Mỹ luôn là lựa chọn số một đối với sinh viên Trung Quốc ôm mộng du học. Họ chiếm 1/3 số sinh viên quốc tế tại Mỹ và chi số tiền khổng lồ để theo học tại những ngôi trường hàng đầu tại đây. Tuy nhiên, Mỹ gần đây gia tăng áp lực bằng cách siết chặt quy định về visa với sinh viên đến từ Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vẫn căng thẳng vì chiến tranh thương mại.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ rút ngắn thời hạn visa với một số nhóm sinh viên Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ. Các thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ cũng đang đề xuất một dự luật mới, cấm cấp visa học tập và nghiên cứu tới Mỹ cho bất kỳ ai làm việc trong quân đội Trung Quốc hoặc được lực lượng này tài trợ.
Về phần mình, Trung Quốc hồi đầu tháng ra một cảnh báo chưa từng có tiền lệ với sinh viên và giới nghiên cứu, kêu gọi họ "nâng cao đánh giá rủi ro" trước tình trạng Mỹ liên tục trì hoãn hoặc từ chối cấp visa học tập. Giới phân tích nhận định Bắc Kinh dường như muốn đáp trả Washington trong cuộc thương chiến thông qua việc thuyết phục sinh viên không đến Mỹ học nhằm tăng cường áp lực lên đối thủ.
Đồ họa:BBC. |
Tỷ lệ sinh viên muốn học tập tại Mỹ bị chính phủ Trung Quốc từ chối học bổng trong quý I năm nay là 13,5%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đây là bước tăng đáng kể nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số sinh viên Trung Quốc ở Mỹ.
Trong một thập kỷ qua, số sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Mỹ đã tăng hơn ba lần. Năm 2017-2018, có 360.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký đến Mỹ tham gia các khóa học, trong khi chỉ có khoảng 12.000 người Mỹ tới Trung Quốc du học.
Sinh viên quốc tế đóng góp 28% tổng học phí vào các trường đại học công lập Mỹ, theo số liệu từ Deserve, công ty cung cấp dịch vụ tài chính cho sinh viên. Với 1/3 sinh viên quốc tế ở Mỹ là người Trung Quốc, họ trở thành nguồn thu vô cùng quan trọng đối với nhiều cơ quan, tổ chức giáo dục ở Mỹ.
Số tiền mà sinh viên Trung Quốc và gia đình họ đóng góp cho nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Năm 2017-2018, con số này đạt khoảng 13 tỷ USD, bao gồm cả học phí và chi phí ăn ở, theo NAFSA: Hiệp hội các Nhà giáo dục Quốc tế.
Dù vậy, học tập tại Mỹ vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với sinh viên Trung Quốc. "Các bậc phụ huynh Trung Quốc tin rằng không nền giáo dục ở đâu tốt bằng Mỹ", Mary Gallagher, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Lieberthal-Rogel thuộc đại học Michigan, Mỹ, cho hay.
Đồ họa:BBC. |
Theo giới quan sát, sau khi bùng nổ trong cuộc chiến thương mại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác và các trường học ở Mỹ có thể sẽ tiếp tục hứng chịu thiệt hại về tài chính khi làn sóng du học sinh Trung Quốc tới nước này sụt giảm do tác động của cuộc cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa hai siêu cường.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào tháng 7/2018 khi Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang từ khi Tổng thống Trump tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng trước, đồng thời đe dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa. Bắc Kinh trả đũa bằng việc nâng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Nhiều chuyên gia lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, thậm chí có thể gây nên tình trạng suy thoái trên toàn cầu.