Đại học Công Thương TPHCM sẽ phối hợp tổ chức kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM và sử dụng chung kết quả của kỳ thi này trong công tác tuyển sinh từ năm 2025.
Nhà trường dự kiến dành 15 - 20% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ THPT năm tới, giảm 10% so với năm nay; 50 - 60% chỉ tiêu sẽ được dành để để xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tương đương những năm gần đây. Phần còn lại, trường dự kiến xét bằng điểm ĐGNL của Đại học Quốc gia TP HCM và Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng cho biết, dự kiến từ năm 2025, nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh độc lập thông qua kỳ thi ĐGNL chuyên biệt. Phương án này chiếm 40 - 50% tổng chỉ tiêu với khoảng 30 ngành đào tạo.
Thí sinh cần thi ít nhất 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành, trong đó có một môn chính. Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai cộng với điểm môn còn lại. Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến tổ chức 3 - 5 đợt thi tại nhiều điểm với trên 30.000 lượt thi.
Thay đổi đề thi, cách thi
Mới đây, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM ký quyết định ban hành cấu trúc bài thi ĐGNL của đại học này, được áp dụng từ năm 2025. Theo đó, cấu trúc bài thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM được điều chỉnh phù hợp với Chương trình GDPT 2018.
Đại học Quốc gia TPHCM sẽ giữ cấu trúc phần “Sử dụng ngôn ngữ” và “Toán học”, đồng thời thêm số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần “Tư duy logic”, “Phân tích số liệu” và “Giải quyết vấn đề” được cấu trúc lại thành “Tư duy khoa học” nhằm ĐGNL của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Các câu hỏi trong phần “Tư duy khoa học” được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi ĐGNL từ năm 2025 của Đại học Quốc gia TPHCM vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó.
Tương tự, kỳ thi V-SAT năm 2025 cũng có nhiều thay đổi. Số lượng trường đại học hợp tác tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi là 18 trường. Bài thi V-SAT bám sát Chương trình GDPT hiện hành, có tính phân loại cao, song có nhiều thay đổi về cấu trúc và cách tính điểm.
V-SAT tổ chức 7 môn thi độc lập, bao gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Tùy vào mục đích sử dụng kết quả thi, thí sinh được đăng ký dự thi từ 1 đến 7 môn. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Từ năm 2025, bài thi V-SAT có thêm môn Ngữ văn với hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và viết luận trên máy tính.
TS Hà Xuân Thành - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (đơn vị phối hợp, cung cấp đề thi V-SAT cho các trường đại học) cho biết, bài thi V-SAT sẽ thêm dạng thức câu hỏi nhóm MCQs, môn Ngữ văn, dạng thức câu hỏi viết luận; cập nhật ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hoá; điều chỉnh cách tính điểm, nâng cao độ phân hoá năng lực. Để tăng độ tin cậy của bài thi, sẽ có những ràng buộc về cách tính điểm, các loại câu hỏi theo từng môn nhằm đánh giá độ phân hoá. Các môn được chấm bằng máy tính, trừ môn Ngữ văn.
Nếu như trước đây, bài thi này chỉ có 3 dạng câu hỏi thì nay có thêm dạng câu hỏi nhóm, nghĩa là từ một vấn đề xây dựng nhóm các câu hỏi kèm theo. Theo đó, bài thi V-SAT năm 2025 có 4 dạng thức câu hỏi trong đề thi:
Dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai; câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp; câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn hoặc viết luận. Trong đó, nhiều câu hỏi thi được biên soạn theo hướng vận dụng phương pháp đánh giá của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA).
Thiếu nhất quán khi truyền thông
Tại hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào đại học trên máy tính V-SAT được tổ chức tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM hồi tháng 11/2024, đại diện nhiều trường đại học bày tỏ sự lo ngại rằng, thí sinh sẽ bị “ngợp” trước thông tin về các kỳ thi ĐGNL.
Về nguyên tắc, năm 2025, ít nhất 18 trường đại học thống nhất tổ chức thi và công nhận kết quả kỳ thi V-SAT trong xét tuyển. Nghĩa là, thí sinh chỉ cần tham dự thi tại một trường trong “liên minh V-SAT” là có thể lấy kết quả xét tuyển các trường đại học có sử dụng phương thức này. “Tuy nhiên, việc tổ chức thi trong các năm trước cho thấy, thí sinh quan tâm đến trường nào thì mới đăng ký thi V-SAT ở trường đó”, một đại biểu cho biết.
Nhìn nhận thực trạng trên, TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng, nên thống nhất tên gọi chung của kỳ thi V-SAT khi truyền thông với xã hội. Bởi hiện nay, mỗi trường đại học có một cách gọi tên kỳ thi khác nhau: Kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào trên máy tính, kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, kỳ thi V-SAT… Tên đơn vị tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thi cũng được truyền thông tới thí sinh những cách khác nhau. “Nên có một khái niệm chung để truyền thông cho thí sinh để thí sinh dễ hiểu hơn”, ông Quốc Anh nói.
Có thể thấy, việc nhiều trường đại học công nhận chung kết quả các kỳ thi ĐGNL (V-SAT, ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM, ĐGNL chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM…) tạo thuận lợi cho thí sinh khi không phải tham gia nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển các trường đại học. Cùng đó, nếu càng có nhiều trường tham gia sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL, tính cộng hưởng, hiệu ứng xã hội càng cao.
“Các kỳ thi đã làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nhưng cần chuẩn hóa thông tin, việc ngày càng nhiều kỳ thi đánh giá năng lực và các trường đại học sử dụng kết quả này trong xét tuyển đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh. Điều này giúp các em có nhiều lựa chọn phù hợp với năng lực và nguyện vọng, giảm áp lực vào các kỳ thi truyền thống”, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương đánh giá.
Tuy nhiên, ThS Sơn rằng, sự thiếu nhất quán trong cách truyền thông và tổ chức các kỳ thi từ cơ sở GD đại học tạo ra sự bất cập, làm giảm hiệu quả của các kỳ thi ĐGNL. Do đó, cần có một hệ thống thông tin thống nhất và chuẩn hóa để tránh tình trạng rối loạn thông tin, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh trong việc tìm hiểu và lựa chọn.
Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường và cơ quan giáo dục để xây dựng một cơ chế truyền thông đồng bộ và minh bạch, đảm bảo thí sinh và phụ huynh nhận được thông tin đầy đủ, chính xác, giảm thiểu sự nhầm lẫn và hoang mang.
Hiện, 18 đại học, trường đại học ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức thi và sử dụng chung kết quả kỳ thi V-SAT trong năm 2025. Trong đó có 2 đại học gồm: Thái Nguyên, Duy Tân; 16 trường đại học và học viện gồm: Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Mở TPHCM, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Lạc Hồng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Học viện Ngân hàng.