Đặc biệt, việc nghiên cứu thành công bộ test kit phát hiện virus SARS-CoV-2 của Học viện Quân y cho thấy, năng lực và tiềm năng nghiên cứu khoa học (NCKH) của các trường rất lớn.
Trách nhiệm với cộng đồng
Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương – Phó Giám đốc Học viện Quân y, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược quân sự cho biết: Bộ test kit của học viện phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu được Bộ KH&CN đánh giá cao, giải pháp khả thi. Đơn vị này có thể sản xuất được 10.000 kit test/ngày. Sau khi Bộ Y tế đăng ký sinh phẩm với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức liên quan sẽ tiến hành sản xuất đại trà để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là kết quả quan trọng giúp Việt Nam chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Không chỉ Học viện Quân y, trước đó, nhiều trường ĐH đã nắm bắt nhu cầu thị trường nên bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất thành công các công cụ, chế phẩm sinh học, góp phần vào việc phát hiện, phòng trừ dịch bệnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (Đại học Thái Nguyên) thông tin: Nhóm nghiên cứu khoa học do TS Trịnh Đình Khá và TS Nguyễn Văn Hảo chủ trì đã hợp tác, nghiên cứu và chế tạo thành công dung dịch sát khuẩn, nước súc miệng công nghệ Nano bạc thảo dược và nước súc miệng diệt khuẩn công nghệ Plasma để phòng ngừa dịch bệnh Covid – 19. Các sản phẩm của nhóm nghiên cứu được Bộ Y tế chứng nhận về tính an toàn và hiệu quả trong việc diệt khuẩn.
“Bằng nguồn lực sẵn có, các nhà khoa học và giảng viên của trường bắt tay ngay vào nghiên cứu và sản xuất thành công các công cụ, chế phẩm sinh học, nhằm góp phần vào việc phát hiện, phòng trừ dịch bệnh” - PGS.TS Nguyễn Văn Đăng trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Từ kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Khoa học đã sản xuất được hơn 3.000 chai dung dịch sát khuẩn tay và 1.000 chai nước súc miệng nhằm chủ động phòng ngừa dịch Covid-19.
Thúc đẩy hoạt động NCKH
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, NCKH là nhiệm vụ của giảng viên nhưng vấn đề đặt ra là cần biến nó trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Muốn vậy, trước hết cần tạo môi trường và động lực cho cán bộ, giảng viên tham gia làm NCKH.
“Chúng tôi, áp dụng chính sách phân bổ kinh phí NCKH cho các khoa theo điểm và được đánh theo tiêu chí cụ thể, minh bạch. Nhà trường có chế độ cho các giảng viên là GS, PGS, TS. Ngoài ra, hỗ trợ viết bài báo khoa học cho giảng viên. Bài báo cấp đại học hay trên hội nghị cũng được hỗ trợ để động viên. Những bài báo có chất lượng sẽ được thưởng, nhất là bài được đăng trên các tạp chí uy tín thế giới…” - PGS.TS Nguyễn Văn Đăng chia sẻ.
Đề xuất giải pháp để thúc đẩy hoạt động NCKH trong các cơ sở GDĐH, TS Trương Thị Thanh Quý - Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: Các cơ sở GDĐH cần xây dựng môi trường NCKH lành mạnh. Theo đó, đề cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động NCKH; Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn đào tạo với NCKH. Từ đó, đề ra kế hoạch NCKH, kết hợp với công tác hướng dẫn NCKH cho sinh viên, học viên sau đại học. Các trường cũng cần tham gia đóng góp ý kiến để hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn nữa.
Ngoài ra, gắn kết giảng viên của trường trong lĩnh vực NCKH với các sở ban ngành, cơ quan doanh nghiệp để phát triển đề tài. Hằng năm, nhà trường cùng với các sở và cơ quan, ban ngành có liên quan tạo điều kiện cho giảng viên được gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp về nhu cầu, đặt hàng đề tài, để khi có kết quả NCKH ứng dụng ngay trong sản xuất và cuộc sống.
Mặt khác, cần phải có người đầu ngành chuyên môn để tư vấn và hỗ trợ các giảng viên, nhằm khơi dậy và thúc đẩy niềm đam mê trong NCKH. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học, giảng viên trường đại học đề xuất và đăng ký đề tài các cấp; Xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) để hỗ trợ các nhà khoa học, giảng viên trường đại học trong việc cung cấp thông tin, chuyên gia đầu ngành, quản lý các đề tài KH&CN.
Cùng với đó, công khai hóa chương trình nghiên cứu các cấp, tạo điều kiện để giảng viên có thể tiếp cận đề tài trong các chương trình này, lựa chọn và tham gia nghiên cứu. Song song với đó, các trường dần hoàn thiện quy trình tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài KH&CN các cấp trên cơ sở cạnh tranh công bằng, nhằm thu hút các nhà khoa học có khả năng, tâm huyết với hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ.
Nhiệm vụ giảng dạy và NCKH trong các trường đại học không tách rời nhau. Thực tế đã chứng minh, nghiên cứu ứng dụng của nhà khoa học, giảng viên của Trường ĐH Khoa học nói riêng và các trường đại học nói chung đã kịp thời đáp ứng với nhu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. - PGS.TS Nguyễn Văn Đăng