Trường học Lào Cai thông tin về các khoản thu đầu năm

GD&TĐ - Trường THCS thị trấn Tằng Lỏng, huyện Bảo Thắng vừa báo cáo giải trình thông tin đăng tải trên Facebook liên quan đến khoản thu, chi đầu năm.

Buổi họp phụ huynh tại trường THCS thị trấn Tằng Lỏng ngày 6/10.
Buổi họp phụ huynh tại trường THCS thị trấn Tằng Lỏng ngày 6/10.

Theo Báo cáo giải trình của trường THCS thị trấn Tằng Lỏng, vào 9 giờ 50 phút, ngày 3/10, trên mạng xã hội Facebook nhóm Chợ Xuân Giao - Bến Đền - Tằng Loỏng xuất hiện bài viết về các khoản thu của trường THCS thị trấn Tằng Loỏng được cho là chưa hợp lý.

Các nội dung đăng tải bao gồm: Giá mua ghế ngồi cho học sinh; mua mới đồng phục thể dục; việc xã hội hóa, vận động tài trợ đối với học sinh lớp 6; bắt phụ huynh đi lao động; nhu cầu ở bán trú của học sinh…

Bà Bùi Thị Hải Vân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên mạng xã hội, phòng đã chỉ đạo nhà trường có biên bản giải trình về các vấn đề được đăng tải. Đồng thời, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) làm rõ về các khoản thu đầu năm của trường”.

Thầy Đặng Thành Chung, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Tằng Lỏng cho biết: “Nhà trường đã nhận được thông tin phản ánh và chủ động làm rõ các thông tin đăng tải trên Facebook để tránh gây bức xúc dư luận. Việc có phụ huynh phản ánh lên mạng xã hội về những vấn đề nêu trên đồng nghĩa với quá trình tuyên truyền, triển khai các khoản thu đầu năm của trường vẫn còn phụ huynh chưa đồng ý”.

Theo đó, đối với việc mua ghế Inox giá 60.000 đồng là đắt so với thị trường, nhà trường cho biết: Do nhận thấy việc dùng ghế nhựa hay gẫy, không phù hợp với nhiều em có cân nặng cao nên trong buổi họp phụ huynh cuối năm học 2023-2024, nhà trường đã xin ý kiến của phụ huynh việc sẽ thay bằng ghế Inox. Trong đó, học sinh lớp 9 ra trường có thể thanh lý cho lớp 6 mới. Ý kiến trên nhận được sự đồng thuận. Nhà trường giao cho công đoàn việc mua và bàn giao ghế cho giáo viên chủ nhiệm trước khai giảng. Ghế mua loại tốt, có đai trong lòng ghế và có hoá đơn đầy đủ.

bao-thang-2-6363.jpg
Nội dung đăng tải trên Facebook liên quan đến các khoản thu chi tại trường THCS thị trấn Tằng Lỏng, huyện Bảo Thắng.

Với việc bắt học sinh phải mua quần áo thể dục với giá 200.000 đồng/bộ, nhà trường cho rằng: Việc định hướng học sinh mặc quần áo đồng phục có logo nhà trường và quần áo thể thao để học môn Giáo dục thể chất thể hiện hình ảnh, truyền thống, sự thanh lịch và văn hoá riêng của nhà trường. Nhà trường không tham gia làm khâu trung gian mà phụ huynh, học sinh tự đi đo và may. Việc mặc đồng phục với môn này chỉ khuyến khích, không bắt ép.

Đối với khoản xã hội hoá của lớp 6 là 500.000 đồng được đăng tải trên Facebook, Báo cáo của trường cho rằng là chưa đúng bản chất sự việc. Theo đó, tại cuộc họp phụ huynh cuối năm học trước, nhà trường đã đưa dự toán vận động tài trợ cho năm học 2024-2025 để chuẩn bị cho công tác làm trường chuẩn Quốc gia vào tháng 11/2024. Trong đó, có nội dung sửa chữa một số hạng mục công trình với tổng trị giá gần 292 triệu đồng. Ban đại diện CMHS đồng ý và về triển khai tại lớp mình.

Đầu năm học 2024 - 2025, nhà trường đã trình Phòng GD&ĐT khoản vận động tài trợ và đã được nhất trí. Theo bảng chi tiết đã được thẩm định và thực hiện theo thông báo số: 66/PGD&ĐT-TB ngày 27/9 về việc huy động vận động tài trợ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Bảo Thắng năm học 2024-2025.

Vì vậy, nhà trường đã tiến hành họp Ban đại diện CMHS xin ý kiến về khoản vận động tài trợ, sau đó Ban đại diện CMHS đã về triển khai họp phụ huynh tại lớp của mình và nhận được sự thống nhất của phụ huynh (có biên bản họp phụ huynh kèm theo).

Thầy Chung khẳng định: “Nhà trường chỉ vận động tài trợ trên hình thức tự nguyện chứ không bắt buộc phụ huynh phải nộp cũng như không cào bằng số tiền theo từng học sinh. Ngày 5/10, nhà trường đã tổ chức mời đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT, đại diện chính quyền thị trấn Tằng Lỏng cùng các ban ngành và hội trưởng, hội phó Hội phụ huynh học sinh của tất cả các lớp để đối thoại các vấn đề trên”.

Cũng theo thầy Chung, thiếu sót của nhà trường là trong công tác tuyên truyền về vận động tài trợ chưa được tốt. Qua đó, vẫn còn một số phụ huynh vẫn chưa hiểu đầy đủ. Nhà trường đã xin chủ trương họp phụ huynh toàn trường vào ngày 6/10 để tiếp tục tuyên truyền để phụ huynh hiểu cặn kẽ vấn đề.

Đối với việc bắt phụ huynh đi lao động 2 ngày, không đi lao động thì nộp 250.000 đồng/ngày công: Nhà trường không bắt mà chỉ huy động phụ huynh ủng hộ, hỗ trợ nhân công 2 ngày vì năm học 2024-2025, nhà trường làm công tác trường chuẩn Quốc gia vào tháng 11/2024. Trong hè và đầu năm học, các cán bộ, giáo viên đã lao động rất nhiều. Còn việc quy đổi ngày công nhà trường không triển khai mà do các nhóm phụ huynh tự nhắn với nhau trong nhóm lớp.

Với việc chia lại lớp, nhà trường giải trình: “Đây là chủ trương của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng, học sinh có điều kiện tập trung học theo đội tuyển và có sự đồng đều về giới tính, dân tộc, trình độ, thôn, tổ dân phố… Tại cuộc họp phụ huynh cuối năm học 2023-2024, nhà trường đã thông báo chủ trương này và phụ huynh không có ý kiến. Nhận được sự đồng thuận, nhà trường mới thực hiện ở năm học 2024- 2025”.

Còn đối với việc bắt phụ huynh thôn Trát kí vào biên bản không ở bán trú trong khi họ có nhu cầu, thầy Chung cho biết: “Nhà trường không hề có biên bản nào liên quan đến việc ở bán trú của học sinh mà buổi họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi chỉ phát cho phụ huynh thôn Trát 1, 2 và 1 bộ phận tổ dân phố 8 phiếu khảo sát nhu cầu ở bán trú. Qua đó rà soát nhu cầu của phụ huynh và có định hướng, phương án cho học sinh ở bán trú khi có nhu cầu.

Trước đó, ngày 22/8/2022, UBND tỉnh Lào Cai có Công văn số 3877/UBND-VX yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về kêu gọi, vận động và quản lý, sử dụng nguồn tài trợ, công tác xã hội hóa và những khoản thu dịch vụ.

Quan điểm của tỉnh Lào Cai, việc thực hiện đảm bảo sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh và nhân dân. Cơ sở giáo dục chỉ được huy động khoản tài trợ và dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục thực sự cần thiết trên tinh thần chia sẻ khó khăn với học sinh, phụ huynh theo nguyên tắc “tự nguyện, thỏa thuận, vì học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.