Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh
Bên cạnh đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT thành phố Cần Thơ đã đồng bộ thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học cho học sinh các cấp.
Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trở lại trường.
Tính đến nay, tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh, học viên đến trường khá cao. Trong đó, học sinh tiểu học đạt gần 90%%, học sinh trung học đạt trên 98%, học viên giáo dục thường xuyên đạt 96,7%.
Ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp ngành Y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công chức, viên chức, người lao động, học sinh. Kết quả, có trên 98% công chức, viên chức, người lao động được tiêm mũi 1; mũi 2 đạt 95%, mũi 3 đạt 68%; tỷ lệ học sinh (tuổi từ 12 đến 17) đã tiêm mũi 1 đạt 99%; mũi 2 đạt 93%.
Sở yêu cầu nhà trường tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh cho con em quay trở lại trường tham gia các hoạt động giáo dục trực tiếp sau khi khỏi bệnh.
Các cơ sở giáo dục quán triệt và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần nghiêm túc, không chủ quan, không buông lỏng. Hầu hết phụ huynh an tâm, phấn khởi khi cho con em đến trường học trực tiếp.
Theo cô Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Cờ Đỏ, từ ngày trẻ trở lại trường học trực tiếp, Nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động phụ huynh, nhờ vậy mà tỷ lệ rẻ đến trường học đạt trên 70%. Nếu xảy ra trường hợp trẻ có biểu hiện bất thường, nhà trường chủ động thực hiện các biện pháp xử lý tình huống như đưa trẻ đến phòng cách ly chăm sóc, theo dõi và liên hệ phụ huynh đón rước…
Đến nay, tình hình phòng dịch tại trường đi vào nề nếp. Phụ huynh chủ động kiểm tra sức khỏe trẻ trước khi đến trường. Khi đến trường, nhà trường thực hiện nghiêm 5K như đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng, khẩu trang, giữ khoảng... nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ và an tâm cho phụ huynh”, cô Trần Minh Thư thông tin thêm.
Lồng ghép hoạt động trải nghiệm với biện pháp phòng dịch
Giờ hoạt động trải nghiệm ở chủ đề 6 về bài “Chăm sóc và phục vụ bản thân” của học sinh lớp 2, do cô Huỳnh Thị Ngân, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (quận Ô Môn) phụ trách khá sinh động.
Trong quá trình dạy, cô lồng ghép cho học sinh tham gia trò chơi thực hành để nhớ kiến thức lâu hơn. Quan trọng, thông qua bài học, học sinh được giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh.
Em Nguyễn Huỳnh Bảo Như, học sinh lớp 2, hồ hởi: “Em được cô dạy phải sắp xếp gọn gàng đồ vật, đồ chơi và không vứt bừa bãi. Giữ gìn vệ sinh bản thân sạch sẽ, em không bị bệnh”.
Cô Huỳnh Thị Ngân cho biết, trong sách có từng chủ đề, với từng hoạt động và trò chơi khác nhau, giúp các em xử lý tình huống. Tiết học này hướng đến giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Tại Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều), bên cạnh việc tận dụng thời gian vàng để củng cố kiến thức và giảng dạy cho học sinh. Nhà trường cũng chỉ đạo các giáo viên lồng ghép các nội dung phòng chống dịch trong các bài học, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm tại trường.
Cô Nguyễn Thị Xuân Thao, Khối trưởng khối 5 của Trường TH Ngô Quyền cho biết trong môn học khoa học, các giáo viên đã chủ động lồng ghép nội dung phòng chống dịch vào bài học "sức khoẻ và con người", qua đó giúp học trò hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phòng dịch trong việc giữ gìn sức khoẻ bản thân.
Ngoài ra, để các em củng cố hơn các kiến thức đã học, vào tiết học cuối tuần giáo viên chủ động xây dựng các hoạt động vui chơi như hái hoa dân chủ, đố vui... Qua đó các em sẽ được hỏi và trả lời một số kiến thức liên quan đến phòng dịch.