Duy trì thời lượng nhất định dạy học trực tuyến
Trường Tiểu học Sao Đỏ (Chí Linh, Hải Dương) bắt đầu chuyển sang dạy học trực tiếp từ ngày 15/9 với khối 1, khối 5 và từ 20/9 với các khối 2, 3, 4. Dù HS đến trường trở lại, nhưng việc dạy học trực tuyến vẫn được duy trì cho đến nay. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhắc cho biết, hiện nhà trường tổ chức dạy học 5 buổi trực tiếp, 1 buổi trực tuyến. Thời lượng dạy học trực tuyến là 2 tiết với khối lớp 1, 2, 3 và 3 tiết với khối 4, 5.
Bên cạnh đó, những học liệu đã chuẩn bị phục vụ cho dạy học trực tuyến vẫn được GV nhà trường sử dụng một cách phù hợp; hoặc ở trên lớp, hoặc gửi qua Zalo nhóm lớp cho phụ huynh, để cha mẹ phối kết hợp bổ trợ thêm cho các con. Khung phát sóng các bài dạy trên truyền hình VTV7 cũng được trường gửi đến phụ huynh, bố trí cho HS xem lại vào thời điểm thích hợp.
“Việc duy trì dạy học trực tuyến bổ trợ cho trực tiếp đặc biệt phát huy hiệu quả với khối lớp 1. GV viết mẫu và dạy phát âm rồi quay video, gửi vào các kênh của nhóm lớp. Phụ huynh mở ra quan sát và hướng dẫn thêm các con tại nhà. Cách làm này được trường áp dụng trong 2 tuần đầu rất hiệu quả.
Ngoài ra, để sẵn sàng chuyển trạng thái, nhà trường đã xây dựng hệ thống chương trình điều chỉnh theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi có dịch phải tạm dừng đến trường sẽ sẵn sàng xếp khung chương trình, thời khóa biểu hợp lí hơn, bảo đảm lượng kiến thức tối thiểu bắt buộc. GV cũng đã tham gia tập huấn một số lớp do trường ĐH sư phạm tổ chức để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến” - cô Nguyễn Thị Nhắc chia sẻ.
HS tiểu học Bắc Ninh bắt đầu học trực tiếp từ 15/9. Tuy nhiên, theo ông Phí Hữu Quynh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, vì hiện nay, các trường chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nên thời gian dạy học trực tiếp trên lớp chưa đủ để giúp HS ôn luyện, củng cố và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Do đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường kết hợp tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung có sự hỗ trợ của cha mẹ để HS hoàn thành bài học. Thời lượng dạy học trực tuyến hỗ trợ học trực tiếp không quy định “cứng” cho các trường, mà giao cho nhà trường chủ động trên cơ sở phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến triển khai nội dung này, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn cơ sở trực tiếp tại 2 hội nghị vào ngày 7 và 13/10. Các hội nghị này được truyền trực tuyến từ Sở GD&ĐT tới các điểm cầu của phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học; lãnh đạo, chuyên viên các phòng GD&ĐT và cán bộ quản lý, GV các trường tiểu học.
Chủ động các phương án
Sau nhiều đợt dịch bệnh bùng phát, nhà trường, địa phương đã khá nhuần nhuyễn trong việc chuyển trạng thái tổ chức dạy học. Các vùng xanh, HS được học trực tiếp hoàn toàn, nhưng cả thầy và trò vẫn sẵn sàng tâm thế để chuyển sang dạy học trực tuyến. Như tại Thái Thụy, Thái Bình, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, phần lớn các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tổ chức dạy học trực tiếp sau tựu trường từ 1 - 2 ngày.
Mặc dù vậy, chia sẻ của Trưởng phòng GD&ĐT Đỗ Trường Sơn, song song tổ chức dạy học trực tiếp, các trường duy trì sử dụng nền tảng Zoom, Google Meet, Olm, Quizizz… để cung cấp các học liệu, video bài giảng, giao bài tập luyện tập, ôn tập, củng cố kiến thức cho HS và hỗ trợ các em bị mắc kẹt tại địa phương khác hoặc trong khu vực cách ly.
“Sẵn sàng chuyển trạng thái khi dịch bùng phát, ngay từ đầu năm học Phòng GD&ĐT đã triển khai nhiều hội nghị tập huấn về dạy học trực tuyến cho cán bộ, GV. Đến nay, 100% cán bộ, GV các trường tiểu học, THCS, tiểu học và THCS đều được tập huấn dạy học trực tuyến. Các trường xây dựng sẵn sàng phương án, kịch bản dạy học: Dạy trực tiếp, dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến, dạy trực tuyến.
Phòng GD&ĐT đồng thời chỉ đạo nhà trường tuyên truyền, quán triệt đến cha mẹ HS chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ HS tham gia học tập trực tuyến; rà soát, nắm bắt tình hình điều kiện cụ thể của từng em. Chủ động hướng dẫn HS, cha mẹ HS tiếp cận với các công cụ, phần mềm dạy học trực tuyến để trong trường hợp dịch bùng phát, có thể tổ chức dạy học trực tuyến ngay. Phát động cán bộ quản lý, GV, nhân viên toàn ngành ủng hộ Chương trình Máy tính cho em” - ông Đỗ Trường Sơn thông tin.
Dù đã học trực tiếp từ đầu năm học, nhưng thông tin từ ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang, hiện tất cả trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều chuẩn bị sẵn sàng 5 phòng học trực tuyến với đủ máy tính, camera, đường truyền Internet… Trong 2 - 3 tuần đầu, vẫn có HS ảnh hưởng bởi Covid-19 bị cách ly, GV dạy trực tiếp, đồng thời phát trực tuyến để HS được học đồng thời với các bạn. Phương án chuyển trạng thái sang học trực tuyến nếu dịch bệnh bùng phát cũng được các nhà trường sẵn sàng.