Trường học rốt ráo phòng chống khi 'dịch chồng dịch'

GD&TĐ - Cùng với Covid-19, các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng… diễn biến phức tạp ở TPHCM.

Học sinh Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng rửa tay trước và sau mỗi bữa ăn.
Học sinh Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng rửa tay trước và sau mỗi bữa ăn.

Đặc biệt, mới đây địa phương này vừa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Từ thực tế đó, các trường học đang nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên.

Tiềm ẩn “dịch chồng dịch”

Theo báo cáo, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, tỷ lệ nhập viện điều trị Covid-19 cũng đang có xu hướng gia tăng trở lại và có thể gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, TPHCM có nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác như: Cúm mùa, tay chân miệng... đang trong mùa cao điểm và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi là đậu mùa khỉ.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), phụ huynh cần chú ý đề phòng và nâng cao cảnh giác cho trẻ trước các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt xuất huyết. Thời gian qua, người dân vẫn nhầm lẫn giữa nhiều bệnh nên tình trạng nhập viện trễ diễn ra nhiều.

Ngoài Covid-19, các bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng vẫn tồn tại nên không được chủ quan. Cha mẹ cần rà soát, theo dõi, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu sốt sau khi đã xét nghiệm loại bỏ khả năng nhiễm Covid-19.

“Người dân nên chú ý diệt lăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm, tổ chức dọn dẹp vệ sinh nơi ở. Chú ý theo dõi các triệu chứng sốt đối với trẻ nhỏ, nếu sốt kéo dài từ 3 ngày nên nhanh chóng đến bệnh viện để tầm soát sốt xuất huyết”, bác sĩ Nguyễn Đình Quy cho hay.

Theo đánh giá từ bác sĩ, sốt xuất huyết, cúm mùa và tình hình dịch Covid-19 đang quay trở lại tạo nên nguy cơ “dịch chồng dịch” mà ban ngành y tế cùng bệnh viện sẽ đối mặt trong thời gian tới. Xếp hạng nguy cơ mức độ dịch, bệnh dịch sốt xuất huyết được báo động ở mức cao nhất, tiếp theo là Covid-19, cảm cúm và tay chân miệng. Do đó cần ưu tiên xử lý những bệnh nổi trội sau đó có những can thiệp hiệu quả và kịp thời với các bệnh còn lại, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ quá tải khi dịch bệnh ngày càng có chiều hướng phức tạp.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), việc vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau sàn nhà bằng các loại dung dịch khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi… là cách để hạn chế dịch bệnh xảy ra ở lứa tuổi học đường. Đối với khu vực nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

“Ngoài ra, nhà trường cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên, nhân viên về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với trẻ khi có biểu hiện bệnh, phụ huynh cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nói.

Học sinh Trường THCS Gò Vấp luôn đeo khẩu trang khi đến trường.

Học sinh Trường THCS Gò Vấp luôn đeo khẩu trang khi đến trường.

Trường học chủ động

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngay từ những ngày đầu năm học 2022 - 2023, Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) đã xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, phương án phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Đơn vị này rà soát, bổ sung các nguồn lực, trang thiết bị, hoá chất, vật tư, phương tiện, thuốc phòng chống dịch, sẵn sàng đối phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường đã làm tốt công tác tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn về dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn trường. Đồng thời, trường còn đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh và toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, Rubella, cúm A, đậu mùa khỉ, cũng như nguy cơ bùng phát dịch Covid-19”.

Cũng theo chia sẻ của cô Thu, nhà trường tổ chức phát động tổng vệ sinh trước khi học sinh tựu trường, bố trí các bồn rửa ở các khu vực để học sinh rửa tay bằng xà phòng. Ngoài ra các thầy cô còn vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, tiêm đủ mũi vắc-xin, chú trọng thông tin các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, dịch bệnh mới nổi có thể xảy ra bằng nhiều hình thức như họp hội đồng sư phạm, tập huấn, dán bản tin tuyên truyền.

Tương tự, để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm các loại dịch bệnh, ngay từ đầu năm học mới, Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức) đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo mùa cho đội ngũ giáo viên. Cô Vũ Thị Tú Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ban giám hiệu luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên và nhân viên cấp dưỡng về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân và các biện pháp phòng chống bệnh.

Ngoài ra, nhà trường còn tăng cường giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ như thực hiện rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ. Hàng ngày tổ chức vệ sinh lớp học và các đồ dùng như ly, khăn, bàn chải đánh răng, các kệ tủ. Sau khi trẻ tan lớp, nhân viên sẽ giặt khăn mặt bằng xà phòng, hấp sấy theo đúng quy định. Đặc biệt, thứ 7 hàng tuần, trường sẽ tổng vệ sinh như lật thảm, dùng nước tẩy rửa để lau sàn và vệ sinh đồ chơi…

“Trường có gần 100 trẻ, tất cả đều ăn bán trú. Thời gian qua chúng tôi luôn chú trọng và quan tâm đến sức khỏe, dinh dưỡng của từng em trong từng bữa ăn, sinh hoạt. Bên cạnh đó, trước và sau khi ăn, cô giáo hướng dẫn các con rửa tay bằng xà phòng để giữ vệ sinh cũng như tạo thói quen cho trẻ”, cô Trâm cho hay.

“Đậu mùa khỉ được xác định lây lan qua các giọt bắn lớn. Vì vậy, mọi người có thể chú ý bảo vệ bản thân bằng cách mang khẩu trang, vệ sinh tay chân kỹ, hạn chế tiếp xúc với những người nghi ngờ nhiễm bệnh, luôn nâng cao cảnh giác và thận trọng trong công tác ứng phó. Người dân không cần quá lo lắng khi xuất hiện sự xâm nhập đậu mùa khỉ, bởi tình hình sẽ không nghiêm trọng như Covid-19” - bác sĩ Nguyễn Đình Quy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.