Trường học không thể không có Ban đại diện cha mẹ học sinh

GD&TĐ - Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) không chỉ là tổ chức mang tính giám sát, kết nối học sinh với nhà trường, mà còn là tổ chức xây dựng, tham vấn các hoạt động giáo dục, trải nghiệm mang tính toàn diện cho học sinh trong nhà trường. Bỏ đi BĐDCMHS không khác gì bỏ đi sự giám sát chất lượng giáo dục, sự minh bạch của nhà trường với xã hội.

Trường học không thể không có Ban đại diện cha mẹ học sinh

Sự nghi ngại đang bào mòn niềm tin

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT (ban hành ngày 22/11/2011) tại các điều 6, 8, 10 đã xác lập rõ vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của BĐDCMHS trường học và lớp học. Đây là căn cứ pháp lý rõ ràng nhất cho phép các hoạt động vì học sinh, vì môi trường giáo dục tiến bộ, chuẩn mực của những phụ huynh tâm huyết với giáo dục được thực hiện trong khuôn khổ, đúng nguyên tắc.

Hiệu quả và tính hữu ích của BĐDCMHS là điều không thể chối bỏ. Nhưng sự sai lệch trong công tác thực hiện, triển khai các hoạt động kêu gọi hỗ trợ XHHGD, đóng góp quỹ hội, quỹ trường nhằm mang đến một dịch vụ phục vụ học sinh một cách đầy đủ tại một vài nơi đã ít nhiều tác động đến phụ huynh, xã hội những ánh mắt, cái nhìn sai lệch.

Thầy Bùi Ngọc Phi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh) thẳng thắn nhìn nhận: BĐDCMHS đóng vai trò cầu nối cực kỳ quan trọng giữa nhà trường với học sinh, với các phụ huynh khác không chỉ ở việc giám sát kết quả học tập của từng học sinh, chất lượng giáo dục của nhà trường, mà được ví như “cánh tay” nối dài của Ban giám hiệu nhà trường trong quản lý các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm và giáo dục toàn diện. Việc bỏ BĐDCMHS là điều không thể.

“Thực tế, những bức xúc của phụ huynh với các khoản lạm thu là có. Nguyên nhân sự nảy sinh ấy đến từ cách làm không phù hợp, thiếu sự cân chỉnh của các trường, địa phương. Chỉ cần hiệu trưởng làm việc một cách minh bạch, dưới sự đồng thuận của phụ huynh, tôi nghĩ không có vấn đề gì. Mặt khác, không ít phụ huynh nhìn BĐDCMHS trong nhà trường ở góc độ tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng. Chính tâm lý nghi ngờ quá lớn tồn tại nơi số ít phụ huynh đã khiến các giá trị tốt đẹp của phần lớn phụ huynh mong muốn mang đến cho con em mình không được công nhận” - thầy Phi nói.

Ông Mai Ngọc Vinh - Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Việt RDC, một phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non cũng nhìn nhận tầm quan trọng và vai trò của BĐDCMHS trong nhà trường. Ông cho rằng, những ý kiến đề xuất bỏ BĐDCMHS trong nhà trường là những ý kiến có phần cực đoan, không hiểu và nắm hết những lợi ích mà tổ chức này mang lại cho con em mình.

“Với cá nhân tôi, tôi nhận thấy BĐDCMHS về bản chất là tổ chức giúp nhà trường quản lý học sinh, kết nối. Tôi không thể hình dung việc một trường học không có BĐDCMHS sẽ ra sao khi nhà trường không còn một kênh kết nối giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh.

Chính sự nghi ngại từ một số ít phụ huynh đã và đang bào mòn niềm tin về vai trò của BĐDCMHS trong nhà trường với xã hội. Thực tế, nhiều nơi BĐDCMHS không chỉ giúp các hoạt động giáo dục của nhà trường tốt lên, mà còn chia sẻ, giúp đỡ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn rất tốt” - ông Vinh chia sẻ.

Không thể lấy ý kiến một cá nhân để đánh giá toàn cục

Thực tế, luồng ý kiến đề xuất bãi bỏ BĐDCMHS trong nhà trường là không lớn, và liên quan nhiều đến vấn đề tài chính là chủ yếu. Trong khi các khoản thu tại các trường (thu trong quy định) đều phải lấy ý kiến của tất cả phụ huynh còn các khoản thu tự nguyện cho hội là hoàn toàn minh bạch. Bởi tại nhiều trường BĐDCMHS còn làm và chia sẻ những hành động hết sức thiết thực cho học sinh.

Điển hình là trường hợp ông Phạm Anh Tài - Hội phụ huynh Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2) không chỉ tâm huyết trong các hoạt động giáo dục, mà bản thân ông 4 năm liên tục tài trợ chi phí nấu hàng trăm suất cơm hỗ trợ học sinh nhà trường khi tham dự Kỳ thi THPT quốc gia tại nhiều điểm thi trong TPHCM. Ông còn có được sự đồng hành, giúp sức của nhiều phụ huynh khác trong việc tiếp sức học sinh.

Những hình ảnh đẹp, nhiệt huyết vì học sinh của nhiều phụ huynh như ông Phạm Anh Tài có ở khắp nơi. Nó không chỉ phản ánh rõ nét các hoạt động thiết thực của BĐDCMHS trong nhà trường, mà còn khẳng định những ý kiến trái chiều trong việc xóa bỏ BĐDCMHS là rất phản cảm. Bởi phần lớn phụ huynh khi được chúng tôi hỏi đều không đồng tình với giải pháp trên.

Tại Khoản 3, Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGD&ĐT về Kinh phí hoạt động của BĐDCMHS cũng quy định rõ: Việc thu, chi kinh phí của BĐDCMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể BĐDCMHS trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Quy định trên không chỉ thể hiện rõ tính minh bạch trong các khoản thu, đóng góp, mà nó cũng ngầm thể chế hóa các quyền và nghĩa vụ của từng phụ huynh trong việc đóng góp các khoản thu theo quy định, khoản thu tự nguyện. Một khi phụ huynh không đồng tình thì nhà trường không thể và không có quyền ép buộc.

NGƯT Cao Đức Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thực nghiệm, tỉnh Tây Ninh - chia sẻ: Các khoản thu đầu năm là vấn đề hết sức nhạy cảm. Những người làm quản lý như chúng tôi trước kia thật sự như “trên đe, dưới búa”, nên nói thật nếu các phụ huynh không hiểu và chia sẻ công tác XHHGD sẽ rất khó. Thực tế, các khoản thu trong quy định và khoản thu tự nguyện của tất cả các trường hiện nay đều phải thực hiện theo quy định của Sở GD&ĐT từng địa phương.

Theo NGƯT Cao Đức Hòa, để thực hiện công tác XHHGD, đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ học sinh tốt, tất yếu một số trường (những trường khó khăn, thiếu thốn) rất cần sự hỗ trợ, đóng góp của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện bởi ngân sách đầu tư cho giáo dục của chúng ta vẫn còn rất hạn hẹp.

“XHHGD là một chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và từ chính các địa phương. Do đó, để công tác XHHGD được tốt, điều quan trọng nhất theo tôi là cần sự đồng lòng, sự chia sẻ từ phụ huynh chứ không phải những ánh mắt nghi ngại và sự bài xích một cách cực đoan. Theo tôi, không nhiều phụ huynh đồng ý với việc xóa bỏ BĐDCMHS vì tôi tin ai cũng hiểu rõ vị trí, vai trò của BĐDCMHS trong việc kết nối, giám sát chất lượng đào tạo”. NGƯT Cao Đức Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.