Cầu nối đồng hành với nhà trường

GD&TĐ - Rất nhiều phụ huynh HS ở TPHCM khi được hỏi đều cho rằng duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt hội phụ huynh) là rất cần thiết để tạo cầu nối giữa nhà trường với gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. 

Cầu nối đồng hành với nhà trường

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng đề xuất, phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý để không tồn tại những hội phụ huynh biến tướng thành “hội phụ thu” mà dư luận đang rất bức xúc như hiện nay.

Đồng hành với nhà trường

Anh Thái Mỹ Phương Triều, Trưởng Ban đại diện cha mẹ HS Trường Tiểu học Trưng Trắc, quận 11 chia sẻ, từ trước đến nay, Ban luôn hoạt động theo đúng với quy định của Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS, ngoài ra Thông tư 29/2012 về Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Công văn của UBND TPHCM liên quan đến ban đại diện cha mẹ HS.

Được biết, ban đại diện cha mẹ HS của trường Trưng Trắc gồm 33 thành viên, có 5 thành viên là thường trực, còn ban đại diện từng lớp ít nhất là 3 người. Trước một năm học đều có cuộc gặp mặt với ban giám hiệu nhà trường có một kế hoạch chung đưa ra. Khi họp phụ huynh, ban sẽ lấy ý kiến đóng góp của phụ huynh về từng kế hoạch mà ban đưa ra sau khi làm việc với ban giám hiệu, qua đó xem xét hoạt động nào phụ huynh có thể hỗ trợ đồng hành được mới bắt đầu bàn bạc, kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh dựa trên tinh thần tự nguyện, tùy theo khả năng.

Ban đại diện CMHS luôn đồng hành cùng các con
Ban đại diện CMHS luôn đồng hành cùng các con

Theo anh Triều, ở trường Trưng Trắc có tùy theo năm có khoảng 10-20%, phụ huynh không tham gia đóng góp vì một số trường hợp họ không có điều kiện. Có một số hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS hỗ trợ nhà trường là từ quan hệ của từng thành viên trong ban đại diện, chủ yếu đi vận động một số đối tác, doanh nghiệp mạnh thường quân hỗ trợ chứ không hề cào bằng. Với các khoản đóng góp được thu chi ra sao, ban đều công khai rõ ràng, minh bạch cho từng ban đại diện cha mẹ HS các lớp và luôn sẵn sàng giải đáp những băn khoăn của bất cứ phụ huynh nào.

Ngoài những hoạt động cần có kinh phí hỗ trợ, ban đại diện cha mẹ HS cũng đồng hành với trường trong nhiều hoạt động khác. Đơn cử như mới đây Trường đạt giải Nhất Nghi thức đội Thiếu niên tiền phong toàn thành. Phụ huynh ai cũng muốn đến cổ vũ, động viên các con, chăm lo cho các con, chưa kể nhiều người có kinh nghiệm bên công tác này chủ động hỗ trợ các giáo viên một chút để các con có bài thi tốt. Hay như sắp tới Trung thu, bằng các mối quan hệ cá nhân, ban đại diện đang vận động mạnh thường quân tặng bánh cho HS nghèo hay hằng năm đều hỗ trợ tiền ăn bán trú, tiền tập vở,quà Tết cho HS khó khăn của trường…

  Hội phụ huynh hoạt động tốt, là những người tâm huyết gắn bó luôn đồng hành với con em mình.

Có thể thấy ban đại diện cha mẹ HS đã hỗ trợ và đồng hành với nhà trường trong việc chăm lo cho con em mình trong nhiều mặt, vì vậy nếu chỉ đứng trên một phương diện mà đánh đồng tất cả các ban đại diện cha mẹ HS ở các cơ sở giáo dục là không đúng. Việc đề xuất ý kiến bỏ ban này lại càng không đúng. “Những chỗ nào làm sai, làm trái với điều lệ của Bộ quy định thì cần kiểm tra, xử lý kịp thời. Những chỗ nào làm tốt cũng cần được tuyên dương khích lệ các phụ huynh”, anh Phương Triều nói.

Là một phụ huynh có hai con theo học tại trường phổ thông trên địa bàn quận 2, chị Nguyễn Thị Huệ chia sẻ, không nên bỏ hội phụ huynh. Bởi theo chị, vai trò của hội phụ huynh là rất cần thiết để cùng nhà trường chăm lo cho các em HS được tốt hơn. Một vài phụ huynh do bức xúc quá mà có suy nghĩ hơi cực đoan mà quên đi những việc làm vô cùng ý nghĩa, quan trọng của hội phụ huynh đối với con em mình. Nó gần như là phủ nhận lại với những hội phụ huynh hoạt động tốt, những người tâm huyết gắn bó luôn đồng hành với con em họ.

“Tôi xin lấy một ví dụ đơn giản, lớp của hai cháu nhà tôi, các con diễn văn nghệ, các con ngoại khóa, con đi thi cờ vua, thi bơi… hội phụ huynh đều chủ động cắt cử người, nhiều phụ huynh xung phong đi hỗ trợ các cô, động viên các con là điều ai cũng ủng hộ. Đâu chỉ vấn đề thu chi đóng góp mới là hoạt động của hội phụ huynh.

Nhiều phụ huynh sau khi đọc được tâm thư của ông bố xin xóa bỏ hội phụ huynh cho rằng: Phụ huynh ai cũng có công việc, nếu ai cũng phó mặc, khoán trắng hết cho nhà trường vậy con em sẽ ra sao. Nếu đã gửi gắm con vào trường học cần quan tâm và đồng hành với trường, sẻ chia với trường.

Hội phụ huynh là cầu nối

Đưa các con đi dã ngoại
Đưa các con đi dã ngoại

Liên quan đến vai trò của Hội phụ huynh trong việc đồng hành cùng nhà trường trong giáo dục, chăm lo cho HS, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt cho biết: Ban đại diện cha mẹ HS như là cầu nối, ví như là cái kiềng ba chân kết nối, liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường-gia đình và xã hội.

“Ở trường chúng tôi còn mời những phụ huynh giỏi về kĩ thuật, cơ khí cùng tham gia CLB Robotic với HS, để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho con em họ. Hay như mời những phụ huynh có thể thuyết trình, giảng bài theo chuyên đề ngoại khóa cho HS… Sự hỗ trợ của phụ huynh là vô cùng cần thiết. Họ kết nối với trường và họ thấy những việc mà họ đồng hành của trường là hỗ trợ cho giáo dục các con em họ nên ai cũng tự nguyện và rất ủng hộ”.

Thầy Hiếu cũng chia sẻ thêm, khi tìm hiểu, tham quan một số ngôi trường ở Hàn Quốc, Nhật Bản, bản thân thầy rất bất ngờ phụ huynh của các nước bạn. Họ cùng nhau đăng kí, chia nhau ra để hỗ con em họ tới trường an toàn trên nhiều tuyến đường. Cứ một đoạn đường, có 1-2 người đứng để hỗ trợ HS như lên xe bus, khi đi bộ qua đường… Thậm chí cùng đồng hành với con đến để lao động, dọn dẹp trường lớp.

Như vậy, điều quan trọng là cách thức hoạt động của từng hội phụ huynh trong những trường học cụ thể. Vì đã có điều lệ quy định trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, chứ không phải thấy hội phụ huynh ở đâu đó có vấn đề là yêu cầu bỏ, xóa sổ hội phụ huynh. Trong khi đó nhiều hội phụ huynh họ làm rất tốt công tác hỗ trợ trường cũng cần được tuyên dương, khích lệ họ. Cần nhìn nhận ban đại diện cha mẹ HS một cách toàn diện, nhiều mặt chứ không chỉ căn cứ vào một sự việc cụ thể mà đòi xóa bỏ.

Đồng quan điểm trên thầy giáo Hoàng Long Trọng (giáo viên Trường THCS Văn Lang, quận 1) cho rằng, khi đánh giá về ban đại diện cha mẹ học sinh cần xét trên nhiều mặt. Đơn cử như bản thân thầy, thời gian qua trong quá trình dạy học, làm chủ nhiệm được họ hỗ trợ rất nhiều. Cụ thể như thầy cho HS học theo dự án, chính phụ huynh khi thấy con em mình hào hứng, thích thú họ đã chủ động đến để đồng hành cùng các con, động viên thầy và trò thực hiện.

Họ đi tới Củ Chi, hay tự nguyện hỗ trợ quà cho các nhân vật trong dự án mà con em họ thực hiện. Thấy các con di chuyển xa, có phụ huynh xung phong lấy xe cá nhân chở các em đi. Hay như có em, chưa bao giờ đi xe buýt ra ngoại thành, thì nay được trải nghiệm cùng với phụ huynh của mình. Những điều đó tạo nên động lực lớn cho thầy trò trong dạy và học chứ không nhất thiết phải là cái nhìn phiến diện về kinh phí…

Đó là chưa kể đến nhiều nơi, nhiều phụ huynh có điều kiện, thông qua ban đại diện cha mẹ HS, họ chính là mạnh thường quân của trường như trao học bổng cho một vài em khó khăn, hỗ trợ các suất cơm thân thiện…

Có thể thấy, nhiều ban đại diện cha mẹ HS làm rất tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hỗ trợ rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong các hoạt động giáo dục, chăm lo cho HS. Đâu đó vẫn còn một vài nơi biến tướng và tạo ra dự luận không tốt về Ban này. Làm cho nhiều người nghĩ rằng, cứ nhắc đến hội phụ huynh là thu tiền để hỗ trợ trường lớp mua sắm thêm cái này, làm mới cái kia… như vậy là hiểu và nói không đúng về hội phụ huynh HS. Đây cũng là hoạt động đi trái với điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS. Vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, cần xử lý thật nghiêm để tạo niềm tin cho phụ huynh.

Ở trường chúng tôi còn mời những phụ huynh giỏi về kĩ thuật, cơ khí cùng tham gia CLB Robotic với HS, để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho con em họ. Hay như mời những phụ huynh có thể thuyết trình, giảng bài theo chuyên đề ngoại khóa cho HS… Sự hỗ trợ của phụ huynh là vô cùng cần thiết. Họ kết nối với trường và họ thấy những việc mà họ đồng hành của trường là hỗ trợ cho giáo dục các con em họ nên ai cũng tự nguyện và rất ủng hộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.