Chi thường xuyên cho giáo dục: Ranh giới mong manh giữa xã hội hóa và lạm thu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không ít nhà trường e ngại khi thực hiện đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa...

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) trong giờ học.
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) trong giờ học.

Chi thường xuyên ít trong khi phải tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, sửa chữa trang thiết bị… khiến các trường buộc tìm đến nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Nhưng không ít nhà trường e ngại khi thực hiện đẩy mạnh hoạt động này bởi có thể gặp phải những rủi ro, trong đó có việc lạm thu.

Dễ rủi ro

Không ít cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thừa nhận những khó khăn, thậm chí “cạm bẫy” với người hiệu trưởng khi triển khai xã hội hóa giáo dục. Làm xã hội hóa một cách chân chính là vô cùng tốt, có lợi cho ngành Giáo dục, học trò. Tuy nhiên, triển khai xã hội hóa có ranh giới rất mong manh giữa liêm chính và lạm thu. Nếu làm tốt thì được nhân dân và phụ huynh ủng hộ, nhưng nếu không tốt chắc chắn bị phản ứng. Để làm tốt, vai trò của người hiệu trưởng, trong đó có sự hiểu biết, bản lĩnh, không cầu lợi là vô cùng quan trọng.

Thầy Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết: Trong thời điểm hiện nay, nguồn kinh phí Nhà nước cấp chưa đủ để chi phí cho các hoạt động của nhà trường và tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp, trang thiết bị dạy học còn thiếu cần được tu sửa và mua sắm để đáp ứng cho các hoạt động dạy học của nhà trường.

“Ở Trường Tiểu học Thụy Sơn, huy động xã hội hóa từ phụ huynh cũng không nhiều, chỉ từ 100 đến 150 nghìn đồng một em/năm. Để làm tốt xã hội hóa, tôi cho rằng, nhà trường phải làm tốt từ việc xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, ban tiếp nhận tài trợ, trình UBND xã, phòng GD&ĐT; làm tốt việc vận động và tuyên truyền trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của phụ huynh. Phụ huynh ủng hộ bao nhiêu là tùy tâm. Chỉ huy động xã hội hóa khi cần thiết và cấp bách và phải đảm bảo hiệu quả. Cần phải làm tốt việc công khai minh bạch trong tiếp nhận và sử dụng, quyết toán theo đúng quy định của Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT”, thầy Nguyễn Văn Chanh chia sẻ.

Vì vậy, việc huy động xã hội hóa giáo dục cho nhà trường là việc làm rất tốt và cần thiết để nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, động viên khen thưởng giáo viên, học sinh giỏi và giúp đỡ học sinh nghèo. Tuy nhiên, trong việc huy động xã hội hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu huy động doanh nghiệp, nhà hảo tâm có hỗ trợ cho nhà trường thì chỉ được một lần và được ít.

Việc huy động từ phía phụ huynh nếu làm không tốt dễ dẫn đến rủi ro với các lý do: Nhận thức của một số phụ huynh còn hạn chế về vận động xã hội hóa. Nhiều người đề nghị ủng hộ cào bằng thì không đúng với chủ trương huy động xã hội hóa.

Cô Hoàng Thị Bích Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Nếu không có nguồn thu khác mà chỉ sử dụng kinh phí từ ngân sách để triển khai các hoạt động thì rất khó khăn. Để tổ chức hoạt động trong nhà trường với hình thức đa dạng, phong phú, thu hút học sinh tích cực tham gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, yếu tố kinh phí cũng là một khó khăn đối với nhà trường.

Làm tốt công tác xã hội hóa sẽ huy động được sự tham gia của các lực lượng xã hội, cha mẹ học sinh hợp tác, hỗ trợ và có thể huy động thêm nguồn kinh phí để hoạt động giáo dục được tổ chức thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu tổ chức hoạt động nào cũng phải huy động xã hội hoá về nguồn kinh phí có thể dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực như “nhà trường vẽ ra” để thu từ phụ huynh. Đó là một cái khó, là ranh giới mong manh giữa xã hội hóa và lạm thu.

Cũng theo cô Hoàng Thị Bích Thu, chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là đúng và rất cần thiết hiện nay, tuy nhiên vẫn còn có những yêu cầu về quy trình, thủ tục,… khiến nhà trường e ngại khi thực hiện, người hiệu trưởng đôi khi né tránh xã hội hóa. Như vậy sẽ không thu hút được nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Họp Ban đại diện cha mẹ học sinh tại Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) năm học 2022 - 2023.

Họp Ban đại diện cha mẹ học sinh tại Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) năm học 2022 - 2023.

“Tai nạn nghề nghiệp”

Theo bà Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Ttrị, Đại biểu Quốc hội khóa XV, trước khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục, việc huy động sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh phục vụ dạy học đã được triển khai. Khi có chủ trương xã hội hóa, việc này được thực hiện bài bản, quyết liệt, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, dù đã có nhiều văn bản quy định liên quan đến vấn đề này, “tai nạn nghề nghiệp” trong quản lý của hiệu trưởng vẫn xảy ra.

Cùng quan điểm, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định sự cần thiết của xã hội hóa giáo dục. Thực tế hiện nay, tiền chi cho lương của giáo viên chiếm tới trên 80% tổng số tiền của toàn ngành. Nghĩa là số tiền còn lại quá nhỏ để chi cho các hoạt động chuyên môn trong các nhà trường.

Chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục mới, rất khác cách tiếp cận của chương trình giáo dục cũ. Dạy học sinh phát triển năng lực bản thân chứ không chỉ truyền đạt kiến thức khô cứng như cách học, cách dạy theo phương pháp cũ. Chỉ cần một cái bàn với một chỗ ngồi cho học sinh cùng phấn trắng bảng đen là giáo viên sẽ hoàn thành việc truyền giảng đầy đủ kiến thức cho các em. Dạy học đổi mới ngày nay là dạy học sinh cách học, dạy học thông qua hoạt động và hướng dẫn cho học sinh làm.

Đặc biệt dạy học qua thực hành, trải nghiệm hay qua tích hợp là nét đặc trưng của dạy học đổi mới ngày nay. Rõ ràng, để đạt mục tiêu đổi mới giáo dục, chúng ta phải có tiền, nếu không nói là nhiều tiền để giúp các cơ sở giáo dục tổ chức tốt dạy học theo mục tiêu mới.

“Khi Nhà nước dành kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn còn hạn hẹp thì tận dụng nguồn thu từ xã hội là cứu cánh cho các nhà trường. Vấn đề đặt ra là thu tiền làm gì, cách thu như thế nào và quản lý quá trình chi theo quy trình ra sao? Để tránh “tham nhũng vặt”, lạm thu, hay nguy hiểm hơn là vướng vào lao lý, là điều chúng ta cần bàn một cách thấu đáo. Các cấp quản lý đã ban hành khá đầy đủ văn bản hướng dẫn các trường thu chi theo quy định chung. Tuy nhiên, việc giám sát và điều chỉnh văn bản nhằm đảm bảo tính khả thi khi vào thực tiễn cũng cần được chú ý hơn nữa” - ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

“Trong bối cảnh học phí bậc phổ thông chủ yếu Nhà nước bao cấp, kinh phí chi thường xuyên của các nhà trường hạn hẹp, xã hội hóa là không thể thiếu để giúp thầy và trò có điều kiện dạy học tốt hơn. “Tai nạn nghề nghiệp” của hiệu trưởng khi triển khai xã hội hóa là có, nhưng hầu hết là do chưa thực hiện đúng với quy định, đặc biệt về việc công khai, minh bạch” - bà Hồ Thị Minh nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ